Sự cố đường ống Nord Stream - cơ hội hay rủi ro với châu Âu?
Trong bối cảnh các đường ống khí đốt Nord Stream (Dòng chảy phương Bắc) bị rò rỉ nặng do phá hoại, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden coi đó là cơ hội lớn để Washington trở thành nhà cung cấp khí đốt hóa lỏng (LNG) hàng đầu cho châu Âu.
Tuy nhiên, các nhà khoa học lo ngại khí metan - một loại khí gây hiệu ứng nhà kính và là nguyên nhân lớn nhất khiến khí hậu ấm lên sau khí CO2 - thoát ra Biển Baltic từ vụ rò rỉ có thể là một trong những vụ rò rỉ khí đốt tự nhiên tồi tệ nhất từ trước đến nay và gây ra những rủi ro khí hậu lớn.
Một trong những vụ rò rỉ khí đốt lớn nhất
Hiện mức độ rò rỉ vẫn chưa rõ ràng nhưng dựa trên khối lượng khí đốt trong một đường ống, các nhà khoa học ước tính sơ bộ lượng khí metan dao động trong khoảng 100.000 đến 350.000 tấn. Ông Jasmin Cooper, một cộng sự nghiên cứu tại Khoa Kỹ thuật hóa học của Đại học Hoàng gia London (Anh) cho biết, có rất nhiều điều không chắc chắn xung quanh vụ rò rỉ.
Ông nói: "Chúng ta biết có ba vụ nổ nhưng chúng ta không biết liệu có ba lỗ ở các bên đường ống hay không, hay các vết vỡ lớn như thế nào. Rất khó để biết bao nhiêu khí đốt sẽ thoát ra khỏi bề mặt biển nhưng có hàng trăm nghìn tấn khí metan có thể thoát ra. Đây là một khối lượng khá lớn bị thải vào khí quyển". Đường ống Nord Stream 2 chứa 300 triệu mét khối khí đốt khi Đức tạm dừng quy trình cấp phép hoạt động cho đường ống này trước khi nổ ra xung đột Ukraine - Nga. Chỉ riêng khối lượng khí đốt đó sẽ chuyển thành 200.000 tấn khí metan. Nếu tất cả thoát ra ngoài, khối lượng sẽ vượt quá 100.000 tấn khí metan thoát ra sau vụ Aliso Canyon - vụ rò rỉ khí đốt lớn nhất trong lịch sử Mỹ, xảy ra ở California vào năm 2015. Aliso có thể tạo ra sức nóng tương đương với 500 nghìn chiếc ôtô. Ông Jasmin Cooper nói: "Đây có khả năng là một trong những vụ rò rỉ khí đốt lớn nhất. Rủi ro về khí hậu do rò rỉ khí metan là khá lớn. Metan là một loại khí gây hiệu ứng nhà kính mạnh, mạnh hơn CO2 30 lần trong vòng 100 năm và mạnh hơn 80 lần trong vòng 20 năm".
Trong khi đó, Giáo sư Grant Allen, chuyên gia về Trái Đất và khoa học môi trường tại Đại học Manchester (Anh) nói rằng, các quá trình tự nhiên không thể hấp thụ được nhiều khí rò rỉ. Ông nhận định: "Đây là một lượng khí khổng lồ, ở dạng bong bóng rất lớn. Nếu nguồn khí đốt nhỏ, tự nhiên sẽ giúp hấp thụ khí. Trong vụ tràn dầu Deepwater Horizon, có rất nhiều vi khuẩn làm loãng khí metan. Kinh nghiệm khoa học của tôi cho thấy với một vụ nổ lớn như thế này, tự nhiên sẽ không có thời gian làm loãng metan. Vì vậy, một tỷ lệ đáng kể sẽ bị thoát ra dưới dạng khí metan". Không giống như sự cố tràn dầu, khí đốt sẽ không gây ô nhiễm đến môi trường biển, nhưng ông Grant Allen cho rằng: "Về mặt khí nhà kính, đó là một vụ phát thải liều lĩnh và không cần thiết vào khí quyển". Về phần mình, ông Jean-Francois Gauthier, Phó Chủ tịch bộ phận đo lường của công ty vệ tinh đo metan thương mại GHGSat cho biết, đánh giá tổng lượng khí thoát ra là một thách thức. Ông nói: "Có rất ít thông tin về quy mô của vụ rò rỉ và liệu vụ việc có còn tiếp diễn hay không. Nếu đó là vết vỡ đủ lớn, khí sẽ thoát hết ra ngoài". Về tác động khí hậu, 250.000 tấn khí metan tương đương với tác động của 1,3 triệu ôtô chạy trên đường trong một năm.
Về câu hỏi liệu vụ rò rỉ này có tác động tới nhiệt độ toàn cầu không, các nhà khoa học đánh giá là không có khả năng. Lượng carbon toàn cầu hằng năm mà thế giới thải vào môi trường là 32 tỷ tấn. Vì thế lượng khí trong vụ rò rỉ Nord Stream chỉ là một phần rất nhỏ so với quá trình tích tụ metan từ hàng nghìn nguồn công nghiệp và nông nghiệp đang làm ấm Trái Đất.
Một "cơ hội vô cùng lớn"
Phát biểu với báo giới tại Washington hồi cuối tuần qua, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói rằng, Washington xem vụ phá hoại các đường ống khí đốt Nord Stream như một "cơ hội vô cùng lớn" để các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) xóa bỏ năng lượng của Nga. Ông cho biết, khi mùa Đông đến gần, Mỹ muốn khối EU sử dụng ít nhiên liệu hơn. Trong nhiều năm, Washington cố gắng thuyết phục giới lãnh đạo EU đổi khí đốt Nga lấy khí hóa lỏng của Mỹ. Ngoại trưởng Mỹ khoe rằng Washington hiện nay là "nhà cung cấp khí hóa lỏng hàng đầu cho châu Âu". Theo Ngoại trưởng Antony Blinken, ngoài việc cung cấp nhiêu liệu cho châu Âu, Mỹ còn làm việc với giới chức EU để tìm ra cách thức "giảm cầu" và "thúc đẩy việc chuyển đổi sang các nguồn năng lượng tái tạo". Người đứng đầu ngành Ngoại giao Mỹ tuyên bố: "Đây là cơ hội cực lớn để loại bỏ sự phụ thuộc vào năng lượng Nga và lấy đi của ông Vladimir Putin khả năng vũ khí hóa năng lượng dùng làm công cụ thúc đẩy các mục tiêu chính trị của ông ấy". Đáp lại, Tổng thống Nga Vladimir Putin quy trách nhiệm về các vụ nổ trên hệ thống đường ống khí đốt cho liên minh Mỹ - Anh. Ông nhấn mạnh: "Mọi người ai cũng rõ người hưởng lợi từ sự cố này. Ai hưởng lợi thì chính người đó gây ra sự cố này". Cơ quan an ninh Nga thì gọi đây là "khủng bố quốc tế" và đã mở cuộc điều tra. Nhiều nước châu Âu cũng tiến hành điều tra vụ việc này theo hướng đây là hành vi phá hoại có chủ ý. Trong khi đó, Tập đoàn năng lượng hàng đầu của Nga Gazprom tuyên bố: "Mức độ nghiêm trọng của hư hại xảy ra với các đường ống đi ngầm dưới biển đồng nghĩa với việc khối EU "bị tước bỏ vô thời hạn" khí đốt Nga đi qua tuyến này".
Hiện nay, Mỹ đã được dọn đường để bán thêm LNG giá cao cho châu Âu. Tuy nhiên, việc sụt giảm khí đốt không thể khắc phục trong chốc lát. Bản thân các nhà xuất khẩu Mỹ đã cảnh báo trong suốt mùa hè vừa qua là họ sẽ không đủ khả năng xuất đủ khí đốt đáp ứng nhu cầu của châu Âu. Hiện, nhiều ga nhập khẩu khí đốt của châu Âu vẫn đang được xây dựng hoặc đang trong giai đoạn lập kế hoạch. Trong lúc đó, giá năng lượng tăng chóng mặt trên khắp châu Âu. Đức đang đối mặt với triển vọng u ám "phi công nghiệp hóa". Tại quốc gia này, người biểu tình đã xuống đường để yêu cầu mở lại đường ống khí đốt Nord Stream ngay trước khi xảy ra các vụ nổ gây rò rỉ. Người ta cũng dự báo tình trạng thiếu lương thực ở Đức. Ngoài ra, người dân châu Âu đang rất cần củi để sưởi ấm nhà trong mùa đông. Ngoại trưởng Antony Blinken thừa nhận: "Có nhiều việc vất vả phải làm để bảo đảm rằng các nước và các đối tác qua được mùa đông".