Ngành chăn nuôi điêu đứng vì hạn mặn
- Trà Vinh công bố thiên tai hạn mặn
- Vĩnh Long công bố thiên tai hạn mặn
- Cam go cuộc chiến chống hạn mặn giữa lòng miền Tây
Vụ đông xuân năm nay, tỉnh Bến Tre xuống giống 14.759ha nhưng có đến 13.845ha bị thiệt hại. Diện tích lúa của tỉnh gần như mất trắng, dẫn đến nguồn nguyên liệu rơm khan hiếm. Tỉnh Bến Tre có tổng đàn trên 150.000 con, do thiếu rơm nên nông dân phải bán bớt số lượng bò, với giá thấp hơn 10 triệu đồng/con so với mọi năm.
Ông Nguyễn Thanh Lâm, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Ba Tri cho biết, nước nhiễm mặn quá nặng, cây trồng và gia súc đều không thể sống. “Lúa mất trắng, hư hại ngoài đồng ai cũng thấy. Ngành chăn nuôi báo động bởi không có rơm rạ cho bò ăn, nước mặn cũng không thể cho bò uống được”, ông Lâm nói.
Huyện Ba Tri có đàn bò lớn nhất tỉnh (khoảng 80.000 con) nên nhu cầu rơm rất lớn. Nông dân phải mua rơm, với giá từ 15.000 - 26.000 đến 30.000 đồng/cuộn rơm khoảng từ 12 - 15kg.
Nông dân Nguyễn Văn Đỗ đẩy xe mua nước ngọt cho bò uống. |
“Chưa năm nào khó khăn như năm nay. Người có đất sản xuất thì thiệt hại không có thu nhập, người nghèo thì không ai thuê. Nước sinh hoạt cũng phải mua với giá đắt đỏ. Hằng ngày, người dân phải đẩy xe đi xa 4 cây số để mua nước về cho bò uống”, ông Nguyễn Văn Đỗ (ngụ Tân Xuân, huyện Ba Tri) than thở.
Tại cuộc họp phòng, chống hạn mặn các tỉnh, thành vùng ĐBSCL được tổ chức tại Cần Thơ vừa qua, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre, ông Võ Thành Hạo cho biết: Ngoài diện tích lúa bị thiệt hại nặng nề, tỉnh Bến Tre chỉ còn 4 xã chưa bị mặn xâm nhập. Các huyện Ba Tri, Bình Đại và Giồng Trôm nguồn nước bị nhiễm mặn nghiêm trọng. Có 40 xã, người dân phải mua nước còn giữ lại dưới ao với giá từ 40.000 - 70.000 đồng/m³.
“Hiện nay không phải chỉ nước ngọt cho người uống, mà còn phải lo nước cho bò uống. Vì không có nước ngọt bò cũng không thể sống”, ông Hạo nói. Cũng theo ông Hạo, dù chính quyền khuyến cáo người dân không xuống giống nhưng nhiều gia đình vẫn sản xuất, mong có rơm cho bò ăn nhưng vẫn không đủ.
Hiện nay, người nuôi bò phải sang Đồng Tháp mua rơm với giá khá đắt, gây ảnh hưởng lớn đến chăn nuôi. Nước sông cạn kiệt, ghe chở rơm mua từ Đồng Tháp về cũng phải trung chuyển, dừng lại ngay đầu cống (do cống đóng ngăn mặn) sau đó bốc dỡ qua ghe khác, khiến chi phí vận chuyển tăng cao.
Không chỉ bò, hàng trăm nông dân xã Thừa Đức và Thới Thuận (huyện Bình Đại) cũng lâm vào cảnh trắng tay vì hàu chết hàng loạt. Thời điểm này đang vào mùa thu hoạch hàu, giá thương phẩm từ 25.000 - 26.000 đồng/kg. Nhưng thống kê của xã Thừa Đức, trên địa bàn xã có 150 hộ dân nuôi 66ha hàu, thiệt hại 90%, ước tính hàng chục tỷ đồng.
Ngành chăn nuôi bò ở Bến Tre bị lỗ nặng. |
“Gia đình tôi nuôi 5 tấn hàu, chuẩn bị kêu thương lái bán. Giờ hàu chết sạch, trắng tay lâm vào cảnh vỡ nợ”, anh Huỳnh Văn Quốc (ngụ ấp Thừa Thạnh, xã Thừa Đức) nói.
Tương tự, chị Nguyễn Thị Trường nghẹn ngào: “Nước sông mặn chát, con người còn không sống nổi nữa nói chi con hàu. Gần 2 năm trời chăm sóc, tốn hàng trăm triệu đồng nhưng giờ phải trắng tay”.
Chi cục Thủy sản tỉnh Bến Tre đã lấy mẫu kiểm tra cùng chính quyền địa phương thống kê, hỗ trợ phần nào cho người dân. Theo ngành chức năng, bước đầu kiểm tra cho thấy, ngoài nguyên nhân nước nhiễm mặn, ô nhiễm nguồn nước, thời tiết nắng nóng ban ngày và nhiệt độ hạ thấp đột ngột vào ban đêm làm hàu chết hàng loạt. Tại cửa sông Cống Bể, khu vực người dân nuôi hàu, độ mặn đo được từ 35 -37‰, cao hơn khoảng 10‰ so với những năm trước, trong khi môi trường nước có độ mặn dưới 25‰ mới thích hợp cho hàu phát triển.