Gặp tác giả bức ảnh: Xe tăng Quân giải phóng đánh chiếm Dinh Độc Lập ngày 30-4-1975”

Thứ Sáu, 28/04/2017, 16:00
Ở thời khắc linh thiêng ấy, nhà báo Trần Mai Hưởng đã kịp ghi lại bức ảnh để đời mang tên “Xe tăng Quân giải phóng đánh chiếm Dinh Độc Lập ngày 30-4-1975” chụp chiếc xe tăng 846.


Trong ngày 30-4-1975 lịch sử, nhà báo Trần Mai Hưởng, phóng viên của Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) là một trong những ký giả có mặt sớm nhất tại Dinh Độc Lập.

Ở thời khắc linh thiêng ấy, ông đã kịp ghi lại bức ảnh để đời mang tên “Xe tăng Quân giải phóng đánh chiếm Dinh Độc Lập ngày 30-4-1975” chụp chiếc xe tăng 846. Sau này, bức ảnh trên được coi là một trong những biểu tượng của chiến thắng. Nhân kỷ niệm 42 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, phóng viên Báo CAND có cuộc trò chuyện với ông.

Nhà báo Trần Mai Hưởng sinh năm 1952 tại tỉnh Hải Dương, nguyên là Tổng Giám đốc TTXVN (giai đoạn từ năm 2009 đến 2011). Ông đã từng được đào tạo nghiệp vụ trong lớp phóng viên chiến trường của TTXVN. Nhắc đến ông, độc giả hôm nay vẫn ấn tượng về những tác phẩm ý nghĩa, giàu chất nhân văn như: “Bích La Đông giải phóng”, “Trên vành đai điện tử”, “Huế đỏ cờ bay”, “Đà Nẵng ngày đầu giải phóng”…

Nhà báo Trần Mai Hưởng đã cùng đoàn cán bộ, phóng viên tăng cường cho mặt trận Trị Thiên của TTXVN lên đường làm nhiệm vụ với một lễ tiễn đưa đông đảo ở số 5 Lý Thường Kiệt. Khi ấy ông chưa lập gia đình.

Bà xã Kim Vân của ông sau này, khi ấy mới là sinh viên Trường Sư phạm ở Cầu Giấy cùng một người bạn cũng đến tiễn. Không khí rất náo nức vì khi ấy tình hình mặt trận nóng lên từng ngày.

Mọi người đều biết là một chiến dịch lớn đang đến. Chỉ có điều quy mô sự kiện thế nào, diễn biến ra sao thì không ai hiểu hết. Nhà báo Trần Mai Hưởng cùng đồng nghiệp ra đi rất thanh thản, một ba lô, mấy bộ quần áo, máy ảnh, sổ tay, ít đồ dùng cá nhân… tất cả đều gọn gàng. Lại một chuyến đi dọc chiều dài đất nước, nhưng ông cảm nhận rất rõ là chuyến đi này sẽ khác nhiều chuyến đi trước đây.

Ngày 26-3-1975, nhà báo Trần Mai Hưởng và đồng nghiệp của TTXVN cùng bộ đội tiến vào thành phố Huế. Buổi sáng, khắp thành phố tưng bừng, náo nức trong niềm vui giải phóng. Các ngả đường lớn như Trần Hưng Đạo, Nguyễn Tri Phương, Nguyễn Huệ… các cầu Tràng Tiền, Bạch Hổ, cầu mới bắc qua sông Hương đông nghịt người, xe đạp, honda, ôtô… qua lại.

Nhà báo Trần Mai Hưởng trong cuộc trò chuyện với phóng viên Báo CAND.

Cờ giải phóng nửa đỏ, nửa xanh, sao vàng tung bay trên đỉnh cột cờ trước Ngọ Môn, trên cầu Tràng Tiền, chợ Đông Ba, Đồn Mang Cá và trong các xóm nghèo ở An Cựu, các hàng cau ven sông khu Vĩ Dạ… đánh dấu một ngày lịch sử, ngày 26-3-1975, Huế và toàn tỉnh Thừa Thiên hoàn toàn giải phóng.

Ngay sau đó, nhà báo Trần Mai Hưởng đã viết bài báo có nhan đề “Sáng xuân Huế đỏ cờ bay” phát trong Bản tin TTXVN ngày 27-3-1975. Bài báo có đoạn: “Thành phố Huế hôm nay vẫn lộng lẫy vẻ đẹp và thơ của đất “cố đô nghìn năm với sông Hương, núi Ngự”, và những tà áo dài tung bay… Nhưng Huế lại càng đẹp hơn với màu cờ cách mạng và những ánh mắt tràn ngập niềm vui của mọi người.

Hình ảnh nổi bật của Huế trong ngày đầu giải phóng vẫn là hình ảnh lá cờ giải phóng tung bay trước cửa Ngọ Môn, chính nơi đây, ngày 30-8-1945 Bảo Đại tuyên bố thoái vị. Anh giải phóng quân, súng AK bên vai, mũ tai bèo “sáng trên đầu như một mảnh trời xanh”, hiên ngang đứng gác dưới lá cờ cách mạng đang bay trong nắng sớm”.

Sau khi Huế được giải phóng, nhà báo Trần Mai Hưởng và đồng nghiệp trong tổ công tác của TTXVN đã cùng bộ đội tiến về Đà Nẵng.

“Chúng tôi vào Đà Nẵng ngay những giờ đầu tiên của thành phố giải phóng. Được sống trong không khí hân hoan, tràn ngập niềm vui của thành phố cửa biển vừa vùng lên làm chủ cuộc đời, khắp thành phố, từ căn cứ Phước Tường đến cứ điểm Non Nước, bán đảo Sơn Trà, từ sân bay Đà Nẵng đến bãi biển Thăng Bình, đâu đâu cũng phấp phới cờ bay. Qua đường Thanh Khê, Hùng Vương, Đồng Khánh… chúng tôi gặp cả một thác người cuồn cuộn kéo về theo quốc lộ 1. Đây là đồng bào Huế, Quảng Trị bị địch cưỡng ép “di tản” vào Đà Nẵng nô nức trở về quê cũ.

Ước tính có hơn 1 triệu đồng bào cùng với thành phố “Trung dũng kiên cường” trở về trong lòng cách mạng. Những hãng thuyền máy đỏ rực cờ cách mạng trên sông Hàn. Đà Nẵng vẫn sáng đèn điện, nước máy reo vui trong từng nhà, từng ngã tư đường phố” – nhà báo Trần Mai Hưởng nhớ lại. Lúc ấy, từ các ngả Phước Tường, đường Thanh Khê, Nguyễn Trường Tộ… bộ đội giải phóng tiến vào thành phố Đà Nẵng trong tiếng vỗ tay hoan hô vang dậy của hàng chục vạn đồng bào.

Đoàn xe cắm cờ của Chính phủ Cách mạng Lâm thời chạy qua cầu Trịnh Minh Thể bắc ngang sông luôn phải dừng lại vì hàng người dầy đặc vây quanh. Nhiều bà mẹ không cầm được nước mắt vì sung sướng, cảm động. Một cụ già ở quận Ba nói với các chiến sĩ giải phóng: “Các cháu ơi! Dừng lại chút cho lão ngắm lá cờ Mặt trận rồi hãy đi”. Đông quá không lên được tới gần, cụ đứng xa ngắm lá cờ cách mạng rồi òa lên khóc.

Theo đoàn quân giải phóng, nhà báo Trần Mai Hưởng và các đồng nghiệp tiến dần về phương Nam. Ngày 21-4, Xuân Lộc giải phóng sau những trận đánh ác liệt của quân chủ lực cả hai bên. Phía bên kia cố gắng xây dựng phòng tuyến cuối cùng để bảo vệ Sài Gòn.

Bức ảnh “Xe tăng Quân giải phóng đánh chiếm Dinh Độc Lập ngày 30-4-1975” của nhà báo Trần Mai Hưởng.

Họ tuyên bố tử thủ, dùng cả bom chân không cùng các vũ khí hạng nặng hiện đại nhất. Nhưng Xuân Lộc đã thất thủ trước sức tấn công như vũ bão của quân giải phóng. Tuyến phòng thủ của quân Sài Gòn lùi về phía Biên Hòa, Đồng Nai và lùi dần về hướng Sài Gòn.

Rạng sáng 30-4-1975, nhà báo Trần Mai Hưởng và tổ công tác của TTXVN đi theo mũi đột kích của Quân đoàn 2 tiến thẳng vào trung tâm Sài Gòn. “Chúng tôi qua cầu xa lộ lớn trên sông Đồng Nai từ sớm. Những ổ kháng cự nhỏ hai bên đường vẫn bắn ra. 

Nhiều đoạn trên xa lộ, chiếc xe nhỏ của chúng tôi áp vào sườn xe tăng, lúc bên phải, lúc bên trái để tránh đạn bắn thẳng. Mục tiêu là Dinh Độc Lập. Từng đoàn xe nối đuôi nhau. Xe tăng dẫn đầu, rồi đến xe thiết giáp, xe chở bộ binh. Pháo 130 ly bắn yểm trợ dọc hai bên đường. Những đám khói đen đặc cuộn lên. Có đoạn, xe tăng phải hạ nòng bắn thẳng vào tàu chiến của quân đội Sài Gòn đang rút chạy. 

Từ trong thành phố, từng dòng người bị dồn ép đang bung ra, đi ngược chiều về phía Biên Hòa bằng đủ các loại phương tiện. Dòng người cuồn cuộn trên xa lộ dài cả chục cây số. Một cơn mưa lớn ập đến. Không mặc áo mưa, đồng bào vẫn đứng ở hai bên đường, reo hò, vẫy chào quân giải phóng” - nhà báo Trần Mai Hưởng nhớ lại.

Chiếc xe chở nhà báo Trần Mai Hưởng và các đồng nghiệp lao về phía Dinh Độc Lập. Những chiếc xe tăng đi đầu đã đến trước đó. Cánh cửa sắt Dinh Độc Lập bị hất tung. Vào trong dinh, ông và phóng viên ảnh Vũ Tạo nhảy ra khỏi xe thì thấy một chiếc xe tăng trong đội hình thọc sâu tiến qua cổng chính của dinh.

Một hình ảnh rất đẹp: nắng rực rỡ, xe tăng vừa vào ngang cổng, cánh cửa sắt đổ sập vẫn nằm trên mặt đất, lá cờ giải phóng trên tháp pháo tung bay. Cùng với những người lính tăng là các chiến sĩ bộ binh của Trung đoàn 66 cùng hành tiến hiên ngang bên tháp pháo. Ông đưa máy ảnh lên ghi lại hình ảnh tuyệt vời đó.

Đấy chính là bức ảnh “Xe tăng Quân giải phóng đánh chiếm Dinh Độc Lập ngày 30-4-1975” mà sau đó được chuyển ra Hà Nội, TTXVN phát đi và được các cơ quan truyền thông trong và ngoài nước sử dụng rộng rãi và trở thành một biểu tượng quen thuộc của Đại thắng mùa Xuân cho đến ngày nay. 

Đấy chính là xe tăng mang số hiệu 846 trong đội hình thọc sâu của Lữ đoàn 203 thuộc cánh quân phía Đông tiến vào Dinh Độc Lập trưa ngày 30-4-1975 gồm các chiến sĩ Nguyễn Quang Hòa (trưởng xe), Trần Văn Quý (pháo thủ số 1), Nguyễn Bá Tứ (pháo thủ số 2) và lái xe Trần Bình Yên. Đó là một trong những kỷ niệm không thể nào quên trong cuộc đời làm báo của nhà báo Trần Mai Hưởng.

Những ngày sau đó, nhà báo Trần Mai Hưởng cùng các đồng nghiệp đã tập trung vào việc thông tin về cuộc sống sau giải phóng ở Sài Gòn với các bài viết: “Ngày vui ở khu phố Bàn Cờ”; “Tuổi trẻ Sài Gòn tung cánh”; “Đất thép nở hoa”… Mùa xuân 1975 ấy tuy ngắn ngủi nhưng để lại những ấn tượng sâu đậm trong cuộc đời làm báo vào những năm tháng trẻ trung, sôi nổi ấy của ông.

Cảnh Vũ
.
.
.