Những hệ lụy nuôi tôm trên cát tự phát

Thứ Bảy, 04/06/2016, 07:05
Nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát một thời được xem là hướng đi mới trong phát triển kinh tế, xã hội của các địa phương ven biển Thừa Thiên - Huế. Thế nhưng, vài năm trở lại đây, các hồ nuôi tôm tự phát, dịch bệnh thường xuyên xảy ra, khiến nhiều hộ nuôi tôm phải gánh nợ nần chồng chất...

Từ hiệu quả của phong trào nuôi tôm, nhiều hộ dân vùng ven biển tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tự ý mở rộng diện tích ao nuôi ồ ạt, dẫn đến ô nhiễm môi trường, tôm nuôi thường xuyên xảy ra dịch bệnh, chết hàng loạt. Bên cạnh, người nuôi còn sử dụng kháng sinh, hóa chất vượt quá giới hạn ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng sản phẩm, nên chủ yếu tiêu thụ nội địa…

Trước vấn nạn trên, chính quyền các địa phương ven biển tổ chức nhiều cuộc đối thoại với người nuôi tôm tìm nguyên nhân để có giải pháp khắc phục. Nguyên nhân tôm nuôi bị dịch bệnh được khẳng định là do người nuôi tôm sử dụng kháng sinh, men vi sinh mua trên thị trường để xử lý ao hồ khiến môi trường nước ô nhiễm gây tác hại là tôm nuôi nhiễm dịch bệnh…

Chai lọ, bao bì đựng thức ăn, hóa chất, thuốc kháng sinh do người nuôi tôm thải ra gây ô nhiễm môi trường.

Theo đánh giá của cơ quan chức năng, xét về khía cạnh môi trường chung của các vùng nuôi tôm hiện nay vẫn còn nhiều vấn đề đáng lo ngại. Thực trạng nuôi tôm tự phát, thiếu quy hoạch, không tuân thủ quy định sản xuất an toàn là điều không thể yên tâm và khó tránh khỏi nguy cơ dịch bệnh.

Ông Văn Thanh Liêm, ở xã Điền Hòa, thừa nhận: “Hầu hết các hộ nuôi tôm trên cát hiện nay đều không có bể lắng, xử lý môi trường nước trước khi cấp vào ao nuôi. Các hộ đều lấy nguồn nước biển, bơm trực tiếp vào ao nuôi, hoặc xả trực tiếp ra biển mà không qua xử lý môi trường theo quy định”.

Quan sát của chúng tôi, hầu hết các đường ống cấp, thoát nước đều được người dân đấu nối trực tiếp từ ao nuôi dẫn đến biển... Ông Liêm lý giải: “Quỹ đất xây dựng ao lắng hiện nay rất hiếm. Việc xử lý môi trường nước trước khi cấp vào ao nuôi và thải ra biển sẽ qua nhiều khâu, làm tăng chi phí đầu tư (tiền điện, hóa chất), có thể đến vài chục triệu đồng cho mỗi vụ tôm(!?).

Trong khi đó, Phó Chủ tịch UBND xã Điền Hòa, Nguyễn Đăng Phúc, giãi bày: “Chính quyền địa phương đã khuyến cáo, yêu cầu người dân tuân thủ quy trình sản xuất an toàn; 3-4 hồ nuôi phải có một ao lắng để xử lý môi trường, nhưng hầu hết các hộ nuôi không chấp hành”.

Đi dọc các vùng nuôi tôm từ xã Điền Hương đến Phong Hải, huyện Phong Điền, chúng tôi chứng kiến các chai lọ, bao bì thuốc kháng sinh vứt bỏ tràn lan, quanh các ao hồ, trên các mương thoát nước thải. Điều này không chỉ hạn chế năng suất, chất lượng, hiệu quả nuôi tôm mà còn ảnh hưởng đến vệ sinh an toàn, gây ô nhiễm môi trường.

Ông Phan Khánh, Chủ tịch UBND xã Phong Hải, nói rằng, hằng tuần, chính quyền địa phương đều yêu cầu người dân xử lý, thu dọn vệ sinh tại các khu vực ao hồ. Nhưng lượng chất thải, chai lọ, bao bì… đựng thức ăn, hóa chất, thuốc kháng sinh do người dân sử dụng hằng ngày quá lớn nên không thể xử lý triệt để…

Tuy nhiên, ông Khánh cũng khuyến cáo, trước những khó khăn của người nuôi tôm, chính quyền tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có chủ trương đầu tư trên 100 tỷ đồng để xây dựng hệ thống trạm bơm, kênh mương cấp, thoát nước cho các vùng nuôi tôm trên cát. Trong khi chờ triển khai xây dựng, yêu cầu các hộ nuôi tôm phải tuân thủ quy hoạch, quy định nuôi tôm an toàn nhằm tránh rủi ro và mang lại hiệu quả…

Chiến Hữu
.
.
.