Các Hạ nghị sĩ đảng Dân chủ ủng hộ Mỹ quay lại JCPOA
Họ coi việc Mỹ trở lại là điểm khởi đầu cho các cuộc đàm phán giữa Washington và Tehran trong tương lai, nhằm thu hẹp các khác biệt và cải thiện mối quan hệ cũng như hạn chế được “những động thái mà họ cho là “gây hấn” của Iran trong khu vực”.
Trong bức thư, các Hạ nghị sĩ Đảng Dân chủ khẳng định sự ủng hộ đối với việc nhanh chóng thực hiện các bước ngoại giao cần thiết để khôi phục các ràng buộc đối với chương trình hạt nhân của Iran. Theo một số chuyên gia, mục đích của bức thư là để “trấn an” ông Joe Biden thúc đẩy Mỹ tham gia trở lại thỏa thuận mà không lo ngại bị phản đối.
Kỹ thuật viên Iran kiểm tra các thiết bị tại cơ sở làm giàu urani Isfahan, cách Thủ đô Tehran 420km về phía Nam. |
Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, Tổng thống đắc cử Mỹ cũng đang phải chịu sức ép từ một bộ phận không nhỏ, cả trong và ngoài nước yêu cầu đàm phán lại JCPOA. Các nước Arab đồng minh của Mỹ trong khu vực hiện cũng muốn có vai trò trong đàm phán, muốn kiềm chế chương trình tên lửa của Iran cũng như sức ảnh hưởng của nước này trong khu vực.
Tuy nhiên, Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã bác bỏ điều này: “Mỹ từng muốn đưa chương trình tên lửa vào đàm phán. Chúng tôi đã bác bỏ khi đàm phán thỏa thuận hạt nhân trước đây. Ông Joe Biden biết rõ điều này. Iran cũng sẽ không đàm phán lại thỏa thuận hạt nhân đã đạt được. Đó là một thỏa thuận lịch sử rất quan trọng, chưa từng có với Iran và trong khu vực. Tôi không biết liệu có quốc gia nào như Iran có thể đàm phán với 6 cường quốc trong điều kiện bị trừng phạt hay không”.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cũng cho rằng, Mỹ phải quay trở lại tham gia thỏa thuận hạt nhân Iran mà không được đưa ra bất cứ điều kiện tiên quyết hoặc yêu cầu bổ sung nào. Theo bà, những nỗ lực sửa đổi thỏa thuận hạt nhân đều kết thúc bằng thất bại. Trước đó, vài ngày, các nước còn lại của thỏa thuận hạt nhân cũng kêu gọi việc các bên cần tuân thủ các cam kết đã ký. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cũng có chung quan điểm với Nga, cho rằng Mỹ nên quay trở lại thỏa thuận một cách vô điều kiện và sớm nhất có thể.
Đối với Iran, việc ứng cử viên Joe Biden của đảng Dân chủ chính thức trở thành ông chủ Nhà Trắng mang nhiều ý nghĩa quan trọng. Washington có thể sẽ khôi phục JCPOA, thường được gọi tắt là thỏa thuận hạt nhân Iran. Ông Joe Biden đã nói rõ trong một bài báo trên CNN: “Tôi sẽ đưa cho Tehran một lộ trình đáng tin cậy để quay trở lại con đường ngoại giao. Nếu Iran tuân thủ nghiêm túc thỏa thuận hạt nhân, Mỹ sẽ tham gia lại thỏa thuận này và coi đó như một điểm khởi đầu cho các cuộc đàm phán tiếp theo.
Cùng với các đồng minh của mình, chúng tôi sẽ củng cố và mở rộng các điều khoản của thỏa thuận hạt nhân, đồng thời giải quyết các vấn đề đáng quan tâm khác”. Vài ngày sau khi tướng Qassem Soleimani bị sát hại vào tháng 1/2020, Tổng thống Hassan Rouhani từng tuyên bố Tehran sẽ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân nói trên.
Theo Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), Iran đang vượt qua tất cả các giới hạn trong JCPOA khi quyết định tăng tổng lượng dự trữ urani làm giàu cấp độ thấp từ 1.020,9kg lên 1.571,6kg, tức là gấp khoảng 8 lần mức mà nước Cộng hòa Hồi giáo được phép duy trì trong thỏa thuận hạt nhân. Theo các điều khoản của JCPOA, Iran chỉ được phép dự trữ 202,8kg urani được làm giàu tối đa 3,67%.
Hiện Tehran đang làm giàu urani có độ tinh khiết 4,5% và sở hữu lượng nước nặng cao hơn nhiều so với mức cho phép trong thỏa thuận. Một điểm đáng chú ý khác trong báo cáo của IAEA là Iran không cho phép cơ quan này thanh tra các địa điểm hạt nhân của mình. Khoảng 1.000kg urani có tỷ lệ làm giàu 5% có thể được tinh chế thêm để tạo ra một quả bom hạt nhân. Điều này có nghĩa là Iran hiện đã có đủ urani làm giàu để tinh chế và theo đuổi chế tạo bom hạt nhân nếu Tehran thực sự muốn làm như vậy.
Bất chấp tất cả những vi phạm này, nước Cộng hòa Hồi giáo vẫn mong muốn khởi động lại thỏa thuận hạt nhân. Tổng thống Iran mới đây đã thông báo rằng Tehran sẽ trở lại thỏa thuận ngay sau khi Washington tái tham gia JCPOA. Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif cũng từng thể hiện quan điểm tương tự vào tháng 11 vừa qua.
Cả Tổng thống và Ngoại trưởng Iran chắc hẳn đã không phát đi những tín hiệu nói trên nếu không nhận được sự chấp thuận của Nhà lãnh tụ tối cao Iran Ali Khamenei, nhân vật có tiếng nói quyết định trong các chính sách đối ngoại và đối nội của Tehran. Trên thực tế, Iran đang rất muốn hồi sinh thỏa thuận hạt nhân năm 2015.
Đầu tiên, việc tái tham gia JCPOA sẽ mang lại cơ hội thúc đẩy kinh tế đáng kể cho nước Cộng hòa Hồi giáo. Tehran có thể tăng cường xuất khẩu dầu mỏ của mình một cách hợp pháp. Giới chức Iran đã chuẩn bị cho kịch bản xuất khẩu dầu mỏ “hết công suất” chỉ trong vòng vài tháng. Theo trang mạng chính thức của Tổng thống Hassan Rouhani, ông đã đề nghị Bộ Dầu mỏ Iran chuẩn bị mọi nguồn lực và trang thiết bị dầu khí để tăng sản lượng và xuất khẩu dầu mỏ trong vòng ba tháng tới.
Trước khi Tổng thống sắp mãn nhiệm Donald Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân hồi năm 2018 và bắt đầu chính sách gây áp lực tối đa chống lại nước Cộng hòa Hồi giáo, Tehran đã xuất khẩu hơn 2 triệu thùng dầu/ngày. Trong 2 năm qua, xuất khẩu dầu mỏ của Iran đã rơi xuống mức thấp kỷ lục 100.000 thùng/ngày. Dầu mỏ được coi là nguồn thu chủ chốt để duy trì chế độ Iran và Tổng thống Hassan Rouhani đã thừa nhận rằng Tehran khó có thể vận hành và duy trì sự phát triển của đất nước nếu không có nguồn thu từ dầu mỏ, cho dù quốc gia này vẫn còn những nguồn thu từ các lĩnh vực khác.
Thứ hai, thỏa thuận hạt nhân sẽ mở ra lộ trình mới để phương Tây có thể đầu tư vào các lĩnh vực của Iran, trong bối cảnh các nhà lãnh đạo Iran rất muốn thu hút thêm nhiều nguồn đầu tư nước ngoài. Sau khi thỏa thuận hạt nhân được ký kết vào năm 2015, giới chức Iran thậm chí còn mời các công ty dầu khí của Mỹ đến Iran kinh doanh. Điều này cho thấy nước Cộng hòa Hồi giáo sẵn sàng đặt lợi ích kinh tế lên trên lợi ích tư tưởng cách mạng của mình.
Đổi lại, nguồn lợi kinh tế chắc chắn sẽ giúp Iran truyền bá các tư tưởng và tôn chỉ cách mạng của mình trong khu vực. Thứ ba, tái tham gia thỏa thuận hạt nhân sẽ giúp Iran duy trì sự hợp pháp toàn cầu. Điều này có nghĩa là sự ủng hộ của Tehran đối với các nhóm dân quân cũng như chủ nghĩa phiêu lưu quân sự và hành vi quấy phá ở Trung Đông nhiều khả năng sẽ bị các cường quốc thế giới "phớt lờ" hoặc coi là điều thứ yếu.
Tóm lại, Iran sẵn sàng tái gia nhập thỏa thuận hạt nhân chủ yếu nhờ những lợi ích mà nó sẽ mang lại cho nền kinh tế và tài chính của nước Cộng hòa Hồi giáo.