Người “thổi hồn” vào những sản phẩm làm giấy dừa nước

Thứ Bảy, 03/09/2016, 09:28
Đến với không gian Vườn Giấy Việt (số 10/2 Lý Thường Kiệt, thuộc phường Sơn Phong, TP Hội An, Quảng Nam), du khách được chiêm ngưỡng một loại hình nghệ thuật mới lạ, đó chính là nghệ thuật làm giấy dừa nước.

Từ nguồn nguyên liệu ở nơi được mệnh danh là “Miền Tây thu nhỏ của Quảng Nam”, qua bàn tay khéo léo của các “nghệ sĩ” phút chốc bỗng trở thành những sản phẩm vô cùng độc đáo...

Chủ nhân của những sản phẩm trên là nhóm bạn Trương Tấn Thọ (quê ở Duy Xuyên, Quảng Nam), Lê Thanh Hà (quê Nghệ An) và Trần Quang Thắng (quê ở Thừa Thiên – Huế). Nếu như trước đây, lá dừa nước chỉ được nhiều người biết đến là vật liệu để lợp nhà thì bây giờ, dưới tài năng và sự sáng tạo của những thanh niên này, những nguyên liệu nhỏ bé, tầm thường ấy như được thổi vào một luồng sinh khí mới, một giá trị mới. 

Họa tiết trống đồng được đưa vào trong từng sản phẩm góp phần quảng bá hình ảnh của Việt Nam.

Anh Thọ chia sẻ, tuy xuất thân từ những địa phương khác nhau nhưng lại có chung niềm đam mê nghệ thuật. Một năm trước, họ dự định cùng nhau phát triển loại hình tranh trúc chỉ. Nhưng sau một thời gian mày mò, cả ba phát hiện giữa cây dừa và cây tre (nguyên liệu làm tranh trúc chỉ) có những đặc điểm tương đồng nên từ đó bắt đầu thử nghiệm trên loại cây này.

Nói về công đoạn, cành dừa nước khi được chẻ bằng phương pháp thủ công rồi đem ngâm; tiếp theo, nguyên liệu được cho vào máy nghiền thành bột để pha với nước, rải đều trên khung lụa seo thành giấy và sử dụng áp lực nước để tiến hành tạo hoa văn, anh Thọ chia sẻ rằng, tuy những công đoạn này mất nhiều thời gian nhưng lại là khâu bắt buộc để có thể cho ra những sản phẩm hoàn chỉnh. 

Bên cạnh cây dừa nước, những loại cây như dâu tằm, dừa cạn và cây tràm cũng được thử nghiệm và cho kết quả rất thành công… Cuối cùng, tùy thuộc vào nguyên liệu đầu vào mà cho ra được những gam màu riêng biệt. Màu đỏ pha tía của giấy dừa nước, vàng pha của giấy dừa cạn, màu vàng của giấy tràm. Đặc biệt nhất là cây dâu, qua các công đoạn trên sẽ tạo ra những tờ giấy màu trắng phau rất đẹp mắt. Mặc dù mang màu sắc đặc trưng nhưng khi được kết hợp vào nhau, những nguyên liệu trên như hòa quyện lại tạo ra những tác phẩm giàu tính thẩm mỹ. 

Những ngày gần đây, Vườn Giấy Việt ngày càng nhiều lượt khách vào ra, những sản phẩm của anh Thọ, Hà, Thắng ngày càng được nhiều người biết đến và đón nhận. Từ những món đồ lưu niệm như túi xách, quạt, lồng đèn… cho đến những bảng hiệu, rèm che…, tất cả đều được chế tạo một cách kỳ công. 

Điều đặc biệt nhất, loại giấy mà nhóm anh Thọ vừa “trình làng” có đặc điểm là xuyên sáng. Dưới ánh đèn hay ánh sáng mặt trời, những hoa văn trên sản phẩm càng được lộ rõ hơn, mang lại một cảm nhận rất riêng biệt cho khách hàng. Đây là thành quả to lớn mà các anh đã đạt được sau nhiều tháng miệt mài.

Không chỉ là đam mê, giờ đây nhóm anh Thọ còn dốc sức vào việc quảng bá hình ảnh của Việt Nam thông qua những sản phẩm của mình bằng việc đưa họa tiết trống đồng lên trên từng sản phẩm. Đây là họa tiết mang dấu ấn văn hóa riêng biệt của người Việt mà không nơi nào có được. 

“Tất cả những loại giấy trên thế giới đều có những hoa văn, họa tiết riêng mang bản sắc của từng dân tộc. Việc đưa họa tiết của trống đồng lên từng sản phẩm là cơ hội để đưa bản sắc văn hóa của Việt Nam phổ biến đến nhiều nước trên thế giới”, có mặt trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, anh Lê Thanh Hà bày tỏ.

Hà Ngọc
.
.
.