Lan tỏa hương xuân Việt Nam

Thứ Ba, 13/02/2018, 10:05
Hà Nội những ngày giáp Tết mang một vẻ rất riêng, chút gió lạnh mang “mùi hương của Tết” lan tỏa đến mọi con phố. “Mùi hương của Tết” cũng đã tràn đến Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt (Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn), nơi có 250 sinh viên nước ngoài đang theo học tiếng Việt.


Những lần được cùng sinh viên nước ngoài đón Tết Việt do Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt tổ chức, tôi luôn có cảm giác thăng hoa và được sống lại thời sinh viên sôi nổi. Năm nay, “Ngày hội văn hóa quốc tế và lễ chúc mừng năm mới 2018” thật đặc biệt.

Số lượng sinh viên nước ngoài tham gia đông hơn. Khách mời cũng đến đông đủ, trong đó có  nhiều vị khách quý như: Ngài Saadi Salama, Đại sứ nhà nước Palestine tại Việt Nam, cựu sinh viên khóa 1980 - 1984 của Khoa; bà Elena Vishnitskaia (đại diện Cơ quan Hợp tác Liên Bang Nga Rossotrudnichestvo tại Việt Nam); ông Nguyễn Lương Giang (Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao); PGS.TS Mai Xuân Huy (Phó Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học, Viện Hàn lâm KHXHVN); PGS.TS Trần Thị Minh Hòa, Phó Hiệu trưởng ĐH Khoa học xã hội và nhân văn; GS. Inagaki Tsutomu, giáo sư thỉnh giảng của Trường… Tất cả cùng háo hức với vui Tết với “sinh viên Tây”.

Các bạn sinh viên nước ngoài và Việt Nam sôi động với màn nhảy dân vũ.

PGS.TS Nguyễn Thiện Nam, Trưởng khoa Việt Nam học và Tiếng Việt xúc động chia sẻ: “Lễ hội văn hóa quốc tế 2018 không ngoài mục đích tôn vinh sự giàu có, đa dạng của các nền văn hóa trên thế giới và qua đó, thúc đẩy sự hiểu biết, tin cậy và hợp tác cùng phát triển giữa tất cả chúng ta - những vị sứ giả của các nền văn hóa”.

Còn ngài Saadi Salama, Đại sứ nhà nước Palestine tại Việt Nam luôn tự hào “vì đã từng là một sinh viên của Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt”, và “mặc dù năm nào cũng đến đây tham gia ngày hội văn hóa quốc tế của Khoa nhưng luôn cảm thấy mới mẻ, hào hứng”.

Quả thực buổi lễ mừng năm mới cho sinh viên nước ngoài năm nay có nhiều điều mới mẻ và sáng tạo. Khâu tổ chức đã được các thầy cô ấp ủ ý tưởng từ nhiều tháng qua. Phần thi ẩm thực để “sinh viên Tây” trổ tài nấu nướng cùng sinh viên Việt Nam rất sôi nổi. Các bạn sinh viên Nga không quên làm món salat Nga, xà lách tím – vinegret thịt bò hầm củ quả - bigus và bánh kếp – blini.

Độc đáo là những món ăn của sinh viên Ba Lan như: Bánh Faworki; bánh khoai tây và bánh táo. Thú vị nữa là món rượu vang giáng sinh, xúc xích với salad khoai tây, cookie giáng sinh và bánh mì nấu với bơ. Mỗi món ăn với đặc trưng rất riêng của xứ sở quê nhà đã khiến Ban giám khảo phải trầm trồ thưởng thức.

Một số sinh viên Nhật Bản khi thể hiện món cơm nắm, bánh tako và soup miso truyền thống, hay sinh viên Thái Lan, khi nấu món bún gà xanh, pha trà sữa Thái, đều nói với tôi rằng, họ đã gửi gắm cả tình cảm của mình vào món ăn và mong muốn các bạn Việt Nam thêm yêu quê hương họ qua những món ẩm thực giản dị này. Đặc biệt, 17 gian hàng của các bạn sinh viên Tây như những “siêu thị nhỏ”, ở đó các món ăn đã được định giá, để khách muốn thưởng thức thì họ sẽ “bán”, khiến bữa tiệc ẩm thực càng thú vị, đa sắc màu.

Tuy nhiên, bữa tiệc Tết Việt đã thực sự được hâm nóng bởi phần trình diễn trang phục truyền thống mang đậm phong cách bản địa của các “sinh viên Tây”. Sân khấu nhỏ như nổ tung, mọi người reo hò cổ vũ các đôi nam thanh nữ tú người nước ngoài sải trên sàn “catwalk”.

Nếu các bạn sinh viên Nhật Bản duyên dáng với những bộ kimono, thì các bạn sinh viên Nga lại dịu dàng trong bộ váy “sarafan” mang đậm “tính cách Nga” đôn hậu. Sinh viên Đức lịch lãm trong vest, sinh viên Thái Lan với sà rông duyên dáng. Đặc biệt, các “siêu mẫu Tây” rất hào hứng khi được mặc trang phục truyền thống của Việt Nam: Áo tứ thân, đội mũ the khăn xếp, hay trang phục bà ba của con gái Nam Bộ…

Sau màn trình diễn thời trang, các sinh viên Tây và Việt Nam đã mang đến cho người xem những trải nghiệm văn hóa thú vị, khi họ nhập tâm, hóa thân vào các tiết mục văn nghệ vô cùng đặc biệt, và chỉ thực sự yêu Việt Nam, họ mới có chọn lựa những tiết mục văn nghệ mang đậm hồn cốt của dân tộc Việt.

Đó là điệu múa, hát múa “Cô đôi Thượng Ngàn”, “Trống cơm”, “Bèo dạt mây trôi”, “Mùa xuân ơi”, múa sạp; hay là những giai điệu của vũ khúc Kalinlca; các bài hát dân gian “Mừng năm mới”, “Trong vườn hoa anh đào”, đã giới thiệu những sắc thái văn hóa truyền thống độc đáo của Trung Quốc, Nga, Ukraina, cho thấy sự hòa nhập nhanh chóng của sinh viên quốc tế vào môi trường văn hóa Việt Nam thông qua cầu nối huyền ảo của tiếng Việt.

Khi nấu ăn, các bạn sinh viên nước ngoài đã gửi gắm cả tình cảm vào ẩm thực để hấp dẫn “du khách”.

Nhắc đến tiếng Việt, sinh viên Hanh Gyvevn, đến từ Hàn Quốc hào hứng kể, em thích tiếng Việt từ khi em lên 5 tuổi, khi đó gia đình em sống ở TP Hồ Chí Minh. Tiếng Việt thật uyển chuyển, giàu biểu cảm và “em càng học càng thấy tiếng Việt thú vị”.

Giống Hanh Gyvevn, sinh viên Nadiia Azhenilova (người Ucraina, sống ở thành phố Kyev) cũng muốn lập nghiệp tại Việt Nam, tuy nhiên cô muốn một công việc liên quan đến dịch thuật hoặc làm từ thiện. Nadiia Azhenilova còn muốn được đặt chân tới các vùng miền của Việt Nam.

Kể về kỷ niệm Tết Việt, Nadiia Azhenilova cho hay: “Tôi đã đón Tết tại gia đình người bạn thân của tôi ở Sài Gòn, gia đình của cô ấy gồm 7 người, sum vầy đông đủ. Lần đầu tiên tôi được ăn món nem cuốn và bánh tét, ngon tuyệt”.

Với chàng sinh viên Michael Neill, người Anh, món ăn yêu thích chính là “Chưng cake” (bánh chưng). Michael Neill hiện đang là giáo viên dạy tiếng Anh ở Hà Nội và anh nói tiếng Việt khá tốt. 12 năm trước, Michael Neill từng đến du lịch tại Việt Nam và bị Việt Nam cuốn hút bởi cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ, con người thân thiện mến khách. Vì cảm nhận đó mà Michael Neill quyết tâm đến Việt Nam lập nghiệp.

Thu Phương
.
.
.