Xử lý vỉa hè vẫn dung hoà việc đảm bảo cuộc sống cho người dân

Thứ Hai, 03/04/2017, 19:37
"Chúng ta cương quyết không để lấn chiếm lại lòng lề đường để tạo cảnh quan đô thị thành phố đẹp hơn”, người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng khẳng định tại phiên họp báo Chính phủ chiều nay, 3-4.

Về chiến dịch giành lại vỉa hè cho người đi bộ đã tiến hành được 2 tháng tại Hà Nội và TP.HCM, các phóng viên báo chí cũng nêu ra một số hình ảnh phản cảm trong quá trình thực hiện như phá bậc tam cấp, làm hỏng kiến trúc, chặt phá cây xanh… 

Làm thế nào để dung hoà giữa việc xử lý vỉa hè, thực hiện kỷ cương với đảm bảo sinh kế của người dân? Chính phủ có đoàn giám sát để tránh việc thực hiện “đầu voi đuôi chuột” hay không?

Toàn cảnh phiên họp

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, quản lý vỉa hè là trách nhiệm của chính quyền các cấp. Chủ trương này không phải bây giờ mới làm, chúng ta đã làm nhiều năm, nhưng khi chúng ta đã giải toả xong thì xảy ra tình trạng tái lấn chiếm. 

"Quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng là phải thực hiện quyết liệt, và Bộ trưởng Bộ Công an đã có Công điện gửi các địa phương yêu cầu thực hiện đồng bộ. Hiện đã lan toả ra các tỉnh, thành phố lớn" - Bộ trưởng nói.

Trong thời gian ngắn gần 2 tháng nhưng kết quả mang lại được người dân đánh giá cao; các pano, áp phích, việc cơi nới, bán hàng rong… được đưa về đúng vị trí, trả lại vỉa hè cho người đi bộ, trả lại lòng đường lưu thông, tránh tai nạn đáng tiếc.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng

Quay lại vấn đề song song thực hiện kỷ cương nhưng quan tâm đến cuộc sống của người dân như thế nào thì các địa phương có cách làm linh hoạt rất khác nhau, rất tốt. Có địa phương có cơ chế hỗ trợ tạo việc làm cho người dân; có địa phương quy định những tuyến đường, tạo chợ để người dân buôn bán; có địa phương quy định giờ bán ăn sáng, ăn tối… 

“Có thể nói bên cạnh duy trì trật tự kỷ cương thì vẫn duy trì được cuộc sống cho người dân. Còn báo chí phản ánh việc phá công trình ảnh hưởng mỹ quan đô thị thì chúng tôi thấy không ảnh hưởng gì cả. Tất cả công trình vi phạm đều bị phá bỏ, không loại trừ công trình nào".

Người phát ngôn của Chính phủ nhận định, tất cả địa phương đã ra quân đồng loạt, tạo sự đồng thuận. Ý thức đã lan toả đến người dân, người dân tự dọn dẹp để trả lại lòng lề đường, vỉa hè cho chính quyền… "Chúng ta cương quyết không để lấn chiếm lại lòng lề đường để tạo cảnh quan đô thị thành phố đẹp hơn”.

Nếu Formosa không đảm bảo điều kiện sẽ yêu cầu đóng cửa

Tháng tư này cũng tròn 1 năm xảy ra sự cố ô nhiễm môi trường biển Formosa. Các phóng viên báo chí đã đặt vấn đề về tình hình ANTT trong vùng ô nhiễm môi trường hiện như thế nào; tình hình kiểm điểm xử lý các cá nhân ra sao, đặc biệt sau khi có kết luận của UBKT Trung ương?

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng khẳng định, sự cố Formosa đã tròn 1 năm, 6/4/2016-6/4/2017. Dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, 4 tỉnh miền Trung đã thực hiện nghiêm túc việc kê khai những hộ dân bị thiệt hại và thanh toán cho những đối tượng bị ảnh hưởng. 

Có 53 điểm còn khiếm khuyết, theo Bộ Tài nguyên và Môi trường báo cáo, Formosa đã khắc phục được 51 điểm. Tinh thần Thủ tướng là khi nào Formosa đảm bảo các điều kiện để hoạt động, không để xảy ra sự cố thì tiếp tục cho hoạt động.

“Nếu hoạt động không đảm bảo được thì tiếp tục yêu cầu đóng cửa. Chúng ta đã tạo môi trường thông thoáng, công khai minh bạch nhưng với điều kiện phải đảm bảo môi trường bền vững” – người phát ngôn của Chính phủ nhấn mạnh.

Bộ Công an đang xây dựng đề án đấu giá biển số xe 

Tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ chiều nay, 3-4, phóng viên hỏi đến việc Thủ tướng giao Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ Công an rà soát các quy định của pháp luật về việc cấp biển số xe 80A, 80B, báo cáo Thủ tướng trong Quý 1/2017. 

Được biết đến nay Bộ Công an vẫn chưa có báo cáo về việc này. Quan điểm của người phát ngôn thế nào?

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho rằng, Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an rà soát lại theo tinh thần là hoàn thành trong Quý I. Bộ Công an cũng đã có báo cáo, tuy nhiên Chính phủ yêu cầu trước hết đối với các doanh nghiệp không thuộc đối tượng cấp biển thì Bộ Công an cần rà soát, thu hồi lại một cách triệt để. 

“Trước đây có xe Lexus biển xanh đi lễ hội, lưu thông trên đường nhưng bây giờ không có nữa” – Bộ trưởng nêu.

Cũng theo Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng đang giao Bộ Công an xây dựng đề án đấu giá biển số, coi biển số là một tài sản cá nhân.

“Như vậy nguồn thu từ đấu giá biển số sẽ bổ sung ngân sách Nhà nước. Đồng chí Bộ trưởng Bộ Công an đang quyết tâm rà soát lại toàn bộ biển số đã cấp và thực hiện hết sức nghiêm túc”.

Quỳnh Vinh
.
.
.