Vận động viên cử tạ Trịnh Văn Vinh: Khổ tận cam lai

Thứ Tư, 26/09/2018, 17:45
nước da trắng, nụ cười tươi tắn đầy thiện cảm, nếu nhìn hình dáng bên ngoài, Trịnh Văn Vinh giống một sinh viên y khoa hơn là vận động viên cử tạ. Vậy mà, chàng trai này đã liên tục đoạt huy chương nhiều năm liền ở giải thi đấu trong nước và quốc tế môn cử tạ.

Ít ai biết rằng trên con đường thành công của Vinh không được trải hoa hồng mà đầy những sóng gió gập ghềnh. Vượt qua bao đèo dốc, cậu đã leo đến được đỉnh núi vinh quang, nhìn xuống phía dưới, cậu nhớ về tuổi thơ khốn khó với nỗ lực không ngừng, về tấm lòng sâu sắc của người thầy, huấn luyện viên đầu đời của cậu. Tất cả hiển hiện như vừa mới ngày hôm qua.

Bước ngoặt cuộc đời

Tôi gặp Trịnh Văn Vinh vào giữa trưa nắng ở khu A, Trung tâm huấn luyện thể thao Quốc gia Hà Nội sau đợt thi đấu ở Asiad 2018 về. Chàng trai trẻ 23 tuổi cùng đồng môn của mình là vận động viên Thạch Kim Tuấn đã mang về cho thể thao nước nhà 2 huy chương bạc. Từ nhiều năm nay, Trịnh Văn Vinh là cái tên quen thuộc trong làng cử tạ và được đặt nhiều kì vọng tại các mùa giải trong và ngoài nước.

Sinh ra ở Quế Võ, Bắc Ninh - cái nôi của làn điệu quan họ với những liền anh, liền chị áo tứ thân mớ ba mớ bảy, thướt tha bay bổng... vậy mà từ bé, Trịnh Văn Vinh đã có duyên nợ với một bộ môn thể thao lạ lẫm với làng quê nơi cậu sinh sống, môn: Cử tạ. Đó là năm đang học lớp 7 ở ngôi trường làng, một buổi sáng cậu đang ngồi trong lớp học mơ màng trông ra cửa sổ phía bờ sông, nhìn những con thuyền chở cát đi lại ồn ào, sóng nước dập dềnh thì bất ngờ thầy chủ nhiệm gọi tên cậu.

Vận động viên trẻ Trịnh Văn Vinh sau mùa giải ASIAD 2018.

Giật bắn mình, cậu tưởng bị phạt vì lơ đễnh, không chú tâm vào bài giảng của thầy ở trên lớp. Vinh vội vàng cho sách vở vào cặp rồi theo thầy ra sân trường. Trên bãi cát, một thầy giáo trẻ đang cho các học sinh  kiểm tra bật xa rồi đo chiều cao của từng người. Đến cuối buổi, một vài bạn đã được chọn ra, thầy giáo lấy số điện thoại, địa chỉ của gia đình. Vinh là một trong số đó.

Ít ngày sau, có cuộc điện thoại từ Trung tâm Thể dục thể thao Từ Sơn gọi đến báo kết quả cậu đã được chọn học môn cử tạ. Cha mẹ cậu đã quyết định cho cậu lên tỉnh học thể thao tuy rằng, trong dòng họ của cậu chưa từng có ai theo nghề này.

Vinh sinh ra trong một gia đình thuần nông. Ngày Vinh còn nhỏ, khoảng 7-8 tuổi, đến dịp nghỉ hè Vinh được bố mẹ giao chăm sóc một đàn vịt. Hình ảnh cậu bé nhà quê lũn cũn đội nón lá cầm gậy lùa đàn vịt ra ao ăn sâu vào kí ức của cậu. Sau này, khi Vinh lớn hơn, cậu được giao chăm một con bò cái to mộng.

Hằng ngày, ngoài giờ học, cậu lùa bò đi ăn cỏ ở ngoài đồng cùng với đám trẻ trong làng. Công việc đi chăn bò cũng khá thú vị, bố mẹ phải trông coi lò gạch của gia đình nên quyết định bán con bò. Cha mẹ phải đợi đến khi cậu con trai của họ lên trường nhập học mới dám gọi người đến dắt bò đi. Họ sợ cậu con trai nhỏ buồn lòng khi phải xa con vật gắn bó với tuổi thơ. 

Vượt qua kì sát hạch

Vinh lên trường nhập học, ở làng cũng có 3 học sinh khác được gọi đi nên cũng có bạn. Lên đến nơi, cậu mới biết thầy cô phân mình và các bạn trong xóm vào cùng tổ tập cử tạ. Mấy ngày đầu luyện tập, tuy là bài cơ bản nhưng toàn thân cậu ê ẩm. Thầy giáo động viên: “Cơn đau này sẽ qua mau thôi, ai mới tập cũng đều thế cả”.

Quả đúng như lời thầy nói, toàn thân cậu đã dần thích nghi với những bài tập luyện. Tuần đầu tiên nhóm của Vinh đều được cha mẹ lên tận trường đón về. Quãng đường từ trường học về nhà khoảng 35 km, nếu hằng tuần đưa đón thì thật bất tiện. Các bậc phụ huynh góp tiền lại mua cho 4 em chung nhau một chiếc điện thoại di động để chúng khi ở trường có thể liên lạc về nhà và gọi điện khi cần đưa đón.

Trịnh Văn Vinh và lãnh đạo Đoàn Thể thao Việt Nam tại ASIAD 2018.

Sang đến tuần thứ hai, vào ngày nghỉ cuối tuần, bọn trẻ không còn được bố mẹ tới trường đón nữa mà phải tự về bằng xe buýt. Lúc đấy, nhà trường cũng thông báo sau khi học 2 tháng sẽ thi sát hạch, học viên nào đạt điểm tốt sẽ được giữ lại, còn điểm thi không đạt yêu cầu sẽ quay trở lại địa phương.

Cậu bé Vinh lúc này vừa muốn về nhà chơi với đám bạn thân thiết trong thôn, vừa muốn ở lại trường để thử sức với môn thể thao mới mẻ. Cuối cùng cậu đã chọn ở lại trường tập luyện hăng say để có kết quả tốt trong kì sát hạch đầu tiên và cậu đã được giữ lại.

Đường đến vinh quang

Trong quãng thời gian tập luyện bộ môn cử tạ này, mốc đáng nhớ nhất của Trịnh Văn Vinh không phải là những năm sau này liên tục đạt huy chương vàng trong nước và quốc tế, mà đó là những năm thất bại không thể nào quên.

Năm 2011, trong một lần tập luyện, cậu bị rạn 2 đốt ngón chân. Chấn thương khiến Vinh đi lại khó khăn và việc tập luyện bị gián đoạn. Năm 2012, cuộc thi vô địch cử tạ toàn quốc diễn ra (dành cho VĐV tuổi từ 16 trở lên), Vinh đang  chấn thương chân lại phải thi với các anh lớn nên cậu không có thành tích nào, trong khi các bạn trong lớp đều có huy chương.

Đến năm 2013, lớp cử tạ ở trường Từ Sơn có 13 học viên  thì có đến 10 người được gọi lên đội tuyển trên Hà Nội, chỉ còn Vinh và 2 bạn nữa phải ở lại trường Từ Sơn. Lớp học cử tạ ở Từ Sơn lúc đấy buồn thê thảm vì vỏn vẹn 3 người, trong đó có Vinh và 2 bạn bằng tuổi cùng dăm em nhỏ, mà các em nhỏ thì chơi là chính, học là phụ. 

Trịnh Văn Vinh, từ cậu bé chăn bò đến giải vàng thế giới.

Thầy Đỗ Đình Du là một huấn luyện viên đầy tâm huyết với nghề. Khi đấy thầy đã ngoài 40 tuổi nhưng hằng ngày, kể cả nắng hay mưa, dù tiết trời nóng nực hay rét buốt, khi gà gáy sớm tinh mơ là thầy chạy xe máy đi từ Trung tâm Thể dục thể thao Từ Sơn ra Trung tâm Huấn luyện thể thao Quốc gia Hà Nội dạy học. Thầy dạy từ 8 giờ sáng đến 11 giờ trưa, rồi lại tất bật chạy xe máy về trường ở Từ Sơn để hướng dẫn cho mấy đứa trò nhỏ đang ngóng đợi mình.

Vinh bảo: “Chưa bao giờ em thấy chán và nản như thế. Lắm lúc chán lắm, nản kinh khủng. Bạn đồng môn đi xuống đội tuyển quốc gia hết cả. Thầy cũng đi luôn, đến chiều mới về. Buổi sáng thầy cho mấy đứa tự tập với nhau, đến chiều thầy về chỉ bảo cho từng đứa một. Có lần thầy bảo em: “Phải cố lên, đừng để tụt lại phía sau. Người mà đi phía sau thì mãi mãi chẳng bao giờ về đích được”.

Thầy thương học sinh, đứa nào cũng xa nhà, tiền chả có. Thầy đi dạy ở Hà Nội chỉ có 150.000 đồng một buổi. Cả tháng tiền dạy học ở Hà Nội tính ra được khoảng 4 triệu, nhưng có lúc một tháng, có khi hai tháng, thầy lại tự bỏ tiền túi cho Vinh và 2 bạn nữa trong tổ tập tạ, mỗi người 500.000 đồng. Buổi trưa và buổi chiều mấy thầy trò ăn cùng nhau, rồi thầy lại ân cần khuyên nhủ: “Cố tập thì sẽ có tương lai, đi mãi khắc sẽ thấy đường”. Vinh nghe lời thầy, quyết chí bền gan sớm hôm tập luyện chăm chỉ.

Ngày Nhà giáo Việt Nam 20 tháng 11 năm 2013, ba học viên bảo với nhau nhất định phải tặng thầy một món quà nhưng không đủ tiền để tặng thầy một món quà tươm tất. Nghĩ đi nghĩ lại mãi, chúng bất giác nhớ ra thầy của mình có một đôi găng tay tập đã sờn cũ lắm rồi mà thầy vẫn chưa chịu thay, ba đứa bèn chung tiền góp được hơn 100 nghìn mua cho thầy một đôi găng tay tập gym.

Trịnh Văn Vinh thi đấu tại ASIAD 18.

Nhận được đôi găng tay từ những học sinh thân yêu của mình, thầy cảm động lắm. Vinh bảo, đôi găng tay cũ của thầy đã sờn rách hết cả nhưng thầy vẫn cứ sử dụng mãi, còn đôi găng tay mới của học sinh mua tặng, thầy quý lắm, cất đi, thỉnh thoảng mới lấy ra dùng.

Đến tháng 3 năm 2014, dưới sự bảo lãnh của huấn luyện viên Đỗ Đình Du, Vinh được gọi lên bổ sung cho đội tuyển quốc gia. Thầy phải đứng ra cam kết là học sinh này có khả năng, có triển vọng tốt. Và quả thật, Vinh đã không phụ niềm mong mỏi, niềm tin của thầy.

Năm 2016, Trịnh Văn Vinh đoạt 1 huy chương vàng và 1 huy chương bạc tại giải Vô địch châu Á. Tháng 4 năm 2017,  trong cuộc thi Vô địch châu Á, cậu tiếp tục đạt được 2 giải huy chương bạc và huy chương đồng. Đại hội Thể thao châu Á 2017, Vinh đoạt huy chương vàng.

Tháng 11 năm 2017, tại Đại hội võ thuật Thế giới, Trịnh Văn Vinh lại một lần nữa giành huy chương vàng về cho nước nhà. Và lần này, ở đấu trường Asiad 2018 hồi cuối tháng 8 vừa qua, cậu giành thêm 1 huy chương bạc cho đoàn thể thao Việt Nam.

Trinh Văn Vinh nói: “Em không tự tạo áp lực về huy chương. Với em, thành tích quan trọng hơn huy chương. Nếu có huy chương mà thành tích chưa tốt  thì điều đó không phản ánh đúng với sức của mình...”. Những ngày này, VĐV Trinh Văn Vinh đang tập luyện hăng say để bước vào mùa giải Vô địch Thế giới với hạng cân 62 kg. Một ngày mai tươi sáng và rạng rỡ đang chờ cậu ở con đường thênh thang phía trước.

Trần Mỹ Hiền
.
.
.