Người tìm mùa xuân trong những cánh rừng

Thứ Bảy, 29/01/2022, 10:57

Năm nào cũng thế, cứ ngày Mồng 2 Tết là Tăng A Pẩu lại xách máy ảnh ra khỏi nhà, cuộc trường chinh đi về phía rừng với tư cách như hiệp sĩ, ông muốn dành những gì thiêng liêng nhất cho thiên nhiên và muông thú vào những ngày đầu tiên của năm mới...

Người bạn của muông thú

Tôi gặp ông trong những ngày cuối năm bộn bề dự định, ông vừa vội vã trở về Sài Gòn sau một chuyến đi rừng dài ngày, nhưng sẽ lại hối hả lên đường để kịp cho một mùa đôi lứa chào xuân. 67 tuổi, ông vẫn dẻo dai và đầy sinh lực, đôi mắt vẫn tinh tường luôn ánh lên niềm rạng rỡ mỗi khi nhắc về rừng xanh. Ông bảo với tôi, hãy cứ gọi mình là Tăng A Pẩu theo cái cách đầy trẻ trung và sôi nổi của một người đàn ông đã nếm trải đủ giông bão cuộc đời.

Đôi chân ông in hằn trên những cung đường rừng quốc gia, khu bảo tồn. Dù có đi tới một nghìn lần thì đều là một nghìn bối cảnh cùng cảm xúc khác nhau và hàng nghìn tấm ảnh với màu sắc, kích thước, ánh sáng, bố cục riêng biệt. Thế nên, chưa bao giờ Tăng A Pẩu nhàm chán hay mỏi gối chùn chân trước mỗi cuộc hành trình xẻ núi xuyên rừng. 17 năm, những tưởng chỉ đi cho vui, cho thỏa chí tang bồng để rồi khép lại cuộc đời, nhưng như một sợi dây “định mệnh” đã vô tình gắn chặt con người Tăng A Pẩu vào những cánh rừng dọc dài đất nước, khiến ông cứ phải ôm lấy, đau đáu, thổn thức, trăn trở mà không thể giã từ.

36-1.jpg -0

Tăng A Pẩu bảo rằng ông sở hữu kho tàng hình ảnh về các loài động vật quý hiếm, nằm trong sách đỏ và có nguy cơ tuyệt chủng cùng hàng vạn tấm ảnh thiên nhiên, cây rừng, khoảnh khắc từng xăng- ti- mét vẻ đẹp hoang dại, nguyên sơ trong các cánh rừng nguyên sinh.

Bảo tàng ảnh đồ sộ ấy, Tăng A Pẩu đã và luôn chia sẻ cho các vườn quốc gia, các tổ chức bảo tồn thiên nhiên làm tư liệu hay sách ảnh hoặc tổ chức triển lãm tuyên truyền bảo vệ động vật. Với bất cứ cá nhân nào hỏi xin, ông cũng sẵn sàng cho mà không đòi hỏi quyền lợi của riêng mình.

36-2.jpg -0
Ông đã dành trọn 3 tháng trong rừng Cát Tiên để theo đuổi và chụp được bức ảnh của loài Voọc bạc Trường Sơn cực kỳ quý hiếm.

Tăng A Pẩu không nhớ hết mình đã đặt chân tới bao nhiêu vườn quốc gia, khu bảo tồn, rừng nguyên sinh trên khắp đất nước, như: Lò Gò (Tây Ninh), Bù Gia Mập (Bình Phước), Kon Ka Kinh (Gia Lai), Yok Đôn (Đắk Lắk), Tràm Chim (Đồng Tháp), Cát Tiên (Đồng Nai), Cúc Phương (Ninh Bình), Hoàng Liên (Lào Cai)… Ông không có kịch bản trước, mà thấy gì và thích gì là chụp, chim muông, cây lá, ghe thuyền, bãi mương, bãi dâu, bãi năng, bãi đồng cỏ lác… nhưng điều đặc biệt nhất vẫn là khoảnh khắc đời thường tự tại của những loài động vật có tên trong sách đỏ. Tăng A Pẩu luôn dành một sự ưu ái quan tâm nhất định cho thể loại này, bởi nếu hôm nay không chụp được, có thể ngày mai chúng sẽ biến mất vĩnh viễn trên cánh rừng và bầu trời.

Quên tất cả để theo đuổi đam mê

Để chụp được cảnh đàn sếu đầu đỏ bay ngang vùng Kiên Giang, giáp nước bạn Campuchia, Tăng A Pẩu đã bỏ lại tất cả hành trang phía sau, chỉ mang theo chiếc máy ảnh chuyên dụng đi sâu vào ngôi làng hẻo lánh vùng biên giới, mò mẫm lăn xả giữa lưng chừng ngọn núi đá vôi, chui rúc vào các đám lau sậy, cỏ dại, gai góc để mai phục, ngắm đúng khoảnh khắc đàn sếu đầu đỏ bay ngang ngọn núi trên đất Việt Nam. Sếu về vào đầu mùa xuân và thường ở lại trú ngụ cho tới cuối tháng 4 năm sau thì bay đi. Mê mệt với loài sếu đầu đỏ, mùa xuân nào Tăng A Pẩu cũng xách máy lên đường tìm “bạn”. Khoảnh khắc ngắm đàn sếu bay ngang trời qua ống kính tele chuyên nghiệp, tận hưởng trọn vẹn đến từng sợi lông tơ của loài chim quý đã mang đến cho ông cảm xúc thăng hoa tuyệt diệu nhất.

36-3.jpg -0
Tăng A Pẩu luôn đắm say khi được về với rừng.

Sếu đầu đỏ là sinh vật quý hiếm, năm 2020, lần đầu tiên Việt Nam không thấy sếu đầu đỏ bay về trú lại tìm thức ăn. Giới khoa học quan sát và cho biết chỉ có 7 con bay qua khu vực Phú Mỹ, Kiên Giang mà không hề đậu lại. Thế nên, bộ ảnh của Tăng A Pẩu về những mùa sếu đã qua, sẽ còn mãi giá trị với thời gian.

Độc hành trên những con đường rừng đã không ít lần Tăng A Pẩu đối diện với hiểm nguy, tai nạn chực chờ. Ông vừa lái xe, lại vừa ngắm chim muông, mê quá mà quên bẵng đi phía trước là ống cống bắc ngang con suối nhỏ giữa cánh rừng Yok Đôn, Đắk Lắk. Chiếc xe của ông rơi một nửa xuống hẻm vực, chòng chành nghiêng đổ, lúc ấy ông mới giật thót tim, đổ mồ hôi hột, lo lắng hoang mang, chỉ một tích tắc nữa thôi và chiếc xe rơi xuống lòng suối. Trước sau hoang vu không một bóng người, chỉ có tiếng gió gào và tiếng thú rừng thư thái tìm bạn. Tăng A Pẩu nhẹ nhàng xuống xe quan sát thật kỹ, ông mừng rỡ vì phát hiện bánh xe rơi trúng viên đá giữa sườn vực, tạo lực đỡ không bị trượt sâu nên ông quay lại vô lăng, rồ ga hết cỡ đưa chiếc xe trồi lên đường. Đã có rất nhiều những tình huống bất trắc xảy ra, nhưng bằng kinh nghiệm và kỹ năng đi rừng nhiều năm trời nên Tăng A Pẩu đều xử lý êm xuôi. Tai nạn, thương tích thì không thể tránh khỏi, nhưng niềm đam mê bất tận với núi rừng đã lấn át tất cả khiến ông xem nó nhẹ tựa lông hồng.

Cho những cánh rừng còn mãi mùa xuân

Những ngày Sài Gòn chớm dịch, Tăng A Pẩu xách xe tìm về rừng quốc gia Cát Tiên như bao chuyến lang thang đường rừng xưa cũ. Ông có dự định sẽ quay trở về sớm nhưng dịch giã ngày một căng thẳng, TP Hồ Chí Minh phong tỏa toàn thành phố, Tăng A Pẩu bị mắc kẹt lại rừng Cát Tiên 5 tháng. Đó là chuyến đi rừng lâu nhất và cũng nhiều kỷ niệm nhất với ông.

Tôi từng nghĩ, với một người ở rừng nửa năm trời như thế chắc hẳn sẽ chán chường và buồn bã lắm. Nhưng không, Tăng A Pẩu bảo rằng, đó là khoảng thời gian ông lao động hăng say, miệt mài và cật lực nhất, ông đi đến nhàu nát chiếc xe và đen sạm làn da.

Ông đi rừng không phải để trải nghiệm đơn thuần, mà đó là mục đích của đam mê quyết chí thực hiện. Chỉ riêng con Voọc bạc Trường Sơn là loài Voọc bạc đặc hữu Việt Nam, Tăng A Pẩu đã dành ra 2 tháng liền theo đuổi và cuối cùng đến tháng thứ 3 mới chụp được 3 tấm rõ nét nhất. Sự hiện diện của loài Voọc bạc Trường Sơn ở Vườn quốc gia Cát Tiên như món quà quý giá được ban tặng cho khu rừng này. Quyết không để vuột mất cơ hội chiêm ngắm loài vật nằm trong sách đỏ, đe dọa tuyệt chủng, Tăng A Pẩu theo chúng đến độ quên ăn quên ngủ. Ông hiểu rất rõ đặc tính của chúng sống trên tầng cao, ăn lá, thuộc loài hiền lành và nhát người, chỉ cần nghe tiếng động từ một cành cây khô rơi gãy là chúng thoắt biến mất khỏi tầm mắt.

36-4.jpg -0
Đàn lợn rừng thong thả kiếm ăn sau cơn mưa cuối mùa tháng 8.

Mỗi ngày, Tăng A Pẩu rời khỏi nơi nghỉ từ 4 giờ sáng, mang theo ít bánh quy, vài món lương khô, chai nước suối. Tới bìa rừng, ông vội vàng nhai chiếc bánh quy, hớp ngụp nước rồi ôm máy lao vào xanh thẳm đại ngàn. Voọc bạc chỉ xuất hiện từ 5 giờ đến 10 giờ sáng nhưng không phải ở một nơi, một địa điểm mà bay nhảy khắp cả cánh rừng. “Tôi không biết nó ở đâu, tôi đi tìm giữa mịt mù sương gió, giữa bao la bầu trời trong khu rừng quốc gia. Nhưng đây là mục đích, nên dù thế nào tôi cũng phải tìm ra và chụp được chúng”, Tăng A Pẩu tâm sự.

Những lúc dừng lại hút điếu thuốc, chợt nghe tiếng cành cây rung lên, ông nghĩ có thể là Voọc nhưng khi quay lại thì nó biến mất, rồi khi ngồi nghỉ dưới gốc cây, đang nhấm nháp mẩu bánh, nghe trên cao có tiếng chuyền cành, ông cũng tưởng tượng ra loài Voọc… 3 tháng trời, ông đã kịp nhìn thấy 6 lần Voọc bạc Trường Sơn xuất hiện nhưng chỉ kịp chụp được đúng 3 tấm. Khoảnh khắc bắt máy trúng hình hài rõ nét “đối tượng” là mục tiêu theo đuổi khiến ông rung lên thổn thức, cảm xúc đạt đến độ thiền định.

Thành quả sau 5 tháng mắc kẹt ở rừng quốc gia Cát Tiên của Tăng A Pẩu là hàng ngàn tấm ảnh về các loài động vật quý hiếm cùng cảnh sắc thiên nhiên tuyệt diệu của rừng xanh vào độ sớm xuân. Một đàn bò tót tràn ra bãi cỏ non sau cơn mưa rừng thong dong, tự tại thưởng thức vị ngọt của thức ăn, là nét mặt ngộ nghĩnh đáng yêu của loài linh trưởng rụt rè nhẩn nha từng chiếc lá trên vòm trời cao xanh, hay đàn lợn rừng với nhung nhúc bầy con quấn quýt bên nhau nô đùa giữa hoang… Đây đều là những loài động vật đang bị con người ráo riết săn bắt, có nguy cơ tuyệt chủng khỏi vườn quốc gia và cần được bảo vệ nghiêm ngặt.

Sau mỗi chuyến trở về, Tăng A Pẩu lại đau đáu về sự tồn vong của các loài động vật quý hiếm mà ông có được qua hình ảnh. Từ trái tim của mình, ông tích cực kêu gọi mọi người chung tay bảo vệ thiên nhiên, không săn bắt, giết thịt, mua bán động vật hoang dã, để rừng xanh mãi mãi là mùa xuân bình yên cho muông thú.

Ngọc Hoa
.
.
.