Xuyên đêm làm căn cước công dân
- Cấp căn cước công dân gắn chip điện tử trên ô tô chuyên dụng
- Tạo mọi thuận lợi, nửa đêm vẫn cấp căn cước công dân
Trông con cho người đến làm thủ tục
21h30 phút, trụ sở Công an phường Phú La (quận Hà Đông, Hà Nội) vẫn đông như trẩy hội. Hàng trăm người dân vẫn đang ngồi trước khoảng sân của trụ sở để chờ được gọi tên làm thẻ CCCD. Cũng lúc này, trong căn phòng nhỏ, một số cán bộ, chiến sĩ của phường mới tranh thủ chớp nhoáng ăn bữa tối. Thực đơn bữa tối hôm nay là mỗi người một hộp cơm rang.
Thiếu úy Nguyễn Tùng Long tếu táo chia sẻ: “Mọi khi bọn em chỉ ăn bánh mì kẹp thôi. Hôm nay có một người dân tốt bụng thấy cán bộ, chiến sĩ làm việc vất vả quá nên đã đặt cơm rang mang về tận phường cho cả đội ăn. Vất vả nhưng được người dân hiểu và chia sẻ bọn em thấy vui lắm”.
Để đảm bảo tiến độ làm thẻ CCCD gắn chip cho tất cả người dân trên địa bàn, Công an phường Phú La đã phải chia thành 4 ca làm việc liên tục từ 7h30 sáng cho đến đêm, phối hợp với công an quận. Thiếu tá Lê Minh Thông, Phó Công an Phường Phú La tâm sự rằng: “Nhìn anh em vất vả, phờ phạc thấy thương lắm nhưng đó là nhiệm vụ nên không thể không hoàn thành”.
Ông Nguyễn Trọng Thanh được cán bộ công an huyện Thanh Oai đến tận nhà làm CCCD. |
Từ ngày bước vào "chiến dịch" làm CCCD, Thượng úy Nguyễn Thùy Linh (sinh năm 1990, cảnh sát khu vực phường Phú La) chưa khi nào được về nhà trước 10 giờ tối. Chồng Thượng úy Linh cũng là CSKV nên dịp này cả hai vợ chồng chị đều bận rộn. Thời gian này đứa con trai đầu lòng mới chưa đầy 4 tuổi của hai vợ chồng phải “trăm sự” nhờ cô em chồng chăm sóc.
“Hôm nào được nghỉ sớm, tầm hơn 10 giờ đêm thì mình còn có thể qua nhà em chồng đón con về và ngủ cùng con. Còn nhiều hôm làm đến đêm thì đành để con ngủ lại nhà cô. Nhiều khi gọi điện nó cứ mếu máo hỏi: bao giờ mẹ về? Tối nay mẹ có đón con được không? Cũng khiến mình cay mắt nhưng biết làm thế nào được, công việc mà” - chị Linh chia sẻ.
Cách đây khoảng 1 tuần, trong ca trực của mình, chị Linh chứng kiến cặp vợ chồng trẻ ôm cả đứa con chưa đầy 1 tháng tuổi lên làm thẻ CCCD. Trời tối, hôm đó lại hơi lạnh nên đứa bé khóc ngằn ngặt, mặt tái mét khiến cả hai vợ chồng anh Bùi Văn Nam và vợ là chị Đặng Ngọc Uyên hốt hoảng. Anh Nam chạy ra chỗ chị Linh nói rằng “Hình như con em nó bị sao ấy. Chúng em phải đưa cháu về thôi”.
Vốn đã nuôi con nhỏ nên Thượng úy Linh cũng có kinh nghiệm, chị bảo anh Nam đưa con gái cho mình dỗ thử. Không ngờ, chỉ sau vài phút rong rẩy, đứa bé ngừng khóc và liu riu ngủ. “Lúc đó mình bảo với vợ chồng anh Nam là cứ tranh thủ làm các thủ tục để mình bế cháu bé giúp. Đồng thời mình cũng xin với những người dân đang chờ tới lượt cho vợ chồng anh Nam được đặc cách làm trước” - chị Linh nhớ lại.
Thượng úy Nguyễn Thùy Linh trông giúp con nhỏ cho vợ chồng anh Bùi Văn Nam. |
Thân ái và giúp đỡ
Cũng giống như Thượng úy Nguyễn Thùy Linh, thời gian này Thiếu tá Bùi Thanh Thủy, Tổ trưởng tổ CSKV (Công an phường Phú La) phải nhờ ông bà ngoại đưa đón con. Con lớn của chị Thủy năm nay chuẩn bị thi vào lớp 10, con nhỏ đang học lớp 1. Thiếu tá Thủy chia sẻ: “Các con của mình giờ cũng đã quen với lịch làm việc xuyên đêm của mẹ. Cũng may các cháu ngoan, đứa lớn bảo ban đứa bé nên dù vắng nhà mình cũng tương đối yên tâm”.
Mới từ ngoại tỉnh chuyển về phường Phú La nên ông Hà Văn Thành (82 tuổi) rất mong mình sớm có được thẻ CCCD mới. Tuy nhiên, nhiều năm nay ông Thành bị tai biến phải nằm liệt một chỗ. Biết ông có mong mỏi đó nên gia đình cũng rất muốn ông được hoàn thành tâm nguyện. Tuy nhiên, nếu chờ cán bộ vào tận nhà để làm thì sẽ lâu nên lãnh đạo Công an phường Phú La quyết định cho xe đến đón tận nhà. Khi xe đến trụ sở Công an phường, Đại úy Nguyễn Việt Cường cõng ông Thành lên tầng 3 để làm thẻ CCCD.
Sau khi về nhà, ông Thành đã rất xúc động và viết tâm thư gửi cán bộ, chiến sĩ Công an phường Phú La để bày tỏ lòng biết ơn. Trong thư ông Thành chia sẻ rằng không bao giờ ông nghĩ mình lại có được cái may mắn ấy. Và khi tận mắt chứng kiến sự vất vả ngày đêm không nghỉ của cán bộ chiến sĩ, ông Thành đã thay đổi hẳn suy nghĩ.
Giống như Đại úy Nguyễn Việt Cường, trong ca trực của mình, Thiếu úy Nguyễn Văn Hùng đã không nề hà ra cổng trụ sở cõng bà Nguyễn Thị Hoàn (68 tuổi, trú tại số 22TT13, khu đô thị Văn Phú) lên tầng 3 để làm thẻ CCCD.
Thiếu úy Nguyễn Văn Hùng vui vẻ cõng bà Hoàn lên tầng 3 làm thẻ CCCD. |
Hai vợ chồng Lê Phương Trung (30 tuổi) cùng làm công nhân. Mấy ngày nay, nghe thông báo Đội Quản lý hành chính về trật tự xã hội (QLHC về TTXH) Công an huyện Thanh Oai cử một tổ công tác về nhà văn hóa thôn Trường Xuân, xã Xuân Dương làm CCCD, vợ chồng anh xin nghỉ một buổi sáng, đưa cả đứa con gái mới hơn tuổi tranh thủ đến làm. Anh Trung chia sẻ: “Chờ đợi tuy lâu, có mất công chút nhưng lại vui vì toàn hàng xóm láng giềng, thời gian chờ đợi lại ngồi tán chuyện, cho bọn trẻ con chơi với nhau”.
Bà Nguyễn Thị Thắm (68 tuổi, nhà ở thôn Trường Xuân) cũng thế, thấy thông báo của Công an huyện, bà giục cả con trai, con dâu đi làm CCCD. Ba mẹ con bà nghỉ làm một buổi sáng, bồng bế đứa cháu gái mới gần 2 tuổi đến nhà văn hóa thôn để làm CCCD. Bà Thắm cười bảo hiếm thấy thôn mình vui và tấp nập như mấy ngày hôm nay.
Sinh năm 1938, đã ở cái tuổi gần đất xa trời, ông Nguyễn Trọng Thanh (thôn Quan Nhân, xã Thanh Văn, Thanh Oai) vẫn không thể tưởng tượng nổi có ngày ông được công an đưa xe ô tô về tận nhà chở ông lên trụ sở để làm CCCD. Ông Thanh bị ngã gãy chân phải ngồi một chỗ nhiều năm nay. Khi nghe thông báo của Công an huyện, ông cũng muốn đi làm CCCD lắm nhưng vì tuổi cao, sức yếu, chân không đi lại được, con cái lại đi làm cả ngày. Khi biết hoàn cảnh của ông, cán bộ chiến sĩ Đội QLHC Công an huyện Thanh Oai đã đưa xe về tận nhà đón ông Thanh đi làm CCCD.
Không có ngày nghỉ
Đã hơn một tháng nay Thiếu tá Đào Thị Kim Dung, Đội phó Đội QLHC Công an huyện Thanh Oai không có thời gian về nhà chăm sóc gia đình. Mọi việc trong nhà đều phó mặc cho ông bà nội và chồng. Có khi cả tuần chị chỉ tranh thủ về chơi với con được 1-2 lần vì hằng ngày 7 giờ sáng chị đã có mặt ở cơ quan và 2-3 giờ đêm chị mới trở về nhà, khi ấy các con đã say giấc. May mắn cả bố mẹ chồng và chồng chị đều thấu hiểu và thông cảm. Trước khi bước vào chiến dịch làm CCCD, chị Dung đã làm công tác tư tưởng với gia đình và nhờ ông bà hỗ trợ giúp đỡ. Có lần cùng đồng đội đưa máy móc về làm CCCD cho bà con khu nhà chị, chứng kiến cảnh cô con dâu và đồng nghiệp thức trắng đêm đến tận 1-2 giờ sáng mà vẫn chưa được nghỉ, ông bà nội hiểu và thương con dâu lắm lắm.
Hiện cả Đội QLHC Công an huyện Thanh Oai có 15 cán bộ, chiến sĩ thì cả 15 người đều được điều động đi làm từ sáng sớm đến tận đêm khuya mới trở về. Bước vào chiến dịch làm CCCD, không phân biệt nam nữ, không phân biệt hoàn cảnh, ai cũng đều phải cáng đáng khối lượng công việc như nhau. Có cán bộ nữ dù đang mang thai nhưng vẫn trợ giúp nhiệt tình cho anh em trong đội. Hay như trường hợp hai chiến sĩ trẻ là Thượng úy Nguyễn Sơn Tùng và Thượng úy Nguyễn Trọng Sự, con mới sinh được 2-3 tháng, vợ còn đang trong cữ nhưng cũng chẳng có thời gian về nhà thăm vợ con.
Những đứa trẻ theo bố mẹ đến nhà văn hóa thôn Trường Xuân, xã Xuân Dương, huyện Thanh Oai làm CCCD. |
Nhắc đến Thượng úy Nguyễn Trọng Sự, Trung tá Phạm Thị Ngọc, Đội trưởng Đội QLHC Công an huyện Thanh Oai không giấu được vẻ cảm thương cậu lính trẻ vì việc cơ quan phải gác lại chuyện gia đình. Cách đây 2 tháng, khi Sự cùng đồng nghiệp bước vào chiến dịch làm CCCD cũng là lúc vợ bước vào giai đoạn sắp sinh. Đang bận cùng anh em làm việc dưới cơ sở, nghe điện bà ngoại gọi vợ có dấu hiệu chuyển dạ, Sự cuống cuồng chạy đến xin phép thủ trưởng cho nghỉ để về nhà đưa vợ đi sinh. Nhưng vì cơ sở ở xa, con rể chưa kịp về nên mẹ vợ Sự phải nhờ hai người hàng xóm đưa con gái vào viện. Sự chẳng kịp thay quần áo, vội vàng phóng xe lên viện với vợ, đến nơi thì vợ đã sinh.
Công an huyện Thanh Oai được phân bổ 4 máy lấy vân tay, chia thành 4 tổ thay nhau làm việc 3 ca một ngày. Sau mỗi ca, cán bộ chiến sĩ chỉ được nghỉ 30 phút để nghỉ ngơi ăn uống, vệ sinh cá nhân và để máy nghỉ ngơi, sau đó lại tiếp tục công việc. Mỗi máy tối thiểu một ngày phải thu thập 300 mẫu vân tay. Trong mỗi ca làm việc, Công an huyện sẽ phân theo các khung giờ, có thông báo đến từng người dân để tránh tụ tập đông người và đảm bảo người dân không phải chờ đợi lâu.
Vượt qua mọi trở ngại
Khó khăn với anh em chiến sĩ là phải vừa làm vừa nâng cao nghiệp vụ bởi đây là lần đầu tiên cả nước triển khai làm CCCD đồng bộ với hệ thống máy móc hoàn toàn mới. Chỉ tiêu đề ra hằng ngày lớn trong khi số lượng cán bộ chiến sĩ có hạn, chỉ một người ốm thì số hồ sơ tồn lại là rất lớn, nên anh em đều động viên nhau vừa làm vừa bảo vệ sức khỏe cho chính mình. Chưa kể thời gian làm việc với cường độ cao chủ yếu vào tối và đêm vì ban ngày người dân bận việc làm ăn, buôn bán.
Dù ca tối theo kế hoạch chỉ đến 11 giờ, 11 rưỡi nhưng vì người dân tập trung đến làm đông nên anh em cán bộ chiến sĩ làm việc tăng ca đến 1-2 giờ sáng. Xong việc, thu dọn máy móc, xử lý xong tài liệu, báo cáo lên lãnh đạo thành phố trở về cơ quan cũng 3-4 giờ sáng. Có người gần nhà tranh thủ về nhà nghỉ ngơi, 7h sáng lại có mặt ở cơ quan tiếp tục làm ca mới.
Với đặc thù của huyện Thanh Oai là nhiều làng nghề, số lượng người làm công nhân, nông nghiệp chiếm tỉ lệ lớn nên việc lấy vân tay gặp nhiều khó khăn. “Có người làm nhiều, tay bị nứt nẻ phải mất 15-20 phút cũng không lấy nổi vân tay. Hoặc có trường hợp người dân làm nghề truyền thống hay phụ hồ, xây dựng, trồng cấy, vân tay bị tróc, bị mờ, sau 15 phút không lấy được vân tay, chúng tôi lại hướng dẫn về dùng kem dưỡng ẩm, chịu khó đeo găng tay, sau một tuần vân tay hồi phục thì quay trở lại” - Thiếu tá Đào Thị Ngọc Dung cho biết.
“Công việc tuy vất vả, áp lực nhưng được tất cả người dân đều vui vẻ ủng hộ nên anh em cán bộ chiến sĩ cũng cảm thấy vui. Có lần làm việc đến đêm mới trở về, sáng hôm sau mình tranh thủ mang xe đi rửa. Đến cửa hàng rửa xe thì chủ cửa hàng nhận ra đêm qua mình vừa làm CCCD cho anh ấy nên hồ hởi lắm. Anh rửa xe cho mình rất cẩn thận, lại còn không lấy tiền” - chị Dung tâm sự.
Không chỉ Công an huyện Thanh Oai, hay Công an phường Phú La, mà khắp nơi trên dải đất hình chữ S, những cán bộ chiến sĩ quản lí hành chính vẫn đang căng mình chạy đua cùng thời gian để đảm bảo đúng tiến độ làm CCCD. Khó khăn chồng chất khó khăn nhưng được nhân dân ủng hộ, tin yêu với họ đó là nguồn động lực lớn nhất giúp họ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.