Hồi ức của một sỹ quan ở trại Davis:

Cuộc đấu trí trong trại Davis

Thứ Ba, 28/04/2015, 07:11
Suốt thời gian ở trại Davis từ ngày đầu thành lập trại đến khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước là những cuộc đấu trí dài, căng thẳng. Thậm chí có những quãng thời gian kéo dài hàng tháng trời đoàn ta và địch không thể ngồi lại được với nhau.

Vừa trở về sau Hội nghị Paris, ngày 28/1/1973, từ Hà Nội, Thiếu tá Hà Cân – sau này là đại tá, hiện nghỉ hưu tại quận Tân Bình, TP HCM - một sỹ quan ưu tú của Quân chủng Phòng không - Không quân, được cử ngay vào công tác tại trại Davis đặt trong sân bay Tân Sơn Nhất, tham gia Ban Liên hợp Quân sự 4 bên nhằm thực thi Hiệp định Paris. Đã hơn 40 năm trôi qua, nhưng trong hồi ức của Đại tá Hà Cân, những ngày tham gia đấu tranh, đấu trí và đối mặt đầy cam go, căng thẳng ngay trong sào huyệt địch hầu như vẫn còn nguyên vẹn.

Trưa 28/1/1973, chiếc CH47 của không quân Việt Nam Cộng hòa (VNCH) đưa 2 đoàn cán bộ tiền trạm của Quân giải phóng miền Nam và Quân đội Việt Nam Dân chủ Cộng hòa về đến sân bay Tân Sơn Nhất. 

Một góc sân bay Tân Sơn Nhất hôm nay, nơi còn lưu dấu trại Davis trước đây.

Đại tá Hà Cân nhớ lại, các thành viên 2 đoàn vừa kịp chỉnh đốn quân phục chuẩn bị bước xuống máy bay, lập tức một viên cảnh sát Sài Gòn leo lên máy bay mang theo một xấp giấy tờ với yêu cầu phải làm thủ tục kê khai nhập cảnh theo thể lệ của “Việt Nam Cộng hòa”; bằng không sẽ không được rời khỏi máy bay. 

Hai đoàn ta từ chối với lý do đến theo điều khoản ghi trong Hiệp định Paris, không có chuyện phải làm thủ tục nhập cảnh. Không thuyết phục được các thành viên đoàn, 2 cảnh sát VNCH lập tức đứng chặn 2 cửa máy bay, phía dưới là đội ngũ phóng viên, an ninh, mật vụ vây kín. 

Đến tối, tình hình vẫn không có gì thay đổi, cảnh sát dã chiến tăng cường canh gác xung quanh máy bay và còn cho 3 – 4 chiếc đèn pha rọi vào từ tứ phía. Cả đêm đó, cán bộ, sỹ quan 2 đoàn phải ngồi lại trên máy bay, chia nhau người thức người ngủ với quyết tâm sẵn sàng chịu đựng kéo dài việc bị bao vây trên máy bay chứ nhất quyết không chịu nhượng bộ.

Mãi đến quá trưa ngày hôm sau địch mới chịu đưa một đoàn xe đến đón các thành viên 2 đoàn về trại Davis. Nhận thấy phía trước các mui xe này đều cắm cờ trắng, lập tức đoàn ta yêu cầu nhổ bỏ ngay. Từ nơi đỗ máy bay, đoàn xe chở cán bộ ta chạy dọc theo đường băng theo hướng Tây để về trại Davis – một trại dã chiến của lính Mỹ nằm kẹp giữa  hàng rào của sân đậu máy bay vận tải và một Sư đoàn dù VNCH. Chỉ kịp ăn uống, nghỉ ngơi chốc lát, 2 đoàn đã phải tham gia họp trù bị với phía đối phương. 

Ngày họp đầu tiên diễn ra trong không khí khá căng thẳng, kéo dài đến 7 giờ tối khi 2 đoàn tiếp tục phải đấu với yêu sách đòi trình ủy nhiệm thư của đoàn VNCH. Ta nhất quyết không đưa với lý do việc này đã được giải quyết ở Paris. Để giảm bớt không khí căng thẳng, một cán bộ Quân giải phóng miền Nam đã rút thẻ của đoàn Chính phủ cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam từng sử dụng ở Paris cho đoàn VNCH xem.

Trại Davis, nơi 2 đoàn quân sự ta từng có những ngày tháng đấu tranh công khai ngay trong lòng địch.

Suốt thời gian ở trại Davis từ ngày đầu thành lập trại đến khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước là những cuộc đấu trí dài, căng thẳng. Thậm chí có những quãng thời gian kéo dài hàng tháng trời đoàn ta và địch không thể ngồi lại được với nhau. 

Đang lúc căng thẳng, thì vào tháng 3/1974 xảy ra vụ thảm sát Cai Lậy. Địch nhân cơ hội này vu cáo phía ta bắn đại cối 82 ly do Trung Quốc sản xuất vào trường Tiểu học cộng đồng Cai Lậy, Mỹ Tho làm 17 học sinh thương vong và yêu cầu Ủy ban (UB) giám sát quốc tế cùng vào cuộc điều tra. 

Nham hiểm hơn, ngay sau khi các bên và UB quốc tế đến hiện trường, phía địch đã bố trí vài chục người giả dạng cha mẹ học sinh bị chết để la ó, chửi bới, xô xát rồi đập cửa kính xe của ông Hà Cân và một đồng chí Hungary trong UB giám sát quốc tế. Trước đó, xác minh vấn đề này về căn cứ, đoàn ta nhận được điện từ R trả lời rằng xung quanh thị trấn Cai Lậy, căn cứ du kích của ta gần nhất cũng cách đó 4km.

Đại diện lớp cán bộ, chiến sỹ đã từng tham gia chiến đấu tại trại Davis trong ngày đón nhận danh hiệu Anh hùng LLVTND. 

Thông tin từ cơ sở của ta mật báo, tại hiện trường vết đạn chỉ rộng khoảng 25cm, trên tường có nhiều mảnh đạn găm vào. Đã được học về súng cối 120 ly, nên ông Hà Cân lập tức đưa ra nhận định: căn cứ của ta cách 4km, đạn cối 82 ly không thể bắn tới; hố đạn cối 82 ly nổ không thể nhỏ như vậy và đạn cối loại này không thể phá nhiều mảnh như vậy… 

Từ những chứng cứ thu thập tại hiện trường vụ nổ và bằng những lập luận logic, sắc bén, Đại tá Hà Cân đã thuyết phục được cả những người có ý kiến chống đối phải chấp nhận rằng không thể vu khống cho “Việt cộng” gây ra vụ nổ. Tại cuộc họp báo được Ủy ban giám sát quốc tế tổ chức ngay sau đó ở Tân Sơn Nhất, các nhà báo trong nước và quốc tế cũng không thể tìm ra lý lẽ nào để chất vấn phần trình bày quá thuyết phục của ông Hà Cân.          

Trong ký ức của ông Hà Cân, ngay cả việc đào giếng, tăng gia sản xuất, dự trữ thực phẩm và âm thầm đào cả hầm trú ẩn, công sự trong trại Davis để kịp thời đối phó với mọi tình huống có thể xảy ra đã được tính toán và chuẩn bị kỹ lưỡng. Hàng trăm cán bộ, sỹ quan 2 đoàn Nam, Bắc đều luôn vững vàng chí khí chiến đấu chờ ngày chiến thắng trong suốt 823 ngày đêm ở trại Davis. 

Đặc biệt, trong thời gian này, bằng nghiệp vụ của một sỹ quan Quân chủng Phòng không – Không quân, Đại tá Hà Cân đã thu thập gửi về được nhiều loại bản đồ bay mà trước đó ta hầu như chưa có.

Với những chiến công trong hơn 2 năm chiến đấu công khai trên mặt trận ngoại giao với địch ngay trong lòng huyệt địch, cán bộ chiến sỹ 2 đoàn đại biểu quân sự của ta tại trại Davis đã vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. 

Ghi nhận những chiến công to lớn và thầm lặng trên mặt trận đấu tranh không tiếng súng này, năm 2014 vừa qua các bộ ngành Trung ương và TP Hồ Chí Minh đã quyết định quy hoạch, khôi phục, lập bảo tàng ở khu vực trại Davis để lưu giữ lại những dấu ấn, chứng tích của một giai đoạn lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc ở nơi này.

Thắng Đức
.
.
.