"Kỳ nhân" ngủ hàng giờ dưới... đáy biển!
Gặp được những con người gắn với câu chuyện lạ đó, tôi cảm thấy trân trọng và học được từ họ rất nhiều, nhất là nghị lực và niềm tin mãnh liệt dù cuộc mưu sinh hết sức nghiệt ngã, đôi khi phải trả giá đắt...
Thật tình cờ, trên chiếc tàu cao tốc mang tên Dương Đông rẽ nước từ đất liền Rạch Giá ra “đảo ngọc” Phú Quốc (Kiên Giang) vào thời điểm cách nay ngót 15 năm, tôi đã gặp người mà tôi định đi tìm.
Và câu chuyện về Sáu Hà - người đàn ông có biệt tài ngủ dưới đáy biển hàng giờ giống như ngủ trên bờ thu hút, làm tôi quên hải trình trên biển dài gần 120km. Và suốt đoạn đường gần 20km từ bến tàu tại thị trấn Dương Đông đến nhà Sáu Hà, tôi cứ cảm thấy thú vị về những chi tiết mà “kỳ nhân” này đã kể trên tàu.
Sau gần nửa giờ ngồi xe ôm trên con đường đất đỏ cặp theo bờ biển phía Đông đảo, tôi đã có mặt tại Bãi Bổn, xã Hàm Ninh. Đó là một làng chài ven biển với hàng trăm mái nhà nép mình dưới những rặng dừa rợp bóng.
Vừa về đến, đúng là tự nhiên như... ở nhà nên Sáu Hà cởi bỏ bộ đồ chỉnh tề lúc đi ra ngoài, để lộ thân thân hình hộ pháp. Sáu Hà cười hề hà: “Ở trên bờ, tôi không thích… mặc áo. Vướng víu, nực nội khó chịu lắm”.
Lúc đó, Sáu Hà cũng không giấu giếm cho biết anh vừa cân điện tử, nặng hơn 126kg. Dẫu đã “tuột” so với mấy tháng trước hơn 15kg rồi nhưng thời điểm đó, Sáu Hà cho biết anh đang giữ kỷ lục “người nặng nhất đảo Phú Quốc”. Sáu Hà kể anh bắt đầu nặng lên từ cách đó 22 năm, lúc đó anh 20 tuổi và giữ trọng lượng này cho tới khi tôi gặp anh.
Anh “đô” như thế, vợ anh cũng “với” theo và khi đó, chị cũng nặng gần 80kg. Và cả 6 đứa con của họ cũng “hưởng xái” cái “gen” ba mẹ nó. “Thằng Lú (con trai thứ ba của anh - PV) mới 21 tuổi đã gần 100kg. Thằng Đốm em nó mới cân thử cũng ngoài 60kg rồi. Bốn đứa con gái còn lại thì tối thiểu cũng năm mươi kg...”.
Sáu Hà cho biết ba anh lúc còn khỏe (ông mất tháng 3-2005), ông nặng trên 80kg; anh Hải - anh trai thứ hai của anh nặng cũng gần 90kg. Ba người chị của anh người nào cũng đô. “Vậy nên dân Phú Quốc này gọi chúng tôi là dòng tộc nặng ký”, Sáu Hà cười giòn.
Tôi nhớ vào thời điểm đó, cả làng chài Bãi Bổn có khoảng 100 người lấy nghề lặn biển làm kế sinh nhai. Tôi hỏi thì Sáu Hà giải thích là do nghề lặn biển chẳng cần vốn liếng gì ngoài kinh nghiệm.
“Nếu thời tiết tốt, trung bình mỗi ngày lặn biển, dân lặn làng chài này có thể bắt được cả trăm kí ốc nhảy, vài kí cá ngựa, hải sâm (đồn đột), bán cho mối lái cũng được cả triệu đồng như chơi”, Sáu Hà cho biết. Bằng chứng như ba cha con Sáu Hà, nhờ bám víu vào nghề này ngoài việc lo cho cả nhà 7 miệng ăn, còn dư ra để sắm sửa đủ vật dụng đắt tiền và chuẩn bị xây cất nhà mới.
Dường như sự quan tâm của tôi về chuyện mưu sinh của dân làng chài Bãi Bổn đã đánh thức ký ức của Sáu Hà nên anh say sưa kể thêm về “cái nghiệp lặn” của mình.
“Chưa được 10 tuổi là tôi đã làm quen với sóng biển. Ban đầu, tôi theo ba tôi giữ ghe. Dần dần, tôi biết lội, rồi biết lặn từ hồi nào không hay. Năm lên 16-17 tuổi, tôi có thể lặn sâu tới 5 - 6 sải nước. Còn bây giờ thì chục sải (tương tương 19-20 mét - PV) là chuyện thường”, Sáu Hà tự hào.
Hơn 20 năm mưu sinh bằng nghề lặn biển, Sáu Hà nói anh đã lặn giáp hết vùng biển ven bờ quanh đảo Phú Quốc. Riêng với vùng biển Bãi Bổn cạnh nhà, anh “thuộc” từng hốc đá, rãnh cát dưới đáy biển.
Sáu Hà được người dân và ngư phủ trên đảo nể phục nhất vì khả năng lặn sâu lại lâu dưới biển. Sáu Hà cũng thừa nhận anh có thể trầm mình trong nước biển suốt ngày nếu giữ ống thở đầy đủ và không bị... đói bụng. Một “đồng nghiệp” của anh kể như ông với hai ba chục năm trong nghề cũng chỉ chịu đựng 3 giờ lặn/ngày là cùng.
“Còn Sáu thì quá dữ dội”, ông này kể. Sáu Hà cho biết thường mỗi ngày lặn, anh chỉ nghỉ 2 lần, một lần giữa trưa để... lên ăn cơm và một lần cuối ngày khi cuốn dụng cụ lên bờ.
Tác giả (bìa phải) và "kỳ nhân" Sáu Hà. (Ảnh chụp năm 2004). |
“Cơ thể tôi nhiều lúc dường như không hề biết lạnh, ngược lại, khi trầm mình xuống biển rồi, cả cơ thể thấy mát mẻ, dễ chịu và “phê” lắm. Sướng hơn nhiều so với trên bờ”, anh giải thích. Và chính vì “hạp” với lòng biển cả nên Sáu Hà có thêm cái biệt tài “độc nhất vô nhị” là ngủ dưới đáy biển hàng giờ liền.
Thú thật, khi nghe nói chi tiết này, tôi tin chưa đến 20% dù rằng người kể thề sống, thề chết. Tới khi ra đảo, lân la hỏi thêm nhiều bạn lặn của Sáu Hà, tôi mới cảm thấy mình bị hớ. Anh Tý kể, anh và anh Nhỏ (đều là bạn lặn của Sáu Hà – PV) từng “hết hồn hết vía” khi một lần nọ gặp Sáu Hà ngồi gục đầu bên nhánh san hô bất động. Tưởng rằng đã chầu Diêm Vương ai dè lúc đó Sáu Hà đang... ngủ!
Nhắc lại lần đầu tiên ngủ dưới đáy biển trước lúc anh gặp tôi hơn 2 năm, Sáu Hà cười đến sặc sụa: “Bữa đó tôi nhậu hơi nhiều nên khi lặn xuống một chút là thấy buồn ngủ quá xá. Tôi ngủ gục hồi nào hỏng hay. Tới chừng vuột ống thở, tôi mới giật mình thức dậy, quơ tay chụp lấy ống thở đeo bên hông ngậm vào miệng”.
Kể từ lần đó, các bạn lặn của Sáu Hà vẫn bắt gặp anh hay “đánh giấc” ngon lành dưới đáy biển. Anh Tân, em vợ Sáu Hà, người thường ngồi trên ghe coi chừng bình thở và máy sạc hơi chia sẻ kinh nghiệm: “Hễ thấy bọt hơi nổi trên mặt biển, đi từ chỗ này qua chỗ khác là biết ổng đang săn bắt. Còn mà thấy bọt chỉ ở một chỗ lâu lâu là ổng đang ngủ. Để ổng không ngủ quá giấc, tôi hay gọi ổng dậy bằng cách bẻ cúp ống thở. Bị mất không khí đột ngột, giật mình ngay”, anh Tân kể.
Thân hình hộ pháp của Sáu Hà. |
Nghe Sáu Hà kể từng có nhiều người bị áp suất nước làm bể mạch máu não, tử vong, tôi thắc mắc sao vậy mà anh và nhiều người vẫn không bỏ cái nghề chẳng sung sướng gì lại quá nguy hiểm? Sau một thoáng trầm tư, mắt nhìn ra biển, Sáu Hà bộc bạch: “Ông bà mình đã gắn với biển. Tôi mới đẻ ra đã thấy biển. Cả tuổi thơ gắn với biển và lớn lên, cưới vợ, sinh con, đẻ cái, mưu sinh,… cũng nhờ biển. Không bám biển thì bám vào đâu bây giờ?”.
Như chợt nhớ thêm điều chưa kể, Sáu Hà chia sẻ có rất nhiều điều tuyệt vời khi lặn xuống biển. “Mình như lạc vào thế giới kỳ ảo, không chỗ nào giống chỗ nào, chỗ thì sâu, chỗ thì cạn. Nắng nhiều, nắng ít, nơi có nhiều rong hay nhiều sạn sỏi đều cho những ra màu nước khác nhau. Huyền ảo khó tả lắm”.
“Ai bắt tôi bỏ biển chừng một tuần chắc tôi chết thiệt luôn à! Tính đến hai thằng con tôi, là coi như gia đình tôi theo nghề lặn biển này được 3 đời rồi đó! Sao mà bỏ biển được!”, Sáu Hà nói với tôi mà cũng như “cam kết” với biển...
Ngót 15 năm kể từ ngày gặp con người rất yêu biển này, lần giở lại những ký ức và gọi điện một người bạn ở Phú Quốc, tôi mới hay tin, Sáu Hà đã vĩnh viễn nằm lại với đảo sau một cơn đau đột ngột vài năm trước. Bên ly rượu, tách trà, trong tiếng sóng biển rì rào, dân làng chài Bãi Bổn vẫn luôn nhắc tới anh - con người thích ngủ dưới biển...