Lan vũ nữ “công du” Singapore

Chủ Nhật, 10/07/2016, 07:53
Cách Đà Lạt gần 40km, có một trang trại lan vũ nữ rộng 3ha hằng năm đưa ra thị trường cả trăm nghìn cành, trong đó một lượng rất lớn được “công du” sang Singapore.

Trước khi cùng đến trang trại lan vũ nữ quy mô lớn nhất huyện Đơn Dương (Lâm Đồng), Chủ tịch UBND thị trấn Thạnh Mỹ, ông Nguyễn Đình Tịnh khái quát với chúng tôi: Đó là trang trại sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tiên tiến, hiện đại và điển hình  nhất tại địa phương.

Quán xuyến mọi công việc lớn nhỏ của vườn lan trị giá hàng trăm tỷ đồng, bà Nguyễn Thị Nhung kể, cũng như hầu hết mọi gia đình ở vùng sản xuất rau trọng điểm cả nước này, vợ chồng bà đã từng nhiều năm gắn bó với đủ loại cây rau. Vợ chồng con cái làm mãi mà vẫn không giàu lên được. Một hôm, bà Nhung bàn với chồng, quyết định táo bạo là đoạn tuyệt với nghề trồng rau, chuyển sang trồng hoa lan vũ nữ với kỳ vọng hướng tới thị trường xuất khẩu, làm chủ đầu ra.

Một góc trang trại lan vũ nữ của gia đình bà Nguyễn Thị Nhung.

Vốn là người quyết đoán trong mọi công việc nên chỉ thời gian ngắn, vợ chồng bà Nhung gom góp toàn bộ số tiền dành dụm được trong cả chục năm trời làm rau, vay mượn thêm bên ngoài, đầu tư mở trang trại trồng lan vũ nữ. Đây là loại cây trồng tại địa phương từ trước tới nay chưa có ai dám làm. Là người tiên phong, gia đình bà Nhung phải chấp nhận mạo hiểm.

Để nắm phần thắng, không chỉ vừa làm vừa học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước, vợ chồng bà Nhung còn thuê thêm người chuyên hướng dẫn về kỹ thuật, chịu trách nhiệm trong việc nhân giống, gieo trồng, phòng ngừa các loại sâu bệnh trên lan vũ nữ.

Để cây trồng phát triển trong một môi trường thuận lợi nhất, bà Nhung đầu tư xây dựng nhà kính đạt chuẩn với giá 300 triệu đồng/sào. Từ vài sào lan vũ nữ ban đầu, vợ chồng bà Nhung nhanh chóng mở rộng quy mô sản xuất. Tiếng lành đồn xa, nhiều đầu mối tiêu thụ hoa trong Nam, ngoài Bắc liên hệ đặt hàng qua điện thoại hoặc tới trực tiếp quan sát quy trình sản xuất tại trang trại lan vũ nữ có một không hai ở  Đơn Dương này.

Mỗi gốc lan vũ nữ ở đây thời điểm bình thường được bán với giá trung bình là 300.000 đồng. Cắt cành xuất bán trong nước có giá 80.000 đồng/bó. Vào dịp lễ, tết, giá lan vũ nữ tăng khá cao. Ít năm gần đây, sản phẩm lan vũ nữ của gia đình bà Nhung không còn dừng lại ở thị trường nội địa mà bắt đầu vươn xa bằng những chuyến xuất ngoại cả container hoa.

Singapore là thị trường ngoại đầu tiên rộng đường nghênh đón lan vũ nữ của vợ chồng bà Nhung. Hiện mỗi năm, ngoài cung cấp ổn định cho thị trường Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh miền Trung, hàng chục nghìn cành lan vũ nữ được bà Nhung xuất sang Singapore. Doanh thu mỗi năm từ trang trại lan vũ nữ lên tới cả chục tỷ đồng.

Kim Ngân

.
.
.