3 bước tiến và 1 bất đồng tại Hội nghị thượng đỉnh G20

Thứ Tư, 03/07/2019, 07:24
Trước khi đến Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Osaka (Nhật Bản), Tổng thống Mỹ Donald Trump đã phải đương đầu với một loạt cuộc "tấn công" từ các nước đồng minh thân cận nhất, kể cả nước chủ nhà.


Nhưng vào thời điểm sang Hàn Quốc vào tối thứ bảy (29-6), ông chủ Nhà Trắng đã kể lại những câu chuyện hoàn toàn khác biệt: Đó là cuộc nói chuyện đầy dí dỏm với Tổng thống Nga Vladimir Putin; thái độ cầu thị và hợp tác với CHDCND Triều Tiên cùng lời tuyên bố nối lại sự đình trệ đàm phán thương mại với Trung Quốc.

Thay đổi "thương chiến"

Sau khi gặp nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20, ông Donald Trump nói với các phóng viên: "Chúng tôi đã thảo luận rất nhiều điều, và chúng tôi nhất trí quay lại theo dõi các cuộc đàm phán thương mại". 

Ông Trump cũng nói rằng Mỹ sẽ không áp dụng bất kỳ mức thuế mới nào đối với hàng xuất khẩu của Trung Quốc trong khi các cuộc đàm phán đang diễn ra và Trung Quốc đã đồng ý tiếp tục mua rộng rãi các sản phẩm nông nghiệp của Mỹ và các hàng hóa khác. 

Tờ The New York Time của Mỹ cho hay, các cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung đã bị phá vỡ 7 tuần trước, khi phía Trung Quốc nói rằng họ không thể chấp nhận một số điều khoản trong một dự thảo chưa hoàn chỉnh. 

Hồi tháng 5, mặc dù hoãn việc tiếp tục áp thuế 25% đối với khoảng 300 tỷ USD hàng nhập khẩu của Trung Quốc, ông Donald Trump vẫn ra quyết định cấm bán thiết bị của Mỹ cho Huawei, gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc. Động thái này là một đòn giáng mạnh vào Huawei, vốn dựa vào chip và các thiết bị khác từ Mỹ.

Nhưng nay, sau cuộc gặp "với kết quả ngoài sự mong đợi", Tổng thống Mỹ đã khẳng định, các công ty Mỹ vẫn có thể bán thiết bị của họ cho Huawei. Đổi lại, Trung Quốc đã đồng ý mua một lượng lớn các sản phẩm nông nghiệp và thực phẩm của Mỹ. 

Chưa hết, phát biểu trước các lãnh đạo thế giới tại Hội nghị G20, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhấn mạnh, các doanh nghiệp nước ngoài là nạn nhân của hành vi ăn cắp tài sản trí tuệ sẽ được bồi thường và Trung Quốc đã thiết lập một kênh để khiếu nại để giải quyết vấn đề này.

Ông Tập Cận Bình còn cho biết Trung Quốc sẽ thực hiện Luật đầu tư nước ngoài mới, bao gồm các bước quan trọng nhằm "tự do hoá nền kinh tế" và nới lỏng hạn chế về quyền tiếp cận thị trường cho các nhà đầu tư nước ngoài, bắt đầu từ 1-1-2020. Ông cam kết Bắc Kinh sẽ tăng cường các biện pháp bảo vệ dân sự và hình sự, đối xử bình đẳng đối với các nhà đầu tư nước ngoài đến Trung Quốc.

Giới quan sát nhận định, thỏa thuận "ngưng chiến" sẽ cho phép phái đoàn thương mại hai bên có thời gian để thử lại lần nữa, sau gần một chục vòng đàm phán bị sụp đổ. Tuy nhiên, "đình chiến" không có nghĩa là chiến tranh thương mại Mỹ-Trung kết thúc. Năm ngoái, sau lệnh "ngừng bắn" thì xung đột thương mại hai nước vẫn bùng phát trở lại, thậm chí còn căng thẳng hơn. 

Hãng AP dẫn lời Brian Keare, chuyên viên công ty phần mềm phân tích dữ liệu Incorta cho hay, việc quan hệ thương mại Mỹ-Trung tốt lên hay xấu đi còn phụ thuộc cả vào "sức khỏe tổng quan" của kinh tế Mỹ. Số liệu mới công bố của Nhà Trắng cho biết, tăng trưởng GDP Mỹ quý I năm 2019 đạt 3,1% - mức tăng trưởng quý đầu của năm cao nhất trong 4 năm qua. 

Với tốc độ này thì cho dù các nhà kinh tế có liên tục nói rằng cuộc chiến thương mại gây tiêu cực đối với nền kinh tế Mỹ thì nhiều khả năng, Tổng thống Donald Trump sẽ không thay đổi cách tiếp cận của mình mà sẽ vẫn khẳng định rằng nền kinh tế đang làm việc "tuyệt vời".

Lời mời gặp gỡ Trump-Kim

Điểm nhấn thứ 2 tại Hội nghị thượng đỉnh G20 lần này là thái độ hợp tác của Tổng thống Donald Trump trong vấn đề CHDCND Triều Tiên. Hôm 30-6, ông chủ Nhà Trắng đã tới khu phi quân sự liên Triều (DMZ) và gặp gỡ nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. 

Một quan chức Hàn Quốc cho biết Tổng thống Donald Trump và người đồng cấp Hàn Quốc Moon Jae-in đã nhất trí rằng cuộc gặp theo ý tưởng của ông Donald Trump vào ngày 30-6 với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại DMZ là "một điều tốt" và cuộc gặp này sẽ giúp mở đường cho việc nối lại ngoại giao hạt nhân. 

Hãng BBC viết: "Sau khi có cú bắt tay lịch sử với Chủ tịch Triều Tiên tại DMZ, Tổng thống Donald Trump đã mời ông Kim Jong-un tới Nhà Trắng và nhận định rằng rất nhiều điều tích cực đang diễn ra giữa hai nước. Như vậy, với việc bước qua biên giới Hàn Quốc-Triều Tiên, ông Donald Trump chính thức trở thành Tổng thống Mỹ đương nhiệm đầu tiên bước vào đất của Triều Tiên. 

Hai nhà lãnh đạo ban đầu bắt tay tại khu vực ranh giới hai miền, sau đó ông Donald Trump bước 20 bước vào lãnh thổ Triều Tiên rồi cả hai lại bước về phía Hàn Quốc. Sau đó, 3 nguyên thủ Mỹ, Triều Tiên và Hàn Quốc có cuộc họp ngắn và ông Donald Trump và ông Kim Jong-un đã gặp nhau bên trong Nhà Tự do tại DMZ khoảng 50 phút.

Hãng Korean Times bình luận: "Việc ông Donald Trump bước qua ranh giới phân định liên Triều mang tính biểu tượng cao, lặp lại một cử chỉ tương tự được thực hiện bởi Tổng thống Hàn Quốc, Moon Jae-in - với sự khích lệ của nhà lãnh đạo Kim Jong-un khi họ gặp nhau tại DMZ hồi năm ngoái". 

Còn Scott Seaman, Giám đốc Eurasia Group Asia thì nói: "Một cơ hội hình ảnh trên DMZ, dù mang tính biểu tượng như thế nào, khó có thể đi xa trong việc giải quyết sự khác biệt của họ (Mỹ và Triều Tiên) về phi hạt nhân hóa. Với các cuộc đàm phán, để có kết quả thực sự, ông Kim Jong-un phải cam kết phi hạt nhân hóa một cách đáng tin cậy hoặc ông Donald Trump phải đồng ý một cách đáng tin cậy để cho phép Triều Tiên giữ một số vũ khí hạt nhân của mình".

Các nhà lãnh đạo G20 bất đồng nhiều trong vấn đề biến đổi khí hậu. Ảnh: Getty.

Tín hiệu mạnh mẽ gửi tới Thái tử Arab Saudi

Không gì quan trọng với Arab Saudi hơn là phục hồi vị thế và quan hệ của Thái tử Mohammed bin Salman với nhà lãnh đạo Mỹ Donald Trump sau vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi. 

Các hành động của ông chủ Nhà Trắng trước và trong Hội nghị thượng đỉnh G20 đã gửi một tín hiệu mạnh mẽ đến phần còn lại của thế giới và thể hiện một tính toán lạnh lùng rằng mối quan hệ của Mỹ-Arab Saudi quan trọng hơn vụ sát hại một người bất đồng chính kiến. 

Ông Donald Trump đã mô tả Thái tử là một nhân vật cách mạng đang hiện đại hóa đất nước và chống khủng bố. "Tôi muốn chỉ cảm ơn Thái tử và thay mặt cho rất nhiều người, tôi muốn chúc mừng ông. Ông đã làm một công việc thực sự ngoạn mục", Tổng thống Mỹ đã dùng những lời "có cánh" để nói về Thái tử Mohammed bin Salman và phớt lờ các câu hỏi của phóng viên về vai trò của Thái tử trong vụ sát hại nhà báo Khashoggi vào tháng 10 năm ngoái tại cuộc họp báo ở Osaka. Đồng thời, ông Donald Trump còn khẳng định rằng Hoàng tử Mohammed là người rất không hài lòng về vụ giết người này. 

Trong khi đó, Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) từ lâu đã kết luận rằng Thái tử đã ra lệnh giết ông Khashoggi, người đang làm chuyên mục cho tờ Washington Post khi sống ở Mỹ. Một điều tra viên của Liên Hợp Quốc gần đây cũng đã đưa ra cáo buộc tương tự.

Một số hình ảnh về các nhà lãnh đạo G20 tại Hội nghị. Ảnh: Reuters.

Bất đồng về biển đổi khí hậu

Bất chấp những thành quả đạt được từ các cuộc gặp bên lề, Hội nghị thượng đỉnh G20 lần này vẫn bị đánh giá là không thất bại nhưng cũng chẳng có thành công. Bởi lẽ, các nhà lãnh đạo G20 suýt không ra được tuyên bố chung vì các bất đồng xung quanh vấn đề biến đổi khí hậu, thương mại và các lĩnh vực khác. 

Hãng CNN mô tả: "Các nhà đàm phán đã làm việc suốt đêm 28-6 đến 5h sáng hôm sau và tiếp tục gặp nhau vào sáng 29-6 nhưng vẫn còn nhiều vấn đề chưa được giải quyết. 

Cuộc họp dự kiến của các quan chức Liên minh châu Âu (EU) cũng đã bị huỷ và các bên thậm chí phải đợi kết quả cuộc gặp của Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào sáng 29-6 mới hoàn tất dự thảo tuyên bố chung. 

Nguyên do là vì Mỹ thì muốn tuyên bố chung ngắn hơn, không đi sâu vào chi tiết với các vấn đề nước này coi là ít cốt lõi như biến đổi khí hậu. Nhưng các quốc gia khác lại muốn thực hiện mục tiêu dọn sạch rác trên biển đầy tham vọng.

Tờ Telegrapha của Anh viết: "Biến đổi khí hậu nổi bật như một khu vực tranh chấp rõ ràng tại Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Osaka. Ông Donald Trump tuyên bố Mỹ sẽ rút khỏi hiệp định khí hậu Paris, trong khi Tổng thống Emmanuel Macron của Pháp đe dọa rằng ông sẽ không ký bất kỳ tuyên bố chung nào trừ khi có liên quan đến biến đổi khí hậu, mà ông gọi là đường đỏ". 

Tiếp đó, vấn đề tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ và chủ nghĩa bảo hộ cũng khiến các thành viên G20 chia thành nhiều phe khác nhau. Chẳng hạn, Mỹ phản đối việc sử dụng khái niệm "chủ nghĩa bảo hộ" trong tuyên bố chung, còn các quốc gia khác kêu gọi cải cách Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và đề nghị Mỹ giải quyết các tranh chấp do nước này gây ra…

Cuối cùng, sau nhiều nhượng bộ, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã đọc tuyên bố chung nhận định rằng tăng trưởng toàn cầu vẫn ở mức thấp và tiềm ẩn nguy cơ; căng thẳng thương mại và địa chính trị đang gia tăng… 

Ông Shinzo Abe cho biết, các quốc gia G20 có trách nhiệm đối mặt thẳng thắn với các vấn đề toàn cầu và đưa ra các giải pháp thông qua đối thoại thẳng thắn. Sự thỏa hiệp của nhóm cho phép 19 trong số 20 nhà lãnh đạo khẳng định lại cam kết đối với thỏa thuận Paris, nhưng vẫn đủ chỗ để Washington cố gắng biện minh cho sự cô lập ngày càng tăng của mình khỏi nỗ lực toàn cầu nhằm giảm phát thải khí nhà kính với sự liên quan đến tác hại mà nó gây ra. 

Huyền Chi
.
.
.