Chuyện về bức thư ngoại giao gửi quốc vương Nhật Bản từ hơn 400 năm trước

Thứ Năm, 17/09/2015, 08:28
Mới đây, con cháu dòng họ Nguyễn Cảnh đã tiếp nhận phiên bản bức thư ngoại giao được viết cách đây hơn 400 năm do vị tổ đời thứ 6 Phúc Nghĩa Hầu Nguyễn Cảnh Đoan viết gửi cho quốc vương nước Nhật Bản.


Những năm gần đây, mỗi quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản luôn được nhiều nước trên thế giới xem trọng là mối quan hệ mẫu mực. Tình cảm mà nhân dân 2 nước Việt-Nhật dành cho nhau có thể nói vượt qua giới hạn không gian, thời gian và những trở ngại khách quan khác.

Có một điều đặc biệt rất ít người biết là cách đây hơn 400 trăm năm, vào năm 1591, vua Lê Thế Tông đã cho người viết thư cho quốc vương Nhật Bản để đặt mối bang giao 2 nước. Mới đây, tại nhà thờ họ Nguyễn Cảnh ở xã Thanh Hưng, huyện Thanh Chương Nghệ An, con cháu dòng họ đã tiếp nhận phiên bản bức thư ngoại giao nói trên giữa Việt Nam và Nhật Bản do vị tổ đời thứ 6 Phúc Nghĩa Hầu Nguyễn Cảnh Đoan viết gửi cho quốc vương nước Nhật Bản.

Trước đó, Bảo tàng quốc gia Kyushu ở thành phố Saifu, tỉnh Fukuoka tuyên bố đã tìm thấy bức thư cổ nhất của Việt Nam gửi đến Nhật Bản đặt mối quan hệ bang giao. Trải qua hơn 400 năm nhưng bức thư còn rất nguyên vẹn, đầu bức thư có tựa đề chỉ tên người viết “An Nam quốc Phó đô đường Phúc Nghĩa Hầu Nguyễn Thư giản”, thời gian ghi trên thư là “Quang Hưng thập tứ niên nhuận tam nguyệt nhị thập nhất nhật” tức là ngày 21/3/1591.

Bức thư có chiều rộng 33,3cm và chiều dài 34,9cm. Danh tính của người gửi thư là Phúc Nghĩa Hầu Nguyễn Cảnh Đoan, con trai thứ 8 của Thái phó Nguyễn Cảnh Hoan, ở Thanh Chương, Nghệ An.

Bức thư cổ từ hơn 400 năm trước được gửi từ Việt Nam đến quốc vương Nhật Bản để đặt mối quan hệ bang giao giữa hai nước.
Phần địa chỉ nơi nhận thư trên bức thư ghi “Nhật Bản quốc quốc vương” nghĩa là “gửi quốc vương Nhật Bản” với nội dung chính của bức thư viết đại ý “Năm ngoái, tôi đã nhờ cậy sứ tiết là ngài Chin Ryo Zan (Trần Lương Sơn) mang các vật phẩm như ngà voi về quý quốc. Năm nay, tiết sứ Ryugen cho biết là không biết ai tên là Chin Ryo Zan nên chúng tôi xin một lần nữa gửi tặng quý quốc các tặng phẩm quý giá này”.

Đồng thời trên bức thư ghi rõ việc muốn đặt mối quan hệ bang giao với Nhật Bản “vãng lai giao tín chi nghĩa”.

Bức thư không đến được tay Quốc vương Nhật Bản lúc bấy giờ, song sau nhiều lần các bức thư không đến đích ấy thì vào năm 1601 sử liệu ngoại giao thời Mạc phủ Edo đã ghi lại bức thư phúc đáp kết tình bang giao của tướng quân Tokugawa gửi nước An Nam.

Theo sử liệu, các bức thư từ nước An Nam gửi đến Nhật Bản hiện trong giai đoạn này được xác định là khoảng 20 bức. Trong số đó, bức thư gửi tướng quân Tokugawa Ieyasu có tựa đề “An Nam quốc nguyên soái thuỵ quốc công thượng thư” (năm 1601) được mô tả trong thư tịch ngoại giao thời Edo là bức thư cổ nhất từ trước đến nay song bức thư này đã bị thất lạc từ lâu.

Vì vậy, bức thư nói trên được cho là bức thư cổ nhất được tìm thấy ở Nhật Bản và có trước bức thư gửi tướng quân Tokugawa tới 10 năm. Nội dung bức thư đã thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của Việt Nam muốn thông thương với Nhật Bản từ hơn 400 năm trước.
Dương Sông Lam
.
.
.