Về cửa khẩu Cha Lo

Thứ Hai, 07/01/2008, 14:05
Ngã ba Khe Ve có bia kỷ niệm đường mòn Hồ Chí Minh trên đảo nổi là đất của Đông Trường Sơn chỉ lối sang Tây Trường Sơn. Từ đây là đường 12A hướng lên đèo Mụ Giạ, lên cửa khẩu quốc tế Cha Lo. Cửa khẩu này nối Quảng Bình bên Việt Nam với Khăm Muộn bên Lào.

Nhà văn Ngôn Vĩnh kể năm anh làm Báo Công an có chuyến đi cùng các văn nghệ sĩ lên thâm nhập thực tế chiến tranh ở vùng cửa khẩu Cha Lo. Ngày ấy Cha Lo ngày đêm bom đạn. Nơi này là huyết mạch của Trường Sơn Đông qua Trường Sơn Tây.

Cha Lo là cửa khẩu của những đoàn quân miền Bắc cùng khí tài Nam tiến chi viện cho miền Nam đánh giặc. Cũng là nơi để bom đạn Mỹ trút xuống một cách quyết liệt nhằm ngăn chặn những bước tiến đầy sức mạnh của người chiến sĩ giải phóng đất nước.

Tại nơi này nhà văn Ngôn Vĩnh đã được chứng kiến nhạc sĩ Phạm Tuyên sáng tác bài hát về Cha Lo. Cũng chính nhạc sĩ dạy cho anh em trong đoàn hát bài hát này để hát cho cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong nghe.

Ngày chia tay người ở lại đã đùm xôi nếp và thịt thú rừng cho người trở ra Bắc ăn đường. Nhớ nhất trong anh là bữa cháo thịt khỉ anh em ở đây bồi dưỡng cho đoàn khi vừa mới lặn lội lên Cha Lo. Kỳ diệu là bát cháo tình nghĩa ấy. Chỉ sau những húp cháo nóng ăn vội ở chiến trường mà hôm sau ai cũng thấy người khỏe lên rất nhiều.

Bạn cùng học cấp ba Sơn Tây với chúng tôi theo lời anh Phùng Thanh Lịch kể, cũng đã hy sinh ở nơi đây. Anh là Đặng Văn Nho. Những viên bom bi Mỹ đã cướp đi sinh mạng của người con trai xứ Đoài khi tuổi đang còn rất trẻ. Khi Lịch hành quân qua đã không quên thắp một tuần hương trên mộ Nho trước khi hành quân tiếp vào mặt trận phía Nam.

Lần này lên Cha Lo tôi đã được Trung tá Nguyễn Văn Huân, chính trị viên Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Cha Lo đưa tới Cổng Trời. Nơi này vốn trước là một khối núi lõm đã được bộ đội và thanh niên xung phong đục đá mở đường cho xe kéo pháo và xe kéo tên lửa đi qua để canh giữ bầu trời phía Tây bắn rơi pháo đài B52 Mỹ trên đèo Mụ Giạ cùng nhiều loại tàu bay tối tân khác.

Cổng Trời là địa danh quan trọng thuộc đường 12A nối liền đường Hồ Chí Minh với Đông Tây Trường Sơn. Nơi đây có những cụm trọng điểm bị bom Mỹ đánh phá hết sức ác liệt, trong đó có Cổng Trời nơi đặt chỉ huy sở của Binh trạm 12, đèo Mụ Giạ và La Trọng cùng Bãi Dinh.

Bãi Dinh nơi trận địa pháo phòng không của ta giăng trận. Những người lính phòng không anh hùng, đồng đội của Nguyễn Viết Xuân đã quả cảm chiến đấu với giặc trời như câu nói nổi tiếng của anh: "Nhằm thẳng quân thù mà bắn!". Nay bia lịch sử về Cổng Trời đã được xây dựng áp thân vào vách đá.

Tại bản Cha Lo hai tấm bia có hình dạng giống nhau bằng đá với dòng chữ khắc chìm ghi: Cha Lo cửa khẩu trọng yếu trên tuyến đường 12A nối Đông Trường Sơn qua Tây Trường Sơn. Nơi đây đã ghi sâu những chiến công hiển hách của các đơn vị bộ đội, thanh niên xung phong và nhân dân địa phương.

Thật tiếc! Có lẽ do làm lâu, do mưa nắng luân hồi hay người qua lại ít quan tâm mà thân bia và bệ bia lở lói. Xung quanh bia như bị bỏ hoang.

Lại nữa, khi đến Bãi Dinh, đất anh hùng của Tiểu đoàn pháo cao xạ Nguyễn Viết Xuân, di tích đã không còn nguyên vẹn. Đồi nối đồi. Những quả đồi xưa làm ụ pháo bây giờ đã ngập màu cây mọc và phơ phất hoa lau. Những bông lau giữa đông sau mưa ngả màu sẫm trông đằm và nền nã, ấm cúng lạ thường. Từ dưới chân dốc ngước lên Bãi Dinh hướng về phía Cha Lo lớp lớp nhiều nhiều quả đồi gối nhau như cánh cổng mở vào non cao.

Thế núi này là thế núi giăng bẫy. Chả trách các nhà quân sự ngày ấy đã chọn nơi này để đặt pháo cao xạ. Nhưng quả đồi nào là nơi anh hùng Nguyễn Viết Xuân trụ chân chỉ huy trận đánh. Chỗ nào là chỗ anh nhìn thẳng vào máy bay kẻ thù mà nói câu bất tử nhằm thẳng quân thù thì chưa ai xác định được. Thịt da máu xương người anh hùng đã lẫn vào với Bãi Dinh, với Cha Lo. Mãi đến gần đây người ta mới lên đây để tìm lại chỗ anh hy sinh. Người ta muốn dựng bia tưởng niệm anh ở chỗ anh hy sinh.

Đến năm 2007 này vẫn chưa thật rõ và chính xác chỗ anh ngã xuống. Người nói ở trận địa đồi bên phải, người nói ở trận địa đồi bên trái. Thật có lỗi với người đã khuất. Chẳng sao, khi anh đã thuộc về mãi mãi. Cây cỏ xanh biếc và hoa lau tím ở Bãi Dinh hôm nay đã tượng hình anh. Những người hy sinh cho sự trường tồn của dân tộc anh linh và thân xác của họ thuộc về sông núi.

Đứng trước Bãi Dinh chúng tôi lẳng lặng cúi đầu mặc niệm người đã khuất.

Cha Lo hôm nay đã là cửa khẩu quốc tế Việt - Lào. Trước trạm gác biên phòng cửa khẩu hai cây đào phai đã nở hoa cho dù lúc này mới đầu tháng mười một âm lịch.

Mắt ngước nhìn đỉnh núi Giăng Màn cao 1.800m so với mặt biển có cột mốc N13 sẫm ảo đang trong mù sương. Đây là màu sống động của những miền rừng còn nguyên vẹn môi trường. Người ở đây nói chỉ thỉnh thoảng mới nhìn thấy đỉnh non ló trong nắng.

Đồng bào Khùa, Sách, Mày ở chung nhau trên dải đất vùng biên thuộc xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình. Nhà sàn ở đây nhỏ. Đồng bào còn lam lũ nhiều. Phụ nữ thường mặc váy như kiểu váy của người phụ nữ Lào.

Trung tá chính trị viên Đồn Biên phòng cửa khẩu kể cho tôi nghe nhiều nét tiêu biểu của đời sống đồng bào ít người ở đây. Như người Khùa rất sợ ma. Đã chôn cất người chết rồi họ ít khi dám quay lại. Lúc đi tìm chỗ chôn cất người qua đời họ mang theo một quả trứng gà. Quả trứng ném xuống chỗ nào mà vỡ thì chọn đất để đào huyệt.

Cửa khẩu quốc tế Cha Lo hôm nay đã khang trang về mặt xây dựng nhưng buôn bán giữa hai bên chưa sầm uất cho lắm. Có chợ trung tâm nhưng hàng hóa trao đổi còn thưa vắng ngoài mấy hàng giải khát. Hàng hóa hai bên là thạch cao, gỗ, gạo nếp, phế liệu chiến tranh... nhập nội. Xuất ngoại là vật liệu xây dựng... Có cả ớt khô nữa.

Cửa khẩu vẫn đang trong dạng tiềm năng, tiềm lực. Thiết nghĩ với lợi thế địa lý ấy, không gian ấy nếu được đầu tư đúng mức chả mấy chốc mà cửa khẩu quốc tế Cha Lo trở nên sầm uất như một số cửa khẩu khác.

Tạm biệt Cha Lo, tôi không sao quên được hình ảnh cùng nỗi vất vả của cô giáo NguyễnThị Thuyết. Cô dạy lớp mẫu giáo ở Cha Lo, đã 8 năm liền. Cũng tám năm liền ấy, mới đầu lương tập sự là 100.000 đồng sau đó là lương hợp đồng 380.000 đồng cho một tháng. Bây giờ vẫn đang lúc cô chờ quyết định mới và lương mới. Thu nhập eo hẹp vậy mà tiếng nói của cô vẫn dịu dàng cùng nụ cười có gì còn e lệ khi kể chuyện nghề của mình cho khách nghe.

Cũng chẳng thể quên được Trưởng bản Hồ Nhuận người dân tộc Sách, 61 tuổi, kém tôi tới mấy tuổi mà khi mới đầu thưa chuyện tôi đã định gọi bằng cụ vì ông quá già.

Cuộc sống nơi đây sẽ mỗi ngày mỗi khác bởi con đường ấy bắt đầu từ đại lộ Hồ Chí Minh thắm đỏ màu hoa Trạng Nguyên cùng sự gắng sức của mỗi người.

Tháng 12/2007

.
.
.