Gia tăng người nghiện ma túy đá
- Đối tượng nghiện ma tuý dẫn đến trộm, cướp gia tăng
- Lần theo tín hiệu định vị, bắt kẻ trộm nghiện ma túy đá
- Bắt cặp đôi nghiện ma túy đá gây ra hơn 10 vụ cướp
- Triệt phá ổ nhóm nghiện ma túy đá trộm cắp tài sản
Theo con số được Cục Phòng chống tệ nạn xã hội đưa ra, tính đến tháng 12-2017, toàn quốc có 222.582 người nghiện, tuy nhiên tính đến tháng 6-2018 số lượng người nghiện ma túy tăng thêm đáng kể. Điều đáng ngại nhất là số người sử dụng nhóm ma túy tổng hợp (ma túy đá) tăng đột biến. Có những tỉnh tăng đến 50-60%.
Báo động ma túy đá
Theo Cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội Nguyễn Xuân Lập, vấn đề đáng lo nhất hiện nay là việc gia tăng đột biến số lượng người nghiện ma túy đá, đặc biệt tại các tỉnh trọng điểm như: Hà Nội, Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh số người sử dụng ma túy đá lên đến 85%.
“Có những người nằm trong chương trình Methadone rồi nhưng cũng vẫn sử dụng ma túy đá, gây loạn thần, ảo thanh, ảo giác, tự kỷ, không kiểm soát được hành vi của mình, gây mất trật tự an ninh, an toàn xã hội”, ông Lập nói và lấy ví dụ tại một cơ sở cai nghiện ở Ninh Thuận do ông trực tiếp khảo sát có đến 95% người nghiện ma túy tổng hợp.
Công tác tổ chức cai nghiện cho người nghiện ma túy hiện đang còn nhiều khó khăn. |
Tỉnh Bình Thuận số người nghiện ma túy tổng hợp ngoài cộng đồng khoảng 20%, sang năm 2018, mới chỉ mấy tháng đầu năm đã là 46%, tăng gấp đôi so với con số của năm 2017. Hiện nay, tình trạng nghiện ma túy tổng hợp tiếp tục gia tăng. Tại các địa phương, tỷ lệ sử dụng loại này chiếm khoảng 60-70% số người nghiện.
Theo khảo sát mới đây của Cục Phòng chống tệ nạn xã hội, ở các tỉnh miền Trung và miền Nam, tỷ lệ sử dụng ma túy tổng hợp lên đến 85% trong tổng số người nghiện. Tại Hà Nội, Hải Phòng và TP Hồ Chí Minh có khoảng 40% người nghiện heroin có sử dụng ma túy tổng hợp và số này có tỷ lệ loạn thần cao gấp 9,7 lần số không sử dụng ma túy tổng hợp.
Viện Nghiên cứu sức khỏe tâm thần cho hay loạn thần ở người sử dụng ma túy tổng hợp chủ yếu là hoang tưởng chiếm tỷ lệ 68,2%, ảo giác là 72,7%, trầm cảm chiếm 23,8% và 15% trầm cảm trong thời gian 3 năm sau khi sử dụng ma túy tổng hợp. Những người trầm cảm thường có hành vi tự sát, gây rất nhiều khó khăn cho cơ sở cai nghiện.
Theo đánh giá của ông Nguyễn Xuân Lập, dù đã có nhiều giải pháp, tuy nhiên, tình hình về tội phạm ma túy và nghiện ma túy vẫn diễn biến hết sức phức tạp, gia tăng cả về số lượng, tính chất, mức độ ngày càng khó kiểm soát.
Cai nghiện đang gặp nhiều khó khăn
Theo thông tin từ Cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐ-TB&XH), hiện cả nước có khoảng gần 35.000 học viên đang điều trị tại các cơ sở cai nghiện, trong đó, cai nghiện bắt buộc theo quyết định của Tòa án là gần 24.000 người, cai nghiện tự nguyện tại cơ sở công lập chỉ khoảng gần 6.000 người.
Đối với công tác cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng, ông Nguyễn Xuân Lập cho rằng, hiện công tác này đang gặp rất nhiều khó khăn, số người được cai nghiện giảm dần, nguyên nhân cơ bản do người nghiện và g ia đình người nghiện ma túy không tự khai báo và đăng ký cai nghiện, không hợp tác để tổ chức cai…
Bên cạnh đó, còn do các cán bộ tổ chức công tác cai nghiện chủ yếu vẫn là kiêm nhiệm, chưa chuyên nghiệp, chưa được đào tạo bài bản, cấp ủy, chính quyền nhiều tỉnh, thành phố chưa triển khai quyết liệt và bố trí kinh phí để thực hiện.
Đề cập đến những khó khăn trọng công tác cai nghiện hiện nay, tại hội thảo rất nhiều ý kiến cho rằng, một số quy định của Luật Phòng, chống ma túy hiện nay chưa tương thích với Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Ngoài ra, nhiều địa phương chưa quan tâm bố trí kinh phí cho cai nghiện tại cộng đồng để tổ chức các điểm tư vấn, điều trị cắt cơn. Các cơ sở cai nghiện bắt buộc được xây dựng đã nhiều năm, nhưng chưa được nâng cấp, sửa chữa, cải tạo để phù hợp với yêu cầu chuyển đổi.
“Cấp ủy, chính quyền ở một số địa phương chưa thật sự thống nhất về quan điểm đối với người nghiện ma túy; có quan điểm cần phải đưa hết vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; trong khi Đề án đổi mới công tác cai nghiện đã được Thủ tướng phê duyệt là hướng tới chủ yếu cai nghiện tự nguyện và tại cộng đồng”, ông Lập cho biết.
Thực tế phản ánh của nhiều địa phương cho thấy, ngay khi Nghị định 94/2010/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ ban hành, quy định về cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng, nhiều địa phương đã triển khai thực hiện. Tuy nhiên, khi áp dụng vào thực tiễn lại gặp không ít khó khăn như: Không đủ điều kiện về cơ sở vật chất, kinh phí hỗ trợ cho người thực hiện công tác cai nghiện cộng đồng không có, thuốc hỗ trợ cho người nghiện không đủ liều tấn công cắt cơn và phương pháp hỗ trợ tâm lý cho người sau cai nghiện tại xã, phường, thị trấn.
Đặc biệt, hầu hết ở các địa phương thực hiện cai nghiện tại cộng đồng không có cơ sở dạy nghề để tổ chức truyền nghề, đào tạo việc làm, phục hồi và quản lý sau cai nghiện. Chính vì vậy mà trên 90% đối tượng cai nghiện tại gia đình và cộng đồng đều tái nghiện
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà cho rằng, trước tình trạng người sử dụng ma túy gia tăng, độ tuổi sử dụng ngày càng trẻ hóa, công tác cai nghiện cần đổi mới toàn diện theo hướng thân thiện, tích cực với người nghiện ma túy.
Bộ LĐ-TB&XH đang xây dựng các mô hình mới trong công tác cai nghiện ma túy theo hướng tăng số người được điều trị dựa vào cộng đồng để từng bước giảm tỷ lệ tái sử dụng ma túy và ngăn ngừa có hiệu quả số người nghiện mới.
Tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH và Thiếu tướng Phạm Văn Các, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) cùng đại diện Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội và Cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) đã ký kết chương trình phối hợp công tác trong lĩnh vực phòng chống tệ nạn xã hội, ma túy và công tác phối hợp trong việc điều trị cai nghiện cho người nghiện ma túy.