“Công nghệ”… rau bẩn ám ảnh mâm cơm gia đình

Chủ Nhật, 20/11/2016, 10:06
Sau nhiều ngày tìm cách tiếp cận, PV Báo CAND cũng có được cái gật đầu của anh N.V.Minh cho phép được trực tiếp mục sở thị quá trình từ lúc trồng cho đến khi thu hoạch rau các loại (đặc biệt là rau muống) tại xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh vào một ngày đầu tháng 11-2016.

Anh Minh kể, đầu năm 2001, trong một lần đi vác phân thuê cho một ông chủ rau ở xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi, nhìn những cánh đồng rau các loại cứ xanh mơn mởn thì anh mê lắm. Ấp ủ ước mơ có được nghề để có cuộc sống đỡ vất vả hơn, Minh đã về bàn với vợ bán căn nhà ở quê lấy tiền đấu thầu thuê 5 sào ruộng của một HTX nông nghiệp để trồng rau muống.

Do không có “bí quyết” nên mặc dù hai vợ chồng bỏ ra rất nhiều công sức, tiền bạc nhưng rau trồng ra cứ xoăn tít lá và cằn cỗi khiến cho các thương lái cứ lắc đầu quầy quậy khi được mời đến xem rau. Anh quyết định đến làng rau ở xã Nhị Xuân (huyện Hóc Môn) xin vào làm công cho một chủ ruộng với mục đích học hỏi kinh nghiệm. Lúc đầu anh chỉ được giao việc phun thuốc trừ sâu, nhưng lâu dần thấy anh chịu khó,  người chủ đã giao cho anh làm thêm các công đoạn từ làm đất, cách bón phân cho đến xịt thuốc tăng trưởng...

Sau 2 tháng học mót được bí quyết “trồng rau bẩn”, anh Minh xin chủ cho nghỉ việc rồi mang toàn bộ qui trình “công nghệ” về áp dụng trên những thửa ruộng của mình và đã thu được thành công ngoài mong đợi. Theo anh Minh quá trình trồng rau được chia thành 4 công đoạn bao gồm làm đất, cấy rau (hoặc gieo hạt), đánh thuốc (phun thuốc trừ sâu) và “tắm mượt” (phun thuốc tăng trưởng cho rau đẹp).

Tôi tỏ ý muốn được nhìn tận mắt quy trình này, Minh đồng ý dẫn tôi đi thực địa trên cánh đồng cách nhà 2 cây số. Trên đường đi, Minh còn nói: “Nếu đến từ 1-3h sáng sẽ được chứng kiến cảnh thu hoạch, người cân rau rồi bốc vác lên xe tải rất nhộn nhịp. Bây giờ là 5 giờ sáng may mắn thì có thể nhìn thấy thực tế một vài người đang đánh thuốc”.

Rau bán được “tắm” đủ thứ hóa chất nên theo anh Minh, các chủ ruộng không bao giờ dám ăn các loại rau, củ trồng ngoài ruộng vì sợ có độc tố cao nên thường dành riêng một góc vườn quanh nhà để trồng các loại rau muống, rau cải… nhưng không sử dụng thuốc để trao đổi qua lại với nhau dùng trong bữa ăn hàng ngày.

Thuốc trừ sâu không rõ nguồn gốc, xuất xứ vứt la liệt ngay góc ruộng rau.

Chúng tôi thắc mắc không biết làm thế nào để phân biệt rau có xịt thuốc tăng trưởng, thuốc trừ sâu không theo quy chuẩn thì anh Minh ngó trước, ngó sau rồi lôi tôi sang khu ruộng kế bên của “hàng xóm”, chỉ dẫn: “Nếu xịt thuốc theo tiêu chuẩn, một số ít lá rau sẽ lỗ chỗ vì còn sâu ăn lá và có màu xanh lục như trên ruộng rau tôi trồng. Còn sử dụng thuốc không theo tiêu chuẩn, thì cây rau cùng lứa sẽ cao hơn bình thường từ 5-7 phân, lá có pha chút màu vàng óng mượt trông rất bắt mắt”, anh Minh cho biết.

Phần thu hoạch rau muống mới thật kinh hãi: Đối với rau muống khi thu hoạch do không phải nhổ tận gốc nên trước kia sau khi cắt phần thân mang bán, các chủ ruộng thường mang xả nước cho ngập rồi lấy nhớt phế thải tưới lên bề mặt để diệt các loại rầy trắng, rầy vàng.

Khoảng gần chục năm trở lại đây, một số dân buôn đường dài mang nhiều loại thuốc chống rầy từ Trung Quốc về bán nên người trồng rau muống không còn dùng nhớt thải nữa mà sử dụng loại thuốc này. Loại thuốc này mạnh đến mức một lần vô tình để một giọt rơi trúng đĩa cơm nguội cũng đúng lúc con chó nhà anh Minh đang ăn. Sự việc chẳng ai để ý cho tới khi chừng 10 phút sau đó, con chó này lăn quay ra chết.

Ghi nhận của PV Báo CAND, công nghệ làm rau bẩn hiện nay không chỉ xuất hiện ở TP Hồ Chí Minh mà còn tràn ra các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước. Tình trạng thật đáng báo động hơn khi thời gian gần đây, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (PC49) Công an các tỉnh, thành phía Nam liên tục khám phá các cơ sở vi phạm.

Cụ thể trong các ngày từ 9 đến 15-9-2016, các trinh sát Đội 3, PC49 Công an TP Hồ Chí Minh phối hợp với các đơn vị chức năng tiến hành kiểm tra 4 cơ sở chế biến rau muống chẻ trên địa bàn các huyện Củ Chi, Hóc Môn và quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh.

Tại xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi, lực lượng Công an phát hiện cơ sở của các ông N.V.Tâm, N.V.Giang và N.Đ.Tiến (cùng quê ở tỉnh Nam Định) đang ngâm gần 2 tấn rau muống chẻ trong hóa chất tạo màu. Đoàn kiểm tra cũng đã thu giữ can nhựa chứa gần 100 lít hóa chất màu xanh mà theo lời khai của các chủ cơ sở, đây là thuốc nhuộm vải được mua ở chợ Kim Biên.

Nhằm xử lý tận gốc những hành vi vi phạm pháp luật này, ngay từ những tháng cuối năm 2015, các trinh sát Phòng PC49 đã phối hợp với các ngành chức năng thực hiện các biện pháp trinh sát nắm bắt tình hình và đã xử lý đối với hàng chục vụ vi phạm. Việc thâm nhập vào những cơ sở này cũng gặp không ít khó khăn bởi các cánh đồng trồng rau trải rộng trên địa bàn các quận, huyện từ Củ Chi, Hóc Môn, quận 12 cho đến Gò Vấp, Thủ Đức…

Hơn nữa, loại hình chế biến rau muống chẻ thường do các hộ gia đình thực hiện và họ thường khóa trái cửa khu vực chế biến để phi tang tang vật).Do vậy, để có thể thu thập được chứng cứ, các trinh sát thậm chí có lúc phải chui xuống ống cống thu mẫu nước thải của các cơ sở mang đi giám định và đến khi xác định chính xác có sử dụng các loại hóa chất thì mới sử dụng biện pháp mạnh buộc họ phải mở cửa để kiểm tra.

 

Hiện tại, lực lượng Công an và các đơn vị chức năng khác còn phải kiểm tra, kiểm soát nhiều loại thực phẩm khác nên hiện nay loại hình chế biến rau theo kiểu ngâm các loại hóa chất vẫn còn tồn tại chưa thể xử lý hết được. Chỉ có lực lượng Công an và Chi cục VSATTP thì làm không xuể, việc ngăn chặn tình trạng rau, củ quả “bẩn” tràn vào bữa ăn gia đình, thì cần lắm sự phối hợp của ban, ngành, đoàn thể tại các địa phương và nhất là “tai mắt” từ từng người dân địa phương.

Nếu phát hiện các hành vi vi phạm hãy thông báo với các đơn vị Công an gần nhất hoặc Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường Công an TP Hồ Chí Minh và Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm để kịp thời kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật. Mọi thông tin trình báo sẽ được bảo đảm hoàn toàn bí mật.

Nhóm PV
.
.
.