Chuyện tết của một vị Tướng

Thứ Năm, 08/02/2024, 12:50

Trong cuộc đời trận mạc, Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Lâm, nguyên Chính ủy Bộ Tư lệnh Lăng đã đi qua nhiều cái tết buồn vui. Bây giờ, cứ mỗi khi năm hết Tết đến là ông lại rưng rưng nhớ đồng đội một thời sống chết, nhớ chiến trường cũ, nhớ Tết xưa trận mạc. 

Cái Tết giữa mùa đói đầu tiên của Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Lâm là Tết Kỷ Dậu năm 1969. Lúc đó, ông Lâm là Trung đội trưởng ở Đại đội 2, Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 24. Đánh nhau liên miên, quân số hao hụt nhiều mà chưa kịp bổ sung, Đại đội chỉ còn hơn hai chục người. Tết đói quá, tiếp tế không kịp, không có gạo chỉ ăn sắn thay cơm, ông Đại đội trưởng ra lệnh tất các trung đội kiếm được cái gì ăn được đều phải đưa về bếp đại đội nấu ăn tập trung. Các anh em trong đội không được phép nấu nướng “ca cóng” riêng lẻ tự bồi dưỡng cho nhau nữa.

content.jpg -0
Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Lâm (thứ 2 từ trái sang) cùng đồng đội thời ở chiến trường K

“Ca cóng” là cách nói lóng của lính Tây Nguyên khi dùng vỏ lon sữa bò, cà mèn (hộp nhôm đựng cơm) để nấu ăn cải thiện cá nhân, hay vài ba người. Lính Tây Nguyên nhiều năm đói, gạo trên cấp không đủ, có lúc phải cử người đi tăng gia sản xuất bằng cách trồng sắn, trỉa lúa, chăn nuôi, thậm chí cả săn bắn… Chiến tranh thì việc đầu tiên phải tồn tại, phải sống và có sức khỏe mới chiến đấu và chiến thắng. Lính tráng “ca cóng” ngày thường và ngày tết cũng chẳng có gì lạ. 

Tết ăn toàn sắn với thịt trâu và rau rừng. Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Lâm kể: Sáng 29 tết, có con trâu rừng vấp phải mìn nổ. Tiểu đoàn làm thịt trâu chết chia phần cho cả trung đoàn, còn lại chia các đại đội. Thiếu úy Tuấn là Đại đội trưởng cử Thượng sĩ Việt là Trung đội phó lên Tiểu đoàn lĩnh được 5 kg thịt trâu.

Ông Việt lĩnh được 5 kg thịt trâu bàn giao cho anh nuôi xong, bèn báo cáo Đại đội trưởng:

“Báo cáo Đại trưởng! Nói ra thì ngại quá”.

“Ngại ngùng gì, nói đi”.

“Chẳng giấu gì Đại trưởng. Cái ngon nhất của con trâu cái này là ngoài tiêu chuẩn. Bọn đi lĩnh thịt đứa nào cũng muốn xin về “ca cóng” cải thiện riêng, nhưng anh trợ lý hậu cần tiểu đoàn bộ là đồng hương em không cho. Anh ấy bảo: Đói thì đói, chứ ai lại ăn cái của nợ ấy. Nhưng thằng Việt C2 đã ngỏ lời xin trước, chúng mày thích cũng phải nhường cho nó”.

Ông Đại đội trưởng ngạc nhiên, bảo:

“Cái gì của con trâu là cái ngon nhất mà thiên vị đồng hương mới được cho thế? Mày đưa anh xem”.

Xem xong, ông Đại đội trưởng cười phá lên bảo:

“Đúng là cái ngon nhất của con trâu cái. Xào khế rừng ngon tuyệt đấy”.

“Vâng! Anh cho em mang về cho anh Lâm và trung đội em “ca cóng”.

“Không được. Quán triệt rồi, ai kiếm được cái gì cũng phải ăn tập trung cả đại đội, sao còn định “ca cóng” cải thiện riêng cho trung đội? Nhập kho. Anh nuôi đâu”.

Ông Lâm bảo:

“Thằng Việt về trung đội buồn rười rượi, tiu nghỉu kể lại, ai cũng cười, cười nóp bụng. Mà trung đội phó Việt, anh Tuấn đại đội trưởng và cả anh nữa kể lại chuyện này đều gọi tục danh... Còn chú mày muốn viết thế nào thì tùy”.

Cái ngon nhất của con trâu cái là tôi dùng uyển ngữ, chứ thực ra nó là - cái chỗ đẻ ra con nghé ấy. Tết năm đó, cả tiểu đoàn ăn tết ngày ba mươi, ngày mùng một chỉ có sắn luộc, sắn nấu với thịt trâu và rau rừng. Khi trung đoàn gọi, cho người đi lĩnh gạo, thì trưa ngày mùng hai mới có bữa cơm Tết muộn.

Ở đại đội ông Lâm có hai người tên là Việt đều được gắn tên với trâu. Một ông Việt mắt to như mắt trâu, lính tráng gọi là Việt mắt trâu. Còn ông Việt kia bị lính mình gọi thế nào thì ai cũng đoán ra.

 Năm 1981, ông Lâm đã ra công tác ở Bộ Tư lệnh Lăng. Bỗng một ngày đẹp trời, ông thấy đoàn người vào viếng Bác, lúc đi ngang chùa Một cột, có một người quen quen. Rồi ông cũng nhớ ra, ông gọi tên Việt…, và hai ông ôm chầm lấy nhau. Ông Việt bảo: Vừa rồi mấy thằng cùng đại đội tìm được nhau, mừng mừng tủi tủi, chúng nó lại đem cái chuyện ăn tết năm 1969 ra kể, rồi cười váng nhà.

Tết Kỷ Mùi năm 1979 là một kỷ niệm buồn với ông. Trước Tết, ông Nguyễn Ngọc Lâm là Đại úy, trợ lý thanh niên quân khu, được điều sang mặt trận Campuchia. Chỉ huy sở tiền phương đóng ở Tà Keo. Lúc đó, ông Lê Khả Phiêu là Phó Chính ủy Mặt trận. Ngày Tết tranh thủ lúc nghỉ ngơi, quan với lính như một, cùng ngả bàn cờ tướng ra chơi. Ông Lâm là một tay cờ tướng cự phách, được ông Phó Chính ủy Mặt trận gọi đến “hầu cờ”. Đánh ván nào ông Lê Khả Phiêu thua ván ấy. Ngại quá! Nhưng, không thể “thả”, trên bàn cờ cũng như trên chiến trường, có ai làm lính, làm quan mà lại muốn thua? Dứt khoát không có chuyện giả vờ thua để cho thủ trưởng thắng. May quá, đánh mãi cũng đến giờ phải đi công tác. Lái xe ở ngoài cổng bóp còi toe toe theo hợp đồng thời gian. Ông Lâm ngần ngại thưa:

“Báo cáo thủ trưởng! Đến giờ em phải lên xe đi công tác rồi. Em xin phép dừng chơi để mang quà của mặt trận đi chúc tết Trung đoàn 1, Sư đoàn 330”.

“Thế là tớ không gỡ được rồi”.

Thượng úy Nguyễn Phát Thành, trợ lý chính sách ngồi bên bàn cờ chầu rìa, bảo ông Lâm:

“Để anh đi cho. Chú mày ở nhà đánh cờ với thủ trưởng Phiêu”.

“Đêm hôm, Tết nhất thế này ai lại để anh đi thay”.

“Tết ông Táo chú mày chả đi thay anh xuống Trung đoàn kiểm tra công tác chuẩn bị ăn Tết và sẵn sàng chiến đấu cùng thủ trưởng là gì? Để anh đi thay cho”.

“Thế anh muốn thủ trưởng thua cờ đến tận giao thừa à?”.

Ông Lê Khả Phiêu cười có vẻ ngượng nghịu. Ông Thành bảo:

“Thỉnh thoảng nới tay tí cho thủ trưởng gỡ. Thôi, anh đi đây, đánh xong thì nhớ luộc cái chân giò để giao thừa nhậu nhé”.

Nơi đến chúc Tết cách Sở chỉ huy Mặt trận chỉ vài cây số. Xe ô tô chở ông trợ lý chính sách đi được khoảng nửa cây số đến cái ngã ba, đi thêm 100m nữa thì bị phục kích. Đêm ba mươi tối đen như mực, lẽ ra lái xe rẽ phải thì không rẽ, lại nhầm đường… rẽ trái. Xe ô tô bị lính áo đen Pol Pot phục kích bắn cháy. Cả thượng úy trợ lý Nguyễn Phát Thành và lái xe đều hy sinh. Xe cháy thì quà cũng cháy. Thịt, mứt, bánh kẹo, thuốc lá và các nhu yếu phẩm chúc Tết cũng thành than cả. Tết năm đó cả Sở Chỉ huy buồn bã. Xe cháy. Quà, hàng hóa mất. Nhưng, xót xa đau đớn nhất là đồng đội hy sinh. Kể chuyện với tôi, Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Lâm cứ ngùi ngùi. Mình may mắn sống, mừng thì mừng thật mà cứ xót xa, buồn. Giao thừa năm nào ông cũng ám ảnh chuyện Tết Kỷ Mùi buồn bã ở chiến trường K.

Nhiều Tết buồn nhưng cũng có Tết vui tưng bừng. Ấy là Tết Tân Hợi năm 1971. Đơn vị ông tham gia Chiến dịch Chen La I thắng lợi, đưa quân về đóng ở Công Pông Chàm - Campuchia. Ông trợ lý tác chiến trung đoàn bảo ông Lâm: “Xem ra đơn vị mình còn phải trụ ở đây chứ chưa về nước ngay đâu. Chú mày chủ động lo trước cho cán bộ chiến sĩ ăn tết đi”. Khi đó, ông Lâm đang là chính trị viên đại đội. Ông bàn với chỉ huy đơn vị vừa sẵn sàng chiến đấu vừa chuẩn bị tết cho anh em. Ông nói với tôi: “Anh em vất vả quá rồi, chịu gian khổ ác liệt quá rồi, mình là cán bộ đại đội lo được cái gì thì cố lo cái tết chu đáo, bù đắp thiệt thòi cho anh em”.

Khu vực đơn vị đóng quân bạt ngàn cao su, trong các cánh rừng cao su lại có những khu trồng chuối, và rừng hoang xen kẽ. Ông Đại đội trưởng cử một tiểu đội súng ống, đạn dược, xẻng quân dụng mang theo đi tìm cây mai rừng và lá dong để gói bánh chưng. Vậy mà tìm được. Anh em mang về mấy vác lá dong xanh và mấy gốc cây mai rừng đang chúm chím nụ. Ông Đại đội phó cử một tiểu đội nữa đi cùng quản lý đại đội vào phum của người Khmer mua 3 con lợn. Sáng ngày cuối năm ngả một con lợn, bó giò. Ngày mùng hai ngả một con. Ngày mùng bốn ngả tiếp con cuối cùng.

Trước lúc đón giao thừa, đơn vị tổ chức liên hoan văn nghệ, hái hoa dân chủ. Có anh lính ngắt được bông hoa: “Làm động tác cô người yêu giận dỗi đêm giao thừa”. Ông Đại đội trưởng tình cờ bắt được hoa: “Bị chính trị viên đại đội vẽ râu bằng nhọ nồi”. Cả đại đội vỗ tay rầm rầm, anh nuôi chổng đít nồi lên cho ông Lâm quệt nhọ bôi vào cằm, vào mép đại đội trưởng trong tiếng vỗ tay vang trời. Rất sinh động, người biểu diễn sinh động, người xem cũng sinh động. Lúc ấy, lính trận thực sự là con người. Có anh lính lượm được hoa: “Hát một bài hát bất kỳ về mùa xuân” nhưng không thuộc bài nào xin đọc đoạn thơ. Thế là đọc “Bài ca Xuân 61” của Tố Hữu “…Rét nhiều nên ấm nắng hanh/ Đắng cay lắm mới ngọt lành đó chăng?/ Giã từ năm cũ bâng khuâng/ Đã nghe xuân mới lâng lâng lạ thường!...”. Ông Lâm kể: Lúc ấy, cả đại đội lặng người đi, trong lòng da diết, có đứa quay mặt nhìn về phương Bắc xa xôi. Có lẽ ai cũng nhớ gia đình, nhớ rét, nhớ giao thừa quê nhà.

Tết đoàn tụ, sum vầy của Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Lâm là Tết Giáp Dần năm 1974. Sau gần 6 năm rong ruổi qua ba nước Đông Dương trận mạc, ông được ra Bắc đi học và ăn tết ở quê. Ông về đến đầu làng thì trời đã nha nhá tối. Có nhà đóng gầu sòng đang tát ao chuôm suồm suồm bắt cá ăn tết. Chân bước qua cổng chào kẻ dòng chữ: “Chúc mừng năm mới!” mà lòng ông cứ ngập ngừng, bâng khuâng.

Mẹ ông đang lúi húi quét cổng. Ông đứng lặng nhìn mẹ, và nước mắt tự nhiên trào ra.

“Con về này. U ơi”.

Mẹ ông ngước nhìn lên. Một hình dáng anh bộ đội cao gầy khoác ba bô, đeo khẩu súng K54, đội mũ tai bèo lạ lẫm hiện ra trước mắt bà. Cái chổi rơi khỏi tay. Bà rũ người ra, khuỵu đầu gối, từ từ đổ người xuống đất. Ông lao đến ôm chầm lấy mẹ:

“Con Lâm đây, con về đây”.

Mẹ ông tỉnh lại, ôm chầm lấy con trai, rồi bà kêu ầm lên:

“Ông ơi! Thằng Lâm về. Thằng Lâm về...”.

Bố ông từ trong nhà chạy ra, em gái ông từ trong buồng cũng chạy ra. Không ai tin được ông đã trở về, không tin gia đình lại được sum vầy. Bởi năm 1971 đã có tin đồn ông hy sinh, rồi lại đồn có giấy báo tử về mà xã chưa thông báo cho gia đình. Gần 6 năm trời biền biệt, bặt tin. Có bao nhiêu đèn thắp sáng hết. Mấy đứa em bóc lương khô anh cho, cười nói rổn rảng. Hàng xóm biết ông trở về chạy sang. Ồn ào. Mừng rỡ. Xôn xao cả một góc làng.

Hôm sau bố ông bảo: thầy muốn ngả con lợn trong chuồng, mà sợ xã không cho phép. Ông sẽ sàng thưa: Để con lo. Rồi ông lên ủy ban xã trình bày. Ông chủ tịch bảo:

“Cả xã ta chỉ có anh là tiến bộ đến cán bộ tiểu đoàn, ra trận mà còn sống trở về. Gia đình anh xin phép mổ 10 con lợn ăn mừng, xã cũng đồng ý”.

Tết sum vầy vui mừng ấm áp quá. Anh Thượng úy trẻ đến nhà bà dì chúc tết, bà dì bảo: “Có cái Phương con bà Nghệ xinh đáo để, mày có ưng thì dì làm mối cho”. Chuyện ông Lâm gặp cô Phương xinh gái trong dịp tết, rồi yêu nhau thế nào là cả một thiên tình sử, viết một quyển sách không hết. Chỉ biết rằng, từ chiến trường ra, Thượng úy Nguyễn Ngọc Lâm ngày ấy được ăn cái tết sum vầy đầu tiên ở nhà, được cả người yêu xinh đẹp.

Sương Nguyệt Minh
.
.
.