Dịch bệnh từ những dòng kênh chết

Thứ Hai, 24/07/2017, 08:06
Kênh 19-5, thuộc địa phận quận Tân Phú và Bình Tân, được xem là một trong những con kênh có mức độ ô nhiễm nặng nề nhất ở TP Hồ Chí Minh sau kênh Ba Bò, nối từ Bình Dương tới địa phận TP Hồ Chí Minh.

Hàng chục năm qua, các hộ dân sinh sống ven con kênh này phải sống chung với đủ mùi hôi và dịch bệnh đe dọa, nhất là thời gian gần đây đại dịch sốt xuất huyết đang bùng phát.

Làm một chuyến “khảo sát” dọc con kênh này, chúng tôi không ít lần suýt... ngộp thở vì mùi hôi thối quá mức chịu đựng. Đặc biệt, đoạn hạ nguồn, nơi người dân họp chợ, chợ kênh 19-5, mật độ nhà dân đông đúc, rác thải, nước sinh hoạt từ khu chợ xả ra làm dòng kênh lềnh bềnh rác và xác động vật chết.

Sống sát con kênh, bà Trần Thị Lệ (64 tuổi, ngụ phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân) cho biết, ngày trước dòng kênh này còn trong sạch, mưa xuống cá còn bơi cả lên bờ, giờ thì chỉ còn muỗi mòng chuột bọ mới sống nổi trên con kênh nước đen này. Mùi hôi thối xộc thẳng vào mũi, khổ sở nhất là vào khi trời nắng gắt. Buồn nhất là không dám mời người thân tới nhà vì mỗi khi tới chơi khách phải… bịt mũi.

Trước sự ô nhiễm trầm trọng của kênh 19-5, anh Nguyễn Văn Lực (39 tuổi, ngụ phường Tây Thạnh, quận Tân Phú) không khỏi bức xúc: “Con kênh từng được ví như... chiếc máy điều hòa của dân cư.

Khi triều dâng ngập, kênh giúp thoát nước mau chóng. Mùa nắng nóng, hơi nước từ con kênh bốc lên giúp cư dân giải nhiệt. Tuy nhiên, giờ thì nó là nguồn có nguy cơ gây bệnh tật cho người già, trẻ nhỏ. Con kênh xanh xanh ngày nào giờ được mệnh danh là con kênh hôi thối nhất thành phố”.

Ông Phan Thanh Phong, Phó Trưởng phòng TN&MT quận Bình Tân thông tin, với dòng kênh 19.5, nguồn ô nhiễm chủ yếu do rác thải, tác động của quá trình đô thị hóa, dân số tăng lên nhanh chóng. Cơ quan quản lý Nhà nước tiếp nhận phản ánh, sau đó sẽ khoanh vùng, theo dõi các địa chỉ có thể gây ra ô nhiễm để xử lý.

Người dân quanh đây cho biết, tháng nào nhân viên y tế phường cũng về xịt thuốc chống sốt xuất huyết, dịch bệnh Zika... nhưng chỉ như “ném đá ao bèo”. 

Hiện chính quyền địa phương đã nỗ lực làm sạch con kênh 19-5. Quận giao cho phường, nơi có kênh chảy qua thực hiện việc vớt rác, làm sạch bề mặt. Đơn vị quản lý kênh thì lo việc nạo vét.

Hôm đi “khảo sát”, chúng tôi gặp một số công nhân đang thu gom rác dưới kênh, nhìn ai cũng lấm lem bùn đất, dụng cụ bảo hiểm chỉ có mỗi đôi ủng và găng tay vải.

Công nhân cho biết, ngoài rác thải sinh hoạt, xác động vật chết… còn rất nhiều chai lọ, mảnh thủy tinh, đôi khi những tấm kính to bằng mặt bàn, nói chung tất tần tật, cái gì họ cũng quẳng xuống kênh, hầu hết người thu gom rác ít nhất cũng một lần bị thương. 

Trước đây, kênh Ba Bò cũng bị ô nhiễm nặng bởi nước thải của một KCN đóng trên địa bàn, Sở TN&MT TP Hồ Chí Minh được giao nhiệm vụ xây dựng hệ thống xử lý nước thải. Tuy nhiên, ngân sách rót vào hơn 1.000 tỷ đồng, nhưng hơn 10 năm qua, dòng kênh vẫn chưa hết ô nhiễm khiến cử tri bức xúc.

Mới đây, Sở TN&MT có đề xuất UBND TP chi tiền tỷ để làm sạch kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Tuy nhiên liệu tiền tỷ có thể phục hồi được các dòng kênh “chết” nếu Nhà nước nỗ lực làm trong khi nhiều người dân và một bộ phân công ty, xí nghiệp thiếu ý thức lại cố tình xả rác, nước thải ra môi trường?

Bùi Thanh
.
.
.