Quặn lòng với gánh nặng mưu sinh
- Xử lý vỉa hè vẫn dung hoà việc đảm bảo cuộc sống cho người dân
- Từ “chiến dịch” giành lại vỉa hè, nghĩ đến trách nhiệm của người đứng đầu
- "Đòi lại vỉa hè" phải hài hòa, phù hợp thực tế từng địa phương
Thực hiện “chiến dịch” giành lại vỉa hè cho người đi bộ, nhiều đường phố đã sạch đẹp, thông thoáng, văn minh hơn. Cái được đó, ai cũng thấy. Thế nhưng không phải ai cũng biết, có một câu chuyện khác rất quặn lòng.
Bà Nguyễn Thị Thanh Thảo, người bán bánh ướt, nước giải khát, cà phê trước cổng Công ty CP Cấp nước thành phố (đường Võ Văn Tần, quận 3) buồn rầu cho biết, ba chục năm về trước bà đã bắt đầu với công việc bán nước ở vỉa hè để nuôi con cái ăn học. Gia cảnh nghèo khó từ nhỏ nên bà không được đi học, cho đến khi lập gia đình thì cuộc sống cũng chẳng mấy khá hơn. Gánh hàng rong nơi vỉa hè đã nuôi sống cả gia đình bà mấy chục năm qua. Một tay bà hiện phải nuôi mẹ già, con nhỏ và một người em bị bệnh nặng.
“Trước đây, mỗi ngày bán buôn được chừng 2 trăm ngàn, trang trải tằn tiện mới đủ rau cháo qua ngày. Còn hiện tại tôi chỉ có thể tranh thủ để tạm chiếc xe đẩy nước và bán cho những ai có nhu cầu mang tới nơi hoặc khách mua mang đi, vì thế thu nhập mỗi ngày sau khi trừ chi phí cũng chỉ còn một nửa”, bà Thảo kể.
Nói về nguyện vọng của mình, bà Thảo cho biết chỉ mong muốn chính quyền “nương nhẹ” để cho bà còn có nơi để kiếm cơm cháo qua ngày. “Hôm rồi phường có xuống động viên tôi kiếm việc khác để làm nhưng mấy chục năm nay chỉ biết sống bằng nghề buôn bán ngoài hè đường, nay đã gần 60 rồi còn biết làm gì khác?”, giọng bà nghẹn ngào.
Bà Trương Thị Kim Loan, 64 tuổi, người bán bánh mì bằng xe đẩy ở đầu đường Võ Văn Tần, quận 3 cũng trong tình cảnh khó khăn không kém. Bà cho biết chồng bị bệnh nặng ngót cả chục năm nay nên gánh nặng mưu sinh đã dồn hết lên bà và xe bánh mì.
Cách đây 4 tháng, chồng bà qua đời để lại cho bà món nợ hàng chục triệu đồng tiền thuốc men chữa bệnh và cậu con trai đang tuổi ăn học. Bà Loan cho hay trước kia mỗi ngày còn bán được khoảng 100 ổ bánh mì, nhưng gần đây ngày chỉ còn bán được 30 - 40 ổ. Trừ chi phí, ngày lời chưa được 100 ngàn đồng, trong khi phải lo tiền thuê nhà mỗi tháng ngót 2 triệu chưa kể tiền điện nước, ăn uống học hành của con.
“Ăn không đủ, nói chi dành tiền trả nợ, càng lo hơn kể từ hôm phường, quận ra quân dẹp vỉa hè, người dân, người đi đường họ cũng e ngại khi ghé lại mua”, bà Loan than thở.
Gần đó, một hoàn cảnh khác thương tâm hơn là trường hợp của gia đình cụ Tư, năm nay đã hơn 80 tuổi và đã có hơn 60 năm làm nghề bán nước trên vỉa hè tại ngã tư Pasteur - Võ Văn Tần. Tuổi đã lớn, hàng nước vỉa hè nay được truyền lại cho người con dâu út cũng đã ngoài 60 tuổi. Chắt chiu lắm mới lo đủ miếng ăn cho đại gia đình hơn 20 người giữa đất Sài Gòn.
Một người bán thức ăn, nước uống trên vỉa hè để mưu sinh. |
Từ hôm có chủ trương dẹp vỉa hè, lòng đường, gia đình cụ chấp hành, dời thùng nước vào sát tường rào để đứng bán mỗi khi có người tới hỏi mua. Nhưng cũng vì thế mà lời lãi không đủ để chi phí ăn uống cho gia đình nên cụ Tư chỉ mong muốn được chính quyền hỗ trợ tìm ra biện pháp giúp có thu nhập để mưu sinh…
Trên đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 1, chúng tôi gặp chị Ngọc, quê ở Bình Định, có hơn 20 năm bán bánh tráng trộn. Chị chia sẻ, quê nhà ruộng đồng lam lũ, quanh năm chân lấm tay bùn nhưng cũng không đủ ăn, chị đành dìu dắt con trai vào Sài Gòn, thuê nhà ở quận 6 bán bánh tráng để lấy tiền cho con đi học.
Trước đây, dù không dư dả gì nhưng cũng đủ trang trải. Nay thì không ngồi bán ở vỉa hè nữa, nhưng cũng chưa biết sẽ được bán ở đâu, không biết lấy tiền đâu cho con ăn học”, chị bộc bạch.
Đến thời điểm này mới chỉ có một số ít quận, huyện tổ chức nơi buôn bán tập trung cho người bán hàng rong. Chủ tịch UBND quận 1- ông Trần Thế Thuận cho biết, hiện địa phương cũng mới chỉ có thể sắp xếp, bố trí cho 100 người được buôn bán tại 2 tuyến vỉa hè. Dù vậy, việc chọn ai, bỏ ai trong số hàng ngàn người đang ngày đêm bám hè đường để mưu sinh ở khu vực này cũng là chuyện không hề đơn giản.
Phó Chủ tịch UBND TP HCM, ông Trần Vĩnh Tuyến, bày tỏ sự trăn trở không phải chỉ những người được bố trí tạm về đây buôn bán mà là những người không được bố trí, hoặc chưa được bố trí.
Theo ông Tuyến, đây mới là câu chuyện khiến thành phố phải băn khoăn, quặn lòng. “Cần phải tính toán, sắp xếp ra sao để những người nghèo buôn bán ngoài vỉa hè khác vẫn có thể đảm bảo cuộc sống”, ông Tuyến chia sẻ thêm, ngoài câu chuyện mưu sinh trên hè đường để nuôi sống cả gia đình, ông đã được nghe thông tin từ một số phường báo lên rằng, nhiều người buôn bán ở vỉa hè còn phải đi vay tiền góp, vay nóng nên cứ nghỉ bán buôn ngày nào là nguy cơ chật vật ngày đó, thậm chí có thể phải vi phạm pháp luật.
Do vậy, phải tạm thời chấp nhận dành một phần vỉa hè để hỗ trợ người dân khó khăn kiếm sống trước khi các địa phương có bước chuyển đổi, có lộ trình phù hợp. Còn sau này, các địa phương cần tìm cách bố trí những điểm kinh doanh tập trung có diện tích lớn, nhất là bố trí kinh doanh về đêm để ai có nhu cầu sẽ vào đó buôn bán kiếm sống.
Về lâu dài vỉa hè vẫn phải dành cho người đi bộ. Lãnh đạo UBND thành phố nêu giải pháp với các quận, huyện những khu vực mà người dân đang buôn bán không phải là hàng rong nhưng giống như hàng rong thì ngoài yêu cầu đảm bảo trật tự ATGT, an toàn vệ sinh thực phẩm cần bố trí sắp xếp việc sử dụng làm sao để người dân vẫn có thể kinh doanh.
Với những người kinh doanh lâu năm, có tay nghề cao hoặc đã có thương hiệu ngoài vỉa hè, các quận, huyện cần ưu tiên kết nối, hỗ trợ bà con tập trung vào những nơi buôn bán có uy tín như các chợ truyền thống, nơi kinh doanh tập trung hoặc nhà hàng để đảm bảo nhu cầu ẩm thực đa dạng của người dân thành phố.
Trong thời gian chưa được bố trí vào nơi buôn bán tập trung, những người buôn bán hàng mà bị ảnh hưởng từ việc giành lại vỉa hè, quận, huyện nên có chính sách hỗ trợ những hộ nghèo, đảm bảo không để họ rơi vào cảnh đói khổ, con cái thất học hoặc phải đi vay nặng lãi để dẫn tới hành vi tiêu cực, phạm pháp.
Ngoài chuyện bố trí, kết nối và sắp xếp để người dân nghèo duy trì việc kiếm sống, lãnh đạo thành phố lạc quan, tin rằng sẽ có DN sẵn sàng hỗ trợ, sẻ chia khó khăn với bà con buôn bán mưu sinh trên vỉa hè bằng những việc làm cụ thể. Chẳng hạn như việc cơ sở sản xuất hỗ trợ người buôn bán trên vỉa hè những vật dụng, dụng cụ buôn bán phù hợp hoặc những chiếc ly, hộp, bao, túi đựng đồ ăn, thức uống… để giúp họ bớt khó. |