Chính phủ Mỹ lại suýt đóng cửa vì thiếu kinh phí

Thứ Năm, 01/10/2015, 20:45
Chỉ vài giờ trước thời hạn lúc nửa đêm, Quốc hội Mỹ lưỡng viện Mỹ ngày 30/9 đã phê chuẩn một dự luật chi tiêu tạm thời cho các cơ quan liên bang ở mức hiện tại đến ngày 11/12 tới.
Ngay sau đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng nhanh chóng đặt bút ký ban hành dự luật chi tiêu tạm thời, trong đó bao gồm khoản chi 700 triệu USD cho công tác chống cháy rừng ở các bang miền Tây nước Mỹ. Giới phân tích nhận định, đây chỉ là giải pháp mang tình thế, giúp tránh tái diễn kịch bản chính phủ phải đóng cửa do thiếu kinh phí.

Dự luật trên đã dễ dàng được thông qua tại Hạ viện với 277 phiếu thuận, 151 phiếu chống, và tại Thượng viện, hai con số trên lần lượt là 78 và 20. Tuy nhiên, với thời hạn chót là ngày 11/12 tới, nhiều khả năng sẽ tiếp tục diễn ra những cuộc tranh cãi nảy lửa giữa hai đảng Dân chủ và Cộng hòa về ngân sách tài khóa 2016 trong 10 tuần tới.

Hai bên sẽ phải thảo luận để đưa ra một gói ngân sách dài hơi hơn và hạn chế bớt cắt giảm ngân sách quốc phòng cũng như chi tiêu nội địa. Và nếu vẫn không đạt được đồng thuận, một số cơ quan chính phủ sẽ phải tạm ngừng hoạt động vì không có kinh phí, tái diễn lại kịch bản hồi năm 2013, vốn khiến chính phủ tê liệt trong suốt 16 ngày.

Chính phủ Mỹ từng tê liệt trong suốt 16 ngày hồi năm 2013.

Mâu thuẫn chính nằm ở cuộc tranh cãi chưa hồi kết giữa hai đảng Cộng hòa và Dân chủ về tổ chức y tế ủng hộ việc phá thai “Planned Parenthood”. Phe Cộng hòa kiên quyết phản đối bất cứ kế hoạch nào kèm theo việc tiếp tục tài trợ cho “Planned Parenthood”. Trong khi đó, các nghị sỹ Dân chủ lại khẳng định sẽ ngăn chặn mọi dự luật chống lại tổ chức trên.

Mặc dù dự luật mới được thông qua chỉ có “giá trị” tới ngày 11/12, nhưng nó được xem là cơ hội mở ra các cuộc đàm phán mới giữa Tổng thống Obama cùng các nghị sĩ đảng Dân chủ và các nghị sĩ thuộc đảng Cộng hòa trong nỗ lực thu hẹp bất đồng để đạt được đồng thuận trong vấn đề ngân sách.

Nếu không có “giải pháp tình thế” này, hậu quả từ việc chính phủ phải tạm ngừng hoạt động trong năm nay thậm chí còn nghiêm trọng hơn. Không dừng ở việc khoảng 1 triệu công chức Mỹ phải nghỉ làm không lương bắt đầu từ ngày 1/10, mà những hậu quả đối với thị trường tài chính cũng không nhỏ.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.