Sinh viên nước ngoài rộn ràng với Tết Việt

Thứ Tư, 05/02/2014, 14:48
Xuân đã tràn ngập khắp đất trời. Nắng như nhả tơ vàng óng trên khắp các con phố. Mùa xuân, mùa Tết đã đậm đặc lắm rồi. Tết cũng là thời khắc của hoài niệm, của những nỗi nhớ người thân khi xa quê hương. Thế nhưng, với những người bạn sinh viên nước ngoài đang học tập tại Việt Nam, họ đã vợi bớt đi nhiều nỗi nhớ nhà bởi họ được thêm một lần đón Tết cổ truyền của người Việt với biết bao tình cảm mến thương mà các bạn Việt Nam dành cho họ. Với họ, Tết Việt mãi là những kỷ niệm đẹp nhất, lung linh sắc màu…

Những ngày cuối năm dù bận rộn đến mấy tôi cũng không thể không đến chung vui đón Tết với các bạn sinh viên nước ngoài đang học tập tại Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt (Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn). Và cũng đã trở thành thông lệ, nhiều năm trở lại đây, Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt đã tổ chức Ngày hội văn hóa quốc tế cho các bạn sinh viên nước ngoài đang học tập tại đây.

PGS.TS Nguyễn Thiện Nam, Trưởng khoa từng tâm sự với chúng tôi rằng, anh và các thầy cô, các bạn sinh viên Việt Nam muốn tổ chức ngày Văn hóa quốc tế là để giúp sinh viên nước ngoài vợi bớt nỗi nhớ nhà, để họ không cảm thấy cô đơn khi xuân về không được quây quần bên người thân. Qua sự kiện này, Khoa còn muốn bắc thêm nhịp cầu văn hóa giữa các dân tộc, ngày hội cũng là dịp để các bạn sinh viên Việt Nam và sinh viên nước ngoài mang đến cho nhau những nét cổ truyền trong ngày Tết, qua những món ăn, những bài hát, những điệu múa đậm chất dân tộc. Và thật lạ, khi được uống món rượu sake của các bạn sinh viên Nhật Bản, hay được nếm thử món bánh trôi cổ truyền của các bạn sinh viên Trung Quốc với chất gừng cay lịm, một tình cảm mến thương, một xúc cảm dịu ngọt cứ dâng nhẹ trong lòng khi tôi được thưởng thức các món ăn đậm chất văn hóa dân tộc mà các bạn sinh viên nước ngoài mang đến để trình diễn, trổ tài.

Năm hết Tết đến, ai cũng muốn trở về với gia đình, với anh chị em bạn bè, được quây quần với người thân. Còn các bạn vì điều kiện học hành, họ tình nguyện ở lại Việt Nam, nhưng có bạn chia sẻ, bù lại họ được ăn Tết với các bạn Việt Nam, điều đó cũng thật sự có ý nghĩa và không phải lúc nào cũng có cơ hội.

Các bạn sinh viên Ba Lan đang mời bạn bè người Việt thưởng thức món bánh Barszcz, Pierogi và rượu Robrowka.

12 gian hàng ẩm thực của Ngày hội văn hóa quốc tế có chủ nhân là các bạn sinh viên Việt Nam, sinh viên Trung Quốc, Hàn Quốc, Nga, CH Séc, sinh viên Mông Cổ, Nhật Bản… Các bạn sinh viên Trung Quốc miệt mài nặn bánh trôi, những chiếc bánh trôi to hơn bánh trôi của người Việt một chút, bột trắng mịn màng, sóng sánh trong nước gừng cay ngọt. Các bạn Nhật Bản thì dường như đã dành trọn tâm huyết của mình vào món cà ri kiểu Nhật và món rượu sake. Một bạn người Nhật cho tôi hay, đây cũng là món ăn được ưa chuộng trong ngày Tết cổ truyền của người Nhật, món rượu này có thể uống nóng sau khi ngâm chai vào nước sôi. Uống rượu sake bằng cốc gỗ cũng là một cách thưởng thức văn hóa ẩm thực rất trang trọng của người Nhật. Món rượu cay nồng này làm con người ta quên đi mọi ưu phiền, vị tha và gần nhau hơn.

Tại gian hàng của các bạn sinh viên Hàn Quốc, tôi được chiêm ngưỡng sự khéo léo của các bạn sinh viên khi họ chế biến món tokbokki, hay còn gọi là món bánh gạo. Đây là một trong những món ăn phổ biến nhất tại Hàn, có mặt tại hầu khắp các xe bán hàng rong tại Seoul. Món bánh này được làm từ bột gạo nặn thành viên dài, sau đó hầm với ớt đỏ và hành nên mang một màu đỏ cam rất đặc trưng. Ăn vào vị cay nóng của bánh cứ làm ta phải xuýt xoa, thật khó quên.

Trong khi đó, các bạn sinh viên châu Âu lại mang đến những món ăn rất đặc trưng của xứ lạnh. Gian ẩm thực của sinh viên Đức trắng xóa bột để nặn bánh mỳ kiểu Đức. Các bạn sinh viên người Nga thì không thể quên món salat Nga truyền thống. Thật thú vị khi các bạn nữ sinh viên Nga đã mặc những bộ trang phục truyền thống với hai bím tóc tết ngộ ngĩnh. Thêm nữa, gian hàng của sinh viên Ba Lan thật quyến rũ với bánh Barszcz, Pierogi và rượu Robrowka. Đây cũng là món ăn rất đặc trưng của người Ba Lan trong dịp Tết. Nhưng có một điều thú vị hơn nữa là các bạn sinh viên nước ngoài vô cùng hứng thú với món ăn cổ truyền của gian hàng ẩm thực Việt Nam. Đó là những món ăn thân quen không thể thiếu trong Tết Việt. Một sinh viên người Nga nói với tôi bằng giọng nói tiếng Việt còn chưa thạo, rằng cô không thể quên được cảm giác lần đầu tiên được ăn bánh chưng của các bạn sinh viên Việt Nam, độ quánh dẻo của gạo nếp, mùi thơm ngai ngái của lá dong và mùi thơm ngậy của thịt, đỗ xanh quện vào khó cưỡng.

Ở gian hàng của sinh viên K56 Việt Nam học là những món ăn truyền thống như canh mọc, nộm thịt bò khô và chả quả quýt… Có lẽ các sinh viên đều cố gắng mang đến màu sắc ẩm thực đặc trưng của quê hương mình trong mỗi gian hàng, họ đều muốn gửi gắm tình cảm của mình trong những món ăn như một món quà tặng nhau ngày Tết.

Ngày hội văn hóa quốc tế còn thu hút các bạn sinh viên nước ngoài qua phần thi Tìm hiểu đất nước và con người Việt Nam. Những câu hỏi lí thú, những phần quà hấp dẫn đã giúp các bạn sinh viên có thêm niềm vui trong ngày hội, đồng thời đó cũng là một dịp để các bạn sinh viên quốc tế có thể tìm hiểu về đất nước mà các bạn đang sinh sống và học tập. Rồi các tiết mục văn nghệ cũng đậm chất dân tộc đã được các bạn sinh viên đến từ nhiều nước trình diễn với một tình cảm thiết tha, sâu lắng. Ở đây dường như không còn ranh giới của quốc gia, của tuổi tác, tất cả đều hòa mình vào một không gian đậm chất Tết cổ truyền của người Việt…

Trong những ngày giáp Tết, tôi còn may mắn được đi cùng Thành đoàn Hà Nội, Hội Sinh viên Hà Nội đến trao quà, chia sẻ với các bạn sinh viên nước ngoài đang theo học tại trường ĐH Bách khoa, ĐH Nông nghiệp I, ĐH Sư phạm Ngoại ngữ và ĐH Hà Nội. Hơn 100 bạn sinh viên nước ngoài đã nhận được món quà ấm áp của tuổi trẻ Thủ đô. Món quà giản dị chỉ có các loại mứt Tết cổ truyền như mứt gừng, mứt bí, mứt dừa, hộp chè nhỏ và bánh kẹo nhưng đã đến thật đúng lúc, cũng phần nào giúp các bạn sinh viên nước ngoài được ấm lòng vì xung quanh họ vẫn còn có những người bạn.

Sinh viên Ma Sopheakmakara (Campuchia) đang theo học Khoa Kinh tế thuộc ĐH Kinh tế Quốc dân giọng run run xúc động nói với chúng tôi rằng, những món quà ân tình này sẽ theo em mãi. Khi trở về quê hương, em sẽ kể cho các anh chị của mình nghe về tấm lòng của bạn trẻ người Việt. Ma Sopheakmakara còn chia sẻ, ngày cận Tết em được các bạn sinh viên người Việt đưa sang làng gốm Bát Tràng. Em đã tự tay nặn lấy một bình gốm hình trái tim mang về quê hương làm kỷ niệm, tượng trưng cho những tình cảm ấm áp mà em nhận được từ bạn bè Việt Nam trong những năm tháng theo học tại đây.

Thu Phương
.
.
.