Nhật ký một người đi cách ly

Chủ Nhật, 19/04/2020, 11:00
Sáng 28-3, toàn bộ Bệnh viện Bạch Mai - trọng điểm trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 bị phong tỏa. Tối cùng ngày, hơn 600 người nhà bệnh nhân được đưa đi cách ly với tâm trạng lo lắng rối bời. Họ đã trải qua đủ mọi cung bậc cảm xúc.

Câu chuyện của chị Đ.T.T. - một trong số 600 người nhà bệnh nhân đang phải sống trong khu cách ly - được phóng viên An ninh thế giới ghi lại thể hiện cung bậc cảm xúc khó tả của người vừa vượt qua những chuỗi ngày không thể nào quên.

Sáng 24-3, mẹ tôi trở bệnh, phải vào điều trị tại Viện Sức khỏe tâm thần - Bệnh viện Bạch Mai. Vội vàng sắp xếp quần áo vào viện với mẹ, tôi cũng kịp mang theo máy tính để kết hợp xử lý công việc. Hai cậu con trai nhỏ của tôi đành để chồng tôi chăm sóc. Lúc này, tuy biết rằng ở bệnh viện đã có 2 ca nhiễm SARS-CoV-2 từ ngày 18-3 nhưng vì sức khỏe của mẹ nên tôi xác định hai mẹ con vẫn phải ở lại viện điều trị. Đến buổi chiều, Bệnh viện thông báo có thêm ca mới bên Khoa Thần kinh và tiến hành cách ly cả khoa, tình hình trở nên căng thẳng hơn.

Việc kiểm tra thân nhiệt cho người đang cách ly được thực hiện 2 lần một ngày.

Ngày 27-3, toàn bộ bệnh nhân ở Viện Sức khỏe tâm thần được lấy dịch họng và mẫu máu làm xét nghiệm SARS-CoV-2 miễn phí. Ngày 28-3, tôi dậy sớm để nhận đồ ăn sáng cho mẹ vào lúc 6 giờ 30 như mọi ngày. Nhưng, phải đến gần 9 giờ thì đồ ăn sáng mới được chuyển đến. Lúc đó tôi mới biết là bệnh viện vừa tuyên bố đóng cửa, "nội bất xuất, ngoại bất nhập" khi có hàng loạt ca nhiễm mới được phát hiện tại nhà ăn.

Sẩm tối, khi cả phòng bệnh đang đợi bữa ăn chiều đến muộn thì một tốp bác sĩ đến thông báo: “Khoa đã có kết quả xét nghiệm, toàn bộ nhân viên bệnh viện và bệnh nhân đều âm tính. Nhưng hiện bệnh viện đã bị phong tỏa, chỉ bệnh nhân ở lại viện, người nhà sẽ phải đi cách ly tập trung để theo dõi sức khỏe. Các cô các bác cứ yên tâm đi cách ly, bệnh nhân ở lại đã có chúng tôi chăm sóc”.

Bữa tối diễn ra trong sự lo lắng, tôi cố trấn tĩnh để mẹ ăn trọn bữa cơm. Còn tôi lúc đó biết rằng có ngồi ăn cũng không nuốt nổi nên vội đi sắp đồ đạc. Nghĩ đến việc mẹ tôi đang bệnh phải ở lại đây một mình mà tôi càng thêm cuống. Mẹ tôi lúc này xem ra lại bình tĩnh hơn tôi, động viên con gái: “Con cứ yên tâm mà đi, trong này còn có y, bác sĩ lo cho mẹ”.

Bộ đội phát cơm tại tầng 3 khu nhà.

Xung quanh tôi, thấy xôn xao lên những lời dặn dò. Có gia đình hai bố mẹ đi chăm con trai giờ đều phải đi để con lại một mình. Có bà cụ rất yếu, bước không vững mà anh con trai cũng phải đi... Sau bữa tối, người nhà bệnh nhân được yêu cầu tập trung dưới sân bệnh viện. Tất cả đều đeo khẩu trang, chỉ để lộ những đôi mắt đầy căng thẳng và lo âu. Sân bệnh viện vắng vẻ, mưa lất phất, cả đoàn hơn 600 người nhà bệnh nhân xếp thành 2 hàng, người nọ cách người kia 2m lầm lũi đi về phía cổng bệnh viện - nơi có đoàn xe ô tô đang chờ sẵn.

Trên đường từ khoa ra cổng, cô y tá liên tục động viên người nhà yên tâm vì hiện có rất đông các y, bác sĩ và nhân viên ở lại bệnh viện sẽ chăm sóc bệnh nhân chu đáo. Chợt trong hàng có một bác nam lên tiếng: “Chúng ta nên tuân thủ chính sách của Nhà nước, đi như thế này là tốt cho mình, tốt cho người nhà mình”. Nhờ thế mà cả đoàn người đỡ lo phần nào, lục tục lên xe.

Đúng 19 giờ, khi binh chủng hóa học tiến vào Bệnh viện Bạch Mai phun khử trùng tiêu độc toàn bộ bệnh viện thì cũng là lúc đoàn xe rời đi. Mọi người trên xe xôn xao không biết sẽ được đưa tới đâu thì bác tài thông báo đích đến sẽ là ký túc xá Đại học FPT nằm trong Khu công nghệ cao Hòa Lạc, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Tôi ngồi trên xe ô tô mà lòng như lửa đốt, lo mẹ ở bệnh viện, lo chồng con ở nhà, rồi họ hàng ở quê...

Nhân viên y tế điều tra dịch tễ đối với người nhà bệnh nhân ở Bệnh viện Bạch Mai đang cách ly tại ký túc xá Đại học FPT.

Miên man suy nghĩ nên khi đoàn xe đã đến khu cách ly, tôi mới choàng tỉnh. Trước mắt tôi hiện ra khu ký túc rộng rãi, các phòng đều bật điện sáng trưng khiến tôi có cảm giác đây là một khu chung cư. Các đồng chí bộ đội nhanh chóng và thuần thục thực hiện quy trình khử khuẩn toàn bộ xe và đồ đạc, sắp xếp phòng và phát đồ dùng cá nhân.

Mọi thứ đều dứt khoát, gọn ghẽ đúng theo tác phong quân đội. Tôi được xếp vào phòng C311L. Vừa đến cửa phòng đã thấy tờ giấy với thông điệp “Không sợ cô Vy/ Chẳng ngại cách ly” như để củng cố tinh thần cho những ai đang ở trong hoàn cảnh bất đắc dĩ này.

Cảm nhận đầu tiên của tôi là phòng ốc ở đây sạch sẽ, gọn gàng. Một phòng chia làm 2 buồng cách biệt, mỗi buồng có 4 giường và nhà vệ sinh riêng. Để đảm bảo đúng tiêu chuẩn giãn cách nên mỗi buồng chỉ có 2 người ở 2 giường chéo góc. Nhìn túi đồ vừa được phát với đầy đủ xà phòng, dầu gội, bàn chải, khăn mặt, móc áo, tôi bắt đầu cảm thấy yên tâm hơn khi 14 ngày tới sẽ không phải xoay xở vì thiếu đồ thiết yếu.

Phòng cách ly C311L của chị Đ.T.T. (ảnh do nhân vật cung cấp).

Đêm đã khuya nhưng tôi không ngủ nổi liền vào mạng đọc báo. Cuộc sơ tán của chúng tôi lúc tối được các báo đồng loạt đưa tin. Chồng tôi sốt ruột gọi điện liên hồi. Ở quê, em trai tôi - người đưa mẹ tôi ra viện và cậu tôi - người ra thăm, dù không ở viện ngày nào cũng chủ động khai báo y tế. Cán bộ y tế xã lập tức phun khử khuẩn từng nhà, nhắn tin nhắc nhở và lấy mẫu xét nghiệm. Nhưng người làng thì đồn ầm lên là nhà tôi có người từ Bạch Mai về mà không khai báo, cậu tôi bị đồn là nhiễm virus Corona và đã bị đưa đi điều trị cách ly. Em dâu tôi ra chợ mua đồ ăn cũng khó vì nhiều người từ chối bán...

Ngay lúc đó, hàng loạt tin nhắn đổ về máy tôi. Vậy là thông tin tôi phải đi cách ly đã lan ra nhanh chóng. Nhiều người mặc định rằng tôi đã dương tính nên phải đi cách ly. Họ trách tôi giấu bệnh, cố tình gặp họ thời điểm trước khi tôi vào viện với mẹ tôi. Đêm đầu tiên ở khu cách ly, tôi không thể nào chợp mắt nổi. Không phải vì lạ lẫm và trống trải mà vì những tin nhắn mà tôi nhận được. Càng đọc càng thấy thương gia đình tôi bỗng chốc bị thay đổi thái độ đối xử mà không có cơ hội giải thích.

Nhân viên trong khu cách ly đưa cơm đến cửa các phòng.

Ngày 29-3, buổi sáng đầu tiên ở khu cách ly, tôi tự nhủ phải rắn rỏi để vượt qua tất cả. Bởi điều quan trọng nhất là sức khỏe của cả gia đình tôi hiện tại không ổn, tôi và mẹ hiện âm tính, em trai và cậu tôi cũng vậy. 7 giờ sáng, các anh bộ đội mặc trang phục bảo hộ kín mít tới các phòng phát đồ ăn sáng. Một hộp xôi xéo vàng ruộm, thơm lừng, tôi đói nên ăn ngon lành.

Vừa ăn tôi vừa ngắm nghía căn phòng gọn gàng, sạch sẽ. Đập vào mắt tôi là tờ giấy dán trên tường, ghi lời nhắn nhủ của một bạn sinh viên trước khi rời đi để nhường lại phòng cho chúng tôi: “Chúng ta sẽ cùng nhau chung tay vượt qua khó khăn này nhé”. Trên tờ giấy còn có cả bút tích của một anh dân quân tự vệ thuộc Đoàn dân quân xã Tiến Xuân sau khi dọn sạch căn phòng, thay chăn màn cho chúng tôi. Trong tôi bỗng trào lên niềm xúc động khi nhận ra mình được quan tâm, chia sẻ và đồng cảm. Những tin nhắn kỳ thị đêm qua bỗng trở nên nhạt nhòa trong tâm trí.

Hai ngày sau, 600 người chúng tôi được lấy dịch họng, lấy máu để xét nghiệm lần 1. Thật may là kết quả đều âm tính. Những người quanh tôi, tuy ở khu cách ly nhưng ngày đêm lo lắng cho người thân của họ đang ở Bệnh viện Bạch Mai. Bác ở cùng buồng với tôi có chồng bị bệnh tim nặng đang cấp cứu, cứ đứng ngồi không yên. Hiểu được điều này nên hằng ngày các bác sĩ đều gọi điện cập nhật tình hình bệnh nhân cho người nhà, nhất là các ca nặng.

Ở Viện Sức khỏe tâm thần của mẹ tôi thì có hẳn một group trên Zalo để các cô điều dưỡng chụp ảnh, thông báo tình hình bệnh nhân. Hằng ngày được nhìn thấy mẹ tôi sức khỏe đã khá hơn, tôi yên tâm.

Rồi việc cách ly cũng trở nên quen hơn với cả khu nhà. Tôi giữ nếp làm việc hai buổi sáng, chiều. Buổi tối, tôi gọi điện về cho chồng con. Hai cậu con trai đang học lớp 3 và lớp 1 ngoan ngoãn ở nhà với bố, luôn miệng hỏi mẹ có khỏe không. Cũng chả mấy khi tôi lại được ăn đúng bữa, ngủ đúng giờ như lúc này. Đều đặn 7 giờ sáng, 11 giờ trưa, 5 giờ chiều, các anh bộ đội mặc đồ bảo hộ mang cơm hộp lên tận cửa phòng, kèm theo câu động viên “Mọi người ăn hết cơm canh, giữ sức khỏe để chiến thắng COVID-19 nhé”.

Khu ký túc xá Đại học FPT trong ngày cách ly.

Tôi vẫn kịp nhìn thấy sau lớp khẩu trang là ánh mắt nheo nheo thân thiện và nụ cười tươi tắn. Cơm canh luôn nóng sốt, ngon lành và đầy đặn, chưa kể bữa chiều còn có thêm bắp ngô hay củ khoai, bánh ngọt. Bác gái ở cùng buồng với tôi nói đùa rằng cơm lèn chặt đúng kiểu bộ đội, đến thanh niên sức dài vai rộng cũng no căng bụng.

Ngày hai lần, một em trai người địa phương mặc đồ bảo hộ đến từng phòng, nói giọng đặc sệt vùng Hòa Lạc: “Mọi người nhớ đeo khẩu trang thường xuyên. Cháu đi đo nhiệt độ đây”. Sự thân thiện, nhiệt tình của chàng trai trẻ toát lên qua từng cử chỉ, lời chào, qua các cuộc trao đổi về tình hình sức khỏe chi tiết với từng người.

Tôi thường đứng ở ban công phòng mình ngắm những dãy nhà đối diện nổi bật với tấm băng rôn “Duy trì tập thể dục mỗi ngày để nâng cao sức đề kháng phòng chống dịch COVID-19”.

Chiều chiều, có bác đeo khẩu trang nhưng vẫn ra ban công ngồi hát véo von. Khuôn viên ký túc rộng rãi, biếc xanh cây lá ngày cuối xuân. Ngay phía dưới khu nhà là bãi cỏ lớn, có hai chú vịt trắng tha thẩn từ sáng tới chiều. Xa xa là dãy núi Ba Vì mờ sương. Hít căng lồng ngực bầu không khí trong trẻo, tôi thích thú khi nghĩ rằng bỗng nhiên lại được trải nghiệm sống chậm ở một nơi đẹp đẽ thế này.

Ở đây, tưởng chỉ có việc ngồi yên cách ly thôi mà nhiều lúc cũng phức tạp ra trò. Đó là khi các bác tầng trên lỡ hắt nước xuống làm ướt quần áo tầng dưới, rồi xích mích ầm ĩ cả khu, làm anh quản lý phải cầm loa ra giữa bãi cỏ để dàn hòa. Lúc lại có anh trèo từ tầng nọ xuống tầng kia, lại phải bắc loa nắn gân: “Chúng tôi phát hiện ra anh nào vi phạm nội quy sẽ cách ly thêm 14 ngày nữa”. Cả khu nhà lại cười vang, không khí như được dãn ra, lo lắng vơi đi, thấy ấm cúng như một đại gia đình.

Ngày 8-4, dãy nhà D có thông báo mọi người ở đó đã hết thời gian cách ly, bà con vỗ tay hoan hô ầm ĩ. Ngày 9-4, nhà C chúng tôi được lấy máu xét nghiệm lần 2. Hy vọng là tất cả chúng tôi đều an toàn để vui vẻ rời khu cách ly đáng mến và đáng nhớ này.

* Ghi theo lời kể của chị Đ.T.T.

Huyền Châm
.
.
.