Truyền thông – Sức mạnh “mềm” đẩy lùi tín dụng đen

Thứ Sáu, 21/06/2019, 07:32
Thời gian gần đây, cụm từ “tín dụng đen” trở nên phổ biến khắp hang cùng ngõ hẻm, từ miền núi hải đảo xa xôi cho đến nơi thị thành náo nhiệt.


Chuyện đã không chỉ dừng lại trong đời sống xã hội mà đã lên bàn nghị sự của Quốc hội, Chính phủ. Vấn nạn này không những gây hậu quả cho từng cá nhân, nhẹ thì mang nợ nần, mất nhà cửa, nặng thì bị khủng bố tinh thần, đánh đập và phải đánh đổi bằng cả tính mạng, mà còn gây mất an ninh trật tự xã hội nghiêm trọng.

Thiếu thông tin, nhiều người dân bị sa bẫy “tín dụng đen”

Chỉ cần gõ cụm từ “tín dụng đen”, ngay lập tức, trang web tìm kiếm thông dụng nhất cho ra tới khoảng 54.000.000 kết quả chỉ sau 0,32 giây. Thu hẹp hơn, gõ cụm từ “bị đánh chết vì vay nợ tín dụng đen” cũng cho ra tới 6.350.000 kết quả chỉ sau 0,41 giây. Ðiều này phản ánh một thực tế, vấn nạn tín dụng đen đã trở nên quá nóng trong đời sống xã hội. Truyền thông thường xuyên thông tin những vụ giết người vì tín đụng đen.

Gần như tháng nào cũng xảy ra một vài vụ án liên quan đến hoạt động cho vay nặng lãi. Quy mô của những nhóm đối tượng cho vay từ vài tỷ lên tới hàng chục tỷ đồng, từ trong tỉnh lên liên tỉnh, thậm chí xuyên quốc gia.

Hình thức cho vay cũng rất phong phú, từ chào mời trực tiếp, tới dán tờ rơi khắp cột điện, tường rào, các cửa hàng cầm đồ, cho đến việc sử dụng công nghệ với hình thức cho vay nghe rất kỹ thuật số như cho vay ngang hàng…

Ðặc điểm chung của tín dụng đen vẫn là lãi suất cắt cổ, có những vụ lãi suất lên tới 655%/năm, còn vài ba trăm % là “chuyện nhỏ”, và đa số các con nợ đều rất khó khăn trong việc trả món vay.

Thế nhưng, tín dụng đen vẫn tiếp tục còn đất sống, dù các cơ quan chức năng vào cuộc ráo riết: ngân hàng tìm cách đưa vốn đến gần dân, còn lực lượng Công an cũng ráo riết ra quân lập lại an ninh trật tự. Vậy câu hỏi đặt ra là tại sao nhiều người dân cứ nghe theo lời dụ dỗ của các đối tượng cho vay nặng lãi? Họ không hiểu, không biết hay “điếc không sợ súng” đến mức sẵn sàng vay nợ bất chấp hậu quả?

“Tại sao tín đụng đen lại tiếp cận người dân được dễ dàng, khiến nhiều người sa bẫy? Vì đơn giản, chân rết của tín dụng đen len lỏi khắp hang cùng ngõ hẻm, vào từng nhà dân, rỉ tai từng người một. Từ người có nhu cầu vay tiền, đến những người chưa có nhu cầu, thậm chí không có nhu cầu vay vốn cũng nghe “bùi tai”.

Các thông tin đó gần như đã được “bỏ túi” sẵn cho người dân, nên khi cần, đặc biệt đối với những hoàn cảnh gấp gáp kiểu “nước sôi lửa bỏng”, họ nghĩ ngay đến kênh vay tiền đã biết sẵn. Trong khi đó, các thông tin về tín dụng chính thức vẫn mơ hồ và xa xôi, là “chuyện của người khác”. Tất cả là do công tác truyền thông không tốt.

Ðể người dân không hiểu, không biết nên mới lựa chọn vay nặng lãi”, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế khẳng định.

Dùng thông tin để “trị” thông tin

Nhận thức được vai trò của truyền thông, không phải chỉ ngành Ngân hàng, mà đối với lực lượng Công an, trong kế hoạch phòng, chống tín dụng đen luôn có một vai trò đặc biệt của tuyên truyền.

Chương trình giao lưu trực tuyến “Nhận diện tín dụng đen và giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn” do Báo CAND tổ chức.

Ðược điểm danh là địa phương được các đối tượng tội phạm cho vay nặng lãi nhắm tới, Công an TP Hà Nội đã xây dựng và triển khai Kế hoạch số 231 về tổ chức điều tra cơ bản, phòng ngừa, đấu tranh xử lý các hành vi vi phạm pháp luật đối với các cơ sở, đối tượng kinh doanh dưới hình thức kinh doanh tài chính.

Trong đó, giải pháp tuyên truyền được chú trọng: chỉ đạo tập trung tổ chức tốt công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về quy định của Nhà nước đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ cầm đồ, kinh doanh tài chính; thông báo tình hình, thủ đoạn hoạt động lợi dụng các loại dịch vụ này để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật… để nhân dân biết, cảnh giác, đồng thời tố giác các hành vi vi phạm cho các cơ quan chức năng.

Tương tự, là địa bàn có nhiều khu công nghiệp - nơi cũng là một điểm nóng về vấn nạn tín dụng đen, nhắm đến công nhân làm việc trong các nhà máy, Ðại tá Nguyễn Văn Thơm - Trưởng phòng Cảnh sát Hình sự - Công an tỉnh Bình Dương trong buổi giao lưu trực tuyến với Báo CAND về chống tín dụng đen cũng cho biết lực lượng Công an phối hợp các cơ quan truyền thông, báo đài, các trang mạng xã hội… để tuyên truyền, phổ biến cho người dân biết quy định của Nhà nước đối với các hoạt động kinh doanh tài chính, dịch vụ cầm đồ; thủ đoạn lợi dụng dịch vụ này để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật; hệ lụy nghiêm trọng của tội phạm tín dụng đen; nâng cao nhận thức về pháp luật để tự phòng, tránh và tích cực tố giác tội phạm.

Trong khi đó, tại TP Hồ Chí Minh, Liên đoàn Lao động TP cũng đã có công văn đề nghị các cấp công đoàn tăng cường công tác tuyên truyền phòng ngừa, ngăn chặn hoạt động tín dụng đen trong công nhân lao động.

Còn phía NHNN, để phối hợp ngăn chặn, đẩy lùi nạn tín dụng đen, ngoài các giải pháp chuyên môn, chính sách phối hợp của ngành Ngân hàng vẫn cần có giải pháp đồng bộ, chặt chẽ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị.

Trong 11 giải pháp trong phòng chống tín dụng đen, Phó thống đốc Ðào Minh Tú cho biết ngành Ngân hàng chủ động phối hợp với các cơ quan truyền thông và chính quyền địa phương các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện các chương trình truyền thông mạnh mẽ, toàn diện trên phạm vi cả nước, nhất là các địa bàn đang là điểm nóng về tín dụng đen để người dân nắm bắt đầy đủ các chính sách tín dụng ngân hàng, đặc biệt là chính sách tín dụng tiêu dùng và chủ động tiếp cận với nguồn vốn tín dụng ngân hàng hoặc đề nghị ngân hàng thực hiện các biện pháp cơ cấu lại nợ khi gặp khó khăn không trả được nợ đúng hạn.

Ðồng thời, tăng cường truyền thông cho người dân, doanh nghiệp về hoạt động tín dụng ngân hàng và các sản phẩm, dịch vụ tài chính nhằm nâng cao kiến thức và khả năng tiếp cận các dịch vụ ngân hàng…

Về giải pháp phòng chống vấn nạn “tín dụng đen”, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, cơ quan Công an sẽ phối hợp với các ngành, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân, nhất là các quy định về giao dịch, vay mượn, huy động sử dụng vốn an toàn cũng như phương thức, thủ đoạn tội phạm liên quan đến hoạt động tín dụng đen, cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê. 

Đồng thời, làm tốt công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, quản lý chặt chẽ nhân viên các cơ sở kinh doanh tài chính, cầm đồ tạm trú trên địa bàn, các đối tượng bất minh về kinh tế nghi vấn có liên quan đến hoạt động tín dụng đen, cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê, phát hiện và xử lý nghiêm các doanh nghiệp, cơ sở ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự có liên quan đến đòi nợ, cầm đồ. 

Bộ trưởng cũng khẳng định, sẽ nâng cao hiệu quả công tác tiếp nhận giải quyết tố giác tin báo về tội phạm, nhất là các đường dây nóng, hòm thư tố giác tội phạm tiếp nhận các thông tin liên quan đến tín dụng đen. 

Đặc biệt sẽ mở các cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, triệt phá các tổ chức, các băng nhóm tội phạm, các đường dây lợi dụng hoạt động tín dụng đen cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê, vi phạm pháp luật cũng như tiếp tục rà soát nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ, Quốc hội, bổ sung, sửa đổi hoàn thiện hệ thống pháp lý.

Hà An
.
.
.