Xuất hiện thêm nhiều biến thể mới của virus SARS-CoV-2

Thứ Hai, 21/12/2020, 06:42
Những biến thể này được phát hiện ở Anh, Nam Phi và đang có tốc độ lây lan nhanh hơn. Trong bối cảnh nhiều quốc gia trên thế giới bắt đầu chiến dịch tiêm phòng vaccine ngừa COVID-19 quy mô lớn, các nhà khoa học nhận định, biến thể mới khả năng cao sẽ không ảnh hưởng đến tác dụng của vaccine.


Người đứng đầu cơ quan y tế Anh Chris Whitty hôm 19/12 cho biết, một chủng mới xuất hiện tại Anh có thể lây lan nhanh hơn và giới chức y tế nước này đang khẩn cấp xác định xem liệu nó có gây ra tỷ lệ tử vong cao hơn không. Biến thể mới của virus SARS-CoV-2 được cho là liên quan đến tốc độ lây nhiễm gia tăng nhanh tại khu vực Đông Nam vùng England. Phân tích ban đầu cho thấy biến thể này phát triển nhanh hơn những biến thể trước đây.

Thủ hiến Scotland Nicola Sturgeon cho biết: “Hiện có nhiều bằng chứng cho thấy chủng virus mới đang lây lan nhanh hơn nhiều so với các chủng virus mà chúng tôi đối phó cho đến nay. Nó có khả năng lây lan hơn 70% so với các biến thể trước đó”.

Đã xuất hiện nhiều biến thể mới của virus SARS-CoV-2 với tốc độ lây lan nhanh. Ảnh: Reuters

Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng đã triệu tập một cuộc họp đột xuất với các bộ trưởng nước này để thảo luận cách ngăn chặn sự lây lan biến thể mới. Chính phủ Hà Lan hôm qua đã cấm mọi chuyến bay chở khách từ Anh từ nay đến ngày 1-1-2021, sau khi phát hiện một ca nhiễm biến thể mới của virus SARS-CoV-2 tại Hà Lan.

Trong khi đó, tại Nam Phi, một biến thể mới của virus SARS-CoV-2 cũng đã xuất hiện và được cho là liên quan đến làn sóng lây nhiễm thứ hai chủ yếu tác động đến người trẻ tuổi ở nước này. Bộ Y tế Nam Phi đã gửi thông tin chi tiết về biến thể 501.V2 tới Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Trưởng nhóm kỹ thuật COVID-19 của WHO Maria Van Kerkhove cho biết, virus SARS-CoV-2 thường biến đổi theo thời gian.

Hiện các chuyên gia y tế đang xác định mức độ nguy hiểm của biến thể mới. “Chúng tôi đang có các cuộc thảo luận với những nhà nghiên cứu tại Nam Phi về những biến thể mới. Đây là một loại virus đột biến và tất cả virus thay đổi theo thời gian, việc mà chúng ta có thể dự đoán được. Hiện chúng tôi đang xem xét những thay đổi đó”, bà Maria Van Kerkhove cho biết. Những biến thể xuất hiện khi Anh và nhiều quốc gia trên thế giới bắt đầu chiến dịch tiêm phòng vaccine ngừa COVID-19 quy mô lớn.

Tuy nhiên, các nhà khoa học nhận định, biến thể mới khả năng cao sẽ không ảnh hưởng đến tác dụng của vaccine, vì khi phát triển vaccine, các nhà nghiên cứu cũng hiểu rõ cơ chế biến đổi của virus và tính đến trong hoạt động bào chế. Mặc dù trấn an người dân không nên quá lo ngại về những biến thể mới ở giai đoạn này, nhưng các nhà khoa học cho rằng, các nước vẫn cần nâng cao cảnh giác, bao gồm đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên và đảm bảo giãn cách xã hội để bảo vệ sức khỏe của chính mình.

Ngoài sự xuất hiện những biến thể mới của virus SARS-CoV-2, dự án khổng lồ sản xuất, phân phối vaccine nhanh nhất cho thế giới đang là bài toán khó đối với cuộc chiến chống COVID-19. Hiện, đã có 48 loại vaccine tiềm năng. Các nhà sản xuất hàng đầu đó là Trung Quốc, Mỹ, một số quốc gia châu Âu, Nga và Ấn Độ.

Việt Nam cũng nằm trong top sau. Việc bảo vệ an ninh nguồn vaccine và trong quá trình vận chuyển, phân phối (cần tới 15.000 chuyến bay phân phối khắp thế giới), đòi hỏi các trạm và nhân viên y tế phải có trình độ chuyên môn và khắc phục nguy cơ vaccine bị đánh cắp. Vaccine phải được bảo quản ở nhiệt độ -70 độ C và vận chuyển đến vùng sâu, vùng xa…

Đây thực sự là một thách thức mà nhân loại chưa từng phải đối mặt. Hàng tỷ liều vaccine ngừa COVID-19 sẽ được sản xuất từ nay đến cuối năm 2021, song các chuyên gia lo ngại số vaccine chảy về các nước giàu có. Tình trạng “phân hóa 2 đầu” giữa người giàu (thuốc tốt, nhanh), người nghèo (thuốc rẻ, chậm, thậm chí không tiếp cận được). Và nếu như vậy, dịch bệnh sẽ không được kiểm soát trên toàn cầu, nguy cơ tái bùng phát là khó tránh. Trong khi đó, vẫn còn tình trạng người dân chưa tin và từ chối tiêm vaccine.

Khảo sát ở Mỹ cho thấy 42% số người thuộc đảng Cộng hòa chần chừ tiêm vaccine. Tại Nga, 59% số người được hỏi từ chối tiêm chủng vì họ không tin. Mặt khác, trong số những người được tiêm 1 mũi vẫn có người bị nhiễm COVID-19 (nhất thiết phải tiêm 2 mũi). Các chuyên gia còn lo ngại tác động của “Hội chống tiêm vaccine” trên mạng xã hội trong những năm gần đây đến việc tiêm vaccine ngừa COVID-19. Họ cho rằng việc tiêm vaccine là không cần thiết, trái với tự nhiên và gây hại, vi phạm quyền tự do cá nhân, ảnh hưởng đến tín ngưỡng, sự thông đồng giữa chính phủ với các tổ chức y tế để kiếm lợi nhuận.

Trong bối cảnh đó, để giải quyết được các bài toàn đặt ra từ đại dịch COVID-19, các quốc gia cần đẩy mạnh ứng dụng các siêu phẩm của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, nhất là công nghệ thông tin, sinh học, tự động hóa, robot hóa, trí tuệ nhân tạo (AI) và mạng 5G... vào phòng, chống dịch bệnh. Mô hình Chính phủ điện tử cũng cần phát triển nhanh hơn, bởi nhiều lợi ích đã hiện rõ qua đại dịch. Các chính phủ cần ưu tiên các chính sách và đầu tư vào chuỗi giá trị sản xuất thực phẩm, nhất là các hệ thống cung cấp tại chỗ như lương thực, rau củ quả. Kết hợp chính sách phong tỏa gắn với giao thông mở để vận chuyển lương thực, thực phẩm…

Tăng cường phối hợp cùng nhau giải quyết hàng loạt các vấn đề liên quan đến vận chuyển, phân phối, tiêm chủng vaccine, nhất là công tác hậu cần đồng bộ. Về an ninh mạng trong đại dịch, có 3 hướng cần thay đổi. Thứ nhất, ưu tiên hàng đầu tạo ra lực lượng làm việc từ xa lành mạnh với các ứng dụng thúc đẩy năng suất, sự cộng tác và trải nghiệm. Tiếp đó là phải có mô hình bảo mật mới và cuối cùng là tạo ra bộ dữ liệu đa dạng, thông minh hơn dựa trên nền tảng điện toán đám mây, bao gồm cả việc lắp đặt một số “robot biên phòng”.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.