Mùa nước nổi ở miền Tây: Nước lên nhanh… nhưng cá chưa về (!)

Thứ Sáu, 10/08/2018, 08:48
Hiện mực nước tại các tỉnh đầu nguồn sông Cửu Long đạt mức khá cao so với cùng kỳ năm trước. Nhiều cánh đồng ngoài đê bao tại các huyện đầu nguồn của An Giang, Đồng Tháp nước dâng cao hơn một mét. 

Theo người dân, vấn đề đáng quan tâm hiện nay là mặc dù nước lũ từ thượng nguồn Mê Kông đang cuồn cuộn đổ về nhưng đến nay, nguồn lợi thủy sản, sản vật mà mùa nước nổi – tên quen gọi của người dân đầu nguồn sông Cửu Long, mang lại là chưa đáng kể. Nhiều người lo lắng khi nghĩ đến một mùa nước nổi thất thu…

Không mặn mà với… đồng nội

Ghi nhận thực tế của PV Báo CAND tại huyện đầu nguồn An Phú (An Giang), đi dọc theo các xã biên giới như: Phú Hội, Nhơn Hội, Đa Phước, Khánh Bình…, các dòng sông nơi đây một dòng nước đỏ ngầu từ thượng nguồn đổ về cuồn cuộn. 

Những cánh đồng lúa ngoài đê bao, những khu xóm nằm cặp bờ sông ở những vùng đất thấp bị nước bủa vây, trắng xóa. Hàng trăm hécta lúa, hoa màu… ngoài đê bị nước nhấn chìm. 

Gác bỏ câu chuyện bị thiệt hại do con nước lên nhanh, bà con nơi đây tất bật chuẩn bị ngư cụ, phương tiện ra đồng mưu sinh. Thế nhưng, theo bà con thì năm nay nước đã về… nhưng con cá, con tôm chẳng thấy đâu. 

Con nước tại các tỉnh đầu nguồn sông Cửu Long về nhanh và đạt mức cao, tuy nhiên nguồn lợi thủy sản chưa có khiến bà con lo lắng.

Ngồi vá lại tấm lưới cá linh của mùa nước năm ngoái, ông Huỳnh Văn Nước (ấp Phú Nghĩa, xã Phú Hội) chia sẻ: “Nước năm nay lên nhanh quá khiến cá mắm chẳng kịp về đồng. Quanh năm lam lũ xứ này, chỉ mong có con nước về để sống bằng nghề con cá, nhưng năm nay chắc thua quá. Mấy nay nghe mấy hộ đặt dớn ở đồng Phú Hội về nói, có khi lỗ tiền xăng vì không có cá. Mong vài hôm nữa xem có gì thay đổi không, chứ kiểu này chắc tôi cũng lại cất tấm lưới chờ năm sau quá”.

Nguồn lợi thủy sản khan hiếm, các loại sản vật mùa nước nổi khác như bông điên điển, bông súng… cũng không nhiều. 

Chị Huỳnh Thị Loan (ngụ xã Phú Hội, huyện An Phú) làm nghề mua bông súng, rau nhút, điên điển để mang về các chợ đầu mối ở huyện Phú Tân, TP Long Xuyên (An Giang) bán lại, cũng lắc đầu ngán ngẩm: “Thu mua cả ngày cũng chỉ được hơn 100 ký các loại, chẳng lãi bao nhiêu. Trong khi mùa lũ năm trước, chỉ cần chạy xe lên đến cầu Số 6 (nơi tập trung sản vật mùa lũ của xã Phú Hội – PV), bà con trong đồng mang về bán mua không kịp nay thưa thớt”. 

Cũng theo chị Loan, hiện giá mỗi bó bông súng đồng (gồm 3 cọng lớn, 1 cọng nhỏ) có giá 2.000 đồng; rắn nước, rắn bông súng có giá từ 180.000 – 200.000 đồng/ký… “Giá này cũng được nhưng thu mua cũng khó”, chị Loan nói.

Ông Trần Phùng Hoàng Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản An Giang cho biết, theo quy định, mùa vụ được phép khai thác cá linh phải sau ngày 31-8; cá chiều dài tối thiểu cho phép khai thác phải đạt từ 5cm trở lên. 

Đối với việc tổ chức đặt đáy khai thác cá linh tại các tuyến sông, kênh từ cấp I trở lên vào mùa lũ, phải thực hiện đúng các quy định (về mùa vụ khai thác, kích thước cá linh cho phép khai thác, kích thước mắt lưới tối thiểu tại phần tập trung cá của lưới đáy) và phải được sự đồng ý của Sở GTVT hoặc Chi cục Đường thủy nội địa phía Nam.

“Đồng ngoại” vẫn cấm cửa!

Trao đổi với PV Báo CAND, ông Trần Văn Nại, Trưởng Ban nhân dân ấp Phú Thuận, xã Phú Hội, huyện An Phú cho biết đến thời điểm hiện tại, các chủ lô phía Campuchia vẫn chưa mở bán lô khai thác thủy sản. Do vậy, nếu thời gian này, người dân lén lút qua biên giới khai thác sẽ bị chủ lô bắt, phạt rất nặng. 

“Chính sự khắc nghiệt của việc qua nước bạn mua lô khai thác cá không còn thuận lợi như trước, còn đánh bắt đồng nội thì không đủ nuôi sống gia đình nên trong chỉ trong 3 năm trở lại đây, trên địa bàn ấp đã có 575/2.000 người đi lao động ở các Khu công nghiệp Bình Dương, Đồng Nai”, ông Nại thông tin thêm.

Nhiều hộ dân ở huyện An Phú ngần ngại, không dám đầu tư sắm sửa ngư cụ, trang bị phương tiện vì đến nay vẫn chưa mua được đồng bên kia biên giới. Ngư dân Nguyễn Văn Rô (37 tuổi, ấp 2, xã Phú Hội) lo lắng cho biết năm nay, ông chỉ dám đầu tư 1.000 cái lọp cua vì sợ không thể “xuất ngoại” đánh bắt. 

“Hàng năm, vào thời điểm này bà con như chúng tôi đã mua xong giấy thông hành cho một đầu ghe với giá từ 10 – 20 triệu/mùa nước nổi, để đánh bắt thủy sản bên đồng Campuchia. Thế nhưng, năm nay đến giờ việc mua đồng vẫn chưa được thỏa thuận. Còn đồng nội thì ít cua, thưa cá, bà con không sống nổi”, ông Rô nói.

Không còn cảnh nhộn nhịp như những năm trước đây, các chợ cá giữa đồng Phú Hội trở nên vắng vẻ. Thời điểm này, chỉ có một vài ghe nhỏ đến mua những sản vật hiếm hoi của đầu con nước năm nay. 

Ngồi phía sau lái chiếc ghe tam bản giữa đồng Phú Hội bốn bề là nước, đợi bà con mang cá, ốc về, bà Lương Thị Cảnh, thương lái thu mua cá, cho biết: "Mọi năm, mỗi ngày tôi mua cả tấn cá các loại. Nay chỉ mua được hơn 100 ký. Cá ít bà con nơi đây khổ lắm mà không biết chuyển sang cái kế sinh nhai nào khác nên đành ôm chiếc xuồng, cần câu, tấm lưới mà sống qua ngày. Qua mùa nước, ai thuê gì lại làm nấy, chứ đâu còn sức mà đi xa lao động".

Trần Lĩnh
.
.
.