Cơ hội "hồi sinh" thoả thuận hạt nhân JCPOA

Thứ Sáu, 29/10/2021, 09:06

Trong bối cảnh các quốc gia phương Tây ngày càng quan ngại về những tiến bộ hạt nhân của Tehran, ngày 28/10, Thứ trưởng Ngoại giao Iran tuyên bố, nước này nhất trí quay trở lại đàm phán với các cường quốc thế giới về thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015, được gọi là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA).

Giới chuyên gia nhận định, các nỗ lực khôi phục thỏa thuận đang ở giai đoạn quan trọng, đòi hỏi các bên phải cùng chắt chiu cơ hội.

Aljazeera ngày 28/10 dẫn thông báo của Thứ trưởng Ngoại giao Iran Ali Bagheri cho biết, nước này nhất trí sẽ tái đàm phán về JCPOA trong tháng 11 và thời gian cụ thể sẽ được thông báo trong tuần tới. Trên trang tweeter cá nhân, ông Ali Bagheri viết: "Chúng tôi đã có cuộc đối thoại hết sức nghiêm túc và xây dựng với ông Enrique Mora, Chánh Văn phòng, đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), về các yếu tố cần thiết để đảm bảo đàm phán thành công. Chúng tôi đồng ý bắt đầu đàm phán trong tháng 11".

1.jpg -0
Iran làm giàu uranium đến mức độ chế tạo vũ khí hạt nhân đã khiến cho các cường quốc như ngồi trên chảo lửa. Nguồn: AP

Phía Tehran đồng thời hối thúc Mỹ tuân thủ thoả thuận và thể hiện thiện chí nghiêm túc bằng việc xóa bỏ lệnh phong tỏa một phần tài sản của Iran tại các ngân hàng nước ngoài mà Washington đã áp đặt kể từ sau khi rút khỏi JCPOA hồi năm 2018. Về phía Mỹ, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ned Price cùng ngày cũng kêu gọi Iran thể hiện thiện chí và bày tỏ tin tưởng thỏa thuận hạt nhân có thể được khôi phục một cách nhanh chóng.

"Cơ hội này sẽ không tồn tại mãi mãi khi Iran tiếp tục thực hiện các bước đi khiêu khích hạt nhân, vì vậy chúng tôi hy vọng rằng họ đến Vienna để đàm phán nhanh chóng và có thiện chí", Người phát ngôn nhấn mạnh. Ngoài ra, Washington thêm rằng các cuộc đàm phán sắp tới nên tập trung giải quyết một số vấn đề nhỏ còn tồn tại ở cuối vòng đàm phán hồi tháng 6 vừa qua và trong tương lai có thể sẽ mở rộng thoả thuận hạt nhân với Iran trên cơ sở các thoả thuận hiện có.

Theo quy định của JCPOA, mức làm giàu uranium được phép của Iran là 3,67% và không được dự trữ hơn 300kg nguyên liệu. Tuy nhiên, Iran hiện đã làm giàu uranium lên đến 20%, thậm chí còn tuyên bố có thể làm giàu đến mức 90%. Việc Iran làm giàu uranium đến mức độ chế tạo vũ khí hạt nhân đã khiến cho các cường quốc như “ngồi trên chảo lửa”.

Giới chuyên gia cho rằng, các nỗ lực khôi phục thỏa thuận đang ở giai đoạn quan trọng, đòi hỏi các bên phải cùng chắt chiu cơ hội. Aljazeera dẫn một nguồn thạo tin cho hay, việc Iran ra điều kiện với Mỹ nhưng khẳng định các yếu tố then chốt về JCPOA sẽ được đặt ra trong các cuộc đàm phán tới, là một tín hiệu rất tích cực.

Tuy nhiên, quốc gia Hồi giáo này sẽ không gắn nền kinh tế của mình vào các cuộc đàm phán dù chính sách đối ngoại của Iran được cho là tập trung vào việc mở rộng tương tác với thế giới, đặc biệt là các nước láng giềng. Liên quan đến vấn đề trên, ông Mikhail Ulyanov, Đại sứ Nga tại các tổ chức quốc tế ở Vienna (Áo) cho hay, để các cuộc đàm phán đạt được tiến triển quan trọng thì yêu cầu của Tehran về việc Washington không bao giờ đơn phương rút khỏi thỏa thuận một lần nữa là một yêu cầu hợp lý và chính đáng.

Đại sứ Nga cho rằng yêu cầu này không chỉ phù hợp với thực tiễn ngoại giao mà còn phù hợp với nhận thức chung cơ bản. Đồng quan điểm với Đại sứ Nga, chuyên gia Ali Vaez, Giám đốc dự án Iran thuộc International Crisis Group tại Brussels (Bỉ) cho rằng, niềm tin của Iran đối với JCPOA đã bị “xói mòn”. Việc Mỹ hủy bỏ thỏa thuận và nay quay trở lại mà không nhượng bộ sẽ là một điều khó chấp nhận với Iran.

Thỏa thuận hạt nhân lịch sử JCPOA được ký giữa Iran và Nhóm P5+1 (gồm 5 Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc là Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc cùng với Đức) vào năm 2015. Tuy nhiên, đến năm 2018, Tổng thống Mỹ khi đó là ông Donald Trump đơn phương rút nước này khỏi JCPOA và tái áp đặt các lệnh trừng phạt Iran.

Đáp lại, chính quyền Tehran dần thu hẹp nhiều cam kết của mình trong thỏa thuận, đồng thời tăng mức làm giàu urani. Sau khi lên nắm quyền tại Nhà Trắng vào hồi đầu năm nay, Tổng thống Joe Biden nhiều lần tuyên bố muốn “hồi sinh” JCPOA.

Tuy vậy, dù đều tỏ rõ mong muốn quay trở lại tuân thủ thỏa thuận, chính quyền Washington và Tehran còn có những khác biệt về việc phía nào sẽ phải nhượng bộ trước. Trong nỗ lực cứu vãn thỏa thuận hạt nhân, Iran và các cường quốc còn lại tham gia JCPOA là Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức đã nối lại đàm phán trực tiếp từ tháng 4-2021 tại Vienna trong khi Mỹ tham gia gián tiếp.

Nội dung đàm phán chính bao gồm việc tháo gỡ những biện pháp trừng phạt của Mỹ, những cáo buộc vi phạm thỏa thuận của nước Cộng hòa Hồi giáo cũng như đưa Washington và Tehran cùng quay trở lại các cam kết đầy đủ trong thỏa thuận.

Tổng cộng đã có sáu vòng đàm phán được tổ chức, với lần gần đây nhất là vào ngày 20/6, nhưng các bên vẫn chưa thể tìm được tiếng nói chung trong nhiều vấn đề, bao gồm những bước phải thực hiện trong lộ trình trở lại JCPOA. Chỉ ít lâu sau, Iran yêu cầu tạm dừng các cuộc đàm phán do có sự thay đổi bộ máy lãnh đạo khi ông Ebrahim Raisi trở thành tổng thống của nước này. Từ đó đến nay, các nước chưa thống nhất được thời gian cụ thể cho những vòng đàm phán tiếp theo.

Linh Đan
.
.
.