Niềm vui ngày trở về

Thứ Tư, 31/08/2022, 08:44

Sau cơn mưa ào ạt do ảnh hưởng của cơn bão số 3, nắng vàng hửng nhẹ, trời đất dường như cũng chung vui với các phạm nhân có quyết định đặc xá dịp Quốc khánh 2-9 của Trại giam Ninh Khánh năm nay. Trong tổng số 92 phạm nhân được đề nghị đặc xá lần này của Trại có 24 phạm nhân nữ. Mỗi người mỗi tội, mỗi người mỗi hoàn cảnh gia đình, nhưng niềm vui của ngày trở về thì ai cũng giống ai, lấp lánh trong ánh mắt, rộn rã trong lời nói...

Mong một bữa cơm ấm tình gia đình

Chúng tôi gặp nữ phạm nhân Nguyễn Thị Quỳnh (sinh năm 1983, quê ở huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình) trong Trại giam Ninh Khánh khi cô đang mải miết công việc ở xưởng làm tóc giả.

Khuôn mặt được trang điểm rạng rỡ, thêm cặp kính cận khiến Quỳnh xinh xắn, ưa nhìn. Quỳnh cho biết, tất cả đồ trang điểm như son phấn, kem dưỡng da... đều được chồng gửi vào. “Anh ấy thấy em nhắn tên các loại mỹ phẩm của hãng nào là đi tìm mua bằng được. Lần nào đến thăm vợ trong trại giam, chồng em cũng bảo ở trong tù vẫn phải xinh, nhớ cải tạo tốt để chờ ngày đoàn tụ với chồng con. Thương lắm! Nhiều lúc trang điểm, em lại thẫn thờ ngồi nhớ chồng, nhớ những bữa cơm sum vầy bên các thành viên trong gia đình” - Quỳnh chia sẻ.

Niềm vui ngày trở về -0
Nghiên cứu đối chiếu hồ sơ của các phạm nhân được đặc xá.

Thời điểm mới vào trại, Quỳnh cảm thấy hụt hẫng, chán nản, tuyệt vọng khi phải cách ly với xã hội, sống quanh quẩn trong khu vực của trại giam. Tâm trạng ấy đã khiến Quỳnh trở nên nổi loạn, chống đối lại mọi sự chỉ bảo, giáo dục của cán bộ quản giáo. Thế là cô bị xếp vào tổ phạm nhân cứng đầu, chống đối. Đỉnh điểm là việc Quỳnh mâu thuẫn với một nữ phạm nhân, hai bên lời qua tiếng lại rồi đuổi đánh nhau, rất may được các phạm nhân khác phát hiện, can ngăn, sau đó báo cán bộ quản giáo đến giải quyết. Trong cuộc nói chuyện, cán bộ quản giáo đã phân tích đúng - sai, được - mất cho Quỳnh và nữ phạm nhân kia, để các cô hiểu rằng, cuộc sống không thể để sai lầm tiếp nối sai lầm, đã vào thụ án trong trại giam phải cải tạo thật tốt, nếu cứ tiếp tục gây chuyện thì con đường trở về với gia đình sẽ ngày càng xa...

Sau cuộc nói chuyện “củ cải cũng phải nghe” đó của cán bộ quản giáo, Quỳnh và nữ phạm nhân kia đã hiểu những nội quy cần thực hiện khi thụ án trong trại giam, cả hai cũng hiểu nhau hơn, từ đó trở lên thân thiết, chia sẻ mọi buồn vui trong trại giam. “Cô ấy đã được ra trại trước em, chúng em có hẹn khi nào ra ngoài sẽ liên hệ gặp nhau” - Quỳnh cho biết.

Với án 27 tháng tù về tội “Đánh bạc”, đã thụ án được 21 tháng, nhờ cải tạo tốt, nên Quỳnh có tên trong danh sách được đặc xá dịp Quốc khánh 2-9 năm nay. Điều đầu tiên khi trở về nhà, Quỳnh muốn vào bếp làm một bữa cơm thật ngon cho chồng và các con. Gần 2 năm nay, cô thèm không khí gia đình, thèm cảm giác vào bếp tất bật chuẩn bị cơm cho chồng, cho con, đến bữa vợ chồng, con cái gắp thức ăn chứa chan tình cảm.

Quỳnh cho biết cô cũng sẽ tiếp tục công việc làm tóc giả đã học trong trại giam để kiếm thêm thu nhập cho gia đình, trang trải học hành cho con cái. “Đây là công việc mà em yêu thích” - Quỳnh tâm sự. Cô cũng quyết tâm, hứa với cán bộ quản giáo sẽ hoàn lương, không quay lại con đường vi phạm pháp luật.

Niềm vui ngày trở về -0
Phạm nhân Nguyễn Thị Quỳnh mong một bữa cơm đầm ấm gia đình.

Nhiều tuổi nhất trong số các phạm nhân nữ được đặc xá lần này là phạm nhân Nguyễn Thị Hợi (sinh năm 1971, quê ở huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam). Chưa từng bước ra khỏi lũy tre làng nhưng chỉ vì một phút bốc đồng, thiếu hiểu biết mà chị Hợi đã phạm tội với mức án 5 năm tù về tội “Cố ý gây thương tích”.

Nhớ lại thời điểm ấy, chị ngậm ngùi: “Giá như mình biết kiềm chế thì đã không phải xa gia đình thế này”. Hôm ấy, chị đi chăn trâu về thì thấy có đông người đang ở trên phần đất của nhà mình, rồi nghe thấy có tiếng hô “trộm chó”. Lúc này, chị Hợi đang đứng ở đầu nhà, tay cầm gậy liền vụt mạnh vào một đối tượng chạy qua, dẫn đến nạn nhân bị thương tích...

Cũng theo chị Hợi, khi bị bắt và tuyên án, chị rất sốc, vì cả đời chỉ biết đến con trâu, đồng ruộng. Nhưng, khi được chuyển đến thụ án tại Trại giam Ninh Khánh, được các cán bộ quản giáo động viên, giáo dục, chị đã hiểu được rằng, con đường trở về nhà sớm nhất chính là cải tạo thật tốt. Rất may, chị có một người chồng thương yêu, thường xuyên đến thăm, động viên chị cải tạo tốt để trở về với gia đình. Giờ đây, đối với chị và các phạm nhân nữ khác được đặc xá trong đợt này, thời gian trở về nhà không còn tính bằng ngày nữa mà là từng giờ, từng phút. Phía ngoài cánh cổng của trại giam là chồng và các con đã thuê xe ô tô để đón chị về với gia đình. Việc đầu tiên của chị Hợi khi về nhà là đến thăm mẹ, sau đó sẽ nấu cho chồng con một bữa cơm, bởi chị vốn là người phụ nữ tảo tần, đảm đang, chồng chị lên thăm lần nào cũng nói: “Anh đã cố gắng nhưng chưa lần nào nấu được bữa cơm ngon như em nấu cho gia đình”.

Niềm vui ngày trở về -0
Phạm nhân Nguyễn Thị Hợi trước ngày được đặc xá.

Em sẽ trở lại giảng đường đại học

Nữ phạm nhân Phạm H.T (sinh năm 1997, quê ở Nam Định) khá ấn tượng với tôi bởi vẻ đẹp khỏe mạnh, trẻ trung. Tôi đã chụp em khá nhiều ảnh, ở nhiều góc độ, bởi bị cuốn hút với chiều cao 1m65, vóc dáng tròn lẳn cùng làn da trắng hồng của em. Em cũng rất hồn nhiên, tạo dáng cho tôi chụp ảnh. Nhưng, đến cuối buổi trò chuyện cùng em, tôi lại cất những bức ảnh ấy đi cho riêng mình, chỉ chọn một tấm ảnh ở phía sau, khi em cùng nữ quản giáo trở về phân trại. Và, cũng cho tôi được viết tắt tên em, bởi tôi nghĩ đến lời tâm sự về tương lai phía trước của em sau khi được đặc xá trở về...

H.T là con gái đầu trong một gia đình nhà nông ở Nam Định. Kinh tế gia đình khó khăn nhưng bố mẹ T luôn cố gắng cho con cái ăn học và T thi đỗ vào một trường đại học ở Hà Nội. Lúc đầu, khi khăn gói lên Hà Nội trọ học, T cũng chịu khó học hành, cuộc sống tằn tiện.

Nhưng rồi, bị bạn xấu rủ rê, T lao dần vào những cuộc vui, tiền lúc đó đối với em chưa bao giờ đủ. Sinh viên năm cuối chưa có việc gì làm để kiếm thêm, gia đình kinh tế hạn hẹp, thế là, để có tiền cho các cuộc chơi với chúng bạn, T đi vào con đường bán vốn tự có. Hoạt động trong lĩnh vực này, thấy kiếm tiền dễ dàng, T nghĩ đến việc giới thiệu một số nữ sinh viên khác có nhan sắc nhưng cũng ham chơi, muốn kiếm tiền dễ dàng như mình. T tìm cách kết nối với những cô gái này và họ lập một nhóm Zalo chung để khi nào có khách, T sẽ đưa lên, kết nối các cô gái có nhu cầu bán dâm với khách. Vì đa số các cô gái trong đường dây này đều trẻ, có nhan sắc và thêm mác sinh viên nên giá đi khách của họ khá cao, từ 7 đến 8 triệu đồng/lượt.

Đầu tháng 7-2020, đường dây mại dâm của T bị một đơn vị của Công an TP Hà Nội triệt phá. Không lường hết hậu quả việc làm của mình, khi bị bắt, T rất sợ và điều cô sợ nhất là bố mẹ biết chuyện, sẽ rất đau lòng vì cô đang là niềm hy vọng của họ. Khi công an xã báo tin cho bố mẹ T việc T bị bắt vì môi giới mại dâm, bố em không tin, nói với công an xã: “Các anh nhầm rồi, con tôi đang là sinh viên, không bao giờ nó làm việc ấy”. Nhưng, hôm sau, bán tin bán nghi, bố em theo địa chỉ đơn vị công an thụ lý vụ việc mà công an xã ghi lại để lên tìm hiểu sự việc. Ông chỉ mong là công an xã đã báo nhầm người. “Khi bố em đến đơn vị công an trên Hà Nội, được các chú công an giải thích và đưa vào gặp em. Thấy em, bố em òa khóc: “Sao con lại làm vậy?”. Lúc đó, em cũng đau lòng quá, thấy mình thật tệ, đã vì những cuộc vui của bản thân mà phá hủy tương lai, làm khổ bố mẹ” - H.T tâm sự với chúng tôi.

Ngày ra xét xử tại tòa án, Phạm H.T mừng lắm vì hội đồng xét xử tuyên cô mức phạt 36 tháng tù giam. Vì đó là thời hạn cô vẫn có thể bảo lưu kết quả học tại trường đại học, để có thể khi ra trại tiếp tục theo con đường học tập trước đây. Từ ngày được đưa vào thụ án tại Trại giam Ninh Khánh, H.T luôn cố gắng cải tạo tốt. Bởi em kể rằng, dù em đã phạm sai lầm như vậy, bố mẹ vẫn luôn bên em. Mỗi lần vào thăm, bố em vẫn động viên em cải tạo tốt để khi ra trại đi tiếp con đường học tập của mình.

Hôm nhận được tin sẽ được đặc xá vào dịp Quốc khánh 2-9 năm nay, H.T mừng quá, cả đêm không ngủ được. Em nằm tưởng tượng đến ngày trở về, được gặp bố mẹ, 2 em, được ăn bữa cơm trong chính ngôi nhà nhỏ của mình. Gần sáng thiếp đi, em còn mơ thấy mình trở lại giảng đường đại học... Do cải tạo tốt, H.T được đặc xá, ra tù trước thời hạn 18 tháng, con đường trở lại trường đã gần hơn rất nhiều với em. Khi chia sẻ với tôi về ngày trở về, sự quyết tâm trở lại trường của H.T rất cao. Em bảo, không tránh khỏi những mặc cảm trong ngày đầu trở về với xã hội, trở lại với giảng đường, nhưng em trượt ngã từ đâu, em sẽ cố gắng đứng lên từ đó.

Niềm vui ngày trở về -0
Cán bộ Trại giam Ninh Khánh phổ biến thông tin liên quan đến đặc xá.

Ngày 1-9, Trại giam Ninh Khánh sẽ công bố quyết định đặc xá. Bố H.T gọi điện thông báo sẽ “chơi sang” một lần, thuê một chuyến ô tô cho cả nhà đi đón T, bởi số tiền thuê đó cũng không nhỏ đối với gia đình làm nông nghiệp như gia đình em. Khi nhắc đến gia đình và ngày trở về, trong ánh mắt H.T tràn ngập niềm vui.

Sau lần vấp ngã, những ngày được giáo dục, cải tạo trong Trại giam Ninh Khánh sẽ là hành trang vào đời của cô gái trẻ để cô quyết tâm trên con đường hướng thiện. Tôi cũng mong rằng, một lần tình cờ nào đó, sẽ được gặp lại nữ phạm nhân ấn tượng này, nhưng trong vóc dáng của một nữ sinh viên năm cuối của trường đại học...

Có lẽ, không chỉ những phạm nhân như Nguyễn Thị Hợi, Nguyễn Thị Quỳnh và Phạm H.T, mà với tất cả các phạm nhân nữ khác được đặc xá lần này, họ đang đếm ngược thời gian để được trở về đoàn tụ với gia đình. Nhìn niềm vui của họ trước ngày được đặc xá, Thượng tá Trần Thị Huyền, Phó Giám thị Trại giam Ninh Khánh cảm thấy trong lòng rộn ràng, phấn chấn. Chị cùng các cán bộ của trại giam như những người chở đò, cần mẫn giáo dục, cải tạo những người từng phạm tội để dần đưa họ về bến bờ lương thiện. Và, hầu như năm nào, các cán bộ của trại cũng chở một chuyến đò cập bến vào thời điểm này, đưa những phạm nhân được đặc xá trở về với cuộc sống đời thường...

Thượng tá Trần Thị Huyền, Phó Giám thị Trại giam Ninh Khánh cho biết, xác định rõ tầm quan trọng của công tác quản lý, giam giữ, giáo dục và cải tạo phạm nhân, Trại giam Ninh Khánh luôn thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật; đảm bảo đầy đủ chế độ, chính sách cho phạm nhân, phát động các phong trào thi đua, văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, tạo không khí thi đua sôi nổi trong phạm nhân. Trong đó, đối với phạm nhân nữ, các cán bộ của trại giam đặc biệt quan tâm, luôn theo sát, định hướng tư tưởng, quan tâm đến tâm tư, tình cảm, động viên kịp thời để họ tin tưởng vào sự khoan hồng của Đảng, Nhà nước, sự cảm hóa, giáo dục của giám thị, cán bộ và coi nơi đây như mái ấm gia đình thứ hai để họ thực sự sửa đổi bản thân, hướng về con đường lương thiện.

Để chuẩn bị cho ngày đặc xá, Ban Giám thị Trại giam Ninh Khánh ngoài việc triển khai các kế hoạch đặc xá, đã chuẩn bị công tác tái hòa nhập cho các phạm nhân như: mời Đoàn Luật gia của Ninh Bình vào tư vấn pháp lý; mời cán bộ của trường cao đẳng nghề vào tư vấn tìm kiếm việc làm cho phạm nhân được đặc xá. Đặc biệt, trại đã phối hợp với Công an huyện Hoa Lư cấp căn cước công dân gắn chip cho các phạm nhân được đặc xá, giúp họ có đủ các thủ tục hành chính để tái hòa nhập cộng đồng. Dự kiến, trại giam sẽ trao căn cước công dân gắn chip cùng nhiều giấy tờ khác cho các phạm nhân được đặc xá vào ngày 1-9. Ngoài ra, trại giam còn tổ chức xe ô tô đưa, đón, cấp các đồ dùng cần thiết cho những phạm nhân có hoàn cảnh khó khăn, ốm đau, bệnh tật trở về địa phương nơi cư trú.

N. Quang - M. Hiền
.
.
.