Vui, buồn “Mùa nước nổi” miền Tây

Thứ Tư, 22/08/2018, 08:50
Hằng năm, bắt đầu từ tháng 7 âm lịch (AL) đến tháng 10 AL, con nước chở phù sa từ thượng nguồn sông Mê Kông cuồn cuộn đổ về các tỉnh, thành đầu nguồn miền Tây Nam Bộ. Từ xa xưa cho đến nay “Mùa nước nổi” kéo dài hơn 3 tháng đã là nguồn tài nguyên quý giá nuôi sống hàng triệu con người bằng cách dựa vào lợi thế do lũ mà khai thác, nuôi trồng cây, con phục vụ đời sống từ đời này qua đời khác…


Bài 1: Chuyện trong vùng “rốn” lũ

Từ cuối tháng 7, mực nước tại các tỉnh đầu nguồn An Giang, Đồng Tháp; vùng Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên… bắt đầu lên nhanh, tràn vào đồng ruộng. Đây cũng là thời gian nước lũ mang theo phù sa bồi đắp ruộng đồng sau 3 vụ lúa, hoa màu trong năm. Người dân có thời gian nghỉ ngơi, khai thác nguồn lợi thủy sản.

Nước về sớm, trở tay không kịp

Ông Nguyễn Văn Công, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Đồng Tháp cho biết, những ngày cuối tháng 7 đầu tháng 8, triều cường lên nhanh, mưa lớn cộng với nước từ thượng nguồn đổ về, mực nước tại các huyện, thị xã đầu nguồn tăng nhanh. Con nước sớm đã khiến nhiều diện tích hoa màu người dân canh tác ở những vùng bãi bồi, vùng trũng bị ảnh hưởng.

Tại xã Thường Phước 2 (huyện Hồng Ngự), hàng chục hecta hoa màu bị nước lũ nhấn chìm. Để giảm thiểu thiệt hại, người dân phải tranh thủ thu hoạch sớm, dù chưa đến ngày nên năng suất thấp và bán rẻ hơn so với bình thường.

Chị Lê Thị Loan kể, hằng năm đến rằm tháng 7 (AL) nước từ thượng nguồn đổ về. Năm nay, nước về sớm hơn một tháng nên hơn 2 công (1.000m2/công) bắp cải của gia đình bị ngập, thiệt hại khoảng 8 triệu đồng. Nhiều gia đình khác canh tác ở vùng bãi bồi đều có chung thiệt hại.

Phòng NN&PTNT huyện Hồng Ngự cho biết, huyện có gần 30ha sản xuất hoa màu như ngô, bí, củ sắn (củ đậu), bắp cải..., do người dân canh tác tại các khu vực bãi bồi ở các xã Long Khánh A, Long Khánh B, Thường Phước 1, Thường Phước 2. Đây là những diện tích sản xuất nằm ngoài đê bao nên nước lũ về nhanh bị thiệt hại. Còn các diện tích lúa ngoài đê bao khép kín đã được thu hoạch, đảm bảo ăn chắc.

“Năm nào cũng vậy, nước lũ về nhanh thì ở những vùng bãi bồi đều bị ngập. Chính quyền địa phương đã khuyến cáo, người dân vẫn trồng theo tâm lý thu hoạch được bao nhiêu đỡ bấy nhiêu - lãnh đạo ngành nông nghiệp An Giang nói. Còn các diện tích sản xuất lúa, hoa màu theo kế hoạch trong vùng đê bao đều được bảo vệ an toàn.

Thống kê của ngành nông nghiệp An Giang, vùng đầu nguồn có gần 5.000ha lúa ngoài đê bao bị ảnh hưởng phải dùng máy bơm thoát nước. Trong đó, có khoảng 2.000ha lúa, hoa màu bị thiệt hại năng suất khoảng 30% và 46ha mất trắng. Chính quyền địa phương đã hỗ trợ người dân thu hoạch dứt điểm lúa, hoa màu vùng ảnh hưởng và gia cố đê cao, bảo vệ đồng ruộng trong vùng khép kín.

Bà Nguyễn Thị Song (ấp Phú Nghĩa, xã Phú Hội, huyện An Phú), cho biết: Từ đầu vụ, ngành nông nghiệp đã khuyến cáo gieo sạ vụ 2 nhưng vì tiếc đất bỏ không nên gia đình vẫn cố làm. Khi diện tích lúa của người dân ở xã Phú Hội bị ngập, chính quyền địa phương đã huy động Công an, Bộ đội, Đoàn Thanh niên giúp đỡ các gia đình thu hoạch lúa “chạy lũ”, giảm tối đa thiệt hại.

Xả lũ đón phù sa

Ông Trần Anh Thư, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh An Giang cho biết, khu vực các huyện biên giới, có địa hình phức tạp bãi bồi cao thấp khác nhau. Tùy địa hình, ngành nông nghiệp chỉ cho làm 2 vụ lúa hoặc 1 vụ lúa một vụ màu để bảo đảm ăn chắc. “Năm nay do lúa được giá, nhiều bà con làm liều. Hiện tại ở một số nơi làm vụ 3 lúa chưa kịp chín. Chúng tôi đi kiểm tra chỉ đạo gia cố đê bao bảo vệ lúa và hoa màu cho bà con, tạm thời đóng cửa cống đập Tha La, Trà Sư không cho nước tràn vào đồng. Sau khi người dân thu hoạch xong sẽ mở cống để đón nước, lấy phù sa”, ông Thư nói. 

Con nước trên các cánh đồng vùng biên đã ngập cao, chuyện mưu sinh của bà con nông dân bắt đầu.

Hiện, mực nước trên sông ở các huyện, thị xã đầu nguồn của An Giang, Đồng Tháp lên nhanh. Hồng Ngự là huyện đầu nguồn của tỉnh Đồng Tháp, đây cũng là nơi đón con nước sớm từ thượng nguồn đổ về. Sau khi người dân thu hoạch dứt điểm diện tích lúa hè thu chậm nhất là ngày 15-8, xã Thường Thới Tiền đã triển khai kế hoạch bảo vệ đê, các công trình kiến trúc và tiến hành xả lũ vào đồng ruộng.

Cùng với Thường Thới Tiền, các xã Thường Lạc, Long Khánh A và Long Khánh B cũng tiến hành xả lũ với diện tích hơn 2.100 ha. Chính quyền địa phương đã mở cống Mương Kinh, cống Cây Gáo, Năm Khám, và Chín Ngoánh… cho nước tràn đồng. Ông Trần Hồng Phúc, Chủ tịch UBND xã Thường Thới Tiền thông tin, trước khi xả lũ bà con đều đã được thông báo để chủ động, di dời tài sản vật nuôi đến nơi an toàn.

“Việc xả lũ được người dân trong khu vực đồng tình, vừa lấy được phù sa cải tạo đất, người dân còn đánh bắt thủy sản mưu sinh tạo thêm thu nhập trong mùa lũ”, lãnh đạo xã Thường Thới Tiến nói. Đây cũng là năm thứ 2, các huyện đầu nguồn của An Giang và Đồng Tháp tiến hành xả lũ tràn đồng với diện tích lớn.

Tháng 7 nước nhảy khỏi bờ. Trên các cánh đồng ở khu vực đầu nguồn An Giang, Đồng Tháp… nước tràn đồng. Người dân bắt đầu mang ngư cụ, chài lưới, giăng câu, bắt cá trên sông. Nhiều hộ dân ven sông, bám trụ đồng ruộng, bắt cá tôm, chuột đồng, rắn, ốc, hái bông súng, điên điển… mang ra chợ bán, kiếm thu nhập và chờ mùa vụ mới.

Nhiều cụ cao niên ở vùng đầu nguồn kể, những năm 80, 90 và những năm đầu 2000, khi các tỉnh An Giang, Đồng Tháp chưa làm hệ thống đê bao trồng lúa vụ 3 như hiện nay, mùa lũ về hầu như tất cả các cánh đồng của các tỉnh này chìm trong biển nước.

Có nơi mực nước dâng cao từ 2-4m và thời gian ngập kéo dài trên dưới 2 tháng. Khi đó, cá, tôm, cua, ốc, chuột… nhiều vô số kể nên người dân vùng lũ “trúng mánh” và không phải lo cái ăn. Con nước lũ mùa nước nổi đã nuôi sống hàng triệu người dân nghèo, dựa vào khai thác lợi thế thủy sản.

Vào đầu mùa, cá linh non còn khan hiếm nên giá bán ở mức cao. Nhiều người tìm mua bởi nó đã gắn liền với miệt sông nước chỉ mùa nước nổi mới có, ngon và muốn thưởng thức cho “đã thèm”. Tại các chợ, tiểu thương bày bán nhiều loại sản vật cũng phong phú hơn, với cá linh non, tôm càng xanh, chuột đồng, lươn đồng, bông điên điển vàng rực rỡ... Sản vật của mùa nước làm cho khung cảnh thiên nhiên miền sông nước trở nên đặc sắc hơn, cuộc sống người dân nhộn nhịp hẳn lên.

Nhóm PV ĐBSCL
.
.
.