Quảng Bình: Cần sớm có khu bảo tồn đàn voọc gáy trắng

Chủ Nhật, 30/09/2018, 06:26
Thời gian qua, các cơ quan chức năng ở Quảng Bình liên tục bắt giữ được nhiều vụ vận chuyển voọc gáy trắng, một loài linh trưởng quý hiếm có trong Sách Đỏ thế giới IUCN và Việt Nam. 



Mặc dù các đối tượng khi bị bắt giữ đều khai báo một cách mập mờ về xuất xứ nguồn gốc của loài voọc gáy trắng bị phát hiện, bắt giữ, song một số người làm việc ở các cơ quan chức năng liên quan trên địa bàn cho rằng, có thể voọc gáy trắng bị săn bắt, tận diệt đang sinh trưởng ở vùng núi Thiết Sơn, huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình.

Men theo con đường rừng quanh co, chúng tôi mới tìm đến được vùng núi Thiết Sơn, nơi sinh sống của nhiều đàn voọc gáy trắng. Như một cơ duyên, chúng tôi may mắn gặp được ông Nguyễn Thanh Tú, một người “vác tù và hàng tổng” chăm sóc, bảo vệ đàn voọc nơi đây nhiều năm qua. Ông Tú cho biết: “Đầu năm 2012, tui vào leo lèn Hung Sú phát cây tạp để trồng cây sưa. 

Đàn voọc gáy trắng quý hiếm ở núi Thiết Sơn, Tuyên Hóa, Quảng Bình.

Vào buổi trưa, trong lúc nằm nghỉ trên tảng đá thì nghe tiếng sột soạt trên lèn cao. Nhìn lên thấy những chấm đen di chuyển trong lùm cây, rồi cứ dần tiến về phía mình. Ban đầu tui có phần hoảng sợ, nhưng sau khi chúng tiến lại gần thì tui nhận ra đó là loại voọc đen, má trắng, đuôi dài quý hiếm ở Việt Nam, bởi trước đây tui đã từng được dự các lớp tập huấn nhận diện các loài động vật đặc hữu, quý hiếm”. 

Từ ngày bắt gặp đàn voọc, ông Nguyễn Thanh Tú đã tình nguyện chăm sóc, bảo vệ đàn voọc trước nguy cơ đàn voọc bị thợ săn tận diệt. Ghi nhận công lao của ông Tú, Thủ tướng Chính phủ đã tặng Bằng khen cho ông. Được biết, ngoài ông Tú một số người dân sống xung quanh núi Thiết Sơn cũng đang tình nguyện chăm sóc, bảo vệ đàn voọc. 

Mặc dù vậy, các đối tượng săn bắt, đặt bẫy đàn voọc ngày một nhiều, người dân và chính quyền địa phương nơi đây đã nhiều lần đề nghị tỉnh Quảng Bình làm việc với bộ, ngành liên quan lập Khu bảo tồn đàn voọc, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được trả lời. 

Ông Nguyễn Hồng Thái, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Bình cho biết, công tác bảo vệ đàn voọc đang được giao cho cộng đồng dân cư hai xã Thạch Hóa và Đồng Hóa đảm nhận trên tinh thần tự nguyện. Song đó mới chỉ là trước mắt, còn lâu dài phải có một đề án bảo tồn loài động vật quý hiếm này một cách bài bản và dài hơi.

Vừa qua, Chi cục Kiểm lâm Quảng Bình đã tổ chức hội thảo tham vấn xây dựng phương án bảo tồn quần thể voọc gáy trắng. Từ đó, bước đầu hình thành Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voọc gáy trắng huyện Tuyên Hóa với diện tích 175ha. 

“Loài voọc gáy trắng sinh sống tại huyện Tuyên Hóa đang đối mặt với những thách thức lớn về vùng sống, nguồn thức ăn, các tác động gây ảnh hưởng trực tiếp như: săn bắn, xâm lấn sinh cảnh, khai thác đá, khai thác củi... Các áp lực trên dễ dẫn đến nguy cơ giảm số lượng loài rất cao. Vì vậy việc quy hoạch và xây dựng đề án bảo tồn loài và sinh cảnh đối với quần thể voọc gáy trắng hết sức cấp bách. Đề án thành lập khu bảo tồn đã được Chi cục Kiểm lâm trình UBND tỉnh chờ phê duyệt để triển khai”, ông Phạm Hồng Thái nhấn mạnh.     

Theo các nhà khoa học và chuyên gia về bảo tồn linh trưởng, đàn voọc gáy trắng quý hiếm sinh tồn, phát triển trên khối núi đá vôi bên cạnh cộng đồng dân cư, thân thiện với con người như ở núi Thiết Sơn thuộc xã Thạch Hóa và Đồng Hóa, Quảng Bình là vô cùng độc đáo, có một không hai. 

Voọc đen gáy trắng nơi đây từ chỗ chỉ có một đàn với hơn 10 con voọc đến nay đã có hơn một trăm cá thể. Sự phát triển về số lượng cá thể voọc gáy trắng ở Thạch Hóa đã thu hút được sự chú ý của các nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế.

Được biết, voọc gáy trắng có tên khoa học là trachypithecushatinhensis, thuộc họ khỉ, bộ linh trưởng, loài động vật hoang dã được bảo vệ tại phụ lục II, Công ước CITES 2008; nằm trong nhóm IB của Nghị định 32/2006/NĐ-CP và trong danh mục loài nguy cấp, quý hiếm ưu tiên bảo vệ tại Nghị định 160/2013/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ. 

Ngoài ra, voọc gáy trắng là loài quý hiếm có trong Sách Đỏ thế giới IUCN và Việt Nam đang ở mức nguy cấp. Đây là loài linh trưởng đặc hữu của vùng núi đá vôi Việt Nam, vì vậy rất cần có khu bảo tồn để bảo vệ đàn voọc quý hiếm ở Quảng Bình trước khi quá muộn.

Sông Lam-Lam Hồng
.
.
.