Chuyện nhân văn ở lớp "xóa mù" tại Trại giam Yên Hạ

Thứ Ba, 15/11/2022, 07:36

"Cả lớp nhìn lên bảng và đọc theo cô nhé: Lễ phép, lệ phí, phê phán….". Cô gõ thước đến đâu, học trò đáp lại đến đó. Tiếng đọc đồng thanh của hơn 30 người vang lên từ chính giữa hội trường của Trại giam Yên Hạ vào các buổi sáng từ thứ hai đến thứ sáu như hồi chuông thức tỉnh  tâm trí những người từng phạm tội.

Một lớp học đặc biệt xoá mù chữ do cô giáo chưa đầy 30 tuổi đứng lớp, còn học trò phía dưới người thấp tuổi nhất cũng hơn 20 tuổi và học trò cao tuổi nhất đã gần 60 tuổi…

3.jpg -0
Cán bộ trại giam cùng cô giáo Chu Thị Thu chia sẻ thông tin về lớp học xoá mù chữ với phóng viên báo CAND.

Những con chữ thức tỉnh lương tâm

Sinh ra và lớn lên ở một xã nghèo tỉnh Đắk Nông, trong gia đình khó khăn nên từ bé Hồ Bảo Vân không được học hành như nhiều bạn bè cùng tuổi. Lớn thêm chút, Vân lại theo bạn chơi bời, lêu lổng, thường xuyên bỏ nhà lang thang đến các tỉnh, thành khác kiếm sống. Đến khi phạm tội và chấp hành án chung thân, Vân cũng không hề biết đọc. Rồi một ngày Trại giam Yên Hạ mở lớp học xoá mù chữ cho phạm nhân, Vân đã đăng ký học. Từ những nét bút nguệch ngoạc ban đầu, sau vài tháng kiên trì học tập, Vân đã có thể viết được một bức thư gửi về cho người mẹ già ở quê nhà, điều mà qua nhiều năm lang bạt, Vân không bao giờ nghĩ tới. Tham gia lớp học, Vân không những biết viết thư mà còn biết cả đọc. Những trang sách, báo ở thư viện của trại giam được Vân nâng niu mỗi lần có dịp mượn.

Tâm sự về sự đổi thay này, Vân nói: "Đời em đã sai lầm nhiều, nhưng có một may mắn là vào đây, dù đã gần 30 tuổi, được các cán bộ dạy cho con chữ, biết đọc, biết viết, mới thấy mình mở mang ra nhiều". Từ phạm nhân phải chấp hành án chung thân, nhờ cải tạo tốt, Hồ Bảo Vân đã được giảm án xuống có thời hạn.

Cũng giống như Hồ Bảo Vân, Sùng A Chứ (SN 1982), đã thụ án gần 4 năm tù về tội Tàng trữ trái phép chất ma túy ở Trại giam Yên Hạ. Chứ đang tranh thủ giờ nghỉ giải lao để tập viết chữ. Dù chăm chú học, song phải mất gần 1 phút Chứ mới có thể viết xong được chữ "lễ phép". Chứ tâm sự, anh lấy vợ từ trẻ, nay đã có 4 đứa con. Do thiếu hiểu biết nên bị bạn bè dụ dỗ vào con đường xấu, giờ vào trại giam, để lại vợ và 3 con nhỏ ở nhà nên Chứ thấy ân hận lắm. May mắn được tham gia lớp học xoá mù, Chứ học chăm chỉ để có thể viết thư về nhà, tiếp cận được những kiến thức trên sách báo, mở mang đầu óc, suy nghĩ tích cực hơn. "Quan trọng là sau này ra tù vừa có kế sinh nhai, vừa có cái để chỉ bảo, dạy dỗ lại 3 đứa con, để chúng không đi vào vết xe đổ của bố", Chứ chia sẻ.

Đứng dạy chữ ở lớp học với những học trò đặc biệt, song cô giáo trẻ  Nguyễn Thị Thu tâm sự rằng, cô chỉ thấy thương họ nhiều tuổi rồi mà chưa thể viết nổi tên mình. Tuy nhiên, nhớ lại những ngày đầu đứng lớp, dù đã có nghiệp vụ sư phạm được đào tạo bài bản, nhưng lớp học này quá nhiều khác biệt khiến cô giáo Thu không khỏi bối rối. Không tài liệu, chưa được tập huấn, học sinh tham gia lớp ở đủ mọi lứa tuổi, mọi vùng miền… nên người giáo viên rất khó truyền tải kiến thức tới các phạm nhân. Nhưng, theo cô giáo, điều khó khăn và cũng là quan trọng nhất là thay đổi được tư duy của phạm nhân, rũ bỏ áp lực, thổi vào họ niềm yêu thích học tập. Tham gia lớp học này chủ yếu là các đối tượng có cuộc sống khó khăn, người dân tộc hoặc sinh sống tại các vùng biên giới xa xôi. Thất học khiến nhiều người dễ dàng đi vào con đường lầm lỗi. Nhiều người chưa ý thức được tầm quan trọng của việc học, xem đó là điều không cần thiết. Vì vậy, cô giáo Thu và các cán bộ trại giam phải kiên trì trò chuyện, khuyên nhủ để phạm nhân có động lực theo đuổi con chữ.

"Thuyết phục phạm nhân tham gia lớp học đã khó, giữ được họ gắn bó với lớp cũng không phải dễ dàng. Nhiều người đã lớn tuổi, người mắt mờ tai kém, người bị tật; người tiếp thu rất chậm; một số học trò lại thiếu tính kiên nhẫn, học một hai hôm thấy khó lại xin đi lao động cải tạo. Những lúc như vậy, người giáo viên chỉ có cách kiên trì, vừa chỉ bảo, uốn nắn lại vừa động viên phạm nhân. Điều thú vị là khi học sinh đã làm quen với mặt chữ thì nhiều người lại tỏ ra rất thích thú, mong chờ tiết học.

"Sự hào hứng, niềm vui trong ánh mắt của phạm nhân cũng là động lực để tôi thêm tâm huyết, gắn bó hơn với những buổi lên lớp", cô giáo Thu bày tỏ và chia sẻ thêm: "Trái ngược với bên ngoài có phần lì lợm, gai góc, cách mà họ thể hiện tình cảm qua nét chữ, dù ngây ngô nhưng rất chân thật và tình cảm. Có những phạm nhân viết thư về khoe với vợ con, cảm ơn các cán bộ, giáo viên đã kèm cặp chỉ bảo, cùng đó là lời hứa hoàn lương, chờ ngày làm lại từ đầu. Đọc được những dòng thư như vậy, không ít lần tôi không kìm được nước mắt. Tôi cảm thấy những nỗ lực, tâm huyết của mình đã góp phần mở ra một cánh cửa mới, hướng họ tới lương thiện, tới tri thức".

Một hoạt động nhân văn giáo dục tình yêu quê hương, đất nước

Lớp học xóa mù chữ được chính thức tổ chức tại Trại giam Yên Hạ từ năm 2011. Khi đó, cơ sở vật chất còn rất nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng Ban Giám thị đã cố gắng dành nhiều tâm huyết cho lớp xóa mù chữ. Thượng tá Nguyễn Anh Đức, Phó Giám thị Trại giam Yên Hạ cho hay: "Các phạm nhân thụ án tại Trại giam có đến hơn 80% là người dân tộc thiểu số, tỉ lệ mù chữ khá cao nên Ban Giám thị đã phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phù Yên, Sơn La tổ chức lớp học xóa mù cho các phạm nhân". Giáo trình dạy cho các phạm nhân đều được Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện cung cấp theo chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

"Ban đầu khi mở lớp, phần nhiều phạm nhân đều không muốn theo học bởi tâm lý mặc cảm. Họ suy nghĩ học chữ, biết chữ rồi cũng không để làm gì. Tuy nhiên, được sự giáo dục, động viên của quản giáo, những phạm nhân đầu tiên đã tham gia lớp học. Có những phạm nhân tuổi cao, đôi bàn tay chai cứng nên cầm bút rất ngượng nghịu, chữ viết nguệch ngoạc nhưng họ vẫn kiên trì học chữ", Thượng tá Nguyễn Anh Đức nhớ lại.

Tính đến thời điểm hiện nay, lớp "xóa mù" đã dạy chữ cho gần 700 lượt phạm nhân. Các phạm nhân này đã biết đọc, biết viết và hoàn thành bài kiểm tra đảm bảo đủ điều kiện hoàn thành chương trình xóa "mù chữ" giai đoạn 1.

Cả hơn chục năm nay, lớp học xóa mù đều đặn được duy trì 4 buổi/tuần, mỗi lớp khoảng 35 "học sinh" với 2 cô giáo là Đại úy Chử Thị Hằng, cán bộ Trại giam Yên Hạ và cô Chu Thị Thu, giáo viên hợp đồng.

"Lớp học tập văn hóa xóa mù chữ cho phạm nhân là một hoạt động mang tính nhân văn được Ban Giám thị trại tổ chức hằng năm. Bên cạnh những kiến thức cơ bản, phạm nhân còn được giáo dục về tình yêu quê hương, đất nước, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống; lan tỏa ý thức, động lực giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn, nỗ lực cải tạo tốt. Chúng tôi rất mừng là nhiều phạm nhân sau khi biết đọc biết viết còn bày tỏ mong muốn được học cao hơn. Có phạm nhân lần đầu tiên biết viết thư gửi về cho mẹ già ở quê như phạm nhân Hồ Bảo Vân. Mẹ của phạm nhân này do tuổi cao không thể từ miền Nam ra thăm con nhưng đã rất xúc động, gọi điện thoại cảm ơn Ban Giám thị, các cán bộ quản giáo đã giúp con trai bà biết chữ, biết viết thư. Niềm vui của phạm nhân, người nhà phạm nhân cũng chính là động lực để chúng tôi tiếp tục cố gắng trong công tác quản lý, giáo dục phạm nhân", Thượng tá Nguyễn Anh Đức chia sẻ.

Phạm Huyền - Nguyễn Hương
.
.
.