Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VII:

Đoàn kết, hòa hợp vì đạo pháp, dân tộc, chủ nghĩa xã hội

Thứ Bảy, 17/11/2012, 02:32
Chiều 16/11, Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) đã tổ chức họp báo giới thiệu về Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VII.

Theo Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự GHPGVN: Đại hội sẽ diễn ra từ 21 đến 24/11/2012, tại Hà Nội, với sự tham gia của 1.104 đại biểu chính thức, 130 khách mời trong nước và quốc tế. Với chủ đề “Kế thừa – Ổn định – Phát triển”, Đại hội VII GHPGVN sẽ tổng kết công tác Phật sự của Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhiệm kỳ VI (2007-2012); hoạch định chương trình hoạt động nhiệm kỳ VII (2012-2017) v.v…

Công tác tổng kết nhiệm kỳ VI (2007-2012) sẽ tập trung vào các nội dung trọng yếu: kiện toàn và phát triển tổ chức Giáo hội; công tác tăng sự; giáo dục đào tạo tăng ni; văn hóa Phật giáo: giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa Phật giáo và văn hóa dân tộc; công tác nghi lễ Phật giáo; công tác hướng dẫn Phật tử; công tác từ thiện xã hội và công tác xây dựng bảo vệ Tổ quốc...

Giáo hội Phật giáo Việt Nam họp báo giới thiệu về Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VII.

Các tham luận sẽ đánh giá, phát huy những kết quả thành tựu Phật sự, chỉ ra những hạn chế, bài học kinh nghiệm, nguyên nhân khách quan, chủ quan trong công tác điều hành các hoạt động Phật sự của GHPGVN. Từ đó, đề ra phương hướng hoạt động cho nhiệm kỳ tới, đáp ứng sự phát triển và tầm vóc của Phật giáo nước nhà trong sự đổi mới của đất nước và hội nhập quốc tế.

Hòa thượng Thích Thiện Nhơn cho biết: Ngoài 58/63 tỉnh, thành hội Phật giáo trong nước, GHPGVN đã phát triển tổ chức tại nhiều nước: Pháp, Séc, Ba Lan, Đức, Hungary, Nga....

Những ngôi chùa Việt Nam đã có mặt tại tất cả các châu Á, Âu, Mỹ, và Úc. Giáo hội đã phát huy văn hóa nghi lễ truyền thống trong công tác tổ chức các lễ hội Phật giáo, các sự kiện mang tầm quốc tế: Đại lễ Vesak Liên hợp quốc, Đại lễ kỷ niệm 700 năm ngày nhập diệt của Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông; xóa bỏ hủ tục, mê tín dị đoan trong nghi thức lễ nghi ; tổ chức nhiều đại lễ cầu siêu anh linh các anh hùng liệt sỹ với nghi thức quốc gia ; trùng tu, khôi phục các di tích lịch sử, di sản văn hóa vật thể của đất nước. Đặc biệt, mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm được thế giới công nhận là Di sản ký ức của nhân loại, chùa Một Cột đạt kỷ lục châu Á về kiến trúc đặc biệt.

Những năm qua, GHPGVN còn thành lập nhiều trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi, người già cô đơn, người tàn tật; các trung tâm khám chữa bệnh, cứu trợ đồng bào bị thiên tai, ủng hộ phong trào xóa đói giảm nghèo, chăm sóc người có công … với tổng số tiền hàng ngàn tỷ đồng.

Trong nhiệm kỳ tới, GHPGVN tiếp tục chú trọng xây dựng, phát triển theo nguyên tắc phát huy tinh thần đoàn kết, hòa hợp vì đạo pháp, dân tộc, chủ nghĩa xã hội; góp phần xây dựng xã hội an vui, hạnh phúc, phù hợp với đạo đức, truyền thống dân tộc

Dạ Miên
.
.
.