Trận tuyến thầm lặng trong Trại Davis
- Cuộc đấu trí trong trại Davis
- Những chiến công thầm lặng trong Trại Davis
- Trận tuyến thầm lặng trong trại Davis
- Công tác bảo vệ an ninh Trại Davis thời kỳ 1973 - 1975
Ông tên thật là Nguyễn Văn Khả, nguyên Trưởng ban bảo vệ an ninh của phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ở Trại Davis – Tân Sơn Nhất (Sài Gòn, thời kì 1973-1975)…
Như một căn duyên, tôi quen biết Đại tá Vũ Nam Bình đã lâu và từng nhiều lần dự các cuộc gặp mặt tại Hà Nội của cựu chiến binh Ban liên hợp quân sự Trại Davis. Thời gian trôi đi, các cựu chiến binh đều đã ở độ tuổi xấp xỉ 70 – 90. Ngoài những hoạt động kỉ niệm chính thức, Ban liên lạc tại Hà Nội gồm Đại tá Vũ Nam Bình, Đại tá Đinh Quốc Kỳ, ông Phạm Lãi và một số người thường gặp gỡ, hàn huyên những kỉ niệm, bàn chương trình hoạt động, thăm hỏi đồng chí, đồng đội khi có việc vui, buồn.
Đại tá Vũ Nam Bình (Nguyễn Văn Khả). |
Năm 2011, Đoàn Đại biểu quân sự Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Đoàn đại biểu quân sự Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã được phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, vì những đóng góp to lớn vào việc thi hành Hiệp định Paris nói riêng và sự nghiệp thống nhất đất nước nói chung. Hai phái đoàn này từng có mặt tại “Trại Davis” trong sân bay Tân Sơn Nhất – Sài Gòn từ 1973-1975, tham gia Ban Liên hợp quân sự Trung ương 4 bên, có nhiệm vụ phối hợp hành động bảo đảm thi hành những điều khoản về quân sự của Hiệp định Paris…
So với Hiệp định Geneve năm 1954, Hiệp định Paris về kết thúc chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam là một bước tiến dài để đất nước hoàn toàn thống nhất. Do vậy, vấn đề bảo đảm thi hành Hiệp định đặt ra yêu cầu rất cao, nhằm giám sát quân Mỹ rút hết và đúng lịch trình cũng như việc trao trả nhân viên quân sự và dân sự giữa các bên liên quan.
Có một bài học cảnh giác mà Đại tá Vũ Nam Bình và những người làm công tác an ninh trong Trại Davis luôn ghi nhớ. Ông kể: Theo thỏa thuận giữa hai bên, 9h sáng 28-1-1973, phía Mỹ đưa trực thăng tới sân bay Thiện Ngôn (Bắc Tây Ninh, do ta kiểm soát) để đón Đoàn đại biểu quân sự Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam do Trung tướng Trần Văn Trà làm trưởng đoàn vào Trại Davis.
Vốn là người thận trọng, đồng chí Trần Văn Trà gọi chúng tôi tới trao đổi: “Cần hết sức cảnh giác, đề phòng với những thủ đoạn của Mỹ - ngụy phá hoại việc thi hành Hiệp định, kể cả việc địch có thể tấn công vào các đoàn đại biểu ta”. Với vai trò Trưởng ban Bảo vệ an ninh, tôi đề xuất: “Để bảo đảm an toàn, đoàn ta chưa nên ra điểm hẹn. Đề nghị anh cho một tổ trinh sát đi tiền trạm”.
Đúng như nhận định của đồng chí Trần Văn Trà, tới giờ hẹn, xuất hiện hai chiếc máy bay lượn vòng rồi trút hàng loạt bom xuống điểm đón đoàn ta! Nhờ cảnh giác, phía ta không thiệt hại gì… Sau đó, phía ta đã kịch liệt lên án hành động này và địch buộc phải nhượng bộ, cam kết đảm bảo an toàn trong việc vận chuyển phái đoàn ta vào Trại Davis.
Sau khi hai phái đoàn ta vào Trại Davis, Ban bảo vệ an ninh tiến hành ngay các biện pháp bảo đảm an ninh và chính trị nội bộ, vốn đã được xây dựng chu đáo từ vài tháng trước khi Hiệp định Paris được kí kết. Phía ta thu được một số thiết bị điện tử địch cài trong các phòng họp, phòng làm việc, thậm chí cả phòng ngủ... Phái đoàn ta buộc phải xây dựng mới nhiều phòng làm việc bằng vật liệu sẵn có.
Qua công tác nắm tình hình, bộ phận an ninh nắm được địch có kế hoạch rất chi tiết nhằm theo dõi, kiểm soát hoạt động của đoàn ta. Song với bản lĩnh của từng thành viên trong phái đoàn ta và nghiệp vụ dày dạn của các cán bộ làm công tác an ninh, mọi âm mưu, thủ đoạn của địch đều gặp phải những “bức tường thép”. Địch thường nhắm đến các sĩ quan trẻ của ta để tác động, lôi kéo; vì chúng cho rằng họ còn ít kinh nghiệm và chưa được tôi luyện, thử thách nhiều qua chiến đấu.
Hôm ấy, nhân giờ giải lao của cuộc họp bàn về trao trả tù binh, viên thiếu tá Việt Nam Cộng hòa Đinh Công Chất (Tiểu ban trao trả) lại gần một thiếu úy trẻ của ta làm quen. Khi câu chuyện đã bớt khách khí, viên thiếu tá nheo mắt nửa đùa, nửa thật: “Sang với tụi này đi, sung sướng lắm; đủ cả các mùi, các vị...”. Đồng chí thiếu úy trẻ của ta quắc mắt lên, đốp trả: “Này, chiến tranh tâm lí kiểu gì đấy? Có mà vứt vào sọt rác thôi!”. Thiếu tá Chất tẽn tò chuồn thẳng.
Còn viên đại tá Việt Nam Cộng hòa Dương Đình Thụ thì hỏi với giọng điệu rất ngạo mạn và khiêu khích một đại úy của phái đoàn ta: “Này đại úy, cấp trưởng các tiểu ban bên tôi đều là đại tá, cấp trưởng các tiểu ban bên anh thì toàn Trung tá. Chênh lệch cấp hàm và trình độ như thế, tôi thấy khi ngồi họp rất bất tiện...”.
Đồng chí đại úy của ta dõng dạc đối lại: “Hiện giờ chỉ huy cấp sư đoàn của chúng tôi hầu hết là trung tá, thượng tá. Nhưng thưa ông đại tá, qua thực tế chiến trường, nhiều sư đoàn tinh nhuệ do những sĩ quan chỉ huy cấp tướng của các ông cầm quân, lại có sự giúp sức của cố vấn Mỹ, song đều bị chúng tôi đánh cho tơi tả”. Khẩu khí của một đại úy “Việt Cộng” khiến đại tá Dương Đình Thụ sa sầm mặt không nói được câu nào.
Đại tá Vũ Nam Bình (đứng thứ 3 từ trái sang) cùng các cán bộ bảo vệ an ninh tại Trại Davis - Tân Sơn Nhất - Sài Gòn (ảnh chụp năm 1973). |
Trong số các nhân viên điện - nước của địch tại Trại Davis, có một sĩ quan công binh mang quân hàm thiếu tá, tên là Bùi Thiện Khiêm, chừng hơn 30 tuổi. Khiêm tỏ ra mẫn cán, nhiều lần kiểm tra hoạt động của hệ thống điện - nước và đến được những nơi “cần đến” trong Trại Davis. Nhưng có điều đáng nghi ngại, mỗi khi gặp ai trong phái đoàn ta, Khiêm nhìn người đó rất lâu...
Được báo cáo việc này, ông Vũ Nam Bình đã “ngẫu nhiên” gặp Khiêm, thì thấy đúng như thông tin được phản ánh. Anh em bảo vệ an ninh hội ý và thống nhất nhận định: Phải chăng, Khiêm có người quen trong phái đoàn của ta. Có thể lúc Khiêm còn nhỏ, cha hoặc anh trai của Khiêm đi tập kết, nay cũng có mặt trong phái đoàn...
Ông Bình chỉ đạo tập trung rà soát toàn bộ danh sách phái đoàn thì phát hiện một người có họ, tên đệm trùng với Khiêm; xét về tuổi tác thì có thể là anh trai của Khiêm. Người này tên Bùi Thiện Hùng, làm nhiệm vụ phiên dịch cho đoàn ta khi làm việc với đoàn Hungary và đoàn Ba Lan (trong Ủy ban quốc tế kiểm soát và giám sát thi hành Hiệp định Paris).
Quả nhiên hôm ấy, sau một phiên họp, khi phái đoàn ta tiễn đoàn bạn ra về, thì bất ngờ Bùi Thiện Khiêm xuất hiện và – có lẽ vì quá xúc động, không thể kìm nén được – đã chạy ào về phía đoàn ta, ôm chầm lấy đồng chí Hùng rồi kêu lên: “Anh Hùng ơi, em là Khiêm đây!”. Hai anh em họ ôm chặt lấy nhau và trào nước mắt, khiến những người chứng kiến không khỏi bùi ngùi.
Đồng chí Hùng đã báo cáo đầy đủ về mối quan hệ với người em trai. Khi anh ra Bắc tập kết, Bùi Thiện Khiêm mới trên dưới 10 tuổi. Gần 20 đã năm qua, anh em họ mới gặp lại nhau trong một hoàn cảnh rất đặc biệt.
Khi được ông Bình báo cáo việc này, đồng chí Trần Văn Trà trầm ngâm giây lát và nhận định: “Việc này cũng bình thường thôi, đó là vì chiến tranh. Ta cứ cho anh em họ gặp nhau thêm; nhưng phải xin ý kiến cấp trên”. Sau khi nhận được sự đồng ý, ông Bình đã bố trí cho hai anh em họ Bùi gặp nhau. Trong cuộc gặp ấy, đồng chí Hùng đã dành cho đứa em ruột những tình cảm chân thành. Sau khi hỏi thăm sức khỏe cha mẹ và những người thân, anh nhắc nhở Khiêm, đại ý: Gia đình mình có truyền thống tốt, chưa làm gì hại đến Tổ quốc, bản thân em phải ghi nhớ và thực hiện điều đó... Cuối cùng, anh nhắc Khiêm phải làm tốt việc bảo đảm điện nước phục vụ phái đoàn.
Sau này, qua đánh giá tình hình thực tế, chúng ta quyết định không tiến hành các biện pháp nghiệp vụ để sử dụng Bùi Thiện Khiêm. Phần đồng chí Hùng, sau năm 1975 đã vào TP Hồ Chí Minh tiếp tục công tác và đoàn tụ với gia đình.
Trải qua 823 ngày đêm tại Trại Davis (từ 28-1-1973 đến 30-4-1975), phái đoàn quân sự Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên mặt trận ngoại giao quân sự, đấu tranh bảo đảm việc thi hành Hiệp định Paris về Việt Nam.
Vào lúc 9h30’ ngày 30-4-1975, ông Phạm Văn Lãi cùng một số thành viên Đoàn đại biểu quân sự Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Trại Davis đã cắm lá cờ của giải phóng lên đỉnh tháp nước của trại – một trong những lá cờ chiến thắng đầu tiên tung bay trên thành phố mang tên Bác trong ngày lịch sử sang trang 30-4-1975.