Chuyến thăm của Thủ tướng Anh đến Mỹ và kịch bản mới cho cuộc chiến Ukraine - Nga?

Chủ Nhật, 15/09/2024, 07:20

Thủ tướng Anh Keir Starmer vừa tới Washington và có cuộc thảo luận với Tổng thống nước chủ nhà Joe Biden. Cuộc gặp này được quốc tế đặc biệt quan tâm, bởi hai bên sẽ bàn về việc có nên cấp phép cho Ukraine sử dụng vũ khí tấn công tầm xa vào sâu lãnh thổ Nga hay không.

Mở đầu cuộc thảo luận, hai nhà lãnh đạo Mỹ - Anh đều nhấn mạnh tới sự ủng hộ Ukraine trong cuộc xung đột với Nga. Người đứng đầu Nhà Trắng nêu rõ: “Tôi vẫn thường nói, không có vấn đề toàn cầu nào mà Mỹ và Anh không thể hợp tác với nhau. Mỹ cam kết sát cánh cùng ngài để giúp Ukraine chống lại Nga. Phải nói rõ ràng rằng, Nga sẽ không thắng thế trong cuộc xung đột này mà Ukraine sẽ thắng thế”.

Chuyến thăm của Thủ tướng Anh đến Mỹ và kịch bản mới cho cuộc chiến Ukraine - Nga? -0
Thủ tướng Keir Starmer thảo luận với Tổng thống Joe Biden hôm 13/9 tại Nhà Trắng. Ảnh: The Times of Israel

Về phần mình, người đứng đầu Chính phủ Anh khẳng định: “Tất nhiên, chúng ta sẽ bắt đầu với Ukraine, nơi mà tôi nghĩ rằng vài tuần và vài tháng tới có thể rất quan trọng. Chúng ta phải ủng hộ Ukraine trong cuộc xung đột quan trọng này”. Thế nhưng, khi rời cuộc họp mà Thủ tướng Keir Starmer nhận định là hiệu quả, ông đã né tránh trả lời trực tiếp câu hỏi của phóng viên rằng Ukraine có được phép sử dụng vũ khí tầm xa để tấn công Nga hay không. Ông cho biết sẽ tiếp tục thảo luận về các “quyết định chiến lược” với các đối tác khác bên lề kỳ họp Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) ở Mỹ trong những ngày tới. Trong khi đó, người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ John Kirby khẳng định, Washington chưa có bất cứ điều chỉnh nào trong quan điểm về việc cung cấp khả năng tấn công tầm xa cho Ukraine nhằm vào các mục tiêu bên trong lãnh thổ Nga. Ông nêu rõ, Mỹ coi trọng cảnh báo của Tổng thống Nga Vladimir Putin đưa ra trước đó, rằng việc cấp phép Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa tấn công Nga sẽ bị coi là sự tham gia trực tiếp của phương Tây vào cuộc xung đột.

Chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Keir Starmer tới Washington diễn ra ngay sau khi Tổng thống Vladimir Putin cảnh báo rằng, việc dỡ bỏ các lệnh cấm Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa của phương Tây sẽ trực tiếp khiến Mỹ và các đồng minh tham gia vào xung đột với Nga và sẽ bị đáp trả một cách thích hợp. Người đứng đầu Điện Kremlin khẳng định: “Nếu họ quyết định như vậy, sẽ có nghĩa các quốc gia NATO, Mỹ và các nước châu Âu trực tiếp tham gia vào cuộc xung đột ở Ukraine. Sự tham gia trực tiếp của họ tất nhiên sẽ thay đổi đáng kể bản chất của cuộc xung đột… Nga sẽ đưa ra các quyết định phù hợp dựa trên các mối đe dọa mà chúng tôi phải đối mặt”. Đồng quan điểm, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov tuyên bố Moscow sẽ tiêu diệt bất kỳ lô tên lửa mới nào thuộc ATACMS tầm xa mà Mỹ chuyển cho Ukraine. Theo ông, quyết định tiềm tàng của Washington cho phép Kiev tấn công vào sâu bên trong lãnh thổ Nga bằng những tên lửa như vậy đang làm gia tăng mối nguy hiểm và rủi ro. Vài giờ sau, trên đường đến Washington, ông Starmer đã phản pháo, đáp trả lời cảnh báo của nhà lãnh đạo Nga: “Nga đã bắt đầu cuộc xung đột này. Nga có thể chấm dứt cuộc xung đột này ngay lập tức. Ukraine có quyền tự vệ”.

Căng thẳng giữa London và Moscow đã tăng vọt trong tuần này do có dấu hiệu cho thấy Mỹ, được Anh thúc đẩy, đang tiến tới việc cho phép Ukraine sử dụng tên lửa do phương Tây cung cấp để tấn công các mục tiêu quân sự sâu bên trong lãnh thổ Nga. Trước khi tới Washington, Thủ tướng Keir Starmer và Tổng thống Vladimir Putin đã có những lời lẽ gay gắt, trong khi Nga tuyên bố đã thu hồi tư cách được công nhận của 6 nhà ngoại giao Anh tại Moscow với lý do họ có liên quan đến hoạt động gián điệp và phá hoại. Theo Cơ quan an ninh của Nga, cơ quan này có các tài liệu cho thấy một bộ phận của văn phòng ngoại giao Anh chịu trách nhiệm về Đông Âu và Trung Á đang điều phối cái mà họ gọi là leo thang tình hình chính trị và quân sự và được giao nhiệm vụ đảm bảo Nga sẽ thất bại về mặt chiến lược trong chiến dịch đặc biệt tại Ukraine. Những sự thật được tiết lộ này tạo cơ sở để Nga xem xét các hoạt động của các nhà ngoại giao Anh tại Nga bởi đây là mối đe dọa đối với an ninh của nước này. Bộ Ngoại giao Anh đã ngay lập tức chỉ trích quyết định của Moscow, cho rằng các cáo buộc này là “hoàn toàn vô căn cứ”, đồng thời khẳng định: “Chúng tôi không hối hận về việc bảo vệ lợi ích quốc gia của mình”. Trước đó, Anh đã trục xuất một quan chức ngoại giao cấp cao Nga.

Các nhà phân tích nhận định rằng, viễn cảnh về một sự thay đổi lớn ở Nhà Trắng đã thúc đẩy Thủ tướng Keir Starmer bước vào phòng họp với Tổng thống Joe Biden ngay lúc này. Ông đã quyết định thăm Washington chỉ trong 24 giờ, dù đã có kế hoạch đến New York trong hai tuần nữa để tham dự Đại hội đồng LHQ. Theo một nhà ngoại giao Anh, lịch trình bận rộn sẽ khiến hai nhà lãnh đạo Mỹ - Anh khó có thể có nhiều thời gian riêng tư như vậy tại LHQ. Các nhà ngoại giao và nhà phân tích cho biết, khi sự ủng hộ lâu dài của Mỹ không còn là điều mà phương Tây có thể coi là hiển nhiên nữa, mục tiêu cuối cùng của Anh là trao cho Ukraine cơ hội tốt nhất để tự mình giữ vững lập trường tại cuộc đàm phán hòa bình trong tương lai với Nga. Những lo ngại về một kịch bản tiềm tàng, khi ông Donald Trump đắc cử và có thể thúc đẩy một thỏa thuận hòa bình với Nga cho phép nước này kiểm soát một phần lớn lãnh thổ Ukraine - cũng đã thúc đẩy hoạt động ngoại giao của Anh đối với Pháp và Đức. Điểm dừng chân đầu tiên của tân Ngoại trưởng Anh David Lammy vào tháng 7 là Berlin, trong khi ông Keir Starmer đã đến gặp Tổng thống Emmanuel Macron của Pháp và người đồng cấp Olaf Scholz của Đức. Pháp hợp tác với Anh trong việc xây dựng hệ thống tên lửa hành trình Storm Shadow, vì vậy sự hỗ trợ của nước này cũng được coi là quan trọng. Trước thềm cuộc xung đột, ông Emmanuel Macron đã nỗ lực hơn cả Thủ tướng Anh khi đó là ông Boris Johnson để tìm ra giải pháp ngoại giao với người đồng cấp Vladimir Putin.

Mặc dù ủng hộ Ukraine, song Thủ tướng Keir Starmer cũng đã nói rõ rằng, Anh không muốn xung đột với Nga: “Đó không phải là ý định của chúng tôi”. Và Bộ trưởng Quốc phòng Anh John Healey cũng đã nhấn mạnh rằng, người Ukraine cần tuân thủ luật nhân đạo quốc tế khi sử dụng vũ khí do London cung cấp. Điều đó phù hợp với sự nhấn mạnh rộng rãi hơn của chính phủ Công đảng về  tôn trọng luật pháp quốc tế trong xung đột.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.