Ký ức đẹp của người lính tăng húc đổ cổng dinh Độc lập

Thứ Ba, 30/04/2013, 09:43
Mỗi tháng tư về ký ức chiến thắng lại nao nao trong lòng người lái chiếc xe tăng mang số hiệu 843 lịch sử. Lòng người lính tăng Lữ Văn Hỏa không chỉ dành cho giây phút thiêng liêng trong lịch sử dân tộc giải phóng miền Nam, giang sơn thống nhất, mà còn day dứt với số phận của bao đồng đội đã kiêu hãnh vượt qua mưa bom bão đạn nhưng còn gặp khó trong cuộc sống đời thường.

Xe tăng 843 thay xe 386: Sự thay thế hoàn hảo

Mỗi tháng tư về ký ức chiến thắng lại nao nao trong lòng người lái chiếc xe tăng mang số hiệu 843 lịch sử. Lòng người lính tăng Lữ Văn Hỏa không chỉ dành cho giây phút thiêng liêng trong lịch sử dân tộc giải phóng miền Nam, giang sơn thống nhất, mà còn day dứt với số phận của bao đồng đội đã kiêu hãnh vượt qua mưa bom bão đạn nhưng còn gặp khó trong cuộc sống đời thường.

Trong sâu thẳm tâm hồn người lính bình dị ấy, còn có chỗ cho hai con người - một ở bên kia chiến tuyến và cô gái đi honda làm nhiệm vụ dẫn đường cho xe anh tới dinh Độc lập, với một niềm khắc khoải: Hiện họ đang ở đâu và số phận ra sao, bởi hòa bình lâu rồi, thời khắc hòa hiếu dân tộc cũng đến rồi!

Với tôi, người lái tăng đã vào tới tận sào huyệt địch là hoàn thành nhiệm vụ rồi, anh Hỏa tâm sự. Sinh ra ở vùng đồng chiêm thôn Mễ Nội, xã Liêm Chính, TP Phủ Lý, tỉnh Hà Nam. Năm 1970, anh thanh niên Lữ Văn Hoả dốc một lòng tập luyện, chiến đấu mà chưa kịp nghĩ tới một ngày hòa bình trở về với mẹ già nơi làng quê yêu dấu.

Thời chiến vốn khẩn trương, anh nhanh chóng được phiên chế vào Lữ đoàn tăng 203, huấn luyện 3 tháng tại Xuân Mai rồi đi B biền biệt với liên tiếp những chiến thắng: Tà Lương (phía Tây Huế); núi Bông, núi Nghệ… cho đến cửa biển Thuận An. Cung đường nào, trận chiến nào cũng thắm đượm nghĩa tình quân dân đùm bọc trong khói lửa chiến tranh.

Thương tật cùng tuổi tác đã mờ phai hình ảnh chiếc xe tăng đầu mà anh được nhận. Nhưng hình bóng chiếc xe tăng T59 mang số hiệu 386 nhận ở Quảng Bình bắt đầu cho những ngày thần tốc xốc tới giải phóng miền Nam thì anh vẫn nhớ như in.

Phiên chế cho chiếc tăng mang sứ mệnh lịch sử này gồm anh Hỏa (lái xe), anh Bùi Quang Thận (Đại đội trưởng) làm nhiệm vụ chỉ huy toàn bộ đội hình đơn vị và trực tiếp chỉ huy xe 386, anh Dênh (không nhớ họ, quê ở Hải Dương) và một người nữa làm nhiệm vụ pháo thủ số 2. Cuộc chiến ác liệt, đầu tháng 4/1975, bộ phận chuyển động của chiếc 386 bỗng khục khoặc rồi im bặt.

Tình thế khiến anh và anh Thận chuyển sang xe tăng 843 như một cơ duyên hiếm hoi trong đời binh nghiệp. Họ không hay biết rằng, đó là sự cố không may nhưng ý nghĩa chính chiếc xe tăng này đã giúp họ có tên trong số ít những chiến sĩ có mặt sớm nhất tại sào huyệt quân thù trong ngày giải phóng. Như năm ngón tay trên một bàn tay, cùng với anh và anh Thận, tổ ấm gia đình 843 còn có anh Thái Bá Minh (quê Nghệ An) - pháo thủ số 1 và anh Nguyễn Văn Kỷ (quê Tuyên Quang) làm nhiệm vụ pháo thủ số 2.

Đồng chí Lữ Văn Hỏa, đồng chí Bùi Quang Thận, đồng chí Toàn lái xe 390, nhà báo Pháp và các đồng đội.

Tinh thần thần tốc đầu năm 1975 như dòng nước chảy xiết khi các cánh quân rầm rập tiến về phương Nam. Rạng sáng 30/4/1975, đơn vị anh nhận lệnh tiếp tục đánh qua ngã ba Tam Hiệp (huyện Long Bình), rồi theo xa lộ Biên Hòa thẳng tiến vào Sài Gòn.

Hào khí xông lên chỉ tạm ngưng khi xe tăng 843 đánh đến cầu Sài Gòn thì gặp đơn vị D1 Lữ đoàn 203 quân đoàn 2 do anh Nhỡ (D trưởng) chỉ huy. Tại đây, họ phấn chấn tinh thần chiến thắng và chờ lệnh cấp trên để mong sớm có ngày hẹn gặp nhé Sài Gòn.    

Chuyện người lính ngụy và cô gái đi xe honda dẫn đường

Câu chuyện giữa phóng viên và người cựu chiến binh cầm cần lái xe tăng húc đổ cổng bên dinh Tổng thống ngụy quyền Sài Gòn bỗng chốc ngưng lại bởi những ký ức chiến tranh vọng về. Trong tâm trí anh Hỏa thi thoảng vẫn hiện rõ hình ảnh hai người dẫn đường (bất đắc dĩ, và cũng với tinh thần thần tốc) cho xe tăng anh đến dinh Tổng thống nguỵ quyền, sau này là dinh Độc lập.

Nhận lệnh tiến về Sài Gòn của Tư lệnh mặt trận, từ cầu Sài Gòn xe 843 xuất phát ở vị trí thứ ba. Đến khu vực Hàng Xanh thì xe tăng của anh Hùng chỉ huy bị thương phải nằm lại. Vì thế xe 843 do anh Hỏa điều khiển vượt lên đầu đến đoạn cầu Thị Nghè thì đồng chí Thận phát hiện thấy xe tăng địch. Anh Thận yêu cầu anh Hỏa giảm tốc độ để pháo thủ bắt mục tiêu và bắn cháy xe tăng địch ngay đầu cầu Thị Nghè. Hai bên cầu Thị Nghè khi đó địch bố trí các thùng phi sắt kê rích rắc, vì thế xe tăng của ta muốn vượt qua phải giảm tốc độ và rơi vào mục tiêu địch phục kích.

Câu chuyện về người lính ngụy dẫn xe tăng quân giải phóng vào sào huyệt cuối cùng của địch bắt đầu từ đây, khi xe 843 chạy được một đoạn thì bắt trúng một xe jeep chở lính ngụy và bắt được một tên lính chừng 25 - 26 tuổi lên xe tăng 843. Đồng chí Thận ra lệnh cho tên lính nguỵ cởi áo quân phục ngồi chỗ dễ quan sát để chỉ đường cho quân ta tới dinh Độc lập. Nào ngờ tên lính nguỵ chưa rõ tên cũng chỉ lờ mờ dinh nằm ở hướng đi đó chứ hắn cũng không rõ địa chỉ đích xác ở quận nào.

Chạy tiếp đoạn nữa thì xe 843 gặp một cô gái điều khiển xe honda đi ngược chiều. Đồng chí Thận lệnh cho xe đi chậm lại với mục đích hỏi đường. Cô gái thảng thốt cố trấn tĩnh chỉ tay về phía trước thấy hình cột cờ nói đó chính là dinh Độc lập, rồi vội vã bỏ đi.

Anh Hỏa nực cười khi nhắc đến chi tiết, vì mải hỏi đường trong lúc gặp cô gái thì tên lính nguỵ cởi trần ngồi trên tháp pháo đã lẩn mất từ lúc nào. Yêu cầu thần tốc nên các chiến sĩ tăng không mấy quan tâm tới người lính đó nữa, nhưng giờ đây, anh nghĩ giá như hiện thực một cuộc hội ngộ có mặt hai người dẫn đường độc đáo đó thì có lẽ chiến thắng 30/4 với các anh càng thêm ý nghĩa.

Anh Hỏa rất ngại ngùng khi nói về thời khắc anh cùng đồng đội có mặt trong dinh Độc lập. Bởi anh cho rằng một người lái tăng đã vào đến tận sào huyệt của địch là hoàn thành nhiệm vụ rồi. Ấy nhưng lịch sử bao giờ cũng đòi hỏi sự chính xác và vì lẽ đó, tôi vẫn muốn khơi gợi tiềm thức của anh với tư cách là nhân chứng lịch sử.

Người lính từ núi rừng Trường Sơn đến với đô thị, hầu hết các anh đều choáng ngợp với kiến trúc Sài Gòn mang tầm vóc khu vực vào thời điểm đó. Dinh Độc lập hiện ra là một toà nhà kiên cố, đồ sộ, không một bóng người, xung quanh là hàng rào sắt kiên cố, xa hơn được bao bọc bởi barie cấm đường.

Gần đến dinh, sự im ắng đến lạnh lùng trong khuôn viên toà nhà đồ sộ khiến pháo thủ số 1 nóng lòng xin lệnh bắn. Đồng chí Thận đồng ý, lệnh bắn nhưng đạn không nổ. Chỉ huy lệnh cho xe tiến thẳng vào dinh mặt chính diện nhưng chiếc nòng pháo nằm nghiêng 20 - 30 độ so với thân xe vô tình gài chặt vào trụ cổng (được làm bằng các thanh sắt).

Anh Thận yêu cầu lùi xe rút nòng pháo rồi tiếp tục tiến vào cửa trước. Xe qua khu vực vòi phun nước, đến tiền sảnh dinh thì anh Thận cho lệnh xe dừng lại và cầm cờ chạy lên nóc dinh báo hiệu phút cáo chung của chế độ nguỵ quyền Sài Gòn, miền Nam hoàn toàn giải phóng.

Những ước nguyện của người lính tăng Lữ Văn Hỏa đã phần nào được đền đáp, tuy sức khỏe có phần giảm sút do ảnh hưởng của chiến tranh. Ra khỏi cuộc chiến, anh Hỏa được bố trí việc làm ở Công ty Ăn uống Hà Nam, làm thêm nhiều nghề kiếm sống. Anh cũng đã kịp tạo lập một gia đình và hai con hạnh phúc, các cháu đã trưởng thành. Nỗi day dứt của anh dành cho nơi đồng đội, nhất là hai chiến sĩ cùng xe 843 còn gặp nhiều gian khó, chưa kể hết trong những dịp hiếm hoi gặp mặt, rất cần được quan tâm giúp đỡ

Thanh Phong
.
.
.