Nữ nhà báo Công an xông xáo
Nhập vai phá án
Có lẽ là cái duyên nên từ khi bước chân vào công tác tại Báo CAND, nhà báo Thu Hoà đã được phân công viết về lĩnh vực nghiệp vụ, tức là theo dõi thông tin về các vụ án của lực lượng Cảnh sát. Chị luôn xuất hiện, đưa tin ở những vụ án hình sự “nóng” nhất, đặc biệt nghiêm trọng.
Từ vụ án đình đám Nguyễn Đức Nghĩa sát hại bạn gái, vụ Lê Văn Luyện sát hại cả gia đình chủ tiệm vàng ở Bắc Giang cướp tài sản, rồi những vụ thảm án ở Bình Phước, Nghệ An, Quảng Ninh gần đây. Ở chị có cách tiếp cận, truyền tải thông tin với những chi tiết rất mới và độc đáo, nhân văn nhưng vẫn đảm bảo yếu tố nghiệp vụ.
Nhà báo Huyền Nga tác nghiệp tại Trường Sa. |
“Sát cánh bên họ vì công việc của mình và vì chính công việc của họ, tôi đã tạo được sự tin tưởng của lực lượng Cảnh sát hình sự (CSHS). Vì thế, trong các vụ án lớn, họ cho tôi tiếp cận ở mức gần nhất. Thậm chí rất nhiều lần tôi được đi cùng cánh hình sự phá án”, chị kể.
Còn nhớ, khi CSHS Hà Nội tiến hành giải cứu một kỹ sư làm việc tại công trình xây dựng tòa nhà Keangnam bị bắt cóc, giam giữ tại Xuân Mai (Hà Nội), chị và phóng viên Đinh Hiền được lãnh đạo Phòng CSHS Hà Nội cho đi theo và “nhờ” vào vai tình nhân của các trinh sát để thuê 2 phòng áp sát nơi các đối tượng giam giữ nạn nhân.
“Quả thực, khi biết các đối tượng có vũ khí và thấy trinh sát hình sự nam rút súng, lên đạn lách cách chuẩn bị tấn công, tôi cũng run lắm. Nhưng các trinh sát đã khống chế rất nhanh các đối tượng, giải cứu thành công nạn nhân và đảm bảo an toàn cho chúng tôi”, chị nhớ lại.
Lần đi cùng Cục CSHS bắt ổ nhóm tội phạm do Nhữ Văn Hiệp (tức Hiệp “gạo”) cầm đầu bảo kê cho các xe tải né trạm cân trên cao tốc Hà Nội-Nội Bài, chị và phóng viên Trang Dũng lăn lộn theo các trinh sát bắt lần lượt gần chục đối tượng, 2h30 ngày hôm sau mới về đến Hà Nội.
“Trên đường về, chồng tôi gọi điện nói: “Chỉ lần này đi bắt tội phạm về muộn nữa thôi nhé”. Tôi hiểu, chồng lo lắng cho mình vì đêm hôm vất vả và không biết sẽ gặp bất trắc gì, nên đồng ý. Nhưng cả tôi và anh ấy đều hiểu rằng, nếu có cơ hội đi cùng CSHS bắt tội phạm, tôi sẽ lại xông pha…” - nhà báo Thu Hoà chia sẻ thêm.
Nhà báo Đinh Hiền, phóng viên Chuyên đề CSTC lại có một thói quen rất đặc biệt là viết bài ngay trên… điện thoại. Dường như không cần phải dừng lại một phút nào để nghĩ, bởi ngay từ khi tiếp cận một vụ việc chị đã hình dung luôn trong đầu bố cục, nội dung bài báo.
Câu chữ cứ thế tuôn chảy, có khi chỉ cần rời khỏi hiện trường, nửa tiếng sau là chị đã hoàn thành xong bài viết đầy đặn 2.000 chữ.
Những lần đi công tác cùng chị, tôi được nghe kể nhiều chuyện tác nghiệp thú vị. Có lúc, tôi không hình dung nổi, một phụ nữ điệu đà, 30 phút soi gương một lần như chị lại chọn một mảng miếng gai góc, là phỏng vấn tội phạm. Chị bảo, càng giang hồ cộm cán, càng sát thủ máu lạnh, chị càng muốn khai thác.
Và, Đinh Hiền có lối nói chuyện cực kì tự nhiên với đối tượng, có thể là trùm giang hồ cộm cán, một đứa trẻ phạm tội giết người, một bà nông dân trong cơn ghen mù quáng cầm dao đoạt mạng chồng, hoặc một tử tù mà sự sống chỉ tính bằng ngày...
Với đối tượng nào, chị cũng “chinh phục” một cách dễ dàng, bằng chính sự khôn khéo và chân thành của mình.
Nữ nhà báo Đinh Hiền trong lần cùng trinh sát truy bắt hung thủ vụ thảm án tại Yên Bái. |
Chuyên đề CSTC phát hành một tuần 2 số, nếu chỉ đưa tin đơn thuần thì không thể cạnh tranh được với nhật báo và các báo mạng.
Chị chọn cho mình cách đi riêng bằng chuyên mục “Trò chuyện với tội phạm” đã trở thành “đặc sản” của CSTC nói riêng và Báo CAND nói chung, được bạn đọc yêu mến. Có lần, tôi đi công tác cùng chị ở một đơn vị Công an tỉnh. Các điều tra viên nói: “Đối tượng lì lợm lắm, không tiếp xúc với nhà báo đâu”.
Nhà báo Đinh Hiền chỉ tủm tỉm cười, nói đùa với các anh: “Biết đâu đối tượng thấy em xinh lại khai hết thì sao”. Kết quả là gã đàn ông vừa sát hại người tình đã khóc nức nở, trút hết nỗi niềm, ẩn ức với chị, rằng hắn do ghen tuông mà phạm tội…
Nữ “phóng viên chiến trường”
Theo dõi mảng thời sự an ninh, xã hội trên chuyên đề ANTG, nhà báo Hương Vũ vẫn thường được gọi vui là “phóng viên chiến trường”. Phóng viên “chiến trường” thì lúc nào cũng trong trạng thái sẵn sàng, có thông tin là lên đường tác nghiệp. Đối với những vụ việc “nóng”, đang ăn họ cũng buông bát mà đi, trời mưa - nắng hay đêm đông rét buốt cũng tung chăn, lao ra đường.
Nói như vậy để thấy, tin, bài của phóng viên "chiến trường" bao giờ cũng là "người thật, việc thật" chứ không copy trên mạng như kiểu tác nghiệp "anh hùng bàn phím" của một số phóng viên hiện nay. Không yêu nghề, say nghề và nhiệt huyết thì khó có thể gắn bó với công việc.
“Ngay bên cạnh phồn hoa phố xá, lung linh ánh đèn là một Hà Nội rất khác khi tôi tiếp cận cuộc sống mưu sinh của những người lao động ngoại tỉnh, những đứa trẻ “dạt nhà”, những người nghèo, lang thang cơ nhỡ xung quanh chợ Long Biên…” - chị nói rồi kể về những lần tác nghiệp đầy cảm xúc bên những mảnh đời nổi trôi.
Dân “cửu vạn” chợ Long Biên đa phần là phụ nữ. Muốn gặp được các chị phải tầm từ gần trưa, khi đã hết việc ở chợ đêm. Ngoài trọ ở khu dân cư, họ còn sống tạm bợ ở những khu đất bãi ven sông tồi tàn như ổ chuột.
Nhà báo Hương Vũ và nhà báo Thu Hòa trong những lần tác nghiệp. |
Mái pro-xi-măng, tường gạch không trát, chiều cao ngang đầu người, rộng vài mét vuông, đủ kê một tấm phản. Bước chân từ phản xuống là hố xí “thiên nhiên”, không có gì che đậy. Những hôm tắc cống, nước dềnh lên, trong phòng sặc mùi xú uế…
Muốn gặp những đứa trẻ bụi đời thì phải ra chợ đêm, tầm 1-2 giờ sáng. Chúng đi thành nhóm nhỏ “mót” rau, “mót” tôm cá, nghĩa là nhặt nhạnh những đồ rơi vãi, có khi xông vào cướp hàng. “Nhà” của trẻ bụi đời là gầm cầu, quán nét, xó chợ...
Bi kịch cũng phát sinh từ đây, cuộc sống mưu sinh khiến chúng có thể trở thành nạn nhân của các vụ xâm hại, hoặc bị dụ dỗ, dẫn dắt vào con đường phạm tội. Và loạt bài viết, phóng sự đậm hơi thở cuộc sống từ con mắt tinh tế và ngòi bút sinh động của nhà báo Hương Vũ đã ra đời từ những chuyến đi thực tế như vậy…
Cũng được các đồng nghiệp nam đặt biệt danh “phóng viên chiến trường”, nhà báo Hoài Thu, Văn phòng thường trú Báo CAND tại Đà Nẵng coi đây là động lực để ngày càng hoàn thiện hơn trong nghiệp cầm bút của mình.
Còn nhớ, trong vụ án cướp, giết tài xế taxi đặc biệt nghiêm trọng tại Đà Nẵng vào đêm 18, rạng sáng 19-7-2016, chị là phóng viên đầu tiên tiếp cận, cập nhật những hình ảnh, clip, thông tin mới nhất về kết quả điều tra phá án đến bạn đọc Báo Điện tử CAND.
Bên cạnh thông tin từ cơ quan chức năng cung cấp, chị tìm đến gia đình nạn nhân ghi nhận gia cảnh, phản ánh những góc khuất đằng sau vụ án…
Không quản thời gian hay thời tiết, nhận được tin báo từ cơ sở là chị có mặt, nhiều lần chị là phóng viên nữ duy nhất, độc quyền đưa tin tại hiện trường. Loạt bài “Trắng đêm cứu rừng Hải Vân” của Cảnh sát PCCC Đà Nẵng, hay chùm ảnh “Ghi nhận đêm trắng cứu nạn nhân chìm tàu” của CSGT đường thủy Đà Nẵng trên sông Hàn”… đều ghi dấu ấn của chị.
Những ngày cuối tháng 5-2014, nhận được thông tin tàu cá của ngư dân đảo Lý Sơn bị “tàu lạ” đâm chìm tại vùng biển Hoàng Sa đang được “kéo về”, nhà báo Hoài Thu tức tốc vượt hơn 90km từ TP Đà Nẵng đến cảng Sa Kỳ (Quảng Ngãi), rồi xuống tàu thủy đi 15 hải lý ra huyện đảo Lý Sơn.
“Có một chút say sóng, nhưng việc đầu tiên của tôi khi đặt chân lên đảo là nhờ đồng nghiệp “thổ địa” đưa đi gặp thuyền trưởng, các thuyền viên và tiếp cận tàu cá vừa “cập bến” sau nhiều ngày gặp nạn trên biển”, chị kể.
Ngay tại bờ kè cảng cá trên đảo hôm đó, có một hình ảnh không thể quên là những người phụ nữ làng chài hao gầy, sạm nắng, chốc chốc lại gạt từng giọt nước mắt lo lắng, bồn chồn, ngóng chồng, con trở về.
“Trò chuyện với họ trong một buổi chiều hoàng hôn muộn, thật nhiều cảm xúc cho một bài phóng sự “nóng”. Và tôi hiểu, nữ “phóng viên chiến trường” cần phải có thêm thật nhiều trải nghiệm như vậy trong nghiệp cầm bút của mình” - nhà báo Hoài Thu chia sẻ.
“Độc giả đặc biệt”
Là phóng viên Cơ quan đại diện của Báo CAND tại TP Hồ Chí Minh theo dõi mảng Y tế, Giáo dục, nhà báo Huyền Nga không ngại xông pha thực tế để sống, cảm nhận và cung cấp cho bạn đọc những trang viết đầy tính nhân văn. Câu chuyện về một “độc giả đặc biệt” là kỷ niệm chị không bao giờ quên trong cuộc đời làm báo.
“Năm 2005, nhận được nguồn tin tại gầm cầu Nhị Thiên Đường có một nữ bệnh nhân AIDS bệnh nặng đã “gần đất xa trời” không còn nơi trú thân, tôi muốn viết về hoàn cảnh đáng thương này trên Báo CAND để kêu gọi sự giúp đỡ”, chị kể.
Một người “dẫn đường” hẹn chị phải đợi anh ta dẫn đi chứ không được tự ý xuống gầm cầu sẽ “nguy hiểm”. Chị không để ý lắm lời cảnh báo này, nhưng tới nơi mới thật kinh khủng.
Nhà báo Hoài Thu. |
“Tôi vã mồ hôi hột trước nhóm thanh niên “bất hảo” nhìn tôi chòng chọc trên thành cầu, ngạt thở vì mùi hôi thối của những chất thải và kinh sợ vì đầy kim tiêm vứt bừa bãi trên đoạn đường tìm tới nơi nữ bệnh nhân nằm” – chị cho biết. Bù lại, sau khi bài báo đăng cơ quan chức năng đã đưa nữ bệnh nhân về chăm sóc cho tới khi cô mất...
Chưa hết, sau này chị mới biết người dẫn đường là T.V.M - một “người có H” và là Tổ trưởng nhóm “Bạn giúp bạn” một quận, từng được UBND quận trao tặng Bằng khen trong hoạt động phòng chống HIV/AIDS.
Những chia sẻ tận đáy lòng của tay “giang hồ” hoàn lương và việc cuộc đời được anh “sửa sai” ra sao giúp chị có bài viết khá cảm xúc tựa đề “Tìm lại hạnh phúc”. Bài viết được đăng nhưng bận quá chị chưa kịp gửi báo cho nhân vật, mấy ngày sau thì nhận được tin anh mất. “Tôi luống cuống chạy vội tới nhà tang lễ cùng tờ báo.
Vợ anh khóc, kể, trước đó anh cứ hỏi không biết bài báo đã đăng chưa? Rồi chị đọc bài báo trước linh cữu anh trong nước mắt của gia đình và những người bạn trong nhóm…” - nhà báo Huyền Nga xúc động nhớ lại.
Bài báo được gửi theo cho người đã mất - một “độc giả đặc biệt”. “Tìm lại hạnh phúc” cũng đã mang đến cho chị giải Ba cuộc thi “Viết về HIV/AIDS” do Ủy ban Phòng chống HIV/AIDS TP Hồ Chí Minh tổ chức...