Nhiều bất đồng về an ninh mạng và vấn đề biển Đông trong quan hệ Mỹ - Trung

Chủ Nhật, 27/09/2015, 08:18
Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 26/9 (giờ Việt Nam) tuyên bố đã đạt được một sự “hiểu biết chung” với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong việc ngăn chặn hoạt động gián điệp kinh tế trên mạng. Tuy nhiên, ông chủ Nhà Trắng vẫn cảnh giác khi cho rằng, Bắc Kinh phải “nói đi đôi với làm” trong việc ngăn chặn nạn tin tặc tấn công doanh nghiệp và chính phủ Mỹ, đồng thời đe dọa sẽ áp đặt trừng phạt đối với các tin tặc Trung Quốc đã phạm tội trong thế giới mạng.

Phát biểu sau cuộc hội đàm ở Nhà Trắng, Tổng thống Obama nhanh chóng trở lại vấn đề gai góc nhất giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, chính là mối quan ngại ngày càng gia tăng về tình trạng hacker Trung Quốc tấn công các cơ sở dữ liệu của Chính phủ và doanh nghiệp Mỹ, và có nhiều nghi ngờ tại Washington rằng, Bắc Kinh đôi khi đứng đằng sau các cuộc tấn công đó.

Phát biểu trước các phóng viên tại buổi họp báo ở Nhà Trắng, có Chủ tịch Trung Quốc đứng bên cạnh, Tổng thống Obama nhấn mạnh: “Tôi cho rằng, cần phải chấm dứt ngay các chương trình tấn công mạng nhằm mục đích thương mại. Đây là mối quan ngại rất nghiêm trọng đối với các công dân và công ty Mỹ”.

Tổng thống Obama cho biết, ông và ông Tập đã có “bước tiến đáng kể” về an ninh mạng: “Ngày hôm nay, tôi có thể thông báo rằng Mỹ và Trung Quốc đã đạt được thỏa thuận chung về việc chấm dứt các chương trình này. Chúng tôi đồng ý cả Mỹ và Trung Quốc sẽ không tiến hành hoặc ngầm ủng hộ các chương trình tấn công mạng nhằm giành quyền sở hữu trí tuệ, các tài liệu thương mại mật hay thông tin kinh doanh của nhau. Chúng tôi sẽ hợp tác cùng với các quốc gia khác để thúc đẩy những quy tắc quốc tế về các chương trình như thế này trong không gian mạng”.

Nhưng ông chủ Nhà Trắng cũng cảnh báo: “Câu hỏi hiện là, hành động có đi đôi với lời nói hay không?”, đồng thời khẳng định rõ ràng rằng ông đã chuẩn bị những biện pháp trừng phạt nặng đối với tội phạm mạng. Về phía Trung Quốc, ông Tập cũng đã xác nhận thỏa thuận trên, đồng thời cho biết các cơ quan có thẩm quyền của hai nước đã đạt được sự đồng thuận quan trọng trong việc cùng đấu tranh chống các loại tội phạm mạng.

Chủ tịch Trung Quốc cũng cho rằng, không nên “chính trị hóa” vấn đề tin tặc và bản thân Bắc Kinh cũng là nạn nhân của vấn nạn này. Mặc dù vậy, thỏa thuận giữa đôi bên không đề cập đến hoạt động theo dõi mạng vì các mục đích khác.

Liên quan tới vấn đề biến đổi khí hậu, hai nước đã đạt được thỏa thuận chung, trong đó nhấn mạnh tới tầm nhìn chung và các bước thực hiện mới dựa trên cơ sở thông cáo chung mang tính đột phá được đưa ra năm ngoái, khi cả hai nước đặt mục tiêu ngừng hoặc cắt giảm khí thải.

Tổng thống Obama (phải) và Chủ tịch Tập Cận Bình tại buổi họp báo ở Nhà Trắng. Ảnh: Reuters.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thông báo Trung Quốc sẽ thành lập một quỹ trị giá 3,1 tỷ USD để hỗ trợ các quốc gia đang phát triển giải quyết những vấn đề liên quan tới biến đổi khí hậu. Về vấn đề biển Đông – vốn được coi là một trong những vấn đề gai góc nhất, hai bên vẫn chưa thu hẹp được bất đồng. Tổng thống Obama đã bày tỏ quan ngại về những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở biển Đông, cho rằng những hoạt động bồi đắp, xây dựng đảo nhân tạo của Bắc Kinh đang khiến vấn đề trở nên khó khăn hơn khi giải quyết những bất đồng một cách hòa bình.

Tổng thống Obama đề nghị Trung Quốc giải quyết tranh chấp lãnh thổ bằng luật pháp quốc tế và cần một nghị quyết giữa các quốc gia có tuyên bố chủ quyền ở biển Đông hay biển Hoa Đông. Ông khẳng định dù Mỹ không phải là bên có tranh chấp tại hai vùng biển này, song Washington muốn các bên tôn trọng những quy định và luật pháp quốc tế.

Trong khi đó, Chủ tịch Trung Quốc thì ra sức dùng lời lẽ ôn hòa và phân bua rằng, hoạt động cải tạo đảo phi pháp của Trung Quốc ở biển Đông “không nhằm và không gây ảnh hưởng đến bất cứ nước nào” và “Trung Quốc không có ý định theo đuổi việc quân sự hóa khu vực này”.

Liên quan tới lĩnh vực kinh tế, phải kể tới bản hợp đồng Trung Quốc mua máy bay của tập đoàn Boeing với tổng giá trị 38 tỷ USD và văn kiện hợp tác với hãng này về việc xây dựng một trung tâm hoàn thiện máy bay Boeing 737 tại Trung Quốc. Mặc dù vậy, việc hai bên chưa có kết luận về đàm phán Hiệp định đầu tư song phương (BIT) cho thấy phía Mỹ còn chờ đợi những cam kết của Bắc Kinh được hiện thực hóa và tạo ra những tiến triển thực tế cho nền kinh tế thứ hai thế giới. Chủ tịch Trung Quốc khẳng định nền kinh tế nước này sẽ tăng trưởng trở lại trong tương lai.

Về đề xuất của Trung Quốc xây dựng “quan hệ nước lớn kiểu mới”, cho đến nay, dường như Mỹ không thực sự mặn mà vì bản chất của ý tưởng này là làm sao Bắc Kinh thuyết phục được Washington tạo không gian cho Trung Quốc tiếp tục phát triển mà không vấp phải sự kiềm chế của Mỹ. Vì thế, trong khi Trung Quốc luôn nhấn mạnh những điểm đồng, những điểm có lợi cho việc hợp tác giữa hai nước thì Mỹ luôn nhấn mạnh tới các khác biệt và yêu cầu Bắc Kinh có cách hành xử tôn trọng trật tự, an ninh trong khu vực, chẳng hạn như mối đe dọa an ninh mạng từ Trung Quốc, các hoạt động đơn phương của Bắc Kinh ở biển Đông, vấn đề dân chủ, nhân quyền…

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.