Hồi sinh rừng ngập mặn nguyên sinh Rú Chá

Thứ Hai, 04/10/2021, 08:02

Rừng ngập mặn Rú Chá nằm ở hạ nguồn sông Hương, thuộc thôn Thuận Hòa, xã Hương Phong, TP Huế (Thừa Thiên-Huế) trước đây từng bị tàn phá, nhưng nay đã được hồi sinh kỳ diệu. Tại cánh rừng này, nhiếp ảnh gia Phạm Huy Trung (ở TP Hồ Chí Minh) bấm máy thực hiện tác phẩm “Đánh cá ở rừng ngập mặn” và đoạt giải Nhất ở hạng mục Con người tại cuộc thi ảnh quốc tế Drone Photo Awards 2021.

Những ngày cuối tháng 9, đầu tháng 10/2021, rất nhiều du khách, nhất là các bạn trẻ, tìm về rừng ngập mặn Rú Chá để chiêm ngưỡng cảnh đẹp tuyệt vời nơi đây khi cây chá đang thay màu lá vàng rực rỡ.

Theo người dân xã Hương Phong, kể từ khi cuộc thi ảnh quốc tế Drone Photo Awards 2021 công bố tác phẩm “Đánh cá ở rừng ngập mặn” của nhiếp ảnh gia Phạm Huy Trung đoạt giải Nhất, hình ảnh rừng ngập mặn Rú Chá xuất hiện dày đặc trên các trang báo mạng trong và ngoài nước, mạng xã hội. Từ đó, có nhiều du khách biết đến Rú Chá hơn và mong muốn dịch bệnh COVID-19 qua nhanh để được một lần đặt chân đến cánh rừng ngập mặn nguyên sinh quý hiếm còn sót lại trên hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai.

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Viết Chức, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Hương Phong cho biết, cách đây hàng chục năm về trước, rừng Rú Chá từng bị tàn phá nặng nề do người dân chưa ý thức được việc bảo vệ rừng và sự quản lý lỏng lẻo của chính quyền, các cơ quan chức năng.

Tuy nhiên, những năm trở lại đây, được sự quan tâm hỗ trợ đầu tư của Nhà nước và hiệu quả trong công tác quản lý, tuyên truyền bảo vệ rừng nên rừng Rú Chá dần được hồi sinh. Theo ông Chức, rừng ngập mặn Rú Chá có diện tích hơn 3,8ha nhưng lại đa dạng sinh học và có nguồn thủy sản phong phú. Đây không những là khu rừng nguyên sinh, là “bức tường xanh” giúp giảm thiểu thiệt hại do thiên tai bão lũ hằng năm, bảo vệ đê điều, tăng khả năng ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu mà người dân địa phương còn được hưởng lợi rất lớn do khu rừng ngập mặn này mang lại.

“Những năm qua, nhiều hộ dân sinh sống gần rừng Rú Chá đã biết tận dụng cánh rừng để đánh bắt, nuôi trồng thủy sản các loại. Nhờ thế nên nhiều hộ dân có hoàn cảnh khó khăn nay đã ổn định cuộc sống, trở nên khá giả. Bình quân mỗi năm người dân toàn xã thu gần 40 tỷ đồng từ hoạt động đánh bắt, nuôi trồng thủy sản, trong đó có nguồn lợi thủy sản từ rừng ngập mặn Rú Chá mang lại”, ông Chức cho hay.

Hồi sinh rừng ngập mặn nguyên sinh Rú Chá -0
Rừng ngập mặn Rú Chá vào mùa thay lá thu hút khách tham quan.

Tìm hiểu được biết, để mở rộng diện tích rừng ngập mặn Rú Chá, cuối năm 2020, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế ban hành quyết định phê duyệt đề án phát triển rừng ngập mặn tại xã Hương Phong. Mục tiêu chung của đề án là phát triển, mở rộng diện tích rừng ngập mặn trên địa bàn xã Hương Phong nhằm hình thành hệ sinh thái rừng ngập mặn tập trung lớn nhất tỉnh Thừa Thiên-Huế, nâng cao khả năng phòng hộ, bảo vệ môi trường sinh thái, tạo điều kiện để phát triển nuôi trồng thủy sản hiệu quả, bền vững, thúc đẩy phát triển du lịch sinh thái.

Theo đó, đề án sẽ thực hiện bảo vệ nghiêm ngặt 21,9ha rừng ngập mặn hiện có, bảo vệ đa dạng sinh học của hệ sinh thái rừng ngập mặn; xác định diện tích có khả năng trồng cây ngập mặn theo các phương thức trồng khác nhau; xác định cơ cấu bố trí loài cây, phương thức trồng hợp lý cho từng khu vực lập địa.

Đồng thời thực hiện trồng mới 232,84ha rừng ngập mặn tại xã Hương Phong, trong đó giai đoạn 2021-2025 trồng 150,65ha và giai đoạn sau năm 2025 là 82,19ha. Ngoài ra, một nhiệm vụ quan trọng khác của đề án là xây dựng khu vườn thực vật ngập mặn với khoảng 30 loài thực vật ngập mặn đặc trưng của cả 3 miền Bắc, Trung, Nam. Trong đó có các loài cây ngập mặn mới như cóc trắng, cóc vàng, cóc hồng, sú, trang, xu ổi, dà quánh, dà vôi, mắm… để đáp ứng yêu cầu nghiên cứu khoa học, giáo dục đào tạo về thực vật ngập mặn, hệ sinh thái rừng ngập mặn cho học sinh, sinh viên và các nhà nghiên cứu.

Ông Phạm Ngọc Dũng, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ sông Bồ, người có nhiều năm gắn bó với dự án trồng rừng ngập mặn trên đầm phá Tam Giang cho rằng, Hương Phong là vùng đất có nhiều tiềm năng phát triển du lịch sinh thái rừng ngập mặn, đất mặt nước phá Tam Giang với lợi thế nguồn thủy hải sản dồi dào, giao thông đường thủy, cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp. Trong đó, rừng ngập mặn Rú Chá và mặt nước phá Tam Giang là hai yếu tố hết sức quan trọng để thúc đẩy phát triển du lịch sinh thái của địa phương.

“Qua nghiên cứu, theo dõi, chúng tôi nhận thấy các mô hình trồng rừng ngập mặn trên địa bàn xã Hương Phong trong thời gian qua với các loài cây như bần, dừa nước, đước... đều sinh trưởng và phát triển tốt, rất phù hợp với vùng đất này. Đây là cơ sở thực tiễn để định hướng các loài cây trồng cho đề án phát triển rừng ngập mặn tại Hương Phong thành khu rừng ngập mặn tập trung lớn nhất duyên hải miền Trung, tạo nên rừng ngập mặn ven phá phong phú, đa dạng. Và trong tương lai không xa, ngoài rừng Rú Chá thì Hương Phong sẽ có thêm những cánh rừng ngập mặn tuyệt đẹp, đa dạng sinh học, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái hệ đầm phá Tam Giang, phòng chống thiên tai và phục vụ phát triển kinh tế, xã hội cũng như đáp ứng nhu cầu tham quan du lịch của du khách”, ông Dũng bày tỏ.

Anh Khoa
.
.
.