Nhiều dịch bệnh gia tăng vào mùa hè

Thứ Năm, 13/07/2017, 16:47
Trao đổi với báo chí về tình hình dịch bệnh mùa hè năm nay, ngày 13-7, ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, 6 tháng đầu năm 2017, nhiều dịch bệnh tăng cùng với số ca mắc cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong đó, có 59 người tử vong do dịch bệnh, gồm 35 ca tử vong do bệnh dại, 14 ca tử vong do sốt xuất huyết và 10 ca tử vong do viêm não virus.

Cả nước đã có hơn 45.000 người mắc sốt xuất huyết, tập trung chủ yếu tại khu vực miền Nam, miền Trung và Tây Nguyên, chiếm hơn 80% số ca mắc. Riêng tại Hà Nội có số ca mắc tăng  cao hơn cùng kỳ năm ngoái tới 400% nhưng vẫn chưa phải là 1 trong 10 địa phương có số ca mắc sốt xuất huyết cao nhất cả nước hiện nay.

Đặc biệt, ông Trần Đắc Phu cũng cho biết, năm nay, dịch sốt xuất huyết đến sớm hơn mọi năm. Nhất là ở Hà Nội, thông thường dịch sốt xất huyết diễn ra vào khoảng tháng 7, tháng 8 nhưng năm nay dịch xuất hiện sớm với số ca mắc nhiều từ tháng 5, tháng 6.

Cũng trong 6 tháng đầu năm, cả nước có gần 400 người mắc bệnh do viêm não virus, trong đó có 10 ca tử vong; trong 62 ca mắc viêm não Nhật Bản, có 1 ca tử vong; 69 ca mắc liên cầu lợn, 4 ca tử vong, tăng 40 ca so với cùng kỳ năm ngoái; 35 ca tử vong do bệnh dại. Tất cả 35 trường hợp tử vong do dại đều không đi tiêm phòng sau khi bị chó dại cắn.

Ông Trần Đắc Phu lý giải việc gia tăng của dịch bệnh trong mùa hè năm nay là do điều kiện thời tiết, khí hậu diễn biến thất thường, nóng ẩm mưa nhiều… muỗi và véc tơ truyền bệnh phát sinh và phát triển mạnh. Bên cạnh đó còn có nguyên nhân từ tập quán sinh hoạt của người dân, vùng miền khiến dịch bệnh mùa hè có nguy cơ bùng phát cao.

Điều được Cục Y tế dự phòng nhấn mạnh là mặc dù một số dịch bệnh gia tăng trong mùa hè nhưng dịch bệnh chưa biến đổi gen, cũng chưa thay đổi độc lực, mà chỉ thay đổi tính chất môi trường khiến nguồn bệnh phát triển.

Chính vì vậy, ông Trần Đắc Phu khuyến cáo người dân chú ý phòng chống các dịch bệnh mùa hè bằng việc vệ sinh sạch sẽ, rửa tay bằng xà phòng, diệt muỗi, bọ gậy…;  ăn chín, uống chín, không ăn tiết canh lợn, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, khô ráo, uống đủ nước và tăng cường dinh dưỡng bằng cách ăn nhiều hoa quả để đảm bảo đủ vitamin, tăng sức đề kháng của cơ thể.

Bên cạnh đó, các gia đình nên thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hàng ngày như: đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặtbàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường; sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, chất thải của trẻ phải được thu gom, xử lý và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh; diệt loăng quăng/bọ gậy; loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng (như: chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, lốp/vỏ xe cũ...).

"Hiện nay, tiêm vaccine phòng bệnh đầy đủ, đúng lịch vẫn là biện pháp phòng bệnh hữu hiệu nhất"- Cục trưởng Cục Y tế dự phòng nhấn mạnh! 

Thanh Hằng
.
.
.