Hòa giải, hòa hợp dân tộc

Thứ Hai, 05/02/2018, 09:42
Hơn thập niên qua, người ta thường đưa cụm từ “hòa giải, hòa hợp” để nói những gì mà xưa nay vốn có cái nhìn chưa thuận lẽ với nhau, bởi; do từ một tác động nào đó gây nên hay định kiến về quan điểm, đường lối, chủ trương...


Nếu nhìn như thế là chưa đồng hóa với nhau để đi tới quyết định dứt khoát: đâu tà, đâu chính mà mang nặng một tư duy ám thị tư tưởng để rồi không đả thông nhau mà chất chứa một tư duy chưa sáng tỏ để tìm thấy cái nguyên lý chính đáng của nó. 

Hòa giải, hòa hợp không có nghĩa là yêu cầu cho một đối tượng ngoại vi, cũng chẳng phải là lời kêu gọi để được bày tỏ thiệt hơn hay vì chính kiến chủ quan mà tạo nên sự mâu thuẫn; ngược lại nó có một vị trí tương đồng để giao thoa trong một tinh thần đoàn kết dân tộc. 

Hòa hợp giờ đây trở nên thông thường qua mọi tầng lớp trong xã hội, nó có một sự hòa đồng và bằng lòng (content) trong nghĩa cử hài hòa (satisfy).

Nhận thức được giá trị tuyệt đối của nó thì vấn đề hòa hợp không còn cái lý nêu ra. Ngay cả người trong nước cũng như ngoài nước luôn mang nặng tâm tư giữa dị biệt và khác biệt để rồi phát sinh tư duy phản kháng; phản kháng không có nguyên nhân là đưa tới tệ nạn xã hội và con người; chúng ta không có dị biệt hay khác biệt mà chỉ có một tiêu đề đồng dạng nghĩa là bình đẳng, bình đẳng trong mọi lĩnh vực. 

Không phân biệt hay giới hạn nào hơn mà cấu tạo vào đó một lý giải hòa hợp trong vai trò chức năng của từng cá nhân, san bằng mọi định kiến, cùng nhau thảo luận dưới chủ đề hòa giải, hòa hợp để tìm thấy cái gì là hợp lý và cái gì không hợp lý.

Lời kêu gọi tha thiết ấy chính là tiếng nói của tình yêu: ở chúng ta không thể chối từ thứ tình cảm đáng quý đó. Nói về Đạo/Tao Lão giáo chủ trương đạo đức trong tình yêu là khâu then chốt của con người. 

Xã hội không có tình yêu là xã hội chết. Đó là đứng trên lập trường triết thuyết để biện minh cái lý của nó, nhưng; đứng trên tình người là một cái gì cao cả và tôn trọng lẫn nhau; “hiệp thương” tư tưởng là con đường chúng ta hướng tới từ bên trong lẫn bên ngoài là đồng nhất, không còn phân chia hay tạo nên rào cản, phân ranh bên này hay bên kia, bởi; chúng ta là một, nghĩa là không có hai mà tái lập một thứ tình nghĩa anh em cùng một nhà: không ai ở trên đời này là tuyệt đối cả mà chỉ có một chân lý là tuyệt đối, tuyệt đối đó do từ chúng ta dựng nên.

Chúng ta đang ở trong một kỷ nguyên của khoa học nhân văn, của khoa học kỹ thuật đó là bước tiến mới không vì một lý do gì mà giậm chân tại chỗ trước trào lưu của thế giới. Chúng ta đang góp phần và hiện diện trước một hiện trường thực tế. Chúng ta hòa hợp, hòa giải là chúng ta mở đường cho những thế hệ mai sau. Thế hệ sau này sẽ tìm thấy đích thực chủ nghĩa tự do, một thứ tự do đúng nghĩa có quy luật. 

Bà con Việt kiều về Việt Nam mừng rỡ gặp người thân tại sân bay. Ảnh: Độc Lập (TN).

Lời nói của hôm nay là tiếng nói tha thiết của những người nhìn tới đất nước. Dân tộc ta có một lịch sử lẫy lừng, thế nhưng giới tuyến hôm nay là chặng đường cam go và thử thách bởi định kiến và khuynh hướng khác nhau. Đó là biên giới tình người. 

Chúng ta lật đổ lằn biên đó và dựng vào đây một con đường sáng để làm vẻ vang chung. Chúng ta thử nhìn lại mà xót thương khi chiến tranh đã phân ly tình cảm ruột thịt, gây đau thương, chết chóc; đó là thứ phi lý chiến tranh không tìm thấy một thứ chủ nghĩa lý tưởng mà cướp đi tình người. 

Chúng ta là một nhưng hai cảnh đời khác nhau, thế nhưng; không phải vì thế mà xa mặt cách lòng, dẫu là gì cũng có một chút “đói lòng” cho nhau. Chúng ta đang ở biên giới không gian nhưng chắc chắn không là biên giới phân ly. Đến với nhau như tình anh em, chia sẻ và góp mặt để hòa giải chứ không phải để hóa trị biến chất. 

Định kiến này nọ đã hỏa mù đưa tới phân ly và dồi vào đó “kẻ thù truyền kiếp” quan niệm đó không phải lẽ và không đúng. Thứ nhất “vạch áo cho người xem lưng”. Thứ hai mắc chứng “Việt dĩ Việt”. Ý thức đó diệt chủng(?). Nhớ rằng dân tộc ta vốn hiền hòa tự cổ chí kim chưa bao giờ chinh phục hay chiếm cứ mà chỉ có một quan điểm duy nhất là dựng nước và giữ nước. Chính chất liệu đó đưa tới một viễn cảnh là xóa bỏ tất cả để cùng nhau cộng hưởng.

Nghĩa cử của người trí thức là thức thời biết trước hoàn cảnh để hòa hợp thích nghi và hòa giải hợp lý, hợp tình. Lấy từ điểm tựa đó cho chúng ta ý thức vai trò làm người trước một sứ mệnh thiêng liêng; là chứng tỏ được tình nước tình nhà nơi mà chúng ta sinh ra và lớn lên, nơi dung dưỡng và hun đúc chúng ta thành những con người quả cảm; thì hà cớ gì mà phải chối từ dù là “nghìn trùng xa cách”. 

Nhưng, đất mẹ dẫu có bão bùng, đôi tay mẹ vẫn dang rộng để đón chào, tất cả chúng ta đều là con của mẹ sinh ra. Hòa hợp là nhận và biết cái tình người. Hòa giải là mở rộng để cải thiện tư tưởng để nhận ra cái phải, cái trái. Cái đó là thiết yếu, là cơ bản. 

Nói theo triết học là bản năng sinh tồn. Nhưng, phải hiểu rằng nhu cầu đó phải thỏa đáng nơi cá thể và cuốn hút vào một nơi hợp thời đại. Yêu sách đó thuộc tư tưởng suy nghiệm là quay về trong ý thức của cái quyền làm người. Không ai kêu gọi mà không tôn trọng nhân quyền, sự nhầm lẫn do phát tán từ ngụy ngôn, bôi bác, quấy phá mà làm hỏng đại sự. 

Lý giải cái từ “tư tưởng suy nghiệm” là thúc bách con người hướng về cái ý nghĩa thủy chung, là cứu cánh cho tự thân nơi con người, cho cuộc sống cũng như cho cuộc đời. Những sắc tố đó là hòa giải tư duy cố cựu thoát khỏi những bức xúc vốn có từ lâu nơi chúng ta. Mục đích khác là xoa dịu nỗi bi thương của quá khứ mà ở đó chúng ta đã gánh chịu.

Khái niệm “sứ mệnh” thì ai trong chúng ta đều được coi là có sứ mệnh đối vời người và đối với đời. Từ đó liên tưởng đến “sử mệnh” là vận hành của lịch sử đã được ghi một quá trình thời gian của cái gì gọi là chính nghĩa và phi nghĩa là thuộc kỷ nguyên sinh hóa của dân tộc mà trong đó chúng ta đã góp phần dựng nên. Ý thức hóa để nhận ra rằng không ai là kẻ thù riêng mà chỉ có một kẻ thù chung nếu có ý đồ “xâm lược”. 

Thành ra hòa hợp, hòa giải dân tộc là tiêu đề để nói lên cái hồn văn hóa, một tầm mức rộng lớn tồn tại lâu dài và mãnh liệt. Cái ẩn mật đó gom trong một mục đích sâu xa và thâm hậu là dòng sinh mệnh Việt Nam. 

Dẫu đứng ngoài hay đứng trong, chúng ta là những con người Việt Nam có một trí tuệ siêu việt đầy sáng tạo. Hòa hợp là ở chỗ đó không có gì khác hơn.

Người trong nước cũng như người ngoài nước đều có một tư duy dị biệt, luôn hoài nghi và đứng xa tầm nhìn của một tập thể rộng lớn, đều nhất loạt cho là bất công, phi lý, lũng đoạn; 

quan niệm đó đã thoái hóa, không hợp thời, bởi sử dụng một thứ tư duy cạn cợt nhìn mình hơn nhìn người khác đó là một trong những thứ phản kháng không nguyên nhân, khi đã có như thế là chính bản thân mình mất lập trường trước hoàn cảnh, mất luôn tính suy luận giữa hiện hữu và hiện sinh của con người thời đại mà biến mình thành kẻ đứng ngoài hay người xa lạ không nhập cuộc để thích nghi hoàn cảnh; 

vô hình trung trở thành sâu mọt, đục khoét làm hoen ố xã hội trong khi cần những gì sáng tạo ở nơi mình mà không nhìn thấy thành tựu của phát triển trên bình diện quốc gia mà ngược lại đóng vai trò khách quan để phê phán hơn là xây dựng, tạo nên một tâm thức bị động, yếm thế trước một phong trào đang phát động: hòa hợp, hòa giải dân tộc là tạo một ý thức độc lập từ trong ra ngoài. 

Còn như nuôi dưỡng một tinh thần bại hoại hoặc tự ti mặc cảm thì cả hai tinh thần đó gọi là bị lụy trước hoàn cảnh của vong thân hóa thì làm sao hòa hợp? - đó là bản chất cố hữu. Thì làm sao hòa giải? - đó là tệ nạn truyền thống. 

Đòi hỏi cho một hòa hợp, hòa giải là nhận thức trước dữ kiện (in-fact), phân định được thực chất của nó để tồn lưu nhân thế. Chúng ta mở tung cánh cửa để đón nhận luồng gió mới từ khắp nơi đổ về, chứ nhất thiết không đòi hỏi quyền lợi cá nhân hay tập đoàn hay một chủ nghĩa nào ngay cả chủ nghĩa cá nhân cũng không thể hiện diện giữa lúc này. 

Nhìn lui lại từ những đổ vỡ, từ những bước đầu, từ kẻ ở người đi là một tuyệt vọng khốn cùng, “trải qua một cuộc bể dâu” đấy là bài học bi thương mà chúng ta nhận lãnh, quá khứ được lấp đầy bởi tình thương là dấu hiệu cảm thông và cởi mở thời tất không còn lý do gì để phủ nhận. Hòa hợp: là nối lại cái đã mất và giữ lại cái đã có. Hòa giải: là kết hợp để đi tới thủy chung và chấp nhận những gì mà thời cuộc đã tạo nên.

Hơn bốn mươi năm qua là một trải nghiệm thiết thực giữa hai giới tuyến tư tưởng, đấy là căn bệnh khó hóa giải. Giải được hay không là do ý thức nhận biết và có một cái nhìn tổng quan; thời đó là lời phán xét tối hậu để thừa nhận con đường chính nghĩa mà chúng ta hướng tới, hướng tới được tức không còn phản kháng hay chối bỏ mà kinh qua giai đoạn thấm nhuần, hoạch định đường lối tư tưởng cho một tương lai lâu dài. 

Một hoài vọng đem lại vinh quang cho đại thể chứ không vinh quang cho cá thể. Không một ai xa quê mà không có tình hoài hương. Tất cả chúng ta đều có ước ao đó, nhưng ngặt thay hoài nghi nhiều hơn hoài hương làm mất đi bản lĩnh của một con người dự cuộc, mất luôn bản ngã tự tại: mình là con dân của một đất nước anh hùng tất phải đúng lẽ đạo làm người, dĩ nhiên; nó thuộc vào dòng sinh mệnh chuyển hóa từ không sang có là sứ mệnh của con người đứng trước trào lưu khoa học hiện đại. 

Con người trí thức là dấn thân là nghĩa cử của người trên ngựa cho một cuộc chạm trán giữa thực và giả. Dấn thân để nói lên sự thật của chân lý. Tức không ngại trước đối tượng. Nếu sự thật được minh định chính xác.

Lý giải cho cạn cùng đều quy về một mối là “đất mẹ” là một vận hành trong tư duy hồi phục lại mình qua một tâm thức “trở về cội nguồn” là “hoài hương hữu thể”. Tức trở về trong một cái tâm như-nhiên không rào cản, không biện chứng, không che đậy mà phơi mở sự thật tự nó.

Rút lại, giữa hai bờ vực của chủ nghĩa, đòi hỏi duy nhất là tương thân để thực thi những yêu cầu đã nêu, trong đó phải cải thiện toàn diện từ tâm sinh lý để có một tư tưởng thống nhất: cho đất nước và dân tộc; thể hiện một tư duy hợp lý, thực thi quyền làm người có dân chủ, tự do ngay trên đất nước mình đang sống thì may ra lôi cuốn được sứ mệnh vĩ đại đó. 

Tuy nhiên, ngay cả những người sống trong nước với bao thăng trầm của vận nước nhưng chẳng mấy khi cảm hóa thế nào là quật cường, thế nào là hy sinh, thế nào là giống nòi. Luôn giữ vai trò khách quan vô tư, luôn mang nặng tư tưởng phản kháng, chống đối bất luận từ nguồn nào tới; nó biến thành hạng người vô thức, vô trách nhiệm, chửi bới dễ dàng chẳng phải đắn đo suy nghĩ đúng hay sai. 

Quả là tha hóa! Mối hại khác của kẻ đứng ngoài (khi thoát ra được) thì miệng lưỡi trở nên thóa mạ, bôi bác, chê bai vô hình trung mất đi cái quyền làm người, mất luôn cội nguồn, mà tỏ ra cái ta đáng ghét: “nói thì hay vỗ tay thì dở” câu nói bình dân nghe ra chân lý hơn là luận điệu của kẻ đứng ngoài hàm hồ, hổ lốn. 

Thành phần đó gọi là “ngụy quân tử”, một thứ giả danh để cầu cạnh; cái sự đó là mất chất không có trách nhiệm đối với chính mình thì làm sao có trách nhiệm với đại chúng; chỉ khéo trò chích chòe, phách lối và vận dụng và đó một nhận định, phê bình chứa những sự cố vớ vẩn, không chứng cứ, không phản ảnh tính hiệu năng của nó mà lộ ra một trình độ nhận thức cạn cợt, nửa vời, học đòi, a dua phi nghĩa.

Thành ra trong hai khuynh hướng đó khó để định lượng đâu tà, đâu chính. Muốn hiểu được nó không nên đứng ngoài hang cọp mà la toáng lên. Vào với cọp mới định được cọp hiền, cọp dữ. Nhớ cho cọp đã luyện thuần thục hơn thứ cọp hoang vô chủ. Sự lý này cụ thể, rõ ràng không còn chi để bàn thêm.

Võ Công Liêm
.
.
.