G20 thúc đẩy mục tiêu bao phủ vaccine toàn cầu
Ngày 30/10, Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã khai mạc tại Thủ đô Rome, Italy với sự chủ trì của Thủ tướng Italy Mario Draghi. Hội nghị được kỳ vọng có thể giúp các nước thành viên G20 đi đến những giải pháp thống nhất, đồng bộ trong việc tiếp tục ứng phó hiệu quả với những thách thức ngày càng nghiêm trọng đối với nhân loại.
Hội nghị có sự tham dự trực tiếp của hầu hết các lãnh đạo nhóm G20, đại diện Liên minh châu Âu (EU), các tổ chức quốc tế lớn cùng với Tây Ban Nha và một số quốc gia khách mời khác. Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio tham dự hội nghị qua hình thức trực tuyến, còn Mexico cử Ngoại trưởng Realiza Ebrard làm đại diện.
Tại Hội nghị, các đại biểu tập trung đánh giá những tác động tiêu cực bởi đại dịch COVID-19 và cách thức ứng phó trên toàn cầu, trong đó nhấn mạnh hiệu quả tích cực của các chiến dịch tiêm chủng.
Đặc biệt, hội nghị phải tìm cách đáp ứng yêu cầu cấp bách đặt ra về cải thiện khả năng tiếp cận vaccine bình đẳng hơn giữa các quốc gia, khu vực nhằm đạt được mục tiêu bao phủ vaccine cho 40% dân số thế giới vào cuối năm nay và 70% vào giữa năm 2022.
Chủ đề trọng tâm tiếp theo sẽ là cuộc chiến chống biến đổi khí hậu với những mục tiêu đầy tham vọng mà các thành viên G20 đã cam kết thực hiện về cắt giảm khí thải và tăng cường viện trợ tài chính cho các quốc gia chịu nhiều tác động nhất.
Trên lĩnh vực này, kết quả tại hội nghị còn là tiền đề quan trọng góp phần vào sự thành công cho Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP26) sắp diễn ra tại Glasgow, Scotland, đồng thời tìm ra hướng đi cho nền kinh tế thế giới trong bối cảnh triển vọng phục hồi còn rất mong manh và thiếu đồng đều.
Bối cảnh này cũng đòi hỏi G20 cần thể hiện vai trò đầu tàu nhằm tái thúc đẩy các chuỗi cung ứng, tăng cường đầu tư để hỗ trợ tăng trưởng toàn cầu sau đại dịch. Ngoài ra, tình hình tiếp diễn bất ổn tại Afghanistan kéo theo nguy cơ xảy ra khủng hoảng nhân đạo, khủng bố quốc tế dự kiến cũng sẽ được Italy ưu tiên đưa vào các cuộc thảo luận tại hội nghị.
Trong dự thảo Tuyên bố chung được chuẩn bị để thông qua tại Hội nghị lần này, các lãnh đạo G20 khẳng định sẽ ủng hộ (dựa trên cơ sở khoa học) việc rút ngắn thời gian phát triển vaccine, các phương pháp điều trị, chẩn đoán an toàn và hiệu quả từ 300 ngày xuống còn 100 ngày trong các trường hợp y tế khẩn cấp do đại dịch.
Nội dung dự thảo có thể sẽ thay đổi vào phút cuối nhưng các quan chức cho biết cam kết này nhiều khả năng sẽ không thay đổi. Một trong những biện pháp tối quan trọng giúp giảm thời gian cần thiết để phát triển vaccine và thuốc điều trị là rút ngắn thời gian thử nghiệm, thiết lập cơ sở đăng ký tình nguyện viên rộng rãi và mời các cơ quan quản lý tham gia sâu sát hơn vào quá trình thử nghiệm.
Ví dụ, EU đã tìm cách củng cố các mạng lưới thử nghiệm lâm sàng vaccine và các phương pháp điều trị để kết nối những bên chịu trách nhiệm thiết kế và triển khai các thử nghiệm. Khuyến khích chia sẻ dữ liệu cũng để đẩy nhanh công tác nghiên cứu.
Các công nghệ mới, như RNA, cũng đã chỉ ra là có thể giúp việc phát triển vaccine mới nhanh hơn. Bên cạnh đó, dự thảo Tuyên bố chung cũng có đoạn nêu rõ G20 cũng sẽ ủng hộ mục tiêu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) là đến giữa năm 2022, khoảng 70% dân số đủ điều kiện tại mỗi quốc gia trên thế giới sẽ được tiêm vaccine phòng COVID-19. Điều này sẽ giúp thu hẹp khoảng cách lớn đang tồn tại giữa các nước về tỷ lệ tiêm chủng.
Trong khi nhiều nước giàu có đã đạt mục tiêu tiêm cho 70% dân số thì có những nước nghèo còn chưa tiêm được cho 5% dân số. Các nhà lãnh đạo G20 cũng hoan nghênh các nỗ lực đa phương nhằm hỗ trợ và tăng cường công tác chuẩn bị và ứng phó với đại dịch, trong đó có việc xem xét khả năng thiết lập một công cụ hoặc một thỏa thuận quốc tế - ví dụ như một hiệp ước quốc tế về đại dịch.
Trước đó, hôm 29/10, các Bộ trưởng Tài chính và Y tế G20 bày tỏ mong muốn 70% dân số thế giới được tiêm vaccine COVID-19 trong vòng 8 tháng tới và thành lập một lực lượng đặc nhiệm để đối phó hiệu quả hơn với đại dịch này.
Trong thông cáo báo chí, các bộ trưởng G20 nêu rõ: “Để giúp tiến tới các mục tiêu toàn cầu là tiêm chủng cho ít nhất 40% dân số ở tất cả các quốc gia vào cuối năm 2021 và 70% vào giữa năm 2022... chúng tôi sẽ thực hiện các bước để giúp tăng nguồn cung vaccine và các sản phẩm y tế thiết yếu, các yếu tố đầu vào ở các nước đang phát triển và gỡ bỏ các ràng buộc về nguồn cung và tài chính liên quan”.
Thông cáo cho biết, Nhóm đặc nhiệm chung về Y tế -Tài chính G20 được thành lập nhằm tăng cường đối thoại và hợp tác toàn cầu về các vấn đề liên quan sự sẵn sàng phòng ngừa và ứng phó với đại dịch, thúc đẩy trao đổi kinh nghiệm và thực tiễn tốt nhất, phát triển các thỏa thuận phối hợp giữa các bộ tài chính và y tế, tăng cường hành động tập thể, đánh giá và giải quyết các trường hợp khẩn cấp y tế có tác động xuyên biên giới; đồng thời, khuyến khích quản lý hiệu quả các nguồn lực.
Theo các Bộ trưởng G20, cơ quan mới này được thành lập do đại dịch COVID-19 đã cho thấy những “thiếu sót nghiêm trọng” trong khả năng điều phối phản ứng với dịch bệnh của thế giới.