Khẩu súng carbine - kỷ vật thiêng liêng của cận vệ Bác Hồ
Trong số hơn 300 tài liệu, hình ảnh hiện vật về Bác với lực lượng Công an được lưu giữ bảo quản và trưng bày tại Bảo tàng kỷ vật, để lại nhiều cảm xúc cho khách tham quan là “Khẩu súng carbine của đồng chí Hoàng Hữu Kháng sử dụng để bảo vệ Bác Hồ tại chiến khu Việt Bắc”. Khẩu súng được trưng bày trang trọng, chính giữa phần sưu tập hiện vật của tiểu đội AT, AD (tiền thân của Trung đoàn 600 - Bộ Tư lệnh Cảnh vệ).
Đồng chí Hoàng Hữu Kháng (1912-1993) tên thật Nguyễn Văn Cao, quê xã Minh Tân, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình; nguyên Thiếu tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Cục trưởng Cục Cảnh vệ, Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an). Đồng chí Hoàng Hữu Kháng là một trong 8 đồng chí bảo vệ được Bác đặt tên, ông được giao nhiệm vụ bảo vệ Bác từ tháng 4/945 cho đến khi Bác mất, ngày 2/9/1969.
Với tầm nhìn chiến lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận định rõ âm mưu, hành động của thực dân Pháp sau ngày Cách mạng Tháng Tám thành công. Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn Việt Bắc là Khu căn cứ kháng chiến quan trọng nhất khi thực dân Pháp quay trở lại xâm lược.
Đồng chí Hoàng Hữu Kháng nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị về khẩu súng carbine mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giao cho ông để làm nhiệm bảo vệ Người và Trung ương Đảng. |
Tháng 11/1946, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định thành lập Đội công tác đặc biệt do Trần Đăng Ninh (người trực tiếp chỉ đạo công tác Công an) phụ trách, chuyên lo việc nghiên cứu di chuyển và chọn địa điểm an toàn đặt các cơ quan Trung ương. Một số địa điểm thuộc huyện Định Hóa (Thái Nguyên), Chợ Đồn (Bắc Kạn) được chọn làm nơi ở và làm việc của các cơ quan Trung ương Đảng và Chính phủ trong trường hợp phải rời khỏi Thủ đô.
Ngày 6-3-1947, trên đường hành quân bảo vệ Bác Hồ trở lại căn cứ địa Việt Bắc, tại nhà ông Nguyên ở xóm Đồi, xã Cổ Tiết, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ, Chủ tịch Hồ Chí Minh gọi những chiến sĩ theo bảo vệ Bác để hội ý. Bác nói: “Tình hình chiến sự ngày càng mở rộng. Hôm nay Bác đặt lại tên cho các chú, vừa để giữ bí mật, vừa ngày ngày gọi tên các chú thành một khẩu hiệu sống nhắc nhở nhiệm vụ, nêu cao quyết tâm vượt khó khăn, đưa kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn... Trường Kỳ Kháng Chiến Nhất Định Thắng Lợi”.
TRƯỜNG - Võ Trường, tên thật là Võ Chương.
KỲ - Vũ Kỳ, tên thật Vũ Long Chuẩn.
KHÁNG - Hoàng Hữu Kháng, tên thật Nguyễn Văn Cao.
CHIẾN - Tạ Quang Chiến, tên thật Nguyễn Hữu Văn.
NHẤT - Hồ Văn Nhất, tên thật Hoàng Văn Phúc.
ĐỊNH - Võ Viết Định, tên thật Chu Phương Vương.
THẮNG - tên thật Nguyễn Văn Chí, tức Nguyễn Văn Huy.
LỢI - Trần Lợi, tên thật Trần Đình.
Các đồng chí trong tổ bảo vệ luôn nêu cao tinh thần, xây dựng kế hoạch, phương án bảo vệ thường xuyên cũng như đột xuất, nhằm bảo đảm tuyệt đối an toàn cho Bác các đồng chí lãnh đạo và cơ quan đầu não của Đảng, Nhà nước…
Năm 1948, khi nhận được khẩu súng carbine (là chiến lợi phẩm đơn vị thu được tại trận đánh của Tây Bắc) do đơn vị bộ đội X tặng, Bác trực tiếp giao lại cho đồng chí Hoàng Hữu Kháng phụ trách đội bảo vệ tiếp cận tại khu rừng Việt Bắc lúc bấy giờ. Đồng chí Hoàng Hữu Kháng đã sử dụng súng này trong công tác bảo vệ, cùng với đồng đội đảm bảo an toàn cho Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng tại chiến khu Việt Bắc.
Với khẩu súng carbine, ông đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ tuyệt đối an toàn Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo, cơ quan đầu não của Đảng, Nhà nước, góp phần quan trọng trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
Được Bác trao cho khẩu súng, đồng chí coi như một báu vật và là niềm vinh dự, cũng như trọng trách để ông hoàn thành mọi nhiệm vụ. Mãi những năm tháng sau này ông vẫn thường kể chuyện với cán bộ chiến sĩ Cảnh vệ trong đơn vị về khẩu súng carbine mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giao cho ông để làm nhiệm bảo vệ. Đặc biệt kể với các chiến sĩ về Bác - Người đã trực tiếp dạy bảo, với cán bộ chiến sĩ Cảnh vệ như thực hiện tốt phương châm Bác đã dạy “tuyệt đối giữ bí mật”; đoàn kết, phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng, các tầng lớp nhân dân trong công tác bảo vệ.
Những câu chuyện Bác rèn giũa các chiến sĩ về đạo đức lối sống về nghiệp vụ công tác và còn tận tình hướng dẫn các chiến sĩ từng động tác trong buổi tập võ thuật, hay mỗi đường bóng đẹp trong buổi tập thể thao để nâng cao rèn luyện sức khỏe rèn luyện, nâng cao võ thuật. Ở chiến khu Việt Bắc, Bác cháu luôn cùng nhau chia ngọt sẻ bùi giữa một vị lãnh tụ và các đồng chí bảo vệ trong từng bữa ăn, giấc ngủ, trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày.
Năm 1986, khi được các cán bộ Bảo tàng CAND đến sưu tầm về hiện vật những năm tháng công tác được phục vụ và bảo vệ Bác Hồ, đồng chí Hoàng Hữu Kháng đã không ngần ngại trao lại cho Bảo tàng lưu giữ, bảo quản phát huy.
Tham quan tại Bảo tàng Công an ngày 10/1/2020, đồng chí Trung tá Phạm Thị Bắc Hà, cán bộ Công an tỉnh Phú Thọ viết: “Tôi rất xúc động khi tham quan Bảo tàng CAND hôm nay. Tự hào trước truyền thống anh dũng, mưu trí, vì nước quên thân vì dân phục vụ. Đặc biệt, tôi ấn tượng với khẩu súng carbine đồng chí Hoàng Hữu Kháng đã sử dụng để bảo vệ Bác Hồ tại chiến khu Việt Bắc. Khẩu súng là kỷ vật kể mãi những câu chuyện về niềm vinh dự tự hào lực lượng Công an được phục vụ và bảo vệ Bác”.
Tham quan tại Bảo tàng ngày 17/1/2020, anh Nguyễn Thành Long, Ngọc Thụy, Long Biên (khách tham quan tự do) viết: “Đến tham quan Bảo tàng Công an, tôi thấy thật xúc động về những hiện vật của các chiến sĩ Công an nhân dân đã hy sinh vì nhân dân, vì Tổ quốc. Và đặc biệt là sưu tập hiện vật lực lượng Công an sử dụng bảo vệ Bác Hồ, như khẩu súng carbine của đồng chí Hoàng Hữu Kháng, điều kiện còn khó khăn thiếu thốn về phương tiện vũ khí, các đồng chí vẫn bảo vệ tuyệt đối an toàn cho Bác trong những năm tháng chiến tranh”.