Chuyện cảm động về những chú chó nghiệp vụ

Thứ Bảy, 17/02/2018, 06:42
Lâu nay, ở Việt Nam cũng như trên thế giới, “Cảnh khuyển – Chó nghiệp vụ” đã dần trở thành bộ phận quan trọng trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm cũng như cứu hộ cứu nạn.

Những ngày kề xuân Mậu Tuất, có mặt tại Cục quản lý huấn luyện và sử dụng động vật nghiệp vụ, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động, chúng tôi được nghe những câu chuyện thú vị và cảm động về những chú chó nghiệp vụ…

1. Trung tá Đỗ Văn Long, Trưởng phòng Sử dụng động vật nghiệp vụ (Phòng 6 K204) có đến hơn 20 năm gắn bó với loài động vật thông minh và tình nghĩa này. Anh từng huấn luyện những chú chó từ khi còn bé tý cho đến lúc trưởng thành, có cảnh khuyển từng đoạt giải nhất trong cuộc thi chó nghiệp vụ. Dĩ nhiên, Trung tá Long cũng có rất nhiều kỷ niệm với những chú chó béc giê, mà Giôn là một trong những chú chó khiến anh không thể nào quên.

Một tình huống luyện tập tấn công của chó nghiệp vụ.

Trung tá Long còn nhớ như in cái ngày 25-7-2000, anh được đơn vị giao quản lý dạy dỗ Giôn. Nó cứ như đứa trẻ con rất háo hức, mừng quýnh chạy quanh chân anh. Anh bắt đầu chăm sóc Giôn như đứa con bé bỏng, hướng dẫn từng động tác nhỏ nhất, giáo dục tính kỷ luật.

Sau nhiều tháng trời ròng rã, bắt đầu từ 5 giờ tới 23 giờ và quên cả ngày nghỉ, Trung tá Long đã đào tạo Giôn thành một lính chiến thực thụ, hình thành phản xạ của một chú chó nghiệp vụ giỏi. Giôn đã góp công không nhỏ vào nhiều vụ án cần giám định mùi hơi người cũng như công tác cứu hộ cứu nạn.

Trung tá Long nhớ lại, tháng 9-2001, tại huyện Văn Chấn (Yên Bái) xảy ra một vụ án đặc biệt nghiêm trọng. Tại một bản heo hút, người dân phát hiện thi thể của một nam giới với nhiều vết đâm.

Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Yên Bái đã tổ chức lực lượng truy tìm hung thủ. Tuy nhiên, do hiện trường vụ án xảy ra ở nơi vắng vẻ nên không có nhân chứng. Rà soát mâu thuẫn của nạn nhân, cơ quan Công an cũng chưa tìm được manh mối nào khả dĩ. Cơ quan Công an chỉ thu giữ tại hiện trường một chiếc mũ len, được cho là của đối tượng trong lúc giằng co với nạn nhân đã đánh rơi.

Đồng thời với việc tổ chức rà soát, cơ quan Công an cũng đã có công văn đến Tổng cục Cảnh sát đề nghị đưa chó nghiệp vụ vào tham gia phá án. Được lệnh của lãnh đạo Cục, Giôn cùng Trung tá Long đã nhanh chóng có mặt tại Công an tỉnh Yên Bái thực hiện nhiệm vụ. Sau khi được ngửi chiếc mũ len của đối tượng, Giôn sẽ phải phân biệt với những đồ vật như quần áo, giày, tất của khoảng 10 đối tượng tình nghi. Để tránh sai sót, cơ quan Công an đã thực hiện việc giám định này suốt một tuần trời, và lần nào Giôn cũng chỉ sủa khi ngửi những đồ vật của một đối tượng duy nhất.

Tập trung đấu tranh với đối tượng trên, khoảng một tuần sau thì đối tượng đã phải cúi đầu nhận tội. Nguyên nhân là buổi sáng hôm đó đối tượng lẻn vào nhà dân để trộm cắp máy phát điện, khi bị phát hiện đã dùng dao chống trả khiến chủ nhà tử vong.

Ngoài chiến công nói trên, Giôn cùng Trung tá Long còn tham gia khá nhiều vụ việc tìm kiếm người mất tích, cứu hộ cứu nạn trong vụ sập mỏ than Phấn Mễ (Thái Nguyên), vụ lở núi ở Phú Thọ… Cuối năm 2003, một đoàn cán bộ Công an tỉnh Cà Mau ra Hà Nội tham quan và học tập kinh nghiệm sử dụng chó nghiệp vụ. Đơn vị bạn cứ tha thiết được xin con Giôn về để làm “mẫu” cho cảnh khuyển trong tỉnh và phục vụ công tác huấn luyện, chiến đấu. Dù rất yêu quý Giôn, nhưng Trung tá Long đành phải gật đầu đồng ý.

Khi Giôn được đưa lên xe đặc chủng để lên đường vào Nam, nó thừa lúc lái xe không để ý liền bật tung cửa quay lại. Trung tá Long phải vỗ về, thủ thỉ mãi Giôn mới chịu lên xe vào Nam. Có những hôm trung tá Long tự nhiên ban ngày thấy nóng ruột, đêm ngủ lại mơ thấy Giôn nên sáng hôm sau nhắn tin cho anh cán bộ Công an Cà Mau thì được biết nó đang ốm và bỏ ăn.

“Tôi thương lắm, chỉ biết nói anh cán bộ đưa chiếc điện thoại lại gần tai Giôn để thủ thỉ với nó vài lời. Cũng sau đó một thời gian, không biết do không hợp với thời tiết thủy thổ hay nhớ chủ cũ mà Giôn cứ héo mòn dần rồi chết” – Trung tá Long mắt đỏ hoe khi nhắc lại chuyện cũ.

2. Đại úy Đỗ Văn Chức, cán bộ Phòng Sử dụng động vật nghiệp vụ gia nhập vào đội ngũ Huấn luyện viên chó nghiệp vụ có phần “muộn mằn” (năm 2013 anh mới chuyển từ đơn vị khác về) song lại rất “mát tay” trong việc huấn luyện và sử dụng loài động vật thông minh này. Gần 5 năm trong nghề, Đại úy Chức cùng với những chú chó đã tham gia cứu hộ cứu nạn, các cuộc tìm kiếm người mất tích cũng như giám biệt các chất đặc định, góp công không nhỏ vào thành công của các chuyên án.

Đại úy Chức và Tôm giải lao sau những giờ luyện tập căng thẳng.

Tháng 6-2017, Đại úy Chức được cấp trên giao làm tổ trưởng một tổ công tác của Cục tham gia vào công tác kiểm tra kiểm soát tại Nhà máy lọc dầu Dung Quất (Quảng Ngãi) khi nhà máy tổ chức bảo dưỡng tổng thể. Đợt bảo dưỡng này diễn ra từ cuối tháng 5 cho đến đầu tháng 8-2017 với 7 gói thầu gồm vài chục lô nhà xưởng, van, bể cầu, đường ống... cần được bảo dưỡng.

Khác với những nhà máy sản xuất thông thường, việc bảo dưỡng nhà máy lọc dầu có những mối nguy tiềm ẩn về an toàn trong thời điểm dừng và khởi động nhà máy. Bên cạnh đó số lượng lao động các nhà thầu rất đông; thời gian làm việc ngắn với cường độ cao; thời tiết nắng nóng (đúng dịp nắng nhất năm ở dải đất miền Trung) gây khó khăn cho công tác kiểm soát.

Tổ sử dụng chó nghiệp vụ của Cục được phân công thường trực tại cổng A1 và A5 của Nhà máy lọc dầu Dung Quất. Hàng ngày, tại cổng A1, có khoảng hơn 3.000 nhân sự nhà thầu ra vào làm việc, trong đó có hàng trăm nhân sự người nước ngoài. Buổi sáng, từ 5 giờ 45 phút đến 6 giờ 15 phút, nhà thầu tập trung nhân sự ở đây, sau đó xếp hàng lần lượt qua các thủ tục kiểm tra thẻ, kiểm tra thuốc lá, bật lửa, máy ảnh, dụng cụ cá nhân.

Đối với nhân sự có mang theo vali đựng dụng cụ làm việc phải được chó nghiệp vụ đánh hơi loại trừ dấu hiệu thuốc nổ, bom mìn… mới tiếp tục được qua cổng. Mỗi nhân sự đều được Công ty lọc hóa dầu Bình Sơn cấp cho 1 thẻ từ và chỉ vào Nhà máy 1 lần, ra 1 lần/ngày làm việc. Trường hợp có việc đột xuất phải trình báo rõ ràng tại cổng an ninh, có ký xác nhận, bảo lãnh của lãnh đạo nhà thầu đó.

Ngày 1-6-2017, Tổ công tác của Cục đã có mặt tại Dung Quất. Các anh được bố trí tại hai phòng thuộc khu tập thể Công ty bảo vệ an ninh dầu khí (ngay sát cạnh Nhà máy lọc dầu Dung Quất). Nếu như khi đi công tác ở công an các tỉnh, hai chú chó thường được ở khu nhà tạm giữ thì lần này, Tôm và Rex được ở cùng phòng với Đại úy Chức và Thượng úy Quân.

Một góc khu vực chăm sóc chó nghiệp vụ thuộc Cục Quản lý huấn luyện và sử dụng động vật nghiệp vụ.

Sáng sớm, dưới cái nắng gay gắt của miền Trung, các “chiến sỹ 4 chân” cùng huấn luyện viên phải có mặt đúng giờ tại cổng để tham gia kiểm tra kiểm soát cùng tổ an ninh. Mỗi ngày có hàng trăm lượt công nhân, chuyên gia mang theo công cụ, balô, vali đựng đồ… cần phải kiểm tra. Tất cả đều được cảnh khuyển đánh hơi rất kỹ, nếu phát hiện có thuốc nổ là lập tức sủa vang báo hiệu.

Béc giê vốn là loài chó sinh ra ở xứ ôn đới, nên nó rất sợ thời tiết nóng ẩm như ở Việt Nam. Khi mất nước, chúng sẽ nằm một chỗ và thở hồng hộc. Chính vì vậy, Chức và Quân luôn phải mang theo vài chai nước để nhanh chóng “tiếp sức” cho hai cảnh khuyển. Nhiều khi các anh phải nhịn để cho chúng uống. Chiều về, sau khi được ăn cơm, hai cảnh khuyển ngoan ngoãn chui vào gầm giường nằm ngủ.

Đại úy Chức còn nhớ mãi khoảng thời gian mà anh cùng đồng đội vừa vào công tác tại Quảng Ngãi được khoảng một tuần lễ thì nhận được tin bé gái thứ hai con anh (lúc ấy mới hơn 1 tuổi) phải vào bệnh viện cấp cứu. Bé mắc hai bệnh trọng là suy hệ thần kinh vận động, đồng thời phổi cháu cũng có vấn đề. Nhà thì neo người, vợ lại một nách hai con, Đại úy Chức rất sốt ruột muốn về nhà đỡ đần vợ, động viên con, song vì nhiệm vụ mà anh không thể rời vị trí.

Có những đêm nhận được tin vợ nhắn con đau nên quấy khóc, đại úy Chức không ngủ được, đành ra hiên nhà ngồi. Con Tôm biết chủ buồn nên nó cũng không ngủ, bò ra theo và ôm lấy anh. Bình thường nó hay “nhõng nhẽo” đòi hỏi ăn uống phải đầy đủ nhưng mấy hôm đó nó ngoan hơn hẳn. Ban ngày nó cũng rất tập trung cố gắng làm tốt nhiệm vụ.

Khi kết thúc chuyến công tác trở ra Bắc, Đại úy Chức vội về nhà thăm con và nhờ một đồng đội khác chăm sóc Tôm. Một tuần sau anh mới trở lại đơn vị tiếp tục làm việc thì nghe đồng đội kể lại, mấy hôm liền nó bỏ ăn.

“Khi gặp lại tôi thì Tôm mừng lắm, nhảy lên ôm vai bá cổ, thè lưỡi liếm vào má tôi mãi mới thôi. Được tôi vỗ về, thủ thỉ chuyện gia đình con cái thì nó ra vẻ hiểu. Mắt nó ươn ướt…”- Đại úy Chức tâm sự.

Minh Tiến
.
.
.