Cha Lo nơi mùa Xuân đến sớm

Thứ Bảy, 21/01/2023, 21:43

Dọc theo đường Hồ Chí Minh uốn lượn giữa rừng già Trường Sơn như dải lụa, chúng tôi đến Cha Lo, nơi cửa ngõ gắn kết tình thân 2 nước Việt - Lào.

Những câu hát trong bài “Đêm trên Cha Lo” của nhạc sỹ Phạm Tuyên đưa chúng tôi chạm đến những cảm xúc thời quá vãng hào hùng trên mảnh đất Cha Lo “Khi xuất kích gian nan rừng sâu/ Tình yêu thương đồng đội có nhau/ Mỗi ngọn núi con sông nơi Trường Sơn/ Vẫn ấm áp tình dân…/ Đêm Cha Lo/ Đêm biên giới/ Nghe rì rầm đoàn xe/ Hay nhịp tim ta đó…Ơ…/ Dào dạt tình yêu quê hương”.

Cha Lo nơi mùa Xuân đến sớm_CAND_TET2023_T46 -0
Cửa khẩu quốc tế Cha Lo ở xã Dân Hoá, huyện Minh Hoá, Quảng Bình.

Sáng sớm, chúng tôi thấy núi Giăng Màn như bức bình phong với những chồi non như rải một thảm xanh cây rừng che chắn Cha Lo, và những giọt sương đêm còn đọng trên những cành đào rừng đã hé nụ, từng đoàn xe nối đuôi nhau hối hả… Vậy là mùa Xuân đã về, Tết cổ truyền dân tộc đã cận kề.

Cửa khẩu quốc tế Cha Lo có lẽ là cửa khẩu duy nhất ở nước ta được lấy tên một bản (bản Cha Lo, xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa, Quảng Bình) của bà con dân tộc ở phía Tây Quảng Bình để đặt tên cửa khẩu. Trong những năm chiến tranh, hàng loạt trọng điểm trên tuyến đường dẫn đến cửa khẩu Cha Lo. Đó là Ngã ba Khe Ve, Bãi Dinh, Cổng Trời, đèo Đá Đẽo, đèo Mụ Gia, Trạ Ang… những địa danh gắn với tuổi mười tám đôi mươi của biết bao bộ đội, thanh niên xung phong (TNXP) trên tuyến đường Trường Sơn hùng vĩ.

Đọc nhiều nhật ký, hồi ký thời chiến, chúng tôi bắt gặp nhiều trang viết đầy hoài niệm, đầy tài hoa của những người một thời ra trận từng đi qua tuyến đường dẫn đến Cha Lo. Đứng dưới Cổng Trời hôm nay, nghe lòng vẫn thổn thức câu nói của Anh hùng Nguyễn Viết Xuân trên trận địa pháo năm nào “Nhằm thẳng quân thù mà bắn”. Trong chiến tranh, mỗi bản làng hai bên tuyến đường 12A dẫn đến Cha Lo đều có hàng ngàn bộ đội, thanh niên trú chân để chờ lệnh xuất kích vào miền Nam, hay qua nước bạn Lào chiến đấu.

 Đi trên tuyến đường 12A len lỏi giữa rừng cao, vực sâu để dẫn đến cửa khẩu quốc tế Cha Lo hôm nay, chúng tôi thực sự nghiêng mình; giữa mưa bom bão đạn chiến tranh, các anh, các chị chỉ bằng bàn tay, những đôi quang gánh, chiếc cào, chiếc thuổng đã mở được tuyến đường này. Phải yêu đất nước mình hơn chính bản thân mình, phải say hơn men say tha thiết hòa bình, thanh niên xung phong (TNXP) và bộ đội Trường Sơn mới để cho chúng ta hôm nay một con đường huyền thoại.

Con suối Rụng tóc vẫn còn đây, nước vẫn đỏ quạch màu gạch. Ở con suối này, trong những ngày mở nhánh đường Trường Sơn để lên Cha Lo, không có nước sinh hoạt, hàng ngàn nữ TNXP đã phải dùng nước ở con suối này để chống lại vắt, muỗi, nấm da. Nhưng sau một thời gian ngắn dùng nước ở suối Rụng tóc, những mái tóc huyền dài đen mượt của nữ TNXP đã rụng gần hết, trắng cả da đầu. Nước suối Rụng tóc vẫn lững lờ trôi, im lìm ẩn chứa những câu chuyện tưởng thành huyền thoại của TNXP hôm nào.

Cha Lo nơi mùa Xuân đến sớm_CAND_TET2023_T46 -0
Cán bộ, chiến sĩ Công an xã Dân Hoá ở khu vực Cửa khẩu quốc tế Cha Lo họp bàn triển khai nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.

Nhiều lần lên với Trường Sơn, với những nhánh đường 12A lên Cha Lo, lên đường 20 Quyết Thắng, chúng tôi được nghe những câu chuyện xúc động buốt nhói. Trên tuyến đường này, trong những năm chiến tranh, có đơn vị anh chị em TNXP đang mở đường bị hy sinh, đồng đội chưa kịp chôn cất thì từng đoàn xe từ miền Bắc đi vào trận địa miền Nam, không thể để đoàn xe ứ đọng vì sợ địch phát hiện, TNXP đành phải vùi lấp tạm đồng đội hy sinh trên mặt đường để cho đoàn xe qua, sau đó mới đào bới tìm xác đồng đội.

Năm 1968, biết có Đoàn chiếu phim của Quảng Bình lên phục vụ, nên từ chiều hàng trăm nữ TNXP đã không kịp ăn tối mà tranh thủ lội suối, trèo đèo đến điểm chiếu phim. Máy quay vừa lên hình thì máy bay Mỹ ập tới ném bom. Gần 20 nữ TNXP đã mất trong loạt bom đầu. Sau đó, đoàn chiếu phim đã xếp thi thể chị em nằm thẳng hàng và bật máy chiếu hết bộ phim cho chị em “xem lần cuối”…

Có lẽ không có gì tri ân những người đã ngã xuống bằng những việc làm thiết thực, hồi sinh từ những hố bom để xây dựng cuộc sống tươi đẹp hơn cho người dân hôm nay, Cha Lo đang làm điều đó. Đứng bên cửa khẩu quốc tế Cha Lo hôm nay, những đoàn xe tấp nập qua lại mang đầy hàng hoá. Và hai bên tuyến đường lên cửa khẩu, những trọng điểm bắn phá của giặc năm nào giờ là những bản làng san sát vui tươi.

Chủ tịch xã Dân Hoá, ông Đinh Văn Chinh cho chúng tôi biết; xã Dân Hoá có 11 bản trong đó bản Cha Lo là phát triển nhất. Dân Hoá có hơn 1.107 hộ với 4.543 nhân khẩu, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 91,2% gồm đồng bào Bru-Vân Kiều, Chứt, Mường, Thái, Tày. Ngoài 4 bản nằm sâu phía trong thung lũng Trường Sơn là Bản Ba Loóc, Bản Hà Nôông, Bản Tà Rà, Bản K-Ai thì 7 bản còn lại bà con sinh sống hai bên đường 12A lên cửa khẩu quốc tế Cha Lo.

Từ những bản làng luôn thiếu ăn, cuộc sống bị bủa vây bởi những hủ tục, luật tục, những năm gần đây, được sự hỗ trợ giúp đỡ tận tình của CBCS Đồn Biên phòng Cha Lo và Công an đứng chân trên địa bàn, bà con dân bản ở Dân Hoá đã có cuộc sống đổi thay, nhiều bà con dân bản làm được nhà mới, trẻ em được đến trường.

Trung tá Nguyễn Xuân Thành - Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cha Lo cho biết: Những năm qua, CBCS của Đồn Biên phòng Cha Lo cũng như các đơn vị đóng chân ở cửa khẩu quốc tế Cha Lo như Đồn Công an, Hải quan, Khu Kinh tế… đều tổ chức họp giao ban và thống nhất phát huy ý chí: trong những năm chiến tranh, các thế hệ đi trước ở Cha Lo đã nổi tiếng kiên gan trước sự đánh phá ác liệt của địch.

Hàng vạn người đã không quản ngày đêm chịu nhiều hy sinh tổn thất, và hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ biên cương Tổ quốc. Thì giờ đây, các cơ quan, đơn vị và chính bản thân mỗi người lại phát huy tinh thần làm việc, vừa bảo vệ biên cương, vừa góp phần phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, đồng thời tương thân tương ái, hỗ trợ giúp đỡ đồng bào nơi biên cương có cuộc sống ngày một tốt hơn.  Chúng tôi vào khu tái định cư của người Mày ở bản Cha Lo khi mây trời chiều biên giới bắt đầu bảng lảng. Khu tái định cư bản mới ở Cha Lo này vừa được bàn giao cho bà con dân tộc thiểu số nơi đây vào cuối năm 2021. Những ngôi nhà kiên cố điểm tô giữa màu xanh ngắt của núi rừng Trường Sơn.

Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác Mặt trận bản Cha Lo, ông Hồ Thong nắm tay chúng tôi thật chặt vui vẻ tâm sự: Năm nay là năm thứ hai 34 hộ bà con được về bản mới, có nhà mới khang trang. Nếu so với trước đây, cuộc sống bà con chỉ biết quẩn quanh dựa vào săn bắt con thú trên rừng, con cá, con tôm dưới suối thì giờ đây cuộc sống bà con ổn định, yên cái bụng lo làm ăn. Bà con dân bản đã biết làm lúa nước, trồng rau xanh, nuôi gia súc, gia cầm để cải thiện cuộc sống.

Cha Lo giờ đây đã hội đủ những điều kiện để phát triển thành khu đô thị sầm uất trong tương lai giữa núi rừng Trường Sơn hùng vĩ. Hiện nay, thông qua cửa khẩu quốc tế Cha Lo nối con đường 12A xuyên Á từ Quảng Bình đến tận thành phố cảng Mawlamyine (Myanmar), kết nối một vùng rộng lớn hàng triệu dân với nhiều trung tâm kinh tế lớn của Lào, Thái Lan, Myanmar. Chính vì vậy, những năm gần đây, Cha Lo luôn sôi động, mỗi ngày hàng trăm chiếc xe ôtô chở hàng hóa các loại, nối đuôi nhau từ khu vực biên giới Việt - Lào qua cửa khẩu quốc tế Cha Lo.

Cha Lo đang thu hút hàng chục dự án với tổng mức đầu tư lên đến cả ngàn tỷ đồng. Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cha Lo được định hướng quy hoạch rộng tới 538km2, bao gồm 6 xã là: Dân Hóa, Trọng Hóa, Hóa Thanh, Hóa Tiến, Hóa Phúc và Hồng Hóa của huyện Minh Hóa, Quảng Bình. Và theo định hướng đến năm 2030, thì Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cha Lo sẽ là một trung tâm kinh tế và đô thị phía Tây của tỉnh Quảng Bình.

Dương Sông Lam
.
.
.