Gia tăng án mạng vì nguyên nhân xã hội ở Sơn La

Thứ Hai, 18/09/2017, 09:20
Chỉ vì mâu thuẫn trong sinh hoạt cá nhân, trong dòng họ; ra đường bắt gặp cái “nhìn đểu” hay nảy sinh ghen tuông… mà trong phút giây nóng giận đã dẫn đến nhiều án mạng đau lòng ở vùng cao Sơn La. Giết người do nguyên nhân xã hội chiếm trên 80% số vụ trọng án ở đây. Tập tục của đồng bào dân tộc đã ăn sâu, bén rễ trong đời sống, nếu không được tuyên truyền, giáo dục, gỡ bỏ nút thắt mâu thuẫn, thì án mạng vẫn tiếp tục gia tăng. 


Trong mấy năm gần đây, mâu thuẫn tình ái dẫn tới ghen tuông gây án mạng xuất hiện nhiều ở Sơn La. Nguyên nhân chủ yếu là giữa đối tượng và nạn nhân không giải quyết được mâu thuẫn, dẫn tới kết cục bi thảm. Vụ án Sầm Văn Thương là một bài học về mối quan hệ cá nhân không được giải quyết triệt để.

Sầm Văn Thương, 30 tuổi trong một gia đình nghèo ở xã An Bình, huyện Lạc Thủy (Hòa Bình) nên không được đi học. Lớn lên, Thương đi làm thuê tại các tỉnh Lạng Sơn, Hà Nội và Gia Lai. Năm 2010, Thương sinh sống với một cô gái quê ở Ninh Bình (không đăng ký kết hôn) và có với nhau một đứa con gái. Sau khi cô gái này bỏ nhà ra đi, Thương gửi con cho mẹ đẻ, còn mình đi lên huyện Vân Hồ (Sơn La) làm thợ khai thác đá thuê cho người em họ là Nguyễn Văn Tiến. Tại đây, Thương đã gặp và quen chị Đinh Thị Thiết (là chủ lán nương mà anh Tiến thuê để cho công nhân ở).

Thương đây được một tháng thì chồng chị Thiết bị Công an huyện Vân Hồ bắt vì tàng trữ trái phép chất ma túy. Lửa gần rơm nên Thương và chị Thiết nảy sinh tình cảm. Người phụ nữ vắng chồng và đàn ông không vợ đã lao vào tình yêu say đắm. Anh Tiến biết được quan hệ giữa hai người nên đã ngăn Thương tiếp tục duy trì chuyện tình này. Nhưng Thương và chị Thiết thỉnh thoảng vẫn liên lạc và lén lút gặp nhau.

Một hôm, Thương gọi điện đòi gặp chị Thiết, chị Thiết hỏi xin Thương tiền đi khám chân bị đau. Thương không có tiền, chị Thiết nói mình sẽ đi vay và không đồng ý gặp. Về lán, Thương uống rất nhiều rượu, sau đó anh ta điện thoại cho chị Thiết, hẹn gặp nhau ở bãi đá để giải quyết nhu cầu tình cảm, đồng thời đưa tiền để chị đi chữa bệnh. Tuy nhiên, khi gặp nhau hai người xảy ra mâu thuẫn khi Thương không có đủ tiền đưa cho chị Thiết.

Phòng ngừa là biện pháp hữu hiệu, để xảy ra hậu quả mới đi giải quyết thì đã muộn.

Sau khi chị Thiết từ chối tình cảm và dọa báo cho anh Tiến biết việc Thương vẫn tiếp tục quan hệ với mình, lo sợ bị đuổi việc nên Thương đã như phát điên mà giết chị Thiết. Đại úy Hoàng Văn Sơn, Đội trưởng Đội 3, Phòng Cảnh sát hình sự (PC45), Công an tỉnh Sơn La cho biết, sau khi xác minh mối quan hệ của nạn nhân thì thấy số máy của Thương nhiều lần gọi cho chị Thiết. Khi triệu tập Thương lên cơ quan điều tra, tay chân anh ta có biểu hiện rất run. Đấu tranh một lúc thì Thương khai toàn bộ quá trình phạm tội.

Mâu thuẫn, thù tức cá nhân trong một thời gian dài không được giải tỏa  đã dẫn tới uất ức dần tích tụ mà bộc phát giết người – đây là một trong những nguyên nhân làm gia tăng trọng án ở vùng cao. Thượng tá Tòng Văn Siêng, Phó trưởng Phòng PC45 cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2017 tại Sơn La xảy ra 14 vụ giết người thì trong đó có 12 vụ là giết người do nguyên nhân xã hội.

Giết người do nguyên nhân xã hội lại đặc biệt xảy ra nhiều ở vùng đồng bào dân tộc. Chỉ vì ghen tuông và thù tức cá nhân không được giải quyết mà Nguyễn Văn Dũng, 37 tuổi, trú tại xã Thọ Diên, huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa) không chỉ đánh tình địch mà còn giết cả mẹ vợ. Sau khi mãn hạn tù về tội “Trộm cắp và cướp tài sản”, Dũng lên Mộc Châu (Sơn La) làm thợ thạch cao.

Tại đây, Dũng kết hôn với chị Phạm Thị Hải, trú tại thị trấn Mộc Châu nhưng vẫn chứng nào tật nấy, anh ta lại bị bắt và kết án 15 tháng tù về tội trộm cắp tài sản. Trong thời gian thi hành án, TAND huyện Mộc Châu đã xử ly hôn cho chị Hải. Mãn hạn tù, Dũng về Mộc Châu làm nghề thợ sơn.

Trong thời gian này, Dũng gặp chị Hải ngồi sau xe một người đàn ông, lòng ghen nổi lên, hắn đánh người này giữa đường. Sau đó, do mâu thuẫn với mẹ vợ (cũ) và bị mẹ vợ chửi, không cho gặp con gái, vì nghĩ lúc mình ở trong tù, bà đã xúi giục chị Hải ly hôn với mình, rồi lại giới thiệu nhiều người đàn ông khác đến với chị Hải, ngăn cản chị quay lại với mình nên trong lòng Dũng luôn ghi hận.

Uất ức tích tụ lâu ngày, Dũng nảy sinh giết mẹ vợ - bà Phạm Thị Len. Sau khi giết bà Len, Dũng còn trói chị Hải, khống chế, đe dọa, uy hiếp yêu cầu chị đưa tiền để hắn chạy trốn. Hắn về Thanh Hóa hẹn gặp người nhà lần cuối trước khi chuẩn bị trốn vào Nam tại phường Đông Vệ (TP) Thanh Hóa thì bị Công an tỉnh Sơn La phối hợp với Công an Thanh Hóa bắt giữ. 

Theo Thượng tá Tòng Văn Siêng thì để phòng ngừa và ngăn chặn các vụ trọng án có nguyên nhân xã hội cần sự quan tâm chỉ đạo của các lực lượng, các ngành chức năng của địa phương. Việc mở các lớp tuyên truyền về tập quán nhằm nâng cao nhận thức của người dân, tìm ra các nguyên nhân mâu thuẫn và giải quyết ngay từ cơ sở là vô cùng cần thiết.

Nếu để án mạng xảy ra rồi mới giải quyết, xử lý thì không đem lại kết quả. Điển hình nhất là vụ trọng án xảy ra  tại Trường THPT Thảo Nguyên (huyện Mộc Châu) gần đây. Do mẫu thuẫn tình cảm, học sinh lên Facebook nói xấu nhau và dọa giết. Do đã nhiều lần bị dằn mặt và đánh, nên học sinh này lo sợ đã mang dao đến lớp để phòng bị. Trong lúc xảy ra xô xát, nam học sinh mang theo dao đã lấy từ ngăn bàn ra đâm vào học sinh đã đe dọa mình dẫn tới án mạng.

Theo Thượng tá Tòng Văn Siêng thì công tác quản lý của gia đình, giáo dục của nhà trường phải đặc biệt quan tâm thì mới kịp thời phát hiện mâu thuẫn mà tháo gỡ, khuyên răn. Bạo lực học đường đang trở thành vấn đề nóng, do vậy Phòng PC45 đã phối hợp với Sở Lao động Thương binh và Xã hội tổ chức các buổi tuyên truyền về công tác phòng chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em ở các địa bàn trọng điểm, nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm vào cuộc của các ngành, các nhà trường và phụ huynh.

Trần Hằng – Nguyễn Hương
.
.
.