Tổng thống Nga-Mỹ hội đàm hơn 2 giờ trong cuộc gặp lịch sử

Thứ Bảy, 08/07/2017, 09:14
Cuộc gặp được mong đợi nhất thế giới giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ Donald Trump đã chính thức diễn ra ngày 7-7, bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Đức. 


Bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra tại Đức, Tổng thống Putin và Tổng thống Trump đã có cuộc gặp mặt chính thức lần đầu tiên kể từ khi ông Trump nhậm chức Tổng thống Mỹ. Đây là cuộc gặp thu hút sự chú ý đặc biệt của truyền thông toàn cầu.

Reuters đưa tin, dẫn lời giới chức ngoại giao Mỹ, trong cuộc hội đàm kéo dài trong hơn 2 giờ tại Hamburg, Đức, lãnh đạo hai nước đã thảo luận rất nhiều vấn đề, trong đó tập trung vào giải pháp tháo gỡ bế tắc cho cuộc chiến tại Syria cũng như về cáo buộc Nga can thiệp vào bầu cử Tổng thống Mỹ hồi năm ngoái.

Tổng thống Putin và người đồng cấp Donald Trump tại cuộc gặp lịch sử. Ảnh: RT

Trong khi đó, RT dẫn nguồn tin ngoại giao Nga khẳng định cuộc gặp đầu tiên của 2 nhà lãnh đạo cũng bàn về cuộc khủng hoảng tại Ukraine, chủ nghĩa khủng bố toàn cầu và căng thẳng liên quan đến các vụ thử hạt nhân của CHDCND Triều Tiên.

Được biết, Ngoại trưởng Tillerson và Lavrov là hai quan chức duy nhất có mặt trong cuộc hội đàm kín của Tổng thống Trump và Putin. Sau cuộc hội đàm, 2 ngoại trưởng đều nhất trí rằng cuộc gặp mặt lần đầu diễn ra “rất tích cực, mang tính xây dựng” và hai nhà lãnh đạo đã “kết nối với nhau rất nhanh chóng”.

Can thiệp bầu cử                                     

Tờ Bloomberg dẫn lời Ngoại trưởng Mỹ Tillerson cho hay ông Trump đã nói với Tổng thống Putin về những lo lắng liên quan đến việc chính phủ Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016. Tuy nhiên, Nga một lần nữa khẳng định những lời đồn đại về cái gọi là “Nga can thiệp bầu cử Mỹ” là hoàn toàn sai sự thật.

Hai nhà lãnh đạo đã dành cho nhau cái bắt tay rất mạnh mẽ. Ảnh: RT

Theo Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, Tổng thống Trump đã đồng ý với những tuyên bố của người đồng cấp Nga.

“Tổng thống Trump nói rằng, ông ấy đã nghe tuyên bố rõ ràng của Tổng thống Putin rằng không có chuyện Nga can thiệp bầu cử, và ông ấy đã chấp nhận những tuyên bố đó. Tất cả là thế”, Ngoại trưởng Lavrov nói.

Tuy nhiên, một quan chức chính phủ Mỹ giấu tên lại khẳng định với báo chí rằng chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã không thực sự bị thuyết phục bởi những gì ông Putin đưa ra và Tổng thống Mỹ sẽ tiếp tục “lôi” vấn đề này ra trong một cuộc gặp khác.

Ông này khẳng định phía Mỹ cần đến một cam kết rõ ràng và mạnh mẽ hơn từ phía Nga rằng Nga hoàn toàn không liên quan đến cuộc bầu cử năm 2016 cũng như can thiệp vào mọi vấn đề của Mỹ.

Cần nhắc lại rằng, đến nay, Moscow luôn phủ nhận mọi cáo buộc liên quan đến cái gọi là "Nga can thiệp bầu cử Mỹ" và đề nghị giới chức Mỹ hoặc là "cung cấp bằng chứng" hoặc là "dừng cáo buộc Nga vô căn cứ".

Vấn đề Syria

Thành công lớn nhất có được sau cuộc gặp lịch sử hôm 7-7, theo Ngoại trưởng Tillerson chính là việc Mỹ và Nga đã thống nhất sẽ ngừng bắn tại Tây Nam Syria, dấu hiệu tích cực cho khả năng Mỹ và Nga sẽ hợp tác với nhau nhiều hơn nữa để giải quyết cuộc nội chiến tại Syria.

"Tôi nghĩ rằng đây là dấu hiệu đầu tiên cho thấy về Mỹ và Nga có thể làm việc cùng nhau tại Syria, và kết quả là chúng tôi đã có một cuộc thảo luận rất dài về các vấn đề khác nhau ở Syria. Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc cùng nhau để thiết lập các vùng giảm căng thẳng", Reuters dẫn lời Ngoại trưởng Tillerson.

Các nhà lãnh đạo Nga - Mỹ tại cuộc gặp. Ảnh: Reuters

Ngoại trưởng Lavrov đã xác nhận thông tin nói trên, lệnh ngừng bắn sẽ bắt đầu từ giữa trưa ngày 9-7 tại các tỉnh Tây Nam Syria gồm Daraa, Quneitra và As-Suwayda, theo RT. Người đứng đầu giới ngoại giao Nga cũng cho biết Mỹ có nghĩa vụ đảm bảo các nhóm quân nổi dậy tuân thủ lệnh ngừng bắn.

Theo ông Lavrov, để đảm bảo lệnh ngừng bắn tại Tây Nam Syria và thiết lập vùng giảm căng thẳng, Nga, Jordan và Mỹ có nghĩa vụ điều quân cảnh tới và phối hợp duy trì an ninh.

Thỏa thuận ngừng bắn này được tách bạch khỏi dự thảo về các vùng “giảm căng thẳng” mà Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran bảo trợ, được thiết lập tại hoà đàm Astana. Như vậy, diện tích các vùng hoà bình tại quốc gia Trung Đông sẽ được tăng cường đáng kể - một dấu hiệu tích cực trong giải quyết cuộc khủng hoảng đã kéo dài quá 6 năm.

Trước đó, Nga và Mỹ từng đạt được một lệnh ngừng bắn hồi tháng 9-2016, dưới thời cựu Tổng thống Obama, nhưng nó đã không duy trì được bao lâu do không quân Mỹ ném bom vào một khu vực của quân đội Chính phủ Syria.

Trong cuộc hội đàm đầu tiên, hai nhà lãnh đạo cũng đã bàn về vấn đề tên lửa của CHDCND Triều Tiên. Tại đây, Nga và Mỹ đã có quan điểm trái ngược liên quan đến cách thức đối phó. Tổng thống Trump cho rằng, các hành động của CHDCND Triều Tiên vừa qua khiến căng thẳng leo thang và cần phải giải quyết ngay lập tức.

Trong khi đó, Nga bày tỏ sự thận trọng, phản đối áp đặt thêm các lệnh trừng phạt và khẳng định phải giải quyết vấn đề này một cách thực tế và khéo léo.

Trước đó, tại Liên Hợp Quốc, Nga cũng phản đối áp đặt các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn với Bình Nhưỡng với lập luận rằng tên lửa mới được bắn đi của CHDCND Triều Tiên không phải là tên lửa đạn đạo liên lục địa mà chỉ là một tên lửa đạn đạo tầm trung.

Như vậy, mặc dù cuộc gặp đầu tiên đã mang lại động lực tích cực cho quan hệ Nga –Mỹ thời gian tới, ít nhất là trong giải quyết các điểm nóng như Syria, Ukraine, hay Triều Tiên. Tuy nhiên, nhiều người vẫn lo ngại rằng với cáo buộc về cái gọi là “Nga can thiệp bầu cử Mỹ”, Tổng thống Trump sẽ cần mạnh mẽ hơn để đủ sức thúc đẩy mối quan hệ tích cực với Moscow.

Thiện Nhân
.
.
.