Về nơi gieo mầm thiện, “xóa mù chữ” cho phạm nhân

Chủ Nhật, 23/10/2022, 10:10

Từ thành phố Sơn La, vượt hơn trăm cây số đường đèo dốc với bốn bề đồi núi bao quanh, chúng tôi về Trại giam Yên Hạ (Bộ Công an- đóng tại huyện Phù Yên, Sơn La). Mặc dù phải đối mặt với rất nhiều khó khăn nhưng bằng sự nỗ lực, cố gắng, tập thể cán bộ, chiến sĩ Trại giam Yên Hạ đã thực hiện tốt công tác quản lý, giáo dục, biến nơi đây trở thành nơi gieo mầm thiện để các phạm nhân thực sự hoàn lương hướng thiện khi tái hòa nhập cộng đồng ngày trở về.

Hồi sinh những cuộc đời lầm lỡ

Chúng tôi đến Trại giam Yên Hạ một ngày giữa tháng 10. Khuôn viên Trại giam Yên Hạ rất quy củ, trật tự và xanh - sạch - đẹp. Gặp chúng tôi, phạm nhân nào cũng nở nụ cười rồi cất tiếng chào.

Về nơi gieo mầm thiện, “xóa mù chữ” cho phạm nhân -0
Các phạm nhân đang lao động tại Phân trại số 1, Trại giam Yên Hạ.  

Tại khu vực lao động của phạm nhân Phân trại số 1, chúng tôi được chứng kiến không khí làm việc rất hăng say, chăm chỉ của các phạm nhân. Đôi tay thoăn thoắt khâu những trái bóng, phạm nhân Hờ A Chua, 29 tuổi, trú tại xã Huơ Thanh, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên hiện đang chấp hành án phạt tù 20 năm vì tội mua bán trái phép chất ma túy. Chàng trai người Mông có cách nói chuyện gãy gọn, khiến chúng tôi không khỏi tiếc nuối cho 1 cử nhân ngành Y.

Sinh ra trong gia đình nghèo khó, nhưng Hờ A Chua rất ham học. Chua thông minh học giỏi hơn so với các bạn cùng lứa trong bản. Học hết cấp 3, Chua thi đỗ vào Trường Cao đẳng Y tế Điện Biên. Thế nhưng, khi tốt nghiệp, cầm tấm bằng cao đẳng trên tay, Chua không biết phải xin việc ở đâu, cũng chẳng biết phải làm gì ở nơi rừng sâu núi thẳm này. Trong lúc thất nghiệp, Chua bị bạn bè rủ rê đi buôn ma túy với lời hứa “việc nhẹ, lợi nhuận lại cao” khiến anh ta bùi tai. “Ngay lần đầu tiên đi buôn ma túy em đã bị bắt”, Chua buồn rầu nhớ lại.

Chua bị tuyên phạt 20 năm tù. “Lúc mới vào trại giam, em buồn lắm, nghĩ cuộc đời mình coi như đã kết thúc từ đây. Thế nhưng, được các cán bộ quản giáo động viên, giáo dục giúp em nhận ra được việc làm vi phạm pháp luật, em đã dần thay đổi suy nghĩ của mình. Đây giống như ngôi nhà thứ 2 của em, các cán bộ quản giáo như người thân trong gia đình”, Hờ A Chua cho biết. Hiện nay, Chua đã chấp hành án được hơn 5 năm và là một trong những phạm nhân tích cực cải tạo nhất của Trại giam Yên Hạ. “Em biết nếu tích cực cải tạo sẽ nhận được chính sách khoan hồng của Nhà nước nên em chăm chỉ lao động, rèn luyện để sớm được trở về với gia đình”, đôi mắt Chua ánh lên niềm hy vọng khi chia sẻ với chúng tôi.

Do tỷ lệ phạm nhân “mù” chữ khá cao, Trại giam Yên Hạ hiện đang tổ chức lớp học chữ “xóa mù” cho các phạm nhân với 2 ngày học/tuần. Do cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn, hội trường của trại giam được tạm thời trưng dụng thành một lớp học cho các phạm nhân. Tiếng ê a đánh vần của 20 “học sinh” là những phạm nhân khiến không khí Trại giam Yên Hạ có gì đó thật gần gũi.

Lớp học “xóa mù” có khoảng 20 “học sinh”, có những “học sinh” mái tóc đã điểm sương nhưng đây là lần đầu tiên trong cuộc đời, họ được học đọc, học viết chữ. Phạm nhân Giàng A Pó, 32 tuổi, trú tại huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên đang chấp hành án chung thân về tội buôn bán trái phép chất ma túy.

Bên trang giấy trắng, Pó cố gắng nắn nót từng con chữ. Pó kể với chúng tôi: “Trước đây, nhà em nghèo lắm, em không được đi học. Hoàn cảnh khó khăn, bị bạn bè lôi kéo dụ dỗ, em đi buôn bán ma túy rồi bị bắt. Em không biết chữ, không biết đọc. Vào trong này, em được các cán bộ dạy cho cái chữ để biết viết tên của mình, biết đọc báo, đọc sách, biết vi phạm pháp luật là như thế nào để cố gắng cải tạo mong có ngày trở về với gia đình”.

Vượt qua khó khăn

Chia sẻ với chúng tôi, Thượng tá Nguyễn Anh Đức, Phó Giám thị Trại giam Yên Hạ cho biết, mảnh đất Phù Yên vốn có thời tiết khắc nghiệt. Mùa nắng, đất cằn cỗi và khô hạn kéo dài, mùa mưa, nước lũ từ thượng nguồn trút xuống. Hiện nay, ngoài Phân trại số 1 và Phân trại số 3 đã được đầu tư xây dựng hoàn thiện, Phân trại số 2 đóng tại xã Tân Lang, huyện Phù Yên nằm trên địa hình đồi núi hiểm trở, nằm trong đới đứt gãy, nguy cơ sạt lở cao nên hiện đã được cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư xây dựng lại.

Trại giam Yên Hạ đang quản lý hầu hết các phạm nhân từ các tỉnh miền núi phía Bắc như Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai… Đặc biệt, có đến hơn 80% phạm nhân đang chấp hành án là người dân tộc thiểu số, trình độ nhận thức hạn chế gây khó khăn cho công tác giáo dục, cải tạo. Các phạm nhân khi vào thụ án thường có tâm lý mặc cảm, tự ti, thậm chí có những phạm nhân bị trầm cảm nhẹ.

“Lúc đó, chúng tôi phải lựa chọn các cán bộ phù hợp, có nhiều kinh nghiệm để động viên, cảm hóa cũng như giáo dục phạm nhân. Thậm chí, có những phạm nhân, trực tiếp Ban Giám thị phải gặp gỡ, trò chuyện và động viên”, Thượng tá Nguyễn Anh Đức chia sẻ. Để công tác quản lý, giáo dục phạm nhân đạt kết quả tốt nhất, ngoài tiếng Kinh, các quản giáo cũng phải học thêm tiếng Mông, tiếng Thái.

Hiện nay, Trại giam Yên Hạ duy trì hệ thống truyền thanh tại các phân trại, khu sản xuất với 3 thứ tiếng là tiếng Kinh, tiếng Mông và tiếng Thái; 1 tivi màu theo đúng quy định để hàng ngày các phạm nhân được xem chương trình thời sự của Đài Truyền hình Việt Nam, nghe thông tin thời sự nổi bật của đất nước, địa phương nơi đơn vị đóng quân cũng như các chế độ chính sách của Đảng, Nhà nước, bản tin về các hoạt động thi đua chấp hành án của phạm nhân.

Hàng kỳ, Trại tiếp nhận Báo Tiền phong, Báo Phụ nữ Việt Nam, bản tin điểm báo Sơn La qua những trang báo, tạp chí do Thư viện tỉnh Sơn La cấp cho thư viện phạm nhân để phạm nhân nghiên cứu, học tập. Từ năm 2019 đến nay, thư viện đã tiếp nhận hơn 7.000 cuốn sách các loại luân chuyển từ Thư viện tỉnh Sơn La đến thư viện phạm nhân của Trại.

Đơn vị cũng thực hiện tốt chế độ lao động, dạy nghề cho phạm nhân. Thượng tá Nguyễn Anh Đức cho hay, trước khi phạm nhân chấp hành án phạt tù, được đặc xá, tha tù trước thời hạn có điều kiện, Trại giam Yên Hạ đều lập kế hoạch tổ chức đánh giá năng lực, nhu cầu, điều kiện hoàn cảnh của phạm nhân để tư vấn, định hướng nghề, giới thiệu việc làm cho từng phạm nhân.

Đơn vị đã phối hợp với Hội Liên hiệp Thanh niên tỉnh Sơn La tổ chức chương trình tái hòa nhập cộng đồng cho thanh niên, tọa đàm chia sẻ, định hướng nghề cho các phạm nhân trong độ tuổi thanh niên, động viên phạm nhân thi đua, lao động cải tạo sớm trở về tái hòa nhập cộng đồng. Về chế độ ăn, mặc, ở của các phạm nhân, Trại giam Yên Hạ luôn cố gắng đảm bảo tốt nhất cho các phạm nhân. Đặc biệt, đối với chế độ ăn luôn đảm bảo đầy đủ, kịp thời, đúng tiêu chuẩn định lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Hằng tháng, đơn vị còn trích kết quả lao động, dạy nghề để chi bổ sung cho bữa ăn phạm nhân.

Cách đây hơn chục năm, Trại giam Yên Hạ từng được biết đến là một trong những trại giam khó khăn nhất miền Bắc do cơ sở vật chất cũng như ảnh hưởng của địa hình, khí hậu, đặc thù địa bàn. Tuy nhiên, hiện nay, với sự nỗ lực, cố gắng của các cán bộ, chiến sĩ, Trại giam Yên Hạ luôn đảm bảo tốt nhất quyền con người cho các phạm nhân, đồng thời trở thành nơi gieo mầm thiện, hồi sinh những mảnh đời lầm lỡ, để các phạm nhân hoàn lương hướng thiện trước khi tái hòa nhập với cộng đồng.

Nguyễn Hương - Phạm Huyền
.
.