An toàn không, thực phẩm nhà làm?

Thứ Hai, 05/02/2024, 09:12

Vài năm trở lại đây, vào mỗi dịp cận Tết thì các loại thực phẩm nhà làm lại trở nên đắt hàng. Khắp nơi trên mạng xã hội, từ Facebook cá nhân, fanpage cho tới các chợ “thực phẩm online” đâu đâu cũng thấy quảng cáo thực phẩm nhà làm.

Nghe thì có vẻ không có gì nhưng thực tế chất lượng những mặt hàng này không được cơ quan chức năng nào kiểm định. Mối nguy mất vệ sinh và an toàn thực phẩm đang hiển hiện trước mắt.

Nhà nhà, người người bán đồ ăn tự phát

Chỉ cần lên mạng xã hội gõ cụm từ “thực phẩm nhà làm”, ngay lập tức hiện ra rất nhiều trang Facebook cá nhân, fanpage hay các hội nhóm rao bán loại thực phẩm này. Càng đến những ngày giáp Tết nguyên đán 2023, khách hàng tìm đến các loại thực phẩm này càng nhiều. Những thực phẩm thủ công được rao bán nhiều nhất là: giò chả, lạp xưởng, củ kiệu, khô gà/bò, các loại cá/tôm khô, bánh quy, kẹo hạnh phúc, các loại mứt… Đa số các sản phẩm được người bán khẳng định 100% làm từ nguyên liệu tươi, không chất phụ gia và không phẩm màu độc hại.

b1.jpg -0
Sản phẩm khô gà được người bán quảng cáo là hàng nhà làm, đảm bảo thơm ngon và vệ sinh?

Trên trang Facebook Kate Nguyen (thực phẩm nhà làm) rao bán rất nhiều sản phẩm để khách hàng lựa chọn như: chả mực hạ long, mứt dừa non các loại, kẹo chip chip, khô gà, heo khô cháy tỏi… Tất cả các sản phẩm này đều được Kate Nguyen quay lại từ quá trình chọn thực phẩm đến công đoạn sơ chế và thành phẩm. Và trong hầu hết các bài viết của mình Kate Nguyen luôn khẳng định cung không đủ cầu. Tuy nhiên, chỉ cần quan sát bằng mắt thường sẽ thấy các sản phẩm được đóng gói sơ sài, không có tem mác cũng như hạn sử dụng.

Khoảng gần 2 tháng trước Tết, gia đình chị Lê Thị Hoài Anh (An Khánh, Hoài Đức, Hà Nội) lại huy động không chỉ tất cả các thành viên trong gia đình mà còn thuê thêm anh em, họ hàng để làm mứt dừa. Chị Hoài cho biết, vài năm trở lại đây, mỗi dịp Tết gia đình chị làm tới vài tạ mứt dừa đủ vị như: trà xanh, ca cao, lá dứa, lá cẩm, gấc, củ dền, cà phê… Mỗi loại mứt lại có mức giá khác nhau. Theo đó, mứt dừa sáp non có giá 650.000-700.000 đồng/kg, mứt dừa xiêm non từ 350.000-500.000 đồng/kg, các loại mứt dừa non khác từ 250.000-300.000 đồng/kg. Do được làm từ dừa non cùng sữa tươi và đường phèn nên so với các loại mứt trái cây trên thị trường Tết, mứt dừa non nằm ở phân khúc giá cao nhưng vẫn rất hút khách hàng tìm mua.

b2.jpg -0
Những sản phẩm mứt Tết mang thương hiệu nhà làm không nhãn mác, hạn sử dụng liệu có đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm?

Đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng, cơ sở của chị Hoài đã đầu tư hệ thống máy hút chân không, bao bì đóng hộp và nhãn mác đầy đủ. Để khách hàng an tâm hơn, các quy trình từ chọn nguyên liệu đến chế biến cũng thường được chị quay, chụp và đăng tải lên mạng xã hội.

Không làm nhiều sản phẩm như hầu hết các gia đình khác, gia đình nhà chị Nguyễn Thị Nga (Thanh Cao, Thanh Oai, Hà Nội) chỉ chuyên tâm vào việc bán bánh chưng nhà làm. Mỗi năm gia đình chị Nga nấu hàng trăm nồi bánh chưng và cung cấp cho những mối quen hàng nghìn cái bánh. Bánh làm đến đâu là hết tới đấy, thậm chí như năm ngoái gia đình chị buộc phải từ chối những người đặt hàng sau vì lý do quá tải. Chị Nga chia sẻ: “Hầu hết khách của gia đình mình đều là khách quen, người này ăn ngon lại giới thiệu cho bạn bè, người thân của họ nên “hữu xạ tự nhiên hương”. Mỗi dịp cận Tết mình thường phải đi thuê thêm người mới kịp hàng đặt nhưng nhiều khi cũng không đáp ứng hết được”.

Gia đình anh Lê Trọng Hải (Mộc Châu, Sơn La) lại lựa chọn kinh doanh lạp xưởng và thịt trâu, thịt lợn gác bếp vào dịp Tết. Những ngày thường, gia đình anh Hải chỉ sản xuất nhỏ lẻ để phục vụ cho anh em bạn bè và một số khách hàng quen. Dịp cận Tết, gia đình anh bắt đầu nhận nhiều đơn đặt hàng sỉ và lẻ.

Anh Hải cho biết, Tết năm nay gia đình anh đã nhận đơn hơn 70kg lạp xưởng và hơn 80kg thịt trâu, lợn. Nói về vấn đề an toàn thực phẩm, anh Hải cho rằng sản phẩm gắn mác nhà làm chỉ nên được bán cho một nhóm khách hàng nhỏ. Nếu có xảy ra bất kỳ sự cố gì, người làm ra sản phẩm mới có thể nắm bắt, hỗ trợ. “Còn với các cửa hàng bán rộng rãi, phổ biến thì tất nhiên cần đăng ký với cơ quan chức năng về an toàn về vệ sinh thực phẩm”, anh Hải bày tỏ quan điểm.

b3.jpg -1
Mỗi dịp Tết, gia đình chị Nga cho ra lò hàng nghìn chiếc bánh chưng mang thương hiệu “nhà làm”.

Chị Dư Phương Hoa (Dương Nội, Hà Đông, Hà Nội) là một trong những tín đồ của loại thực phẩm nhà làm. Chị Hoa cho biết: “Tôi thường xuyên đặt mua thực phẩm chế biến sẵn để dùng trong dịp Tết như bò xé sợi, giò me, măng khô... thậm chí cả những món để bày cỗ như thịt đông, nem rán...”.

Chia sẻ về lý do chọn thực phẩm nhà làm, chị Hoa cho rằng, khi đặt các món này có thể điều chỉnh theo khẩu vị, đồ quê cũng tin tưởng hơn... Ngoài ra, còn có yếu tố khác là muốn mua ủng hộ bạn bè, người quen. “Không phải cứ đồ handmade, đồ quê là hoàn toàn sạch và an toàn nhưng tôi nghĩ nó vẫn sẽ có chất lượng tốt bởi do người nhà tự làm”, chị Hoa bày tỏ quan điểm.

Không thể phủ nhận có nhiều người đã tạo được thành công, uy tín riêng khi kinh doanh thực phẩm nhà làm. Tuy nhiên, nhiều sản phẩm được rao bán trên các trang mạng xã hội hiện không có nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ và hạn sử dụng. Bên cạnh đó, một số người bán còn sử dụng lại hình ảnh sản phẩm của các cơ sở khác để quảng cáo. Điều này dẫn đến tình trạng một số loại sản phẩm không đạt chất lượng, tiềm ẩn các nguy cơ về mất an toàn thực phẩm.

Không kiểm soát được nguồn gốc nguyên liệu

Những năm gần đây, báo đài thường xuyên đưa tin về những vụ bắt và xử lý về những hành vi mua bán thực phẩm bẩn, thực phẩm ôi thiu. Bên cạnh đó cũng xảy ra rất nhiều những vụ ngộ độc thực phẩm nên nhiều người đã lựa chọn thực phẩm nhà làm. Mô hình kinh doanh này chủ yếu là tin tưởng nhau. Quá trình mua bán, khách phản hồi, người bán tiếp thu có chọn lọc để có những thay đổi phù hợp. Mặt hàng phong phú, độc lạ, được người quen bảo chứng về chất lượng, lại được đem đến tận nơi nên dù giá bán cao hơn so với giá thị trường vẫn được lựa chọn.

b4.jpg -0
Dịp Tết năm nay gia đình anh Hải nhận đơn hàng tạ thịt trâu gác bếp.

Tuy nhiên, bên cạnh những người bán hàng thực sự có tâm, lựa chọn những thực phẩm tươi ngon, sạch để chế biến thực phẩm bán cho người thân, bạn bè thì đã có không ít những người đã lợi dụng thói quen tiêu dùng này để bán hàng không đảm bảo chất lượng. Cụ thể, họ sẽ đi gom hàng từ nhiều nguồn không bảo đảm chất lượng, thực phẩm giả chứa các chất phụ gia không được phép sử dụng hoặc vượt quá giới hạn cho phép rồi nói là sản phẩm nhà làm để đánh lừa người tiêu dùng.

Trên thực tế, các thực phẩm nhà làm hầu hết không đăng ký kinh doanh, không có giấy tờ chứng minh chất lượng, nguồn gốc thực phẩm. Hầu hết các loại đồ ăn chế biến sẵn được rao bán trên mạng không có thông tin về hạn sử dụng, thành phần cũng như nguồn gốc nguyên liệu. Người bán đồ ăn chỉ cam kết chất lượng bằng miệng.

Trong khi đó, thực phẩm được gọi là an toàn khi sản phẩm có đầy đủ các thông tin về nguồn gốc xuất xứ; nhà sản xuất, địa chỉ nơi sản xuất; ngày sản xuất và hạn sử dụng. Ngoài ra, sản phẩm phải bảo đảm dinh dưỡng, không nhiễm hóa chất, không gây ngộ độc, được chế biến bảo đảm vệ sinh… Từ khâu chọn mua nguyên liệu, chế biến, đóng gói đến giao hàng phải được thực hiện bài bản, khoa học. Trong khi đó, hầu hết các cơ sở, hộ gia đình, cá nhân đều chế biến tự phát, quy mô nhỏ lẻ nên không chịu sự quản lý của cơ quan có thẩm quyền.

Theo tìm hiểu của phóng viên, phần lớn người bán thực phẩm trên mạng thường không đăng ký kinh doanh, các sản phẩm không dán tem mác, nơi sản xuất nên công tác kiểm tra, quản lý chất lượng sản phẩm gặp nhiều khó khăn. Về phía người tiêu dùng, không ít người chưa thấy được trách nhiệm và quyền lợi của mình, còn cả tin và dễ dãi trước những lời quảng cáo.

Một trong số “nạn nhân” của thực phẩm nhà làm không đảm bảo là cô Lê Thị Hòa (Long Biên, Hà Nội). Cô Hòa  cho rằng, các sản phẩm bán online không phải lúc nào cũng như quảng cáo. Năm ngoái, cô được ăn thử giò me của một người bán online thấy khá ngon nên đặt mua ăn Tết. Tuy nhiên, giò me ăn Tết chất lượng không như lần được ăn thử, có lẫn tóc, mùi chua. Vì thế, năm nay cô Hòa quyết định không đặt hàng online nữa mà sẽ mua đồ tại các siêu thị lớn để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Về phía cơ quan quản lý, dù là sản phẩm nhà làm hay cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, hộ gia đình cũng cần có quy định về quy trình quản lý an toàn thực phẩm trên môi trường thương mại điện tử cũng như việc cung cấp hàng hóa online đến người tiêu dùng, để người sản xuất - kinh doanh tuân thủ.

Dĩ nhiên, quy định nhằm hạn chế rủi ro cho người dùng nhưng cũng phải tạo điều kiện thuận lợi để người dân làm ăn. Song song đó, tăng cường rà soát, kiểm tra các sàn thương mại điện tử, website, trang bán hàng online qua mạng xã hội... để xử lý kịp thời những vi phạm. Đặc biệt, đẩy mạnh tuyên truyền để nâng cao ý thức, trách nhiệm của người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng.

Tiến sĩ Từ Ngữ - Tổng Thư ký Hội Dinh dưỡng Việt Nam khuyến cáo người tiêu dùng cẩn trọng đối với các sản phẩm thực phẩm nhà làm bán tràn lan trên chợ mạng. Các loại thực phẩm này sẽ có rất nhiều vấn đề như chất phụ gia, nấm mốc, nhiễm khuẩn... Nguy hiểm nhất khi mua các sản phẩm thực phẩm nhà làm là không kiểm soát được nguồn gốc của nguyên liệu. Mỗi một gia đình kinh doanh thực phẩm nhà làm lại có một kỹ thuật riêng nên khó kiểm soát được an toàn vệ sinh thực phẩm.

Do đó, để bảo đảm an toàn thực phẩm, người tiêu dùng cần nâng cao nhận thức khi mua sắm. Khi chọn mua thực phẩm cần sàng lọc, tìm hiểu kỹ càng, chọn nơi uy tín để đảm bảo an toàn cho sức khỏe cho mình và gia đình.

Kinh nghiệm khi mua thực phẩm qua mạng xã hội, người tiêu dùng cần phải tìm hiểu kỹ các đánh giá của người mua trước, thông tin về người bán, xem xét nguồn gốc thực phẩm… Nên chọn mua thực phẩm đã được công bố, lựa chọn thực phẩm của các thương hiệu uy tín, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Quan sát kỹ thông tin trên bao bì thực phẩm (nơi sản xuất, ngày sản xuất, ngày hết hạn, thành phần, cách bảo quản sản phẩm…). Tuyệt đối không mua thực phẩm ở những trang bán hàng không có thông tin người bán, không có địa chỉ rõ ràng mà chỉ nhận đặt hàng qua tin nhắn…

Phong Anh

.
.